Gặp lại những thanh niên xung phong đắp đập, khai hoang nơi vùng biên giới năm xưa

Đăng lúc: 13-05-2022 3:13 Chiều - Đã xem: 184 lượt xem In bài viết

 Đến huyện Ea Súp hôm nay, nhìn những cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay, những tuyến kênh dài bê tông hóa, chứng kiến những mùa vàng bội thu, có lẽ không nhiều người biết rằng, để có được những thành quả ấy, cách đây trên 40 năm, hơn 6.000 người, trong đó có trên 4.000 đoàn viên, TNXP tỉnh Thái Bình đã tình nguyện vào Ea Súp( Đắk Lắk ) đào kênh, đắp đập, khai hoang mở rộng cánh đồng, hình thành một vùng quê mới…

 Trong những ngày tháng gian khổ ấy ác liệt ấy, đã có 15 liệt sỹ nằm lại mảnh đất này. Họ hy sinh trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: bị Fulrô phục kích, tai nạn lao động, đa số là do sốt rét ác tính; hàng trăm phụ nữ không có điều kiện lập gia đình sống độc thân hoặc làm mẹ đơn thân. Nhiều người đã chọn ở lại gắn bó với mảnh đất này, trong đó có những người thành đạt, trở thành cán bộ lãnh đạo của huyện và một số cơ quan ban ngành, có cuộc sống ổn định nhưng những ngày tháng làm thủy lợi, khai hoang gian khổ mà tự hào ấy vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của họ… 

 Tháng 3-1977, chị Ngô Thị Hồng Nhạn (hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Ea Súp) là một trong những người đầu tiên trong lực lượng TNXP từ huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào Ea Súp và được phân công làm Phó Bí thư Đoàn của toàn lực lượng. Thời điểm đó, huyện Ea Súp với Cư M’gar bây giờ vẫn là một, chị Nhạn ở Trung đoàn 4 đóng quân tại xã Ea Tar gồm trên 1.000 người với nhiệm vụ: ban ngày khai hoang, làm thủy lợi, hướng dẫn bà con trồng lúa nước và hoa màu, làm vệ sinh, tuyên truyền phòng chống sốt rét; ban đêm phân công từng nhóm về các buôn tổ chức phát động quần chúng, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chống tàn quân Fulrô, mở các lớp bổ túc giúp dân xóa mù chữ. Sau hơn một năm, tất cả các Trung đoàn được lệnh về đóng quân tại xã Ea Súp (thị trấn Ea Súp sau này) và các địa bàn Ea Bung, Ea Lê và Ea Rốk (sau này mới thành lập) bắt đầu khởi công chiến dịch đắp đập Ea Súp Hạ và tuyến kênh chính Đông từ chân đập vào tới Ea Rốk. Sau này, chị Nhạn làm Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp, rồi Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện trước khi về hưu.

 Còn ông Phạm Văn Mạc (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Súp đã nghỉ hưu), thời điểm đó là chàng thanh niên chưa tròn 20 tuổi, tràn đầy nhiệt huyết. Trung đoàn của ông đóng tại vị trí Tháp Chàm (tháp Jang Prong) thuộc thôn 5, xã Ea Rốk hiện nay. Ông Mạc nhớ lại: hồi đó, đây là khu vực rừng thiêng nước độc, đường đi lại khó khăn, đầy thú dữ, bọn tàn quân Fulrô thì lén lút hoạt động. Chế độ dành cho các chiến sĩ TNXP chỉ có 2,8 kg gạo/tháng, chủ yếu ăn khoai và sắn lát, thức ăn chủ yếu là… muối, ở trong các lán trại tạm, muỗi vắt nhiều vô kể, ngày nào cũng có người đau ốm chủ yếu bị sốt rét, do uống nước suối, điều kiện chăm sóc sức khỏe hết sức ngặt nghèo. Khó khăn, vất vả là thế nhưng anh chị em TNXP trên toàn bộ công trường luôn nêu cao tinh thần vượt khó, hăng hái lao động. Đến tháng 11-1980, công trình thủy lợi Ea Súp Hạ và tuyến kênh chính Đông đã cơ bản hoàn thành, các cánh đồng từ xã Ea Súp cho tới Ea Rốk đã được khai hoang. Các TNXP lại chuyển qua sản xuất lấy lương thực nuôi sống bản thân, bám trụ xây dựng quê mới và góp phần bảo vệ biên giới. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm thủy lợi và khai hoang, một số người chuyển sang làm việc ở cơ quan của huyện, ông Mạc cũng lần lượt đảm nhiệm nhiều trọng trách trong các cơ quan của huyện.

 Nhắc đến những người tham gia lãnh đạo lực lượng TNXP hồi đó, không thể không nói đến ông Nguyễn Công Huân, một trong những vị tổng chỉ huy công trường. Ông Huân từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND huyện và đã nghỉ hưu hơn 30 năm. Giờ đây đã bước sang tuổi “thượng thượng Thọ” nhưng mỗi lần nhớ đến những ngày tháng trên công trường thủy lợi và khai hoang, ông lại rưng rung nước mắt. Ông Huân khẳng định, có được huyện Ea Súp như ngày nay là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bằng những quyết sách hợp lý, nhờ công lao của những con người đi trước tiên phong khai phá với biết bao công sức và mồ hôi, xương máu.

 45 năm đã qua đi, hồ Ea Súp Hạ vẫn ngày đêm mang dòng nước mát tưới tắm cho hàng nghìn héc-ta lúa nước từ thị trấn Ea Súp cho tới các xã Ea Bung, Ea Lê, Ya Tờ Mốt, Ea Rốk, Cư Kbang xa xôi… Để có ngày hôm nay, không thể nào quên những con người cách đây trên 4 thập kỷ – cựu TNXP hôm nay – đã cống hiến sức lực và tuổi thanh xuân đắp đập, khai hoang, biến những cánh đồng hoang, những vùng đất cằn đá sỏi thành những cánh đồng xanh bát ngát, cho một màu xanh biên cương trải rộng tít tắp chân trời.

 Phan Ba

 Hội Cựu TNXP huyện Ea Súp