(Trích Trường ca của Trịnh Ngọc Dự)
Ảnh internet
KHÚC V: Mọi con đường đều hướng tới tiền phương
Em có đi cùng anh tới cuối con đường
Con đường, nhịp cầu anh làm gối
Nơi ngày đêm bom Mỹ giội
Con đường em đau, chảy máu nhịp cầu anh
Chúng ta đi dọc đường chiến tranh
Nơi gặp gỡ giữa Trường Sơn lửa khói
Nơi gió Lào ràn rạt ngàn câu hỏi
Con đường, nhịp cầu và những dòng sông…
Anh đã qua sông Mã, sông Hồng
Da diết nhớ những mùa hè phượng đỏ
Mùi hoa sữa ngọt ngào đầu phố
Chẳng yên lòng khi Tổ Quốc gọi tên!
Những trụ cầu anh xây, đường ngầm anh lát
Khoác ngụy trang như người lính lên đường
Bốn giây cáp loi thoi che mắt giặc
Khi đêm về từng mảnh ván lao sang
Khi đêm về dỡ bỏ lá ngụy trang
Những đoàn xe lại rùng rùng ra trận
Con đường em nối hai đầu trận đánh
Xuyên rừng già, đồi trọc, thung sâu…
Qua ngã ba Áng Sơn em về đâu?
Giữa trùng điệp núi đồi nghe câu hát:
“Chưa đi chưa biết Đường Mười
Đi rồi mới biết sức người sức ta!”
Qua Đường Mười tới ngã ba Dân Chủ,
Nhưng rẽ đây: đường Mười Tám[1] trập trùng
Từng chênh vênh trên đồi cao gió hú
Xe bây giờ lăn bánh giữa lòng sông
Mùa suối cạn dập dờn bướm trắng
Bướm đổ về họp chợ nơi nơi
Đi đánh Mỹ thiên nhiên cùng vào trận
Cây bên đường đứng thẳng đỡ bom rơi
Qua Thạch Bàn ngược đường Mười Sáu
Ai từng qua Dốc Khỉ, Làng Ho…
Bốn ngàn xe đạp thồ Thanh Hóa
Từ Điện Biên không nghỉ đến bây giờ!
Những con đường sẽ gặp nhau qua Sê Pôn, Đường Chín
Mọi con đường đều dẫn tới tiền phương
Bao đôi lứa tình yêu không hẹn
Lại gặp nhau rạng rỡ phía con đường
Ta mở trục đường ngang đường dọc
Thành trận đồ che mắt lũ giặc trời
Xe cùng trăng đêm đêm vào chiến dịch
Người hành quân dưới ngàn ánh sao rơi
Con đường em nâng bàn chân người bước
Nhịp cầu anh đỡ bao bánh xe qua
Ta hạnh phúc là người ra trận
Trong chiến công có giọt mồ hôi ta!
Trịnh Ngọc Dự
(còn nữa)
[1] Đường 18 ở phía Tây Quảng Bình, nối đường 10 xuyên qua đất bạn Lào. Ở đoạn đầu tuyến có khoảng chục cây số xe đi trên lòng suối cạn, hai bên cây rừng ngụy trang rất an toàn.