ĐẠI ĐỘI TNXP 168 ANH HÙNG, VINH DỰ NÀY ĐÂU CHỈ RIÊNG AI!

Đăng lúc: 02-06-2021 9:55 Sáng - Đã xem: 438 lượt xem In bài viết

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu tâm sự của Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, nguyên Trung đội trưởng Đại đội 168 (sau là Chính trị viên trưởng Đại đội 1 Đội 23 TNXP) trong dịp  Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội 168 (Quyết định số 623/QĐ-CTN ngày 26/4/2018). Ông luôn đau đáu về đồng đội TNXP xưa và đã viết nhiều thơ văn về Trường Sơn, xuất bản 5 cuốn sách về đồng đội, trong đó có cuốn “Dấu ấn một thời trên tuyến lửa Trường Sơn” (Nxb Tổng hợp TPHCM ấn hành đầu năm 2018, với 320 trang) mà ông là đồng chủ biên chính.

Đại đội 168 thành lập và hoạt động thế nào?

– Đại đội 168 thành lập tháng 7/1965 từ các đơn vị của Tổng đội TNXP Nghệ An, cùng với đại đội 164, 166 được cử ra tuyến tuyến vùng Quảng Bình giáp Quảng Trị và giáp biên giới Việt – Lào, phục vụ trên mặt trận GTVT thuộc Đoàn 559. Đến giữa tháng 12/1965, một số cán bộ, đội viên chuyển sang bộ đội khoảng 1 đại đội, nên chi còn lại phiên hiệu 168 và 166. Hai đại đội này được điều chuyển về mở đường 20 Quyết Thắng từ gần cuối tháng 12/1965, thuộc Đội 3 TNXP. Đến cuối tháng 12/1966 đầu tháng 1 năm 1967, qua hai đợt một số điều chuyển sang bộ đội hoặc bệnh tật về tuyến sau, nên Đại dội 168 và 166 mỗi đơn vị chỉ còn một trung đội (168 là trung đội 8) cùng với một trung đội TNXP Quảng Bình, biên chế thành Đại đội 3 thuộc Đội 23 TNXP lúc đó. Đáng chú ý là Trung đội 8 (168 cũ) nhiều cán bộ, đội viên tiếp tục hoạt động xuât sắc đến năm 1973…

Đại đội 168 có những thành tích nổi bật gì, những cá nhân điển hình nào?

-Thời kỳ vận chuyển ở khu vực Đèo Một Ngàn Lẻ Một, đơn vị đã hoàn thành đặc xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ tư lệnh Đoàn 559 đề nghị và Nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng Ba và có 2 cá nhân là Nguyễn Văn Khoái và Nguyễn Duy Khương là Kiện tướng. Nhiệm vụ chính của Đại đội là tải lương, chủ yếu là từ bờ Bắc sang bờ Nam sông Xê Băng Hiên, Chỉ tính 4 tháng (8/1965-2/1966) đơn vị đã chuyển được khoảng hơn 2.000 tấn hàng phục vụ đường dây đoàn 559, vượt chỉ tiêu,được Bộ tư lệnh Đoàn 559 điện khen ngợi. Anh em đã phát huy nhiều sáng kiến, gùi bằng vai (ruột tượng buộc quanh lưng) hàng hóa, bình quân từ 45 – 50 kg/ so với chỉ tiêu là 25 -30 kg. Có nhiều cán bộ, đội viên thi đua nâng bình quân thồ xe đạp hàng từ 65 – 75 kg. Đặc biệt có đồng chí Nguyễn Duy Khương quê Nghi Công – Nghi Lộc nâng lên 75 đến 85 kg, có cung đường lên 105 kg,  được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Những tiểu đội hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc được tặng bằng khen.

