Đồng đội tôi…

Đăng lúc: 13-06-2023 11:12 Sáng - Đã xem: 93 lượt xem In bài viết

Tôi cùng bà Nguyễn Thị Ngân, Trưởng xóm Am Lâm vào thăm bác Nguyễn Thị Mận (ảnh dưới), trước kia là Bí thư đoàn thuộc Đội N91 Bắc Thái. Hiện nay bác về nghỉ chế độ, đang ở với cháu nội[1] Nguyễn Văn Hùng tại xóm Am Lâm, xã Trung Thành, TX Phổ Yên, Thái Nguyên. Trông bác hiền lành, giản dị, dáng người mảnh khảnh, nước da đen sạm, dạn đầy sương gió. Chúng tôi được bác mời chào uống nước và hỏi chúng tôi đến thăm bác có việc gì.

Tôi tự giới thiệu: em là người xóm Thanh Xuyên 5 cùng xã nhà, đã nhiều lần được nghe kể chuyện bác, biết trước kia bác là TNXP thuộc Tổng đội N91-P11 tỉnh Bắc Thái[2]. Xin bác kể lại một số kỷ niệm mà bác được chứng kiến về đại đội 915 anh hùng.

Sau khi tôi đặt vấn đề bác chậm rãi: Nói thật với chú, từ khi tôi về nghỉ chế độ tại địa phương nhiều lần có người đến thăm, hỏi chuyện đồng đội, chuyện riêng tư. Nhắc lại những kỷ niệm xưa về đồng đội đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc tôi thương lắm. Nay chú là người cùng quê muốn tìm hiểu viết về Đại đội 915 tôi xin kể lại những gì còn nhớ về đêm noel 24/12/1972.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước yêu cầu cấp bách “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt” tháng 6/1972 Tổng đội 91 TNXP Bắc Thái quyết định thành lập Đại đội 915 gồm các đoàn viên thanh niên tuổi đời còn trẻ của tỉnh Bắc Thái. Tất cả đại đội cùng nhau đoàn kết thương yêu, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân phục vụ kháng chiến. Vào lúc 7h30 đêm noel 24/12/1972, khi đang bốc hàng ở ga Lưu Xá, có báo động tất cả đại đội đã xuống hầm trú ẩn. Có 3 quả bom rơi trúng hầm trú ẩn.

Được lệnh của cấp trên tôi cùng một số các đồng chí lãnh đạo xuống hiện trường để giải quyết hậu quả. Cùng đi có  Đại đội trưởng Xuân và nhiều cán bộ Đội 91.

Ga Lưu Xá đây rồi nhưng Đại đội 915 bốc hàng ở điểm nào thì mọi người chưa rõ, tất cả lặng im trong đêm giá lạnh, mọi người cùng nhau gọi đồng đội

– C915 TNXP ở đâu đây?

– Có ai thuộc C915 TNXP Thái Nguyên ở đây không?

– Anh Cường ơi!

– Anh Việt ơi!

Không ai trả lời

Bỗng có tiếng gọi, mọi người ơi, một đống balo tư trang của quân mình đang cháy ở đây này.

Mọi người dồn về tiếng gọi. Dưới ánh sáng đèn pin mọi người nhận ra các suất ăn chưa kịp ăn, bát đũa xong nồi tanh bành, vương vãi ngổn ngang. Tất cả ùa đi tìm hầm trú ẩn. Bên cạnh hố bom tôi gọi thất thanh: Thủ trưởng ơi, mọi người ơi! Tôi dẫm lên xác chết. Mọi người chạy ngay đến. Đồng chí Xuân soi đèn nhìn thấy một đoạn chân, rồi đây nữa một đống nhầy toàn máu. Tất cả mọi người dùng hai tay cào bới đất và gọi: có ai còn sống không? Những tiếng gọi không ai trả lời, tan lãng trong ban đêm. Ngay trong đêm các đại đội 1 – 2 – 3 – 4 cũng có mặt để cùng nhau làm nhiệm vụ. Tiếng đào bới nhiều lúc phải ngừng vì những tiếng khóc xót thương của đồng đội, nhiều chiến sỹ nữ ngất đi. Đồng chí Xuân nghẹn ngào động viên chiến sỹ: Đây là điều rủi ro nhất mà TNXP Bắc Thái đã gặp, thôi chúng ta phải tạm nén đau thương này, biến đau thương thành hành động, khẩn trương đưa nhanh thi hài các đồng chí về nghĩa trang ngay đêm nay. Những tiếng kêu đến nhói lòng của đồng đội đào bới.

– Chết hết rồi, chết hết rồi, trời ơi!

– Chết cả một đại đội rồi sao?

Đồng chí Xuân hỏi tôi “Đại đội 915 có bao nhiều? – Thưa thủ trưởng kể cả C trưởng và C phó là 59, có cả anh Cường trực tiếp chỉ huy thì là tròn 60 ạ”

Sau đó đồng chí Xuân phân công cho tôi lấy bút nếu đưa được đồng chí nào lên khỏi hầm thì nhận dạng, ghi họ tên cài vào áo họ, để không bị lẫn lộn. Sau hơn 2 tiếng, chuyến thi thể đầu tiên đã đưa về đưa về nghĩa trang Dốc Lim. Không ai cầm nổi nước mắt, trong cái đêm tang tóc đau thương này họ âm thầm làm nhiệm vụ giưa mênh mông mồ mả, đồi núi hoang vu, bên những thân thể của đồng đội vừa chuyển đến. Tôi chỉ nhận mặt được 25 đồng chí hy sinh.

Chôn cất đồng đội mồ yên, trở về đơn vị, chúng tôi bồi hồi lặng im, không sao cầm được nước mắt, nhớ thương đồng đội hy sinh khi mái tóc còn xanh.

Tôi lặng đi sau những lời kể của bác Mận, không cầm nổi nước mắt quốc Mỹ xâm lược. Tôi hỏi về quá trình công tác của bác.

Bác kể: Tôi sinh năm 1946, tháng 12 năm 1965 đến tháng 4 năm 1974 là TNXP; tháng 5 năm 1974 đến tháng 1 năm 1983 là công nhân xây dựng tỉnh Bắc Thái. Từ năm 1985 nghỉ chế độ mất sức về quê nhà với cháu nội xóm Am Lâm, xã Trung Thành.

Thế tại sao Bác không lấy chồng mà ở vậy với cháu?

Nói thật với chú vào đầu năm 1970 có đơn vị bộ đội lái xe về nhận hàng ga Lưu Xá đưa vào miền Nam. Không may một ô tô bị mảnh bom hỏng nặng, phải sửa chữa. Trong thời gian đó tôi thường qua lại thăm anh em, lo cơm nước. Ai ngờ đồng chí lái xe có cảm tình với tôi từ lâu. Khi xe sửa xong, đêm hôm đó đồng chí lái xe ở lại lán canh gác của TNXP đúng vào đêm trực của tôi. Hai chúng tôi đã trò chuyện với nhau và đồng chí lái xe mạnh dạn đặt vấn đề “Trong suốt thời gian vừa qua gặp em anh có cảm tình, thầm yêu em những chưa có điều kiện nói thật với em. Nếu em đồng ý yêu anh hai chúng ta hứa hẹn với nhau khi nào thống nhất đất nước gặp lại và xây dựng gia đình hạnh phúc với nhau”. Chỉ biết tên anh là Tạ Văn Bình quê ở Vũ Thư, Thái Bình. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, không biết tin đồng chí lái xe đã hứa hẹn hôm đó, tôi thầm nghĩ chắc anh ấy đã hy sinh. Chiến tranh mọi sự mất mát hy sinh đều có thể xảy ra. Hình ảnh đồng đội hy sinh vào đêm noel 24/12/1972 cứ ám ảnh, tôi quyết định không lấy chồng, ở vậy một mình với cháu nội của anh trai.

Sau khi chăm chú nghe tôi với bác Mận trò chuyện, bà Nguyễn Thị Ngân nói: “Từ khi về ở tại địa phương bác Mận rất tích cực tham gia công tác xã hội, động viên anh em, các cháu hiến đất, hiến công xây dựng nông thôn mới. Mọi người trong xóm rất tôn trọng và mến phục bác”.

Bác Mận đúng là một công dân mẫu mực, một cựu TNXP gương mẫu.

Tác giả bài viết

Ngày 24/12/2009, Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Đại đội 915, được tổ chức ngay tại nơi 60 TNXP hy sinh. Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái sau nhiều lần tôn tạo đã khánh thành tháng 12/2018. Hàng năm, tôi đều dành thời gian về thăm.

Ghi chép theo lời kể của bác Nguyễn Thị Mận

 Nguyễn Viết Nhật 

 Hội viên Hội VHNT TP Phổ Yên, Thái Nguyên

 


[1] Cháu của anh trai

[2] Nay là hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn