Gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 65 liệt sỹ Đại đội TNXP 915, 913

Đăng lúc: 30-01-2023 10:43 Sáng - Đã xem: 57 lượt xem In bài viết

Ngày  21/12/2022, Tỉnh hội Thái Nguyên tổ chức hội nghị Gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày 65 TNXP của các Đại đội 915, 913 Đội 91 Bắc Thái  hy sinh (24, 29 /12/1972 – 24,29/12/2022); tổng kết công tác Hội năm 2022, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023 với sự tham dự của đại diện thân nhân liệt sỹ, TNXP bị thương[1]; các đoàn đại biểu Hội Cựu TNXP quận Ba Đình (Hà Nội), thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương); đại diện Hội Cựu TNXP các huyện, thành phố cùng lãnh đạo Hội Cựu TNXP của 32 phường, xã thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Ban Liên lạc Cựu TNXP Đại đội 915,913 – Đội 91 Bắc Thái.

Đến dự có các đồng chí: Ngô Văn Tuyến; Thường trực Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức, Kiểm tra và Tuyên truyền; Đồng Sỹ Tiến, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng ban Tổ chức, Kiểm tra và Tuyên truyền TW Hội; Dương Văn Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Ngô Thế Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Quốc Thái, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; cùng đại diện các Ban, Ngành, đoàn thể của tỉnh.

Trước khi vào hội nghị các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ TNXP đại đội 915 thành Khu di tích lịch sử địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá (ảnh trên).

Chủ tịch Tỉnh hội Thái Nguyên Lê Huy Lanh (ảnh trên) ôn lại lịch sử, chiến công của các Đại đội TNXP 915, 913 thuộc Đội 91 Bắc Thái[1]:

Các Đại đội 913, 915 nhiệm kỳ III được thành lập tháng 6 năm 1972. Biên chế mỗi Đại đội có hơn 100 cán bộ, đội viên, có tuổi đời từ 17 đến 20, trong đó nữ chiếm hơn 70%, phần nhiều là con em các dân tộc thiểu số các huỵên: Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), Chợ Đồn, Chợ Rã, Na Rì (tỉnh Bắc Cạn).

Ngay sau khi ổn định tổ chức, đầu tháng 7 năm 1972 các Đại đội 913, 915 đã cùng với các đại đội khác của Đội 91 nhanh chóng ra quân làm nhiệm vụ sửa chữa, duy tu và nâng cấp Quốc lộ 1B, Quốc lộ 3; đường 16A (nay là Quốc lộ 17)…, để phục vụ tốt nhất việc lưu thông hàng hóa cho các chiến trường đánh Mỹ. Trong thời gian này, Mỹ phong tỏa phong tỏa sông biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường; Thái Nguyên đã trở thành “cảng cạn” để tiếp nhận hàng viện trợ của các nước anh em. Các tuyến đường của tỉnh Thái Nguyên trở thành đường chiến lược. Chính vì thế, Mỹ đã tập trung máy bay ném bom đánh phá rất ác liệt các Quốc lộ 3, 1B và đường 16A. Tháng 8 năm 1972, năng suất tiếp nhận lương thực, hàng hóa của Thái Nguyên đã đạt 1.000 tấn/ ngày.

 Đầu tháng 9 năm 1972 Đại đội 913, 915 được điều động làm nhiệm vụ san lấp “ổ gà”, sửa chữa và đảm bảo giao thông trên Đường 16A đoạn từ thị trấn Chùa Hang đi thị trấn Trại Cau. Vào lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 13/9/1972, máy bay Mỹ ồ ạt đến ném bom, bắn phá đoạn đường nơi cán bộ, đội viên Đại đội 915 đang sửa chữa. Bom đạn do máy bay Mỹ ném xuống đã làm đội viên Hoàng Thị Cát hy sinh tại chỗ và 8 đồng chí khác bị thương. Đây là trận đầu tiên máy bay Mỹ ném bom gây thương vong, tổn thất cho đơn vị.

 Liên tiếp ngày đêm trong các ngày từ 25/9 đến 22/10/1972 máy bay Mỹ đánh phá xuống các xã Linh Sơn, Nam Hòa, Tân Lợi ở dọc Đường 16A, nơi các Đại đội 913, 915 làm nhiệm vụ, phá hủy nhiều nhà cửa ruộng vườn và làm nhiều người chết. Với tinh thần “ sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, TNXP Đại đội 913, 915 vẫn dũng cảm, bám trụ, ngày đêm miệt mài san lấp hố bom, “ổ gà, ổ voi” đảm bảo giao thông vận tải, góp phần quan trọng cùng với quân và dân trong tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận và trung chuyển lương thực, hàng hóa cho các chiến trường.

