Đại đội TNXP 913 Đội 91 Bắc Thái – khúc tráng ca bất tử

Đăng lúc: 17-01-2024 3:07 Chiều - Đã xem: 200 lượt xem In bài viết

Đội TNXP 91 Bắc Thái được thành lập năm 1966, có 5 đại đội trực thuộc mang phiên hiệu: 911, 912 913, 914 và 915. Trong giai đoạn 1966 – 1974, Đại đội 913 là đơn vị được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải tại một số địa bàn trọng điểm thuộc khu vực huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Trong niềm tự hào về những thành tích của đơn vị, có cả sự tiếc thương về những đội viên đã hy sinh vì Tổ quốc.

Đường 16A nay là Quốc lộ 17 Thái Nguyên-Bắc Giang

Từ giữa tháng 10/1965, đế quốc Mỹ cho không quân đánh phá ác liệt các tuyến giao thông phía bắc và đông bắc Thủ đô Hà Nội. Cầu Gia Bẩy (thành phố Thái Nguyên); Cầu Phà (thị xã Bắc Kạn); các cầu Mỏ Gà, Suối Cạn, Cầu Rắn (trên Quốc lộ 1 B, thuộc địa bàn huyện Võ Nhai); Nông trường chăn nuôi của Khu Gang thép Thái Nguyên, ga Lương Sơn (huyện Phú Bình, nay là thành phố Sông Công) … là những mục tiêu đánh phá chủ yếu của không quân Mỹ. Trước tình hình trên, ngày 26/11/1965, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công văn số 3908/CN chuẩn y cho tỉnh Bắc Thái thành lập Đội TNXP 91 Bắc Thái (ký hiệu XP91TC), thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải thời chiến ở các trọng điểm giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Thái.

Đại đội 913, Đội 91 Bắc Thái với quân số ban đầu là 150 người, chủ yếu là thanh niên dân tộc thiểu số. Những cô gái, chàng trai tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, đã xung phong tình nguyện khoác lên mình màu áo TNXP, quyết tâm phục vụ chiến đấu. Đơn vị đã hoạt động tại nhiều địa bàn, như Na Rì (Bắc Kạn), Ngân Sơn (Cao Bằng); Định Hóa, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên[1] (Thái Nguyên) … Ở đâu, dù bị máy bay địch bắn phá ác liệt nhưng Đại đội TNXP 913 vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Dấu tích nơi hy sinh của 5 nữ  TNXP Đại đội 913

Năm 1972, chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ra miền Bắc trở nên vô cùng khốc liệt. Để đảm bảo việc tiếp viện hàng hóa từ các nước XHCN cho chiến trường miền Nam, Trung ương giao cho tỉnh Bắc Thái hai nhiệm vụ: Một là, tiếp nhận lương thực và hàng quân sự từ biên giới qua Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Bắc để chuyển tiếp cho chiến trường miền Nam; Hai là, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống, đặc biệt là trên các trục giao thông huyết mạch[2]. Trong đó có tuyến Quốc lộ 1B (Lạng Sơn – Thái Nguyên) và đường 16A (Thái Nguyên – Hà Bắc) có vai trò chiến lược quan trọng, đây là những trọng điểm mà máy bay Mỹ tập trung ném bom đánh phá rất ác liệt.

Tháng 7/1972, Đại đội 913 được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên tuyến đường 16A, sửa chữa, ứng cứu đoạn qua xóm Ao Sen thuộc xã Nam Hòa huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên. Đây là điểm tập trung kho, bãi thường xuyên có hàng trăm xe vận tải quân sự và xe thiết giáp của các đơn vị quân đội; trong các ngày 14, 17 và 21/7/1972, Mỹ cho máy bay ném 444 quả bom phá, bom phạt xuống khu vực này, làm chết 47 dân thường và bị thương 51 người. Trong các ngày 8,15,16,21 và 22/10/1972, Mỹ cho máy bay liên tục bắn phá cả ngày lẫn đêm xuống các xã Linh Sơn, Nam Hòa, Tân Lợi dọc theo đường 16A; cuối tháng 12/1972, (từ ngày 18-30/12), đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược[3] . Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên cũng gồng mình trước các đợt ném bom dữ dội. Sáng ngày 29/12/1972, nhà bếp đại đội hết gạo, chỉ có khoai lang luộc lót dạ nhưng mọi người vẫn hăng hái lên mặt đường làm nhiệm vụ. Vào khoảng 9h15’, đơn vị đang sửa chữa mặt đường thì một tốp máy bay F111 cánh cụp cánh xòe của Mỹ ném bom đúng vào đội hình của đại đội làm 5 người hy sinh[4], 8 người bị thương. Các chị đã ra đi khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi[5].

          Chiến tranh đã lùi xa, điểm dấu tích nơi hy sinh của 5 liệt sỹ và 8 thương binh TNXP vẫn còn đó.  Điều mong mỏi của các đồng đội TNXP Đại đội 913, thân nhân các liệt sĩ và nhân dân địa phương là địa điểm này sớm được công nhận là di tích lịch sử, có Bia tưởng niệm để trở thành địa chỉ đỏ.

Ngày 29/12/2023 Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 51 năm ngày hi sinh của 5 Liệt sĩ TNXP Đại đội 913 tại xã Nam Hòa huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên

Cứ đến ngày 29/12 hằng năm Ban liên lạc TNXP Đại đội 913 và thân nhân các gia đình liệt sĩ cùng các đội viên TNXP năm xưa lại tập trung về điểm dấu tích (xóm Ao Sen, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) để dâng nén hương thơm tưởng nhớ những người đồng đội đã dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc.

Một số hình ảnh khác trong lễ tưởng niệm

Vũ Quốc Khánh

Phó Chủ tịch Tỉnh hội Thái Nguyên


[1] Các xã Thịnh Đức, Tân Long, ga Quan Triều, ga Lưu Xá.

[2] Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B và các tuyến đường sắt Kép – Lưu Xá, Quán Triều – Hà Nội.

[3] Mang tên “Cuộc hành binh Linebacker II”. Theo kế hoạch này, Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai đến năm 1972, gồm: Gần 50% tổng số máy bay B52 hiện có (193/404 chiếc); hơn 1/3 tổng số máy bay chiến thuật (cả tiêm kích và cường kích là 1.077/3.041 chiếc, trong đó có 01 biên đội F111 với 50 chiếc); chưa kể hàng trăm máy bay trinh sát, máy bay gây nhiễu, máy bay tiếp dầu, máy bay chỉ huy liên lạc dẫn đường; 1/4 tổng số tàu sân bay của toàn nước Mỹ (6/24 chiếc); 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7.

[4] Nguyễn Thị Đặng, sinh năm 1952, quê ở Phúc Chu, Định Hóa; Nông Thị Đằm sinh năm 1953, quê ở Phúc Chu, Định Hóa; Lý Thị Hồng, sinh năm 1954, quê ở Nguyên Phúc, Bắc Kạn; Hoàng Thị Phân, sinh năm 1955, quê ở Bạch Thông, Bắc Kạn; Trần Thị Công, sinh năm 1956, quê ở Điềm Mặc, Định Hóa.

[5] Trước khi đế quốc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc chưa đầy 24 giờ.