Công tác xã hội tốt, làm kinh tế cũng tài

Đăng lúc: 14-10-2019 11:21 Sáng - Đã xem: 52 lượt xem In bài viết

Đó là, đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, sinh năm 1948, tại xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; là cựu TNXP thuộc đơn vị C3231; nay là: Ủy viên BCH Hội Cựu TNXP tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hạ Hòa.

Trong thời gian tham gia TNXP đồng chí được phân công làm tiểu đội trưởng, với nhiệm vụ mở tuyến, làm đường, san lấp hố bom, đảm bảo giao thông cho những đoàn xe tiếp nhận viện trợ của các nước XHCN từ Hà Giang – Tuyên Quang; Lao Cai – Yên Bái qua Phú Thọ – Vĩnh Phúc vào các chiến trường. Tiểu đội đồng chí còn được giao nhiệm vụ rà phá bom từ trường trên tuyến đường bộ, đường sông; tham gia bắc cầu phao qua sông Lô khi cầu Việt Trì bị máy bay Mỹ đánh sập. Tiểu đội do đồng chí phụ trách luôn là tiểu đội đẫn đầu đơn vị, được các báo Trung ương, địa phương lúc bấy giờ đăng nhiều bài ca ngợi.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ TNXP, đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa về công tác tại Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Hạ Hòa. Được giao làm Trưởng phòng, phát huy truyền thống TNXP, đồng chí tận tâm với công việc, đi sâu đi sát tiếp xúc với các thương binh, thân nhân liệt sỹ, các đối tượng mất sức, hưu trí, người tham gia kháng chiến, người tàn tật, người cô đơn, trẻ mồ côi, trong đó có các đồng đội TNXP, vận dụng các chính sách hiện hành để giải quyết chế độ thấu tình, đạt lý.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là sau khi nghỉ hưu, đồng chí luôn trăn trở làm sao bứt phá, vượt cảnh kinh tế thiếu thốn, khó khăn; tiến tới làm giàu một cách chính đáng, xứng với danh hiệu đảng viên, danh hiệu TNXP, làm theo lời Bác dạy: Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên.

Đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa đang chăm sóc vườn cây ăn quả

Nhận thấy quỹ đất đồi rừng do địa phương quản lý còn nhiều, lao động nông nghiệp còn thiếu việc làm. Cái khó của họ là tiền vốn và tổ chức sản xuất thế nào để có hiệu quả. Sau khi nghiên cứu kỹ các điều kiện canh tác, thuê lao động và huy động nguồn vốn, đồng chí đã làm dự án xin nhận 10 ha đất rừng làm trang trại. Những năm đầu, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, cùng với việc trồng cây lấy gỗ nguyên liệu, đồng chí nuôi 20 đàn ong lấy mật, trên 100 con gà; đào 1000 m2 ao nuôi cá, trồng 100 cây cam, 70 cây bưởi, 100 gốc thanh long. Diện tích còn lại, đồng chí cho trồng cây lấy gỗ nguyên liệu. Như vậy, ngay từ những năm đầu, trừ chi phí, mỗi năm gia đình đồng chí thu nhập trên dưới 50 triệu đồng. Sau mỗi chu kỳ từ 6 đến 8 năm, khai thác gỗ nguyên liệu, trừ chi phí, mỗi ha đồi rừng thu được trên 50 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm gia đình thu được 120 triệu đồng 

Khi đã tạo được nguồn vốn ban đấu, năm 2012, đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa thành lập Công ty May mặc xuất khẩu, liên kết với Công ty May mặc Phú Thọ ký kết hợp đồng với Tổng Công ty May mặc Hàn Quốc. Công ty của đồng chí có quy mô nhà xưởng 1.700m2 gồm xưởng sản xuất, nhà kho, nhà ăn, và các công trình phụ trợ khác; vốn đầu tư ban đầu khoảng 10 tỷ đồng; thường xuyên có trên 70 lao động làm việc, với mức lương 3 – 4 triệu đồng/ người/ tháng. Doanh thu của công ty mỗi năm trên dưới 3 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước trên 200 triệu đồng/năm; trừ chi phí, còn lợi nhuận xấp xỉ 300 triệu đồng.

          Cách làm của đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa ngoài ý nghĩa kinh tế còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, đã tạo ra tư duy, cách làm và phong trào làm kinh tế cho nhân dân địa phương; đã tạo việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định cho số con em trong địa phương, chủ yếu là các gia đình nông nghiệp, nhờ đó đã góp phần vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa kiểm tra, hướng dẫn công nhân xưởng may

Cùng với sản xuất kinh doanh, đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa còn tích cực, tận tâm với công tác xã hội. Từ năm 2009 đến nay, là Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận khu dân cư, đại biểu HĐND thị trấn, đồng chí cùng Ban Chi ủy xây dựng Nhà văn hóa trị giá trên 800 triệu đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa – riêng gia đình đồng chí ủng hộ 25 triệu đồng; xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh toàn diện, khu văn hóa tiêu biểu dẫn đầu thị trấn. Từ năm 2016, được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hạ Hòa, đồng chí cùng tập thể thành lập 31 hội cấp cơ sở, thu hút trên 95% Cựu TNXP trên địa bàn tham gia; vận động các nguồn kinh phí hỗ trợ cho Chủ tịch hội các xã hoạt động số tiền là 29 triệu đồng; tặng 27 hội viên khó khăn 27 triệu đồng và 15 chăn ấm tình thương. Mỗi năm gia đình đồng chí ủng hộ 10 triệu đồng chi cho các hoạt động thường xuyên của Hội.

Với những thành tích trong công tác và phát triển kinh tế, đồng chí Ngyễn Duy Nghĩa được Trung ương Hội tặng Bằng khen và Huy hiệu Cựu TNXP làm theo lời Bác dạy; Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Thọ tặng Giấy khen về thành tích dân vận khéo.

 

                                                                  NGUYỄN XUÂN SẬU   

                                                              Hội Cựu TNXP tỉnh Phú Thọ