Cuộc hành trình đưa đồng đội về đài Tổ quốc ghi công

Đăng lúc: 09-11-2020 10:45 Sáng - Đã xem: 82 lượt xem In bài viết

Một trong những kết quả vượt qua nỗi đau tâm linh, không thể nào quên trong cuộc đời hoạt động của tôi là cuộc hành trình dài nhiều năm để 5 đồng đội hy sinh được công nhận liệt sỹ, phần mộ của các anh sẽ được đưa về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà, có người thân hương khói.

… Hơn 10 năm hoạt động trên chiến trường miền Nam, sau ngày Tổ quốc thống nhất tôi mới trở lại miền Bắc. Ngay ngày đầu tiên gặp lại vợ con, tôi nhận được một tin đau thấu tận tim gan về 5 đồng đội, đồng hương hy sinh, chôn cất bên bờ sông Kỳ Cùng, bị phía Trung Quốc nắn dòng làm xói lở, có nguy cơ bị nước cuốn trôi. Bắt đầu từ hôm đó, đêm đêm trong giấc mơ chập chờn, đầu óc tôi như đang xem lại cuốn phim quay cảnh đồng đội anh dũng hy sinh đã 30 năm trời, nay vong hồn vẫn chưa được siêu thoát.

Toàn cảnh khu mộ 5 liệt sỹ (Ảnh: Đồng Sỹ Tiến, chụp tháng 5/2015) 

Cũng từ ngày đó, tôi luôn quặn lòng khi nghĩ đến 5 đồng đội trong số 2.000 TNXP Khu 5, cuối năm 1954 sau khi hoàn thành phục vụ chiến dịch Bắc Tây Nguyên, tập kết ra Bắc để điều trị, an dưỡng, học tập, công tác. Thực hiện chủ trương của Đảng: Khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế; xây dựng miền Bắc vững mạnh làm hậu thuẫn cho đồng bào miền Nam đấu tranh đòi Mỹ – Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ, thực hiện tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, tất cả chúng tôi xông ra các mặt trận mới. Trong đó, nhiều đồng chí trên người còn mang nặng di hại của chiến tranh, vẫn tự nguyện gác lại việc vào trại an dưỡng để xung phong đi khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan nhằm cấp tốc nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa, kịp thời tiếp nhận các nguồn viện trợ chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, mùa đông năm 1954 trên vùng núi Chi Lăng – Đồng Đăng (Lạng Sơn), nhiệt độ có lúc dưới 00, sương muối phủ dày, hàng chục nghìn hecta cây lá cháy vàng, cá cua chết trắng, hàng nghìn TNXP Đội 38, trong đó có mấy trăm TNXP Khu 5 vừa tập kết ra. Họ chưa một lần gặp phải cái rét cắt thịt, buốt xương đến thế. Để chống chọi với nó chỉ có chiếc áo trấn thủ, đêm ngủ chỉ có chiếc chăn chiên mỏng, nằm co ro trong ổ rơm. Vậy mà không một ai thoái thác nhiệm vụ, vác tà vẹt, khiêng ray, chèn đá… mỗi ngày lao động từ 10 đến 12 giờ, ban đêm mỗi đại đội đặt ray phải có hai trung đội xách soi đèn bão mà ánh sáng vẫn tù mù. Lao động quá nặng nhọc, ăn uống thiếu đói, tạo điều kiện cho những căn bệnh ủ từ khi ở chiến trường miền Nam ra, nhất là sốt rét rừng Tây Nguyên quay lại, trở thành ác tính, quật ngã mấy chục con người. Và cũng vì vậy mà 5 đồng đội của chúng tôi đã sẵn sàng chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, mà nhiệm vụ thiêng liêng nhất của các anh lúc này là “tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả cùng đồng bào miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà”. Trên tinh thần đó, có anh đã kiệt sức, quỵ xuống,  vẫn cùng đồng đội khiêng thanh ray nặng hàng trăm cân trên vai, bị ray đè vào người. Có anh đến hết giờ lao động nhưng không còn đủ sức lê bước ra khỏi vùng mất an toàn khi đơn vị nổ mìn phá đá trên cao, đá rơi vào đầu. Có anh bị cơn sốt rét ác tính hoành hành nhưng vẫn quyết tâm lao ra công trường rồi gục xuống giữa cơn run bần bật. Các anh ngã xuống trên tư thế của một anh hùng. Nhưng do quan niệm thời điểm đó chưa đầy đủ nên đơn vị lập hồ sơ ghi lại là chết do bệnh sốt rét và tai nạn lao động… Và cũng do nhiệm vụ quá khẩn trương, chôn cất các anh bên bờ sông xong, thì tất cả phải lao theo nhiệm vụ mới. Thời gian trôi đi, đơn vị phân tán, nhiều đồng chí còn phải bí mật, khẩn trương lên đường trở về miền Nam chiến đấu, nên việc liên lạc, báo tin cho thân nhân gia đình các anh đang ở miền Nam là bất khả kháng,

