Ảnh internet
(Trích Trường ca của Trịnh Ngọc Dự)
KHÚC VI: Khúc tưởng niệm Hang Tám Cô
1.
Cuộc chiến đấu mỗi ngày thêm ác liệt
B.52 rải thảm dọc hành lang
Tiếng tăng rền trong mưa đứt quãng
Đêm nay đoàn xe vượt phà B chỉ còn ba chiếc,
ngụy trang chờ bên đường…
Lán trại không thể vào sâu
Chúng tôi dọc con đường mà bám
Chiều nay như mọi chiều khác
Khi con ngọc trai lên ăn đường chân trời
Những vệt khói B.52 từ phía ấy
Kẻng báo động liên hồi
Tiếng bom rền đợt thứ nhất
Đất đá rung như trận cuồng phong
Con đường oằn mình chống đỡ…
Loạt bom thứ ba như bão lửa
ầm ập sau lưng…
Ngọn núi Chiềng bỗng bần bật rung lên[1]
Rừng cây đổ, đá tuôn trắng lối
Chúng tôi không phải tám cô mà bốn trai bốn gái
Cùng đi một ngày, cùng về một đêm
hang đá sập, ánh ngày không còn nữa!
Tiếng ai gọi cơn ho sặc sụa
bụi đá bay trong cổ họng mỗi người
phút giây này chúng tôi nhận ra nhau
quờ bàn tay nhận ra khuôn mặt
gọi tên nhau nhận ra nước mắt
đồng thanh gọi: “Mẹ ơi?”
Mẹ ở đâu miền biển Xứ Thanh!
con gọi mẹ khi sướng vui lúc tột cùng tuyệt vọng
sóng vỗ phương nào lúc từ mẹ ta ra!
Gió thổi phương nào đẩy thuyền lưới cùng cha
đồng ngập mặn…còn củ khoai, con cá
Ngày lên đường mẹ tiễn ta đầu ngõ:
“Ba năm về lấy chồng nhé con!”…
Chúng tôi gọi không ai trả lời
Mong nhắn một câu cùng đồng đội
Tiếng gọi đi, tiếng khều khào dội lại
Bước chân bè bạn đã xa?…
Miệng khát khô, bụng nhớ bữa thèm ăn
ước kẽ đá một làn gió mát
hết khóc, hết cười, thôi la hét
sức tàn lực kiệt… còn đâu!
Bây giờ là ngày?
Bây giờ là đêm?
Anh cả nhớ con lết ra cửa hang
hang bịt kín bốn bề đâu là cửa
đêm miên man cạn dần hơi thở
người ôm nhau
cánh tay lả dần…
Ngoài kia
chúng tôi chỉ kịp nhìn
lúc con đường oằn mình chống đỡ…
đói và khát lắm rồi…lại những loạt B.52
các anh bộ đội pháo còn đâu đó[2]…
Chúng tôi ra đi,
như các anh các chị đồi Cha Quang
như tiểu đội chị Tần, ngã ba Đồng Lộc[3]…
cơn mê chập chờn, chẳng kịp chờ nhau
tất cả chìm trong đêm tối…
2.
Anh ở Khương Hà,
mười cây số đường chim bay
mà đi bốn mươi năm
mới đến chỗ các em nằm
Đồng đội cầm trên tay nén hương
khói vòng nức nở
trong tiếng lá rừng có tiếng “Mẹ ơi!”
Tám nải chuối trên buồng chuối
Tám tiếng tắc kè trưa đường Hai Mươi
Có phải tiếng các em đùa vui bên suối
Có phải tiếng các em gọi nhau ra mặt đường
Hang đá lạnh là ngôi nhà ta
Thân cây ghép làm giường em ngủ.
Ngày ngày
người tấp nập về Phong Nha Kẻ Bàng
qua ngôi đền các em
dâng trái chín, hoa tươi và lời cầu nguyện
còn bao đồng đội ta đã ngã dọc con đường?
Trịnh Ngọc Dự
(còn nữa)
[1] Hang núi Chiềng còn gọi là hang Tám Cô: Km 16 đường Hai Mươi Quyết Thắng, chiều ngày 14/11/1972, B.52 rải thảm làm khối đá hàng trăm tấn sập xuống bịt kín cửa hang, trong đó có 8 TNXP thuộc Đại đội C.217, đội TNXP 25, Ban XD67, quê huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, gồm 4 nam, bốn nữ, người lớn tuổi nhất là anh Nguyễn Mậu Kỷ sinh năm 1947 có vợ và con gái 6 tháng tuổi, còn lại đang ở tuổi mười chín, đôi mươi.
[2]Tháng 3/1996 lực lượng công binh phải dùng thuốc nổ, đào bới suốt 59 ngày, phát hiện ngoài cửa hang 5 bộ hài cốt được xác định là hài cốt các liệt sĩ binh chủng pháo binh. Trong hang các bộ hài cốt trong tư thế chụm lại nhau. Tất cả 13 liệt sĩ được cải táng về nghĩa trang Thọ Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
[3] 10 cô gái của tiểu đội TNXP Võ Thị Tần trúng bom hi sinh ngày 24/7/1968 tại ngã ba Đồng Lộc (giao điểm Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2 Hà Tĩnh).