Đọc” Huyền thoại đá suối Ba Cô” của Chu Quang Hiển

Đăng lúc: 14-01-2021 8:28 Sáng - Đã xem: 129 lượt xem In bài viết

Chu Quang Hiển là một trong những cây bút quen thuộc của độc giả Hiephoa.net. Thơ của anh nhẹ nhàng, dung dị nhưng giàu ý tứ sâu sa. Người đọc đã gặp một Chu Quang Hiển đằm thắm lắng sâu trước sắc hoa bằng lăng nhuộm tím sân trường và coi đó là một sân ga cuộc đời một thời để nhớ. Và người đọc cũng chưa thể nào quên bài thơ”. Quán quê” với nỗi nhớ in sâu trong tâm khảm, dù đi khắp xứ người vẫn nhớ về quán quê chắn cửa bằng mành. Bên cạnh những bài thơ giàu chất trữ tình như thế, Chu Quang Hiển cũng có nhiều bài thơ đậm chất tự sự. Anh muốn khắc họa bằng thơ những số phận con người. Để rồi, từ những số phận ấy, anh nói lên nhưng chiêm nghiệm cuộc đời hay một triết lý, một quan niệm nhân sinh sâu sắc.

Bài thơ: Huyền thoại đá suối Ba Cô của anh là một bài thơ như thế:

 

Ở Trường Sơn có suối Ba Cô

Một huyền thoại của thời đánh Mỹ

Chuyện kể rằng có người chiến sỹ

Đi hái măng rừng được gặp tiên

 

 

Ba nàng tiên dưới suối

Quên đất trời quên cả xiêm y

Anh dùng dằng không thể bước chân đi

Nghiêng ánh mắt nhìn về phía suối

 

Trời dần tối mặt trời xuống núi

Tiên lên bờ quân phục màu xanh

Bỗng ngang trời một tia chớp đỏ

Tiếng nổ ầm taị chỗ ba cô

 

Khoảnh khắc bất ngờ

Ba nàng tiên tan biến

Người chiến sỹ ào băng qua suối

Không hãi hùng anh gọi ba cô

 

Ba cô! ba cô! …không thành tiếng

Trong không gian căm giận nén chìm 

Nơi ba cô, sau làn khói tản

Đá ba hòn không nát còn nguyên

 

Anh vội hái ba chùm hoa daị

Viếng ba người anh chưa biết tên

Ba cô đã tạc vào đá núi

Thành địa danh ghi dấu căm hờn

 

Lính ra trận dừng chân bên suối

Ngắt hoa rừng viếng đá ba cô

Ba cô đã trở về chín suối

Để lại đời một suối Ba Cô

 

Điều ba cô mãi mãi chẳng ngờ

Chiều tắm ấy đi vào huyền thoại

 

Bài thơ lấy cảm hứng từ một câu chuyện kể của người lính Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ về sự tích tên gọi của dòng suối Ba Cô. Đó là một trong những địa danh làm nghẹn tim người mỗi khi nhắc đến, tựa như Hang Tám Cô hay Ngã Ba Đồng Lộc. Các cô là những chiến sĩ thanh niên xung phong đã quên đời đi cứu nước. Huyền thoại đá suối Ba Cô được nhắc đến trong bài thơ bắt đầu từ một chiều hoàng hôn có vẻ rất thanh bình. Xong việc nhà binh, ba cô thanh niên xung phong đằm mình trong dòng suối mát. Rừng vắng, suối trong, các cô hiện lên như những nàng tiên xuống trần đến mức” quên đất trời, quên cả xiêm y”.

Và có người chiến sĩ hái măng đã được gặp tiên nơi chiến trận. Anh dùng dằng khó cất bước ra đi. Ánh mắt anh nghiêng nhìn về phía suối. Câu chuyện khởi đầu hoàn toàn không mới không mới. Nhưng đó mới chỉ là cái sự khởi đầu cho những sự tiếp theo. Trời dần tối. Và đột nhiên giữa cái màu tối sẫm của rừng chiều bỗng lòe chớp đỏ. Ba cô gái thanh niên- ba nàng tiên ban nãy vừa xanh lại trong màu xanh quân phục bỗng nhiên tan biến sau tiếng nổ ầm vang. Người chiến sĩ lao về phía ba cô cũng nhanh như ánh chớp:

 Trời dần tối mặt trời xuống núi

Tiên lên bờ quân phục màu xanh

Bỗng ngang trời một tia chớp đỏ

Tiếng nổ ầm taị chỗ ba cô

Khoảnh khắc bất ngờ

Ba nàng tiên tan biến

Người chiến sỹ ào băng qua suối

Không hãi hùng anh gọi ba cô 

 

Đoạn thơ chủ yếu kể việc nhưng giàu chất tạo hình nhờ vào biện pháp đảo ngữ, cùng với việc sử dụng những mảng màu xanh đỏ. Đồng thời, đoạn thơ lại được ngắt nhịp không đều, âm điệu biến đổi đã diễn tả được những biến chuyển dồn dập, bất thường, chóng vánh của sự việc . Đạn nổ ầm vang, ba cô tan biến, con tim loạn nhịp, đôi chân ào băng, tiếng gọi gấp gáp vang rừng…Và tiếng gọi Ba cô, ba cô của người lính vọng vang vào vách núi và chỉ có núi trả lời. Và rồi, kỳ lạ thay, khi khói đạn vừa tan, người chiến sĩ bỗng nhiên nhận thấy:

 

Nơi ba cô sau làn khói tản

Đá ba hòn không nát còn nguyên

 

Ba chiến sĩ thanh niên xung phong đã hóa thân thành đá suối. Bom đạn Mỹ đã không làm nát được. Các cô đã hóa thành núi non, sông suối của quê hương. Và, người lính đã nâng niu đặt những đóa hoa rừng lên mộ đá để tiễn đưa ba người con gái trắng trong:

 

Anh đặt lên ba chùm hoa daị

Viếng ba người anh chưa biết tên

Ba cô đã tạc vào đá núi

Thành địa danh ghi dấu căm hờn

 

Và từ đó dòng suối ấy có tên. Đó là Suối đá Ba Cô. Nói theo ý của nhà thơ Lê Anh Xuân thì: tên các cô đã thành tên Đất Nước. Còn các cô đã trở thành những con người” mãi mãi tuổi hai mươi “.

Cuối cùng, bài thơ khép lại bằng câu chuyện của những tháng những năm sau đó:

 

Lính ra trận dừng chân bên suối

Ngắt hoa rừng viếng đá ba cô

Ba cô đã trở về chín suối

Để lại đời một suối Ba Cô 

Điều ba cô mãi mãi chẳng ngờ

Chiều tắm ấy đi vào huyền thoại

Huyền thoại suối đá Ba Cô ra đời từ đó. Lính ra trận mỗi lần dừng chân bên suối lại lặng lẽ ngắt hoa rừng viếng đá Ba Cô. Đó chính là “điều ba cô mãi mãi chẳng ngờ”. Cũng đúng thôi, chiến tranh là như thế. Trong các cô, có ai lại nghĩ rằng: sau lần tắm này mình lại mãi ra đi, và các cô cũng đâu có ngờ rằng sự ra đi của mình lại dệt nên huyền thoại! các cô” đã trở về chín suối/ để lại đời một suối Ba Cô”. Sự hy sinh của ba cô gái TNXP đã trở thành huyền thoại. Các cô cũng đã trở thành những con người Bất tử.

Câu chuyện về sự ra đi và hóa thân của ba cô gái TNXP trong bài thơ là như thế. Nhưng từ trong câu chuyện ấy, người đọc- nhất là các bạn trẻ mới hiểu được phần nào nỗi mất mát, sự ác liệt đến vô cùng của chiến trạnh. Đó là những tháng năm mà cái sống và cái chết luôn cận kề trong tích tắc. Nhưng đó cũng là những tháng năm của những anh hùng đã làm nên Tổ Quốc hôm nay.

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, đọc lại bài thơ này của Chu Quang Hiển, ta như thấy rõ hơn cái giá trị của mỗi ngày mà mình đang sống. Bài thơ như một nén tâm hương của anh Chu Quang Hiển kính dâng hương hồn của bao người nữ TNXP đã ra đi vì Nước. Còn tôi, tôi muốn viết những dòng này để góp thêm một tiếng chuông trầm, cùng với bài thơ cầu chúc cho Linh hồn các Chị thênh thang siêu thoát!

  Đêm 19/10/2015

 TRẦN THANH (Theo hiephoanet.vn)