Sau ngày thống nhất đất nước, các nhân chứng lịch sử chúng tôi hàng chục lần tìm về các xã quê hương của các anh nhưng không một cán bộ nào ở địa phương hiện nay biết được. Bởi những năm trước bị Luật 10/59 của Mỹ – Diệm kéo lê máy chém đi sát hại những người kháng chiến cũ rồi dồn dân vào các ấp chiến lược, đến những năm sau thì bị bom B52 rải thảm, làm cho người chết, người mất tích, người tản lạc tứ phương, không có một gia đình nào yên bình được.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một số đồng đội chúng tôi kéo nhau lên tìm, thì quặn đau thắt ruột khi thấy phần mộ của các anh nằm lạnh lẽo sát mép sông và đang có nguy cơ sạt lở đất, bị cuốn trôi. Chúng tôi cấp tốc tìm gặp đề nghị cán bộ làm công tác chính sách cho di dời mộ vào nghĩa trang liệt sĩ để có người hương khói và bảo tồn hài cốt các anh lâu dài. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận được sự trả lời bằng quy định: Chưa là liệt sĩ thì không đưa hài cốt vào nghĩa trang liệt sĩ”. Không thể chậm trễ được nữa, chúng tôi gấp rút di chuyển mộ các anh vào Nghĩa trang nhân dân, trên đồi sau Bệnh viện đa khoa, thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, rồi chúng tôi cũng phải ngậm ngùi quay về đơn vị công tác. Ba năm sau, khi trở lại nghĩa trang, chúng tôi không làm sao tìm được các phần mộ, chỉ vài năm không có người phát dọn thì cây cỏ, gai góc mọc trùm lên kín[i]. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải báo cáo vượt cấp lên Thủ tướng Chính phủ. Và cả ba đời Thủ tướng khi tiếp chúng tôi đều xúc động, thấu đau nỗi đau tâm linh lịch sử này, và cũng đều chỉ đạo tâm huyết với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các cơ quan này vẫn cho rằng bị “vướng luật, vướng quy định hiện hành”. Rồi, như một sự kiện tâm linh ra đời, Hội Cựu TNXP Việt Nam được thành lập, Chủ tịch Trung ương Hội trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XII nên suốt 9 kỳ họp Quốc hội, vấn đề tồn đọng chính sách đối với người có công, trong đó có lực lượng cựu TNXP luôn được làm nóng nghị trường. Nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở với tình trạng một số cán bộ lớp hậu thế hiện nay chưa thấu hiểu tính đặc thù của lịch sử kháng chiến, chưa thấu đau nỗi đau tâm linh của lớp người đi trước, thậm chí có cán bộ còn vô cảm với tình trạng tồn đọng chính sách để kéo dài đối với người có công.

Tác giả (người thứ tư từ phải sang) trong một lần thắp hương cho đồng đội

Để giải quyết tình hình bức xúc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vừa được Đại hội X của Đảng bầu làm Tổng Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo tâm huyết, thấu lý đạt tình: “Nếu các cơ quan làm công tác chính sách thấy vướng luật, vướng quy định hiện hành thì báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét sửa Luật, sửa Quy định cho phù hợp với đặc thù của lịch sử. Trong khi chưa sửa kịp thì tìm giải pháp đặc cách và chính sách đặc thù để giải quyết dứt điểm tình hình tồn đọng chính sách đối với người có công”. Với tinh thần đó, Hội Cựu TNXP Việt Nam phải có rất nhiều văn bản, sưu tập nhân chứng, làm nhiều thủ tục, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt thì đến ngày 27/7/2020, tròn 66 năm các anh mới được công nhận liệt sỹ[ii], vong hồn các anh mới được quần tụ về dưới Tượng đài Tổ quốc ghi công.

Thật là một cuộc hành trình lịch sử với đồng đội!

 Nguyễn Anh Liên

 


[i] Từ khi Hội Cựu TNXP ra đời, 5 ngôi mộ đã được Hội Cựu TNXP tỉnh Lạng Sơn giao cho Hội Cựu TNXP phường Tam Thanh chăm lo mộ phần, hươn khói.

[ii] Có 04 liệt sỹ quê ở Quảng Ngãi: Trương Sáu, Nguyễn Hòa, Nguyễn Cai. Nguyễn Cải và liệt sỹ Phạm Trọng Vuông quê ở Thanh Hóa. Riêng TNXP Võ Văn Doanh quê ở Hoài Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định chưa tìm thấy thân nhân nên chưa làm được thủ tục công nhận liệt sỹ.