Thời kỳ mở đường, giữ đường ở đường 20, nhất là ở Cà Roòng đơn vị đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ trong bom đạn suốt ngày đêm tại  “cửa tử” Nam Cà Roòng. Điển hình là sự dũng cảm tuyệt vời của Đinh Bạt Tuyên – tuy không phải thợ xe máy ủi C100 – khi đồng đội lái xe ủi hi sinh, đã lên lái thay, lấp hố bom, thông đường trong bom đạn Mỹ ngút trời,  cứu cho đoàn ra ra trận thành công; Nguyễn Văn Khoái – Trung đội trưởng Đại đội 168 – có sáng kiến chọn vị trí đào 4 hầm trú ẩn ngay gần trọng điểm để  các tiểu đội thay nhau trực chiến 24/24. Khi máy bay ngừng hoạt động chốc lát, đơn vị đã có mặt vừa dùng máy ủi san lấp hố bom, đảm bảo thông xe. Đồng chí Nguyễn Văn Khoái đã được báo cáo điển hình tại Bộ tư lệnh đoàn 559 và được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Những năm 1966 – 1967 – 1968, khi còn Trung đội 8 thuộc đại đội 3 thì Đinh Bạt Tuyên vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lái xe C100 trên các trọng điểm Trạ Ang, Km 41… Đinh Bạt Tuyên trở thành Chiến sĩ thi đua 10 năm liền. Còn Nguyễn Văn Khoái cùng Nguyễn Duy Khương cũng là Chiến sĩ thi đua Toàn quốc được đi dự Hội nghị Anh hùng – Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1967 ở Hà Nội, được gặp Bác Hồ. Nguyễn Văn Khoái sau này là Đại đội trưởng Đại đội 3 và đã hi sinh trong chiến dịch Đông Xuân năm 1969- 1970.

– Ở Cà Roòng, lúc đó, có ngày chúng đánh phá 30 đến 40 trận, có tuần lễ ném hàng nghìn quả bom, rải chất độc đioxin xuống những nơi hiểm yếu. Riêng ngày 23/6/1966 Mỹ ném 54 quả bom cỡ lớn, bom bi, mìn bươm bướm (ảnh dưới) và bắn 36 quả rốc két, xuống trọng điểm Nam Cà Roòng (từ 0 giờ đến 20 giờ với 19 trận, tính ra 1 giờ, 19 phút một trận). Đơn vị phải dùng máy ủi phá bom bi, bom nổ chậm, mở đường để cho các đoàn xe ô tô đi qua an toàn. Đơn vị đã có 5 đồng chí bị thương, có 3 đồng chí anh dũng hi sinh. Nhưng nhờ lòng quả cảm và tiếp sức của đồng đội, địch đánh thì ta sửa ta đi, cung đường, “cửa tử” vẫn thông, để xe vẫn lên đường ra tiền tuyến.

Ảnh internet  

Mùa hè 1966, đơn vị có một số lần giúp đỡ các đơn vị bạn như các nữ TNXP quê Hà Tĩnh, cứu một số chiến sĩ lái xe bị thương, xe bị cháy… Mùa mưa năm 1966, đại đội đã lập một “Trung đội xung kích cứu nguy”, do đồng chí Hồ Bá Thâm làm Trung đội trưởng, chi viện cho E4 công binh bị hi sinh, tổn thất nặng nề, do sốt rét ác tính và áy bay địch oanh tạc vào đội hình trong mùa mưa năm 1966 ở trọng điểm A Ky (dài 3-4 km). Trong hơn 3 tháng cùng với trung đội TNXP quê Hà Nam Ninh… họ đã nhặt, lượm, chôn cất nhiều thi hài liệt sỹ tan nát thịt xương; lấp hàng chục hố bom,  san lấp mặt đường với hàng nghìn m3 khối đất đá, thông xe chuẩn bị cho mùa chiến Đông- Xuân 1966-1967. Thành tích xuất sắc này được cấp trên khen thưởng, tặng quà cho trung đội và cá nhân trung đội trưởng.

– Một số đồng chí như Nguyễn Văn Chương lái máy chính được thưởng Huân chương chiến công hạng Ba, rồi Trần Văn Thanh, Nguyễn Văn Khoái, Trần Văn Tiến… quê Nghi Lộc đã anh dũng hi sinh trong khi làm nhiệm vụ và được tặng các Huân chương cao quí.

– Rồi những cán bộ đại Đội 3 như Trần Văn Thân, rồi Lê Văn Long, Lê Công Thú đã lãnh đạo đơn vị, trong đó có Trung đội 8, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ. Họ là những cán bộ trung kiên, anh dũng, tài năng, nay tuy tuổi cao vẫn phát huy tốt trách nhiệm của mình với dồng đội và với quê hương trong thời bình.

– Tạo nên danh hiệu Anh hùng LLVTND của Đại đội 168, sau này là Đại đội 3 là công lao của cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị, nhưng những cá nhân nổi bật nói trên, sự hy sinh của một số cán bộ chiến sẽ đã góp phần to lớn vào thành tích và danh hiệu Anh hùng LLVTND cao quí của đơn vị.

Việc Nhà nước ta sau hơn 50 năm đã phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội 168 là xứng đáng nhưng còn đại đội TNXP Nghệ An nhiệm kỳ 1, khác thì sao?

– Những thành tích đặc nhiệm xuất sắc của Đại đội 168 hay Trung đội 8 sau này đã được đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ tư lệnh 559 lúc đó biết dến và ghi nhận, khích lệ. Anh Chu Văn Hồng, nguyên Chính trị viên Đội 3, sau này khi đã nghỉ hưu, muốn gặp đồng chí Nguyễn Quốc Đức (em Anh hùng Nguyễn Quốc Trị) nguyên là Đội trưởng Đội 3 rồi Đội 23 và một số anh em khác, để làm thành tích đề nghị Nhà nước phong danh hiệu Anh húng LLVTND cho Đại đội 168, nhưng do sức khỏe yếu, nên không thực hiện được và anh cũng đã qua đời mấy năm rồi. Hôm nay nhận được tin vui này chắc anh và nhiều đồng đội cũng thỏa lòng!

– Giờ phút vinh dự và thiêng liêng này, tôi ý thức rằng, phong danh hiệu Anh hùng LLVT ND cho Đại đội 168 thực chất cũng là cho cả đại đội 166, 164, nghĩa là cho tất cả các bộ chiến sĩ đội viên TNXP Nghệ AN trên tuyến lửa Trường Sơn anh hùng. Hơn nữa cũng là cho cả Đại đội 3 (có Trung đội 7 TNXP Quảng Bình) sau này, họ thật sự xứng đáng là thuộc Đại đội Anh hùng!

– Trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, một tuyến đường yết hầu, trọng yếu, ác liệt bậc nhầt trên Trường Sơn thời chiến tranh đã sản sinh ra không ít đơn vị và cá nhân anh hùng. Về tập thể không chỉ Đội 25 hay Đại đội 5 thuộc Đội 25, hay 8 chiến sĩ TNXP tại Hang Tám Cô (1972) mà còn một số đơn vị nữa mà Đại đội 168, sau này là Đại đội 3, là đơn vị như thế! Và sắp tới có thể cả Đại đội 1, TNXP Hà Tĩnh thuộc Đội 23 mà tôi biết với hơn 7 năm trời chiến điếu anh dũng tại vùng “cửa tử” Cà Roòng, cũng xứng đáng được vinh danh!

– Nhiều chiến sĩ, cán bộ TNXP Nghệ An nhiệm kỳ 1 đã qua đời, cán bộ đại đội đầu tiên của 168 chỉ còn anh Dư Xuân Thiện, năm nay cũng đã là U 90 rồi. Chúng tôi nghĩ còn một số việc phải làm để tri ân đồng đội, nếu không sẽ quá muộn, mà cuốn sách “Dấu ấn một thời trên tuyến lửa Trường Sơn” là một cố gắng như thế!

Hơn 50 năm sau chúng ta tiếp tục tri ân những cán bộ chiến sĩ đã hi sinh anh dũng và cả những người đã kiên cường đang sống, có thành tích đặc biệt xuất sắc hay xuất sắc đã làm nên một tập thể anh hùng! Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội 168 là vinh dự đâu chỉ của riêng ai!

           Tháng 6/2018