(Trích Trường ca của Trịnh Ngọc Dự)
Ảnh internet
KHÚC III:
Khúc tráng ca đồi Cha Quang
Chúng tôi đến đây
Tiếng hô còn vang trên vách đá
“Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”
Lời anh hùng Nguyễn Viết Xuân!
Có cái chết vẫn chỉ hướng cho đồng đội bắn vào đầu giặc Mỹ
Có cái chết mang niềm tin chiến thắng
Nguyễn Viết Xuân thành tên Đại đội pháo anh hùng
Khe Ve đường 12A
nơi địa đầu
con đường đưa ta qua đất bạn
trục đường ngang độc đạo đến lúc này
con đường, lần đầu Mỹ ném bom miền Bắc
con đường đưa đoàn xe đi như dòng sông đổ vào
chiến trường
con đường chúng dùng B.52 rải thảm
đánh vào miền Bắc tự do!
Những trọng điểm: Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh,
Cha Lo, Cổng trời…
nơi Công trường 12, Đội Thanh niên xung phong 75,
Binh Trạm 12 chốt giữ.
Khe Ve!
ngã ba đường tiếp vận
qua đồi núi điệp trùng trực chỉ miền Tây
đồi đất đỏ dốc cao vực thẳm.
Các bạn có đến đây!
nơi chúng tôi những người con Tuyên Hóa
giữ con đường cửa ngỏ Quảng Bình
bốn bảy ngày đêm trên cung đường này
bốn bảy ngày đêm là trận chiến
cơm và vội giữa hai loạt bom
áo không kịp thay, xẻng cuốc bên mình
khói đen đặc, khói vàng, khói trắng
tiếng bom gần thình thịch trên lưng
Mỗi lần lên đường, một lần truy điệu sống
Có nơi đâu con người được dự truy điệu mình?
Có ai đến đây,
xin đừng ngạc nhiên tên đồi “Ba Bảy”
cái đêm mồng 3 tháng 7 năm một chín sáu sáu
đồi Cha Quang[1]!
sau một ngày quần với lũ giặc trời
trăng dát bạc triền đồi trước mặt
dưới thung sâu mờ đẫm hơi sương
phải tranh thủ cho đoàn xe vận chuyển
không để phút giây chậm trễ tới chiến trường
phải xả thêm mái đường đủ rộng
vai kề vai kéo đất san nền
có tiếng cười vui, ai ngân nga câu hát…
Bỗng đất trười đổ sụp
từng loạt bom rung chuyển đồi Cha Quang
cả dãy đồi bao lần chúng đánh
ụp xuống đại đội làm đường
cuốc xẻng vùi sâu trong đất
khói chưa tan, đất trời mù mịt
không còn nghe tiếng người
trăng rỏ máu xuống mặt đường
moi được Đoàn Văn Hào,
Nguyễn Thị Sâm còn thoi thóp…
Chúng tôi cào đất lên
mười ngón tay bật máu
Thường ơi, Châu ơi, Hiếu ơi!
các bạn nằm đâu?
chỉ nghe o o tiếng đất cựa mình
máu rỉ từ trong lòng đất
phải cấp cứu người bị thương,
phải hồi sinh người bị sức ép
Nhưng làm sao đây! đoàn xe đang chờ
máy bay chúng có thể còn trở lại
dưới đất sâu bạn mình nói gì?
(Thôi đừng phân vân nữa
các bạn hãy san đường cho đoàn xe lên!)
Dưới vệt xe có bạn chúng tôi nằm
người đã chết thêm một lần chết nữa
người sống không đành, xin tha thứ bạn bè ơi!
Chúng tôi cắn răng, từng chiếc xe rú ga vượt đèo
đêm trở về, bảy đồng đội tôi nằm lại
không ma chay, không mảnh ván che thân
đất vuốt mắt con trai con gái
ai đứng ai nằm trong lòng đất chơi vơi…
Đêm trở về không thể nào chợp mắt
để bạn nằm lại sao?
tiếng còi xe giật thót
nỗi đau nhói đau thêm…
Mấy ngày sau chúng tôi tìm thấy bạn
bảy thi thể đào lên từ dưới đất sâu
Khuyến còn nguyên tay choòng đục đá
Châu còn nắm chặt dây cào…
đất dồn lại quanh các anh các chị
như ngày nào vẫn quấn quýt bên nhau
đặt đồng đội nằm trong hậu sự
Thôi các anh nằm lại nơi này
Hẹn một ngày chúng tôi trở lại!
Còn Trường nữa, biết bao giờ tìm được!
có linh thiêng chỉ chỗ anh nằm
Chiếc đèn pin và bi đông nước
Anh vẫn dành cho công việc dài lâu…
Trịnh Ngọc Dự
(còn tiếp)
[1] Đồi Cha Quang (Km 21, đường 12A) địa thế hiểm trở. Máy bay Mỹ đánh phá suốt 47 ngày đêm. Trận bom ác liệt 22 giờ ngày 3/7/1966 vùi lấp vùi lấp cả đơn vị C759 đang bám trụ mặt đường. Ngoài số 11 chiến sỹ CII công binh hy sinh và hơn 50 chiến sỹ C759 bị thương được đưa đi cấp cứu đưa ra khỏi hiện trường, còn lại 8 thi thể TNXP đang nằm trong lòng khối đất đá đổ sập đó mà chưa thể lấy ra được. 45 ngày mới tìm thấy xác. Sau sự kiện lịch sử này, C759 đã lấy ngày mồng ba tháng bảy để gọi tên cho ngọn đồi nơi các anh chị ngã xuống, đồi Cha Quang có tên gọi mới là “Đồi Ba Bảy”. Năm năm sau: năm 1971, khi xe ủi dốc làm đường tìm thấy hài cốt liệt sĩ thứ 8 Trần Xuân Trường, bên cạnh chiếc đèn pin và bi đông nước khắc tên anh. Ngày 7-5-2009, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du Lịch ra quyết định số 1732/QĐ- BVHTTDL xếp hạng đồi Cha Quang là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đầu tư 1,4 tỷ đồng xây nhà bia tưởng niệm để ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ.