Đi tìm đồng đội…

Đăng lúc: 07-09-2017 2:25 Chiều - Đã xem: 206 lượt xem In bài viết

Chiến tranh đã qua đi nhưng đã để lại cho không ít gia đình, người thân, đồng đội những mất mát quá lớn. Và một nỗi canh cánh không nguôi cho đến bây giờ là những liệt sĩ đang nằm rải rác đâu đó trên những chiến trường xưa mà chưa tìm lại được. Chính vì thế, đi tìm người thân, đi tìm đồng đội là một việc làm mang ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện tình cảm thiêng liêng, nghĩa tình đồng đội, đền ơn đáp nghĩa. Từ ngày thành lập đến nay, Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Thuận đã quy tập được 34 hài cốt liệt sĩ đưa về quê hương và mới đây nhất là việc đi tìm mộ liệt sĩ Phạm Thị Tám (Tám Yến) quê quán ở xã Hàm Thạnh, Hàm Thuận Nam.

Một huyền thoại:

Những đồng đội của liệt sĩ Tám Yến giờ còn sống đều nhớ về chị vào cái ngày định mệnh: Hôm ấy là ngày 10/10/1968, Biệt kích úc (chư hầu của Mỹ) bất ngờ đánh vào điểm đóng quân của trung đoàn 274 quân Giải phóng ở Cầu Cháy, Suối Vàng, Phước Thái, Long Thành. Chúng bí mật áp sát và loạt đạn đầu tiên đã làm đồng chí Hai Quới, Trung đoàn phó trung đoàn 274 bị thương. Trận đó, do bị đánh úp bất ngờ nên quân ta thương vong nhiều. Khi đó chị Tám Yến đang cùng đồng đội khiên thương binh ra khỏi trận địa thì phát hiện bọn biệt kích truy đuổi theo sau đơn vị. Chị vội vàng trao lại cáng thương cho đồng đội và yêu cầu đồng đội tiếp tục đi gấp để bảo vệ thương binh. Còn chị, với khẩu AK trong tay, chị quay ngoắt trở lại bắn hạ một lúc ba tên biệt kích đuổi theo gần đó và bắn chặn chân quân địch. Nhưng cũng liền đó chị đã bị bắn trọng thương, súng cũng sắp hết đạn nên chị vừa bắn vừa hối hả giục giã đồng đội: “Các anh chị hãy đưa thương binh rút nhanh lên“; “Hãy yên tâm, em quyết đánh chúng đến cùng“. Khi đơn vị đưa hết thương binh ra nơi an toàn và quay lại tìm thì thấy chị đã yên lặng gục bên cạnh một gốc cây, trên người có nhiều vết đạn và súng của chị đã hết đạn. Một mình chị Tám Yến đã đánh chặn được cả một đại đội biệt kích, bảo vệ thương binh và anh dũng hy sinh.

Chị Tám Yến hy sinh khi vừa trong 20 tuổi đời, 3 năm tuổi quân, phục vụ 12 trận đánh lớn và là một tiểu đội trưởng TNXP Bình Thuận tăng cường cho Đội 1265 Bình Giã để thành lập liên đội 5 TNXP phục vụ cho Sư đoàn 5 chủ lực Miền. Chị sống luôn mẫu mực, được đồng đội tin yêu, lập được nhiều thành tích trong tiếp đạn, chuyển thương, luôn nhận phần khó về mình. Chị từng được TW Đoàn TNND CMVN, Hội Liên hiệp Phụ nữ GPMNVN, ủy ban TW MTDTGP miền Nam Việt Nam tặng bằng khen, được bình chọn chiến sĩ xuất sắc, Trung đoàn pháo binh 274 Quân giải phóng tặng bằng khen “Lao động hết mình, anh dũng lập công”… Hiện hồ sơ của chị đang được đề nghị phong tặng Anh hùng. Đồng đội chỉ nhớ lúc ấy phủ vội tấm áo mưa cho chị rồi đào hố kéo chị xuống chôn vội vàng ngay chỗ đó ở đồi Hắc Dịch, Bà Rịa nay là ấp 7, xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Về với đồng đội:

Sau bao năm, những đồng đội của chị đã quyết tâm đi tìm người thân của chị để phối hợp tìm lại chị đưa về quê hương, báo Bình Thuận cũng đã đăng bài tìm người thân cho chị. Theo một số thông tin ít ỏi của chị ghi trong hồ sơ là quê quán ở Hàm Thạnh nên các anh chị ở Thường trực Tỉnh Hội Bình Thuận cùng với anh Bùi Thế Ba (Ba Lèo) hiện ở Bà Rịa, tham gia cách mạng nguyên là Bí thư Huyện đoàn Châu Đức, Đại đội phó của C1265 làm việc với địa phương xã Hàm Thạnh. Và cuối cùng đã tìm được chị ruột của chị Tám Yến là chị Phạm Thị Bảy đang ngụ tại Hàm Thạnh. Vừa gặp chị Bảy là anh Ba nhận ra ngay “Sao mà giống Tám Yến đến thế!“. Còn gia đình chị Bảy thì vừa xúc động vừa bất ngờ vì chỉ biết mình có người em gái hy sinh bị thất lạc nhưng vì điều kiện gia đình còn khó khăn nên chưa đi tìm mộ được. Tìm được người thân của chị Tám, những đồng đội cũ ngày nào, Tỉnh Hội Bình Thuận đã cùng với anh Trần Văn Mãnh (Hai Văn) nguyên Tổng Đội trưởng TNXP Giải phóng miền Nam, hiện là Phó Chủ tịch TW Hội Cựu TNXPVN, Phó Giám đốc Trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ các tỉnh phía Nam – người đã từng có kinh nghiệm tìm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ đã tổ chức một đoàn trở về chiến trường xưa tìm hài cốt chị Tám Yến…

Chiến trường xưa còn đây nhưng cảnh vật đã thay đổi nhiều, chỉ còn ngọn đồi thoai thoải người dân đã trồng thành một rừng đào lộn hột và con Suối Le có khác xưa tí chút. Gốc cây to lớn ngày nào qua bao năm tháng đã bị trơ trụi chỉ còn cách đất hơn 1m, khô mục. Sau khi xác định được địa điểm chôn chị Tám Yến tối đó đoàn về nghỉ tại nhà anh Chiến, Công an xã Phước Bình. Tối hôm đó mọi người không ai ngủ được nhất là chị Năm Liên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Bình Thuận cứ thao thức hết đi ra lại đi vào, người cứ nôn nao, khó chịu. Thế rồi, khoảng 9 giờ tối cả đoàn lại kéo lên và kinh ngạc khi nhìn thấy những quả trứng đặt trên chiếc đũa lúc chiều vẫn không rơi xuống. (theo những người từng đi tìm hài cốt liệt sĩ, nhiều người đã từng đặt thử quả trứng sống trên chiếc đũa nếu không có hài cốt liệt sĩ ở đó thế nào trứng cũng rớt xuống đất). Sau khi cúng và làm các thủ tục xác định lại lần nữa, hơn 12h đêm, mọi người mới trở xuống đồi chuẩn bị cho buổi sáng mai đào tìm hài cốt. Sáng hôm sau, xác định đúng vị trí lại một lần nữa nơi mà đồng đội đã chôn chị, anh Hai Văn, chị Liên, chị Ninh đã thử đặt lại tiếp ba quả trứng sống để trên ba chiếc đũa cắm xuống đất. Thật lạ kỳ, chúng vẫn đứng im mà không hề rơi xuống… Quả nhiên sau khi bới đất khoảng hơn 1m mọi người đã tìm thấy vài mảnh xương còn sót lại và vệt đất đen thầm hơn so với đất xung quanh… Ai cũng rưng rưng xúc động vì đã tìm thấy hài cốt của người nữ TNXP anh dũng ngày nào. Hiện hài cốt của chị đang để tạm tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Bình chờ kết quả xét nghiệm AND theo quy định rồi mới đưa về Nghĩa Trang liệt sĩ của tỉnh Bình Thuận… Một chuyến đi thành công và thêm một niềm vui cho gia đình, người thân và đồng đội chị Tám Yến đã thực hiện được mơ ước của mình là đưa chị được trở về yên nghỉ tại quê hương…

Hà Thu Thủy

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015