Dưới tán rừng xanh ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) có 19 gia đình thanh niên xung phong năm xưa tình nguyện gắn bó với màu xanh của rừng. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”, các gia đình nơi đây đã và đang nỗ lực hết mình để bảo tồn, hồi sinh và phát triển tài nguyên rừng, góp phần giữ lá phổi xanh cho Thủ đô.
“Làng” thanh niên trồng rừng
Theo chân cán bộ Hội Cựu TNXP thành phố Hà Nội đến xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) thăm “làng” cựu TNXP trồng rừng, mới thấy được thành quả của sự gian lao, vất vả mà gần 40 năm qua họ đã nếm trải để quản lý, gìn giữ, bảo vệ rừng.
Các cựu TNXP thăm cánh rừng mình trồng trong những năm qua.
Trưởng ban liên lạc Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế Thủ đô Trần Văn Tré cho biết: “Năm 1985, Xí nghiệp trồng rừng thanh niên Hà Nội (Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế Thủ đô) thành lập, gồm hơn 400 thanh niên từ các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì… Trong thời gian 5 năm, xí nghiệp có nhiệm vụ phủ xanh 2.000ha đất trống, đồi núi trọc ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Vì. Năm 1989, Xí nghiệp đổi tên thành “Lâm trường thanh niên Hà Nội”. Sau 5 năm công tác, nhiều bạn trẻ sống và làm việc cùng nhau, quá trình đó đã gắn kết họ. Xí nghiệp đã có hàng chục cặp vợ chồng tình nguyện gắn bó với mảnh đất nơi họ góp nhiều công sức. Lãnh đạo xí nghiệp đã tạo điều kiện ủng hộ để xây dựng “làng thanh niên xung phong” tại xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) để các gia đình trẻ được giao đất, giao rừng, tặng gạch xây nhà ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với rừng…”.
Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Tấn và bà Đinh Thị Lan Phương (đều sinh năm 1961) là những đầu tàu của “làng” TNXP trồng rừng ngày đó. Ông Tấn là người xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Tháng 8-1986, học xong Trường Quản lý kinh tế Hà Nội, ông Tấn được Thành đoàn nhận về Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế Thủ đô công tác, trở thành cán bộ cốt cán của Lâm trường thanh niên Hà Nội khi ấy. Cô gái Đinh Thị Lan Phương là cô nuôi dạy trẻ, người dân tộc Mường xã Ba Trại (huyện Ba Vì) xinh đẹp, giỏi giang cũng nghe theo tiếng gọi của Đoàn Thanh niên, xung phong đi trồng rừng từ tháng 5-1985 ở Yên Bài. Ở đây hai người đã gặp nhau và nên duyên năm 1988, gắn bó với “làng” từ bấy đến nay. Gia đình họ đang quản lý 10ha rừng, trong đó nhiều giống cây quý đã có tuổi đời 20 năm.
Chỉ cho chúng tôi thấy cánh rừng keo lai bạt ngàn hơn 4 năm tuổi đang độ lớn của một gia đình trong “làng”, ông Nguyễn Văn Tấn chia sẻ: “Năm 1989, sau khi 19 hộ TNXP được giao đất, giao rừng, thành lập “làng”. Các gia đình TNXP ở “làng” có nhiệm vụ trực tiếp trồng, quản lý và bảo vệ diện tích 236,1ha đất trống đồi núi trọc tại địa bàn 3 xã: Cẩm Lĩnh, Ba Trại, Sơn Đà (huyện Ba Vì) của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội chuyển sang. Mỗi hộ quản lý từ 7-10ha rừng. Nhà trồng bạch đàn, có nhà trồng thông, trồng keo, sao và một số cây bản địa do Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao giống cây rừng thuộc Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp[1] yêu cầu từ thực tế nghiên cứu.
