Cô gái sông Lam

Đăng lúc: 16-09-2017 10:17 Chiều - Đã xem: 147 lượt xem In bài viết

Hai mươi hai tuổi, Hồ Thị Thu Hiền đã là một đảng ủy viên, một Bí thư Đoàn xã xuất sắc. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Hiền đã rời đồng lúa Hưng Nguyên (Nghệ An) tình nguyện đi TNXP. Đứng trước hàng quân trẻ, khỏe, được lựa chọn từ 14 huyện, thị, đồng chí Võ Thúc Đồng (Bí thư Tỉnh ủy) nắm chặt tay Hồ Thị Thu Hiền Đại đội trưởng Đại đội 202 N241 P31 dặn dò:… “Chiến dịch Đường 9 Nam Lào đã mở. Trong ấy, bom đạn ác liệt! Là TNXP các bạn phải vượt qua tất cả để phục vụ tốt chiến dịch, xứng đáng con cháu của Bác Hồ, của Xô viết Nghệ Tĩnh chúng ta…“.

Hồ Thị Thu Hiền – Đại đội trưởng đại đội 202 TNXP Nghệ An – khi tham gia làm đường giao thông
ở Quảng Bình – Quảng Trị

Đáp lời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Hiền đứng nghiêm trước hàng quân, dõng dạc:

– Toàn đại đội, nghiêm!…

Đoàn người trẻ, khỏe ấy giơ thẳng cánh tay, đồng loạt hô lớn:

– Chúng tôi xin hứa!

Và bài hát phổ lời dạy của Bác vang lên:

… Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên…

Tất cả hát khúc quân hành, lời ca vang lên trên quê hương sông Lam núi Hồng.

Thân hình mảnh dẻ nhưng ý chí đánh giặc của Hiền thì sắt đá. Những đêm hành quân, trước giờ ra trận, đêm tối chị cắt từng mảnh giấy nhỏ dán sau lưng từng đội viên để người sau bám người đi trước, giữ vững đội hình. Mưa nguồn đổ về, nước lên nhanh, Hiền chặt cây và dây leo, lội trước qua suối để đồng đội bám vào dây của Hiền đi cứu đường. Rồi những đêm mưa tầm tã, chị đánh kẻng báo động… cả đơn vị đứng làm cọc tiêu cho các đoàn xe vượt ngầm ra trận. Có lần, đơn vị bị địch bao vây dưới chân núi Tà Cơn, mặc dù bị thương, Hiền vẫn lết đôi chân còn rỉ máu, đến từng căn hầm, chia từng ngụm nước cho đồng đội qua cơn khát, mong sao thoát khỏi vòng vây của giặc để tiếp tục làm nhiệm vụ.

Nhiệm vụ chính của Đại đội 202: Phục vụ chiến trường Đường 9 – Nam Lào, do Hồ Thị Thu Hiền chỉ huy là phải vận chuyển lương thực, đạn dược vào hậu cứ. Và từ hậu cứ chuyển tải thương binh của Sư đoàn 308 về tuyến sau. Công tác chuyển thương binh phải an toàn tuyệt đối, đó là mệnh lệnh của cấp trên.

Khi hành quân, mỗi đội viên phải cuốc bộ 30 km đường núi để gùi hàng vào hậu cứ. Gian khổ nhất là lúc trở ra, các đội viên phải cáng thương binh đi trên con đường mà bọn giặc đã rải mìn và bom nổ chậm chi chít. Việc làm nguy hiểm ngoài kế hoạch hành quân, nhưng phải vượt qua. Khi cận kề cái chết, cả hai lần Hiền là người đầu tiên tình nguyện đi phá bom. Nhìn tấm gương của Hiền biết là nguy hiểm nhưng nhiều anh chị em cũng xung phong. Trước giờ vào bãi mìn, phá bom nổ chậm, cả hai lần tình nguyện ấy, đơn vị đã tổ chức lễ truy điệu sống cho đội cảm tử và người đại đội trưởng gan dạ.

Lần thứ ba, Đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền cùng tám đội viên ở trong đội cảm tử: Khầm, Tuấn, Thạch, Mẫn, Nguyễn Thị Tân, Hồ Thị Hợi, Đặng Thị Mai, Nguyễn Thị Trường đã sẵn sàng, Hiền hô: Tất cả đứng nghiêm!

Ai nấy mắt nhìn thẳng. Tay phải của họ đặt lên ngực, nơi trái tim đang đập rộn ràng.

Chào cờ! Hát xong bài Quốc ca, đội cảm tử đồng thanh: …”Chúng tôi quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh…!”

Biết chuyện đi phá bom lần thứ ba này rất nguy hiểm, cả đại đội không ai bảo ai cùng ào lên ôm chầm lấy Hiền và đội cảm tử nói vội qua dòng nước mắt: “… Chào chị Hiền! Chào các bạn, chúng tôi tự hào về các đồng chí…!”. Nói rồi, mọi người nén xúc động tản ra chờ mệnh lệnh của Đại đội trưởng. Đơn vị lại làm lễ “truy điệu sống” cho Hồ Thị Thu Hiền và đội cảm tử trước khi vào trận.

Tuy đã được đội công binh của Huyện đội chỉ dẫn nhưng đêm ấy Hiền và cả đội cảm tử, mò mẫm hơn sáu giờ đồng hồ mới xác định được những nơi có bom nổ chậm, nó đang nằm lì ở những góc ta luy sụt lở.