Mười hai ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, Đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và nhiều tỉnh, thành phố khác trên miền Bắc. Những ngày này, việc tiếp nhận và trung chuyển lương thực hàng hóa của quân và dân Thái Nguyên vẫn diễn ra hết sức khẩn trương; tại ga Lưu Xá và Quán Triều còn tới 19.923 tấn lương thực và hàng hóa các loại. Việc gải tỏa số lương thực, hàng hóa này trở nên hết sức cấp bách.

Sáng ngày 23/12/1972, Phó Thủ tướng Đỗ Mười chỉ thị cho Tỉnh ủy, Uỷ ban hành chính tỉnh Bắc Thái “tổ chức ca kíp, tập trung lực lượng, phương tiện để giải tỏa hàng hóa ở các kho chứa hàng nằm trong khu vực trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ ”. Chiều ngày 23/ 12/1972, Ủy ban hành chính tỉnh giao cho Đội TNXP 91 Bắc Thái cử 100 cán bộ, đội viên làm nòng cốt phối hợp với dân quân tự vệ Khu Gang thép và cán bộ nhân viên Ty Lương thực, Ty Giao thông làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa ở chân hàng ga Lưu Xá. Đại đội 915, được Ban chỉ huy Đội 91 giao nhiệm vụ cử 60 cán bộ, đội viên nhưng nhận rõ sự khẩn trương và rất cấp bách của việc giải tỏa hàng hóa, 66 cán bộ, đội viên đã xung phong “vượt 10% chỉ tiêu quân số do Ban chỉ huy Đội 91 giao”. Trong số đó có cả các đồng chí đã bị thương ở trận bom ngày 13/9/1972, vết thương chưa lành hẳn. Đội phó Đội TNXP 91 Nguyễn Thế Cường, biết có thể hy sinh đã gửi lại tư trang nhờ bạn bè đưa về gia đình nếu mình “một đi không trở lại”. Những nghĩa cử đó đã khẳng định khí phách kiên cường, bất khuất, sẵn sàng xả thân hy sinh vì nhiệm vụ của cán bộ, đội viên Đội 91nói chung, Đại đội 915 nói riêng.

 Ngày 24/12/1972, sau một ngày lao động khẩn trương, vất vả, căng thẳng do trọng lượng các bao tải hàng lớn hơn trọng lượng cơ thể trong tiếng máy bay Mỹ thường xuyên gầm xé, quên cả nghỉ ngơi, chập tối mọi người mới về nghỉ.  Chưa kịp ăn cơm tối, thì còi báo động vang lên, toàn bộ 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 và 2 nhân viên nhà kho lương thực vào hết hai hầm trú ẩn xây bằng gạch của nhà trẻ Bệnh viện Gang thép.  Cũng lúc này 34 máy bay B52 và 40 máy bay chiến thuật của không quân Mỹ đã ồ ạt lao đến ném hơn 700 quả bom phá các loại xuống khu Nam thành phố Thái Nguyên (theo Lịch sử TNXP tỉnh Thái Nguyên 1950_2016, trang 204); bom Mỹ đã ném trúng cả hai hầm. Trong số 66 cán bộ, đội viên thương vong, có 59 đồng chí hy sinh cùng Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường.

 Mặc cho sự đánh phá rất ác liệt của máy bay Mỹ, gây nhiều thương vong nhưng cán bộ, đội viên Đại đội 913 không hề nao núng. Trước ngày 29/12/1972, máy bay Mỹ đã nhiều lần bay trinh sát trên tuyến đường 16A và khu vực Đại đội 913 làm nhiệm vụ. Vào khoảng 9 giờ 15 phút ngày 29/12/1972, trong khi Đại đội 913 đang sửa chữa đoạn đường qua xóm Ao Sen, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ thì một tốp máy bay F111[2] bay thấp đánh lén, ném bom, phá hỏng đoạn đường dài 200m, làm 05 cán bộ đội viên hy sinh tại chỗ cùng 8 cán bộ, đội viên bị thương và nhiều người khác bị sức ép; đường hỏng nặng. Lúc này hơn 100 xe vận tải quân sự đang chờ thông đường[3]. Đơn vị vừa khắc phục hậu quả, chôn cất đồng đội hy sinh, sơ cứu người bị thương đưa đi bệnh viện vừa tập trung lực lượng còn lại, ổn định tư tưởng, khẩn trương sửa đường, đến 17 giờ 30 phút thông xe. Đoàn xe quân sự đã tranh thủ vượt qua an toàn, chạy theo hướng rừng Yên Thế, Bắc Giang.

65 cán bộ, đội viên Đại đội TNXP 915, 913, Đội phó Đội TNXP 91 Bắc Thái Nguyễn Thế Cường hy sinh và 15 cán bộ, đội viên khác bị thương[4] là sự hy sinh to lớn của Đội TNXP 91. Lực lượng TNXP đã góp phần cùng quân và dân tỉnh Bắc Thái và cả nước đánh bại âm mưu phong tỏa đường biển miền Bắc của giặc Mỹ. Sau khi hiệp định Pa ri được ký kết và có hiệu lực, cán bộ, đội viên Đại đội TNXP 913, 915 tiếp tục sát cánh cùng với quân và dân trong tỉnh đẩy mạnh khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; ra sức đóng góp sức người, sức của chi viện chiến trường, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 Để ghi nhớ công ơn và sự tích anh hùng của các anh, các chị Đại đội TNXP 915 đã vì Tổ quốc hy sinh, đầu năm 1995, lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Thành đoàn TNCSHCM thành phố Thái Nguyên đã phát động phong trào toàn dân tham gia đóng góp với tinh thần đền ơn đáp nghĩa để xây dựng Nhà tưởng niệm và Bia đá ghi tên, tuổi của 60 anh chị TNXP đã hy sinh, tại nơi các anh chị nằm xuống.

 Ngày 28/ 4/2009 Chủ tịch nước ký Quyết định số 613/QĐ-CTN phong tặng Danh hiệu AHLLVTND cho Đại đội TNXP 915. Ngày 31/7/2012, Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 1128/QĐ-CTN tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3 cho Đại đội 913.

 Ngày 18/12/2009 Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 4698/QĐ-BVHTTDL công nhận Nhà tưởng niệm Đại đội TNXP 915 anh hùng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

 Năm 2010 UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định nâng cấp xây dựng Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ TNXP đại đội 915 thành Khu di tích lịch sử địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá trên diện tích 1,48 ha, với 12 hạng mục. Ngày 24/12/2012, lần giỗ thứ 40 của các liệt sỹ đã khánh thành các hạng mục và Đền thờ.

 Cùng với Dự án nêu trên, Ban Bí thư Trung ương Đoàn cũng đầu tư cho Thái Nguyên triển khai xây dựng Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Thái Nguyên tại Khu di tích.

 Mặc dù đã được đầu tư, xây dựng, nhưng cơ sở vật vẫn còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa xứng với tầm vóc của một Di tích lịch sử Quốc gia, nơi ghi dấu sự kiện vô cùng thiêng liêng, bi tráng. Ngày 19/3/2018, Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 1530-TB/TU về kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên chủ trương định hướng tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia Đại đội TNXP 915; UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy. Sau 9 tháng thi công, Công trình tôn tạo Khu Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá hoàn thành, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh long trọng tổ chức Lễ khánh thành vào đúng dịp lần giỗ thứ 46 ngày hy sinh của 60 liệt sỹ (24/12/1972-24/12/2018), đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và du khách trong nước về tri ân, dâng hương, chiêm bái. “Địa chỉ đỏ” này góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là học sinh, sinh viên về tấm gương hy sinh anh dũng của TNXP trong các thời kỳ kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

 Từ năm 2017 Hội Cựu TNXP tỉnh đã tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ để đề nghị UBND tỉnh công nhận “Khu di tích lịch sử địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 913 hy sinh tại xã Nam Hòa”. Hiện nay, hồ sơ đã cơ bản hoàn chỉnh theo qui định. Tuy nhiên, đất khu di tích nằm trong hàng rào kho K21 Quân khu I, phải chờ việc sắp xếp lại, và bàn giao khi có Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, được Trung ương Hội tặng thưởng cờ thi đua Đơn vị xuất sắc, Khối Thi đua các Hội xã hội nghề nghiệp của tỉnh  đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Nhân dịp này, 23 thân nhân liệt sĩ đã hy sinh và 7 cựu TNXP bị thương của Đại đội 915, 913 ở tỉnh Thái Nguyên được nhận phần quà trị giá 1,2 triệu đồng/phần. Ngoài ra, Hội Cựu TNXP quận Ba Đình (Hà Nội) cũng tặng 20 phần quà (500.000đ/phần) cho các cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Một số hình ảnh khác 

Lễ dâng hương tưởng niệm

 

Các đại biểu

 

Một số tiết mục văn nghệ

 

Tặng cờ, bằng khen

 

Trao quà

 

 

Tin: Lê Huy Lanh, Chủ tịch Tỉnh hội Thái Nguyên

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến 


[1] Nay là các tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Cạn

[2] General Dynamics F-111 là một loại máy bay ném bom chiến lược tầm trung, trinh sát, và chiến đấu được thiết kế trong những năm 60, cánh có thể thay đổi hình dạng (cánh cụp, cánh xoè).

[3] Có cả xe thiết giáp của Kho xe 382 thuộc Cục quản lý xe Bộ Quốc phòng, đi từ Trường Thanh niên dân tộc Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ.

[4] 7 người của Đại đội 915, 8 người của Đại đội 913