Tiếp lời chồng, bà Phương kể: “Trước kia, đây là quả đồi cây tái sinh, phải đánh gốc, lấp giao thông hào của bộ đội, khó khăn ban đầu không kể xiết. Điều kiện sống khắc nghiệt. Không có nước ăn, không có điện. Ban ngày, chúng tôi đi cuốc hố, gánh phân, trồng cây phát rừng, tối đến nhà nào nấy, vợ cạo sắn, chồng thái sắn để chăn nuôi, tay nứt nẻ hết…”
Từ việc tham gia TNXP trồng rừng từ năm 18 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1967), người xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ) đã gặp chàng thanh niên Ngô Văn Cẩm (sinh năm 1966) người Cẩm Lĩnh cũng đi trồng rừng và cùng nhau xây dựng gia đình, hiện đang nhận chăm sóc 4ha rừng. “Nghe nói đi trồng cây, tôi nghĩ nhẹ nhàng, nhưng lên đến nơi, rừng núi hoang vu, sợ lắm. Chỗ ăn, chỗ ở toàn vách nứa, nhà gianh, ngủ bằng tấm ván ghép vào nhau. Dưới đồng bằng thì chả biết con vắt thế nào, lên đây, vắt nó bò lên chả thiếu chỗ nào, nhiều hôm khóc sưng mắt. Nhưng mà thời thanh niên rất vui, lấy cái vui để vượt qua mọi nỗi khó khăn. Vừa phát đồi, cuốc hố, trồng cây, vừa hát hò từ đồi này sang đồi kia…”, bà Thắm kể.
Cũng như bà Thắm, bà Bùi Thị Thục (sinh năm 1963) là cán bộ Đoàn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), tháng 10-1985, nghe theo tiếng gọi của Thành đoàn đi trồng rừng. Nhớ lại những năm tháng gian khó, bà Thục kể: “Có lần được về phép hai ngày, tôi không muốn đi nữa vì heo hút, xa xôi, khổ sở. Đấu tranh tư tưởng mãi, tôi thấy mình là cán bộ đoàn nên cần phải nêu gương, lại cố gắng”. Vì vậy, bà Thục được giao làm đội trưởng đội sản xuất trồng rừng, được kết nạp đảng tại năm 1990. Lúc đó chưa lấy chồng, nhưng một mình bà Thục vẫn nhận đất trồng rừng, quyết tâm gắn bó với những cánh rừng mình đã ươm trồng.
Trong số 32 thành viên của “làng” từ khi thành lập, hiện nay chỉ còn hai người đang công tác Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao giống cây rừng, cũng là thành viên trẻ nhất làng, đó là chị Hoàng Thị Luyến (sinh năm 1972). Mới 17 tuổi chị Luyến đã ham đi trồng rừng. Khi nhận quyết định, chị Luyến tự sắm một cái cuốc, mang theo một yến gạo, như bao TNXP trồng rừng khác. “Bố mẹ tôi đều là người làm lâm nghiệp. Khi còn nhỏ, hằng ngày theo bố đi kiểm tra rừng, thấy các cô, các chị làm việc vui, nên năm 1990 tôi cũng làm đơn xung phong đi trồng rừng, các bác bảo chưa đủ tuổi nên cứ đuổi về, mãi sau mới đồng ý. Ngày ngày vác cuốc lên đồi, nắm cơm mang theo, trưa ngủ trên cây, làm xong đến tối mới về. Đi gánh cây nặng khoảng 35kg, lên độ cao 700, chai hết vai. Hôm nào gặp lũ suối, ngồi từ sáng đến chiều không về được. Không quyết tâm, không yêu nghề sẽ không làm nổi”.
