Gặp ‘người kể chuyện Bác Hồ bằng thơ’

Đăng lúc: 19-05-2022 8:16 Sáng - Đã xem: 34 lượt xem In bài viết

Ban biên tập trân trọng giới thiệu bài Gặp ‘người kể chuyện Bác Hồ bằng thơ’ của tác giả Anh Thơ đăng trên tphcm.chinhphu.vn ngày 16/05/2022. “Người kể chyện…