“Đôi chân vạn dặm”, chuyện không chỉ của một thời…

Đăng lúc: 06-05-2023 5:22 Chiều - Đã xem: 77 lượt xem In bài viết

Dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2023), tôi nhận được món quà quý – cuốn tự truyện “Đôi chân vạn dặm” (NXB Thanh Niên) – của anh Vũ Trọng Kim gửi tặng. Tôi đọc một mạch, như để bù cho lần lỗi hẹn gặp anh và các bạn đồng trang lứa của anh để ôn lại kỷ niệm một thời xếp bút nghiên lên đường tham gia kháng chiến, được tổ chức ở thành phố Hội An cách đây chưa lâu.

Bìa cuốn sách “Đôi chân vạn dặm”- NXB Thanh Niên -Ảnh: M.T

Cuốn sách “Đôi chân vạn dặm” kết cấu gồm 2 phần. Phần I mang tên: Một chặng đường dài; Phần II: Dấu ấn không phai mờ.

Ở đây, tôi chỉ đề cập nội dung phần I cuốn sách. Là cuốn tự truyện, tác giả kể về một thời trai làng lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng ác liệt. Và Hai Kim đã sớm dấn thân vào cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, như anh từng chia sẻ: “Cuộc đời con người là một cuộc hành trình đầy cam go và thử thách, ai vượt qua là người chiến thắng”.

Cuộc hành trình của Hai Kim diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt. Bước chân tuổi thơ của anh trải qua những tháng năm gian khó của chiến tranh ác liệt, phải vừa đi vừa chạy: “Đi học cũng chạy, làm liên lạc cũng chạy. Ngày phải chạy không biết bao lần”. Ngày ấy sự khốc liệt của chiến tranh diễn ra ở khắp nơi trên đất nước, rồi lan đến vùng đất Quảng Nam quê anh. Sau này anh ghi lại sự khốc liệt đó trong bài thơ “Lửa, Máu và Hoa”:

Máu chảy nhà tan, cha tôi đã anh dũng hy sinh/ Năm Sáu tám chú Bốn mất, không chỉ một mình/ Em tôi cụt một chân, rồi đứa nữa cụt hai chân/ Tôi thoát chết trong gang tấc, hàng chục lần như thế/Lứa học trò và chú bác quê tôi ra đi quá dễ/ Trong đầu tôi đọng lại, chao đảo những thước phim…”.

Lớn lên trong cảnh bom rơi đạn lạc, cuộc chiến của những người dân ở các vùng quê đất Quảng chống Mỹ xâm lược và tay sai được Hai Kim mô tả thật hào hùng. “Năm ấy Sáu tư, lại một lần nữa toàn dân quê hương nổi dậy, quật ngã chính quyền bù nhìn cơ sở. Vùng giải phóng rộng mở. Các Ấp chiến lược của anh em gia đình Ngô Đình Diệm thu hẹp dần, thậm chí nát ra từng mảng”.

Anh chiêm nghiệm ra một điều, sức dân là sức nước. Nơi đây không chỉ có một vài cô gái hay chàng trai, mà tất cả như thủy triều lên. Những ngọn sóng cách mạng của dân chúng dồn nén bấy lâu, nay bật dậy dâng trào…

Luật sư Vũ Trọng Kim hiện là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Xóm Bình Đông, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình quê Hai Kim là vùng đất cát, người đi tới trụt lại như đi lui. Đội Thanh niên xung phong của Hai Kim được anh kể là một đám choai choai, cứ ba đứa một tổ, chuyên vận chuyển gạo, muối ăn phục vụ kháng chiến; sau được lãnh đạo xã chọn ra mấy đứa cao lớn gộp lại thành các nhóm tải thương.

Mỗi lần thực hiện tải thương, những đứa trẻ mới lớn như Hai Kim đã có trải nghiệm công tác cách mạng buổi ban đầu: “Khiêng thương binh đi trong đêm nhiều lúc phải khom lưng, rón rén đi dưới làn lửa đạn, pháo sáng tỏa khắp bầu trời. Khó, khổ vậy, nhưng có điều đặc biệt là tôi chưa từng nghe anh thương binh nào rên rỉ. Chắc các anh thương chúng tôi, nghiến răng cả ngày cả đêm chịu đựng…”.

Tâm trạng của những người trẻ tải thương là khi nào chiếc võng thương binh lọt vào nơi bệnh viện tiền phương mới thở phào, quay bước chân trở lại…

Sau này được cấp trên điều động lên Huyện đoàn công tác, Hai Kim còn chứng kiến nhiều sự hy sinh mất mát lớn. Như C trưởng Phan Thị Phục, thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Trỗi trong chuyến công tác qua sông Tranh bị trôi vì nước quá lớn.

Hay chị Yến, người canh giữ kho bắp cần mẫn hết ngày này qua ngày khác. Thấy chị ở một mình, mấy con khỉ có râu hay trêu chọc chị. Rồi chị mất khi nào không hay biết, nguyên nhân nào mãi đến bây giờ vẫn chưa tìm ra.

Oai hùng nhất là anh Bút, người dũng cảm luôn bám bọn biệt kích Mỹ. Gặp chúng, anh chiến đấu cho đến khi hết đạn, anh hy sinh. Có một chi tiết mà tác giả kể lại thật xúc động: “Đưa anh vào rẫy khâm liệm, tôi lạy anh và xin anh cho tôi đôi dép cao su, xin đi tiếp chặng đường còn lại của anh”.

Và cũng chính trên chiến trường lửa đạn ở miền Tây đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm đẹp, gắn bó với đồng chí, đồng đội, trong đó có cô bạn gái người Quảng Ngãi mà sau này anh gắn bó dài lâu, nên nghĩa vợ chồng: “Đường Trường Sơn tình cờ mình gặp Thúy/ Lửa chiến trường giục giã mỗi bước đi/ Dốc bà Dũng anh chưa quên, em còn nhớ/ Chiếc võng gãy giữa rừng tưởng đã biệt ly…”.

Cũng chính trong những ngày hoạt động ở miền Tây anh được kết nạp vào Đảng, rồi làm Phó bí thư Huyện đoàn. Thử thách lần đầu là anh được Bí thư giao đăng đàn, diễn thuyết về bản lĩnh người thanh niên chiến khu. Suy nghĩ mãi, anh đưa ra chủ đề: “Có gió rung mới biết tùng lá cứng/ Có ngọn lửa lừng mới biết thực vàng cao”.

Bao tấm gương anh hùng, liệt sĩ trẻ tuổi được nêu ra, phân tích rất sâu sắc, nhất là gương anh Nguyễn Văn Trỗi, trước lúc đi xa anh gọi Bác ba lần. Các bạn đoàn viên vừa kể chuyện vừa xen bài hát, rồi bình luận rất sôi nổi, tạo ra không khí thi đua… Có lẽ năng khiếu hoạt động phong trào của Hai Kim phát lộ từ sớm, thời ở chiến khu.

Được cấp trên đưa ra Bắc học trường đoàn, rồi được đưa sang Cộng hòa dân chủ Đức đào tạo, khi trở về công tác ở Tây Nguyên, anh đã có nhiều nỗ lực đưa phong trào đoàn ở Gia Lai – Kon Tum dâng cao, với nhiều mô hình tiêu biểu, như cán bộ đoàn phải “ba cùng” với đồng bào các dân tộc; xây dựng Làng Thanh niên…

Sau này ra Hà Nội, với cương vị thủ lĩnh Đoàn (Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), anh là người sáng tạo ra các mô hình: Làng Thanh niên lập nghiệp; Đảo Thanh niên; Đội Thanh niên trí thức về nông thôn miền núi; Thanh niên xung phong mở đường Hồ Chí Minh; Thanh niên xóa cầu khỉ xây cầu nông thôn mới…

Khi được đề xuất, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn thảo luận thông qua, thế là hai phong trào lớn: “Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước” có sinh lực, đơm hoa kết trái trong cuộc sống.

Cũng từ trong thực tiễn, anh còn sáng tạo, chỉ đạo nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thực tế cao, như tổ chức Năm Thanh niên, Diễn đàn Thanh niên, Nhóm TCM (tuyên truyền ca khúc cách mạng), sáng kiến may áo xanh đồng phục thanh niên…

Đọc đến chương 9 trong phần I của cuốn sách, tôi mới hiểu thêm về “Đôi chân vạn dặm” mà anh Vũ Trọng Kim muốn chia sẻ với độc giả. Đó là con người có khả năng to lớn, có thể đi vạn dặm, vạn sáng kiến, vạn thành công trên hành trình cuộc đời. Tiềm năng con người ẩn chứa sức sáng tạo to lớn. “Đôi chân vạn dặm”- xét về thời gian lẫn không gian là vô hạn.

Nhưng tác giả cuốn sách cho rằng qua tự truyện này chỉ mới nói lên một phần. Anh khiêm nhường: “70 năm cuộc đời, có cái ưu, cái khuyết, cái muốn trình bày chính là bài học kinh nghiệm cho ta, cho bạn, cùng chia sẻ hành trang đi trên đường đời, nếu bạn thấy phù hợp”.

Với nội dung thể hiện qua trang sách phong phú, từ những ký ức bi tráng về chiến tranh cũng như cuộc sống dựng xây trong thời bình; lại được viết với phong cách giản dị, diễn đạt tự nhiên, nhẹ nhàng, như nếp sống, lời thoại hằng ngày của người dân xứ Quảng, có nhiều từ địa phương miền Trung được tác giả sử dụng mà vẫn cuốn hút độc giả từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, không dứt.

Từng gắn bó với với anh Vũ Trọng Kim khi anh giữ cương vị Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai Kon Tum cũng như sau này anh về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, là người làm báo, tôi trân trọng từng lời nói, việc làm và trang viết của anh.

Với tôi, “Đôi chân vạn dặm” ngoài những tư liệu, chi tiết sống động về một thời gian khổ nhưng hào hùng của anh cùng đồng đội, chúng tôi còn tìm thấy trong đó những tình cảm ấm áp, gần gũi của một con người luôn dấn thân với lòng yêu nước, quê hương thẳm sâu, tất cả vì cuộc sống của cộng đồng…

Và như thế, “Đôi chân vạn dặm” vượt ra ngoài chuyện của một thời, bởi bạn đọc tìm thấy trong đó những câu chuyện thú vị, có ích của ngày hôm nay và có thể còn là cả mai sau.

Theo baoquangtri.vn