“Trước đây khó khăn, nguồn sống là củi, không có gì ăn, dân buộc phải phá rừng. Ban đêm, dân đi cưa trộm cây, gánh trộm cả phân. Càng mưa càng rét thì càng phải bò ra canh rừng. Bản thân tôi với ông Phùng Văn Tiến, những năm trước thay phiên nhau nằm đêm ở nghĩa trang để giữ rừng. Nhiều hôm bà Phương nhà tôi bảo, sấm chớp, mưa gió thế ông đi làm gì, nhưng tôi cứ đi, một mình với con chó. Có như vậy giờ mới giữ được cánh rừng bạt ngàn ổn định. Sau đó, tôi phải phối hợp với chính quyền, đi từng gia đình vận động, tuyên truyền, mới đỡ dần… Nhiều năm nay, địa bàn không xảy ra vụ phá rừng nào”, giọng trầm trầm, ông Tấn kể thêm.
Tiếp nối và gắn bó, sẻ chia
Trải qua gần 40 năm gắn bó với nhau, không chỉ cùng nhau trồng rừng, bảo vệ rừng, các gia đình cựu thanh niên xung phong nơi đây còn tương trợ, chia sẻ với nhau những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Bà Phùng Thị Lân (sinh năm 1959) người nhiều tuổi nhất của “làng” nói: “Trước kia, cán bộ, đội viên thương yêu nhau như anh em, cùng ăn cơm tập thể, cùng dậy sớm tập thể dục, leo núi chữa cháy rừng và tăng gia sản xuất… Đến nay, các gia đình ai có việc gì, chúng tôi vẫn xúm vào làm giúp nhau, tình cảm như anh em một nhà. Nhà cô Bùi Thị Thục mới lấy vợ cho con, quê thì xa, nên là chị em trong làng, từ quét dọn, rửa bát, đều làm như việc nhà mình”.
Hiện nay, cơ bản các hộ gia đình TNXP trồng rừng đều có nhà cửa khang trang, kinh tế ổn định. Dù còn công tác hay đã nghỉ hưu, họ đều phát huy tinh thần trách nhiệm của thanh niên xung phong. Ngoài việc tiếp tục quản lý, trồng rừng, về hưu, còn làm chăn nuôi, làm vườn. “Nếu không có sự đoàn kết gắn bó thì không vượt qua nổi khó khăn. Càng khổ chúng tôi càng thương nhau. Nhớ lời căn dặn của Bác Hồ “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”, chúng tôi đều coi rừng như máu thịt. Rừng phải gắn bó với người, còn khỏe chúng tôi tiếp tục trồng rừng”, bà Phương thổ lộ.
Các cựu TNXP đến thăm gia đình ông Phùng Văn Tiến
Nói về các hộ gia đình cựu TNXP trồng rừng, ông Ngô Văn Thông, Trưởng thôn Phú Phong, xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) nhận định: “Nhiều năm qua, các hộ gia đình cựu TNXP đều đoàn kết, gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Không chỉ quản lý, bảo vệ rừng, họ còn góp sức xây dựng thôn phát triển”.
Chia tay chúng tôi, đi dọc cánh rừng ngát xanh, ông Tấn khoe rất tự hào: “Diện tích vườn rừng từ ban đầu giao cho 19 gia đình như thế nào, đến nay 236,1ha rừng vẫn nguyên vẹn, không hề mất mát. Thành quả của lực lượng TNXP trồng rừng là như vậy. Không những thế, hiện có tất cả 3 người con của các gia đình theo nghề cha mẹ, đang làm việc tại trung tâm nơi chúng tôi từng công tác. Nhà tôi cũng có cháu gái theo cha mẹ làm lâm nghiệp”.
Mùa xuân đang về, mùa của vạn vật sinh sôi, đâm trồi nảy lộc. Cánh rừng Ba Vì cũng sắp khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống. Dưới tán rừng trải dài, những mầm xanh mới đang được các gia đình cựu TNXP nâng niu chăm sóc, bởi họ đều chung mong muốn bảo vệ rừng, giữ lá phổi xanh để cân bằng môi trường sinh thái, giúp Thủ đô thêm xanh, thêm trong lành.
Dương Linh
[1] Trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.