Xác định xong địa điểm, Hiền hướng dẫn cho đội viên cảm tử mở kíp nổ, tháo ngòi phát hỏa… Đôi bàn tay của người đại đội trưởng dũng cảm ấy, rất nhẹ nhàng gỡ từng đoạn dây đang quấn chằng chịt những quả bom. Rà gỡ đến đâu, đội cảm tử cắm cờ đỏ đến đó. Hoàn thành mọi việc, Đại đội trưởng phất cờ báo hiệu và nói lớn “…Đường đã an toàn!”.

Cả đại đội, cuốc xẻng trong tay… lao lên mặt đường lao động khẩn trương. Và lúc ấy kim đồng hồ chỉ đến con số ba giờ sáng, đoàn xe chở đầy vũ khí đạn dược, từ bờ bắc lại nổ máy ùn ùn đưa hàng ra mặt trận.

Kết thúc chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, Đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Hiền được Bộ Tư lệnh B70 cử đi báo cáo thành tích tại Hội nghị tổng kết chiến dịch, tổ chức ngay trên đường Trường Sơn.

Ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất Nam Bắc một nhà. Ngày đó cũng là ngày chiến sĩ TNXP, Đại đội trưởng đơn vị 202, thương binh hạng 3/4 Hồ Thị Thu Hiền đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về quê nhà, thành phố Vinh. Chị lại được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Nghệ An và trúng cử ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (khóa III).

Cũng do đam mê, công tác xã hội, mãi tới 29 tuổi, Hồ Thị Thu Hiền mới xây dựng gia đình. Chồng của chị cũng là lính Trường Sơn vừa xuất ngũ: Hoàng Văn Cự. Anh chị sinh được ba người con: hai trai, một gái. Nuôi ba con ăn học, với đồng lương ít ỏi ở thời bao cấp, quả là vất vả. Sự nhọc nhằn ấy lại quàng lên vai người mẹ đã một thời sống chết với bom đạn ngoài mặt trận; cơ thể mang nhiều thương tích, giờ chị phải đứng vững trên mặt trận không tiếng súng.

Ngày ngày, tháng tháng, ngoài thời gian làm việc ở công sở, nuôi lợn, băm bèo nấu cám, trồng rau, Hiền còn đi bóc lạc thuê kiếm thêm tiền để có con cá bát cơm khi chồng, con đói lòng. Đến bữa, chị ngồi bên ngoài xới cơm cho chồng, cho con, còn khoai lang để dành cho mình (khoai lang cắt lát nhỏ, phơi khô, nấu lẫn với gạo). Thương mẹ lam lũ để nuôi con ăn học, con trai đầu Hoàng Nghĩa Vinh rủ rỉ: “… Mẹ ơi! Con đã thi hai lần, mà chưa với tới cửa trường đại học. Năm nay mẹ cho con nghỉ, để con lao động giúp mẹ…“. Chị vuốt mái tóc con nhẹ nhàng nói: “Không thi đại học, thì năm nay con thi trung cấp. Con gắng học thêm, học cho cả mẹ và cả bố con ạ“. Nghe lời mẹ, Vinh chăm chỉ học. Năm ấy, Vinh đã đỗ vào trường trung cấp tài chính. Sau ba năm, Vinh trở thành cán bộ Nhà nước. Lĩnh tháng lương đầu tiên, Vinh đưa tất cả cho mẹ để mua thuốc chữa bệnh cho bố.

Một thời gian sau, Vinh xin phép gia đình, cùng các bạn đi xuất khẩu lao động. Ngày lên đường đến đất nước Ba Lan, Hiền dặn dò con trai “… Con đã khôn lớn, đủ tư cách để quyết định cuộc sống riêng của mình. Mẹ chỉ mong con: Dù đi đâu? Làm gì? con luôn nhớ mình là người Việt Nam, là con cháu của Bác Hồ, của quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh... “.

Nhắc đến các con, Hiền luôn rất tự hào. Cậu con trai thứ hai Hoàng Nghĩa Quang học giỏi, thông minh, tính nết nhẹ nhàng, giống như cô em gái. Hôm nhận bằng tốt nghiệp đại học quân sự, Quang mặc bộ quân phục mới tinh chạy ngay về nhà. Ngắm con trai, chị thấy Quang giống anh hồi xưa quá, như ngày anh đi nhập ngũ năm nào. Quang quàng cả hai tay trên đôi vai gầy của mẹ hồ hởi: “Ngày mai con lên đường tới đơn vị nhận công tác, xa mẹ con luôn nhớ lời mẹ dạy “Dù khó khăn đến mấy con cũng quyết tâm làm tốt nhiệm vụ xứng đáng danh hiệu “Anh bộ đội Cụ Hồ“. Mẹ hãy tin lời hứa của con...”. Cô con gái út Hà Thị Mỹ Hạnh cũng đã được nhận tấm bằng đại học loại ưu. Các con đã trưởng thành, rời vòng tay của chị để sải bước về phía trước.

Cuộc sống gian nan, thử thách đang đón chờ chúng nhưng chị tin chúng sẽ thực sự trưởng thành nếu tự bước trên đôi chân của mình./.

Bích Hiền

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015