Ảnh internet
Tôi hạnh phúc, đi trên đường Hạnh Phúc[1]
Con đường rộng dài trên đất Hà Giang
Con đường ước mơ của người dân xứ sở
Tôi bâng khuâng và không khỏi ngỡ ngàng
Con đường dài bề thế thênh thang
Lại có tên là đường Hạnh Phúc?
“Đường thảm đỏ” nơi địa đầu Tổ Quốc
Đang đón chào, các doanh nghiệp đặt chân lên
Đường Hạnh Phúc – ai đã đặt tên?
Tôi đi trên đường, đắm say đất trời Tổ Quốc
Đẹp biết bao, cao nguyên đá Đồng Văn lũy thép
Tua tủa ngời ngời, sắc nhọn như chông!
Đẹp biết bao, dòng sông Nho Quế
Nước xanh trong thơ mộng đến nao lòng
Đẹp biết bao, hồn thiêng Lũng Cú
Cờ đỏ tung bay, đang vẫy gọi non sông
Ảnh internet
Đẹp biết bao núi đôi thương nhớ
“ Cặp vú” nàng tiên[2] để lại cho đời
Đẹp biết bao, Mã Pì Lèng tung vó ngựa
Cho ai cưỡi lên phi dạo đến khắp nơi…
Đi trên đường hạnh phúc, ngắm cảnh đang vui
Tôi bỗng nhớ tới người đi mở lối!
Hàng nghìn thanh niên, tuổi xuân phơi phới
Làm nên con đường này , từ năm tháng đã xa
Đường Hạnh Phúc, hơn sáu chục năm qua
Đã đem lại cho người dân Hà Giang, ấm no, hạnh phúc
Có niềm vui nào vui hơn bằng đồng bào dân tộc
Có con đường thênh thang, nơi xứ sở để đi.
Xúc động biết bao nghe tiếng vọng thầm thì
Hồn người thanh niên,nằm bên đường Hạnh Phúc
Nói với các bạn mình: “Ai nhớ đến tôi – là tôi hạnh phúc
Dẫu làm đường này, nhưng chưa được đi lên[3]”!
Nguyễn Hồng Quang
Tổ dân phố Kim Tỉnh, phường Trung Thành, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên
[1] Con đường Hạnh Phúc Hà Giang có tổng chiều dài khoảng 164 km chạy qua cao nguyên đá Đồng Văn và đỉnh đèo Mã Pí Lèng đến Mèo Vạc được khởi công xây dựng vào tháng 9/1959 với sự tham gia của lực lượng TNXP 8 tỉnh: Cao Bằng – Lạng Sơn – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Tuyên Quang – Hà Giang – Nam Định – Hải Dương, sau 4 năm mới hoàn thành.
[2] Núi đôi Cô Tiên hay còn được gọi là núi đôi Quản Bạ gồm có hai ngọn núi nằm liền kề nhau tại thung lũng Quản Bạ, tại thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, cách trung tâm thành phố Hà Giang gần 50km về phía Bắc.
[3] Lời của một thanh niên xung phong Lạng Sơn tham gia làm đường Hạnh Phúc năm 1959 trước lúc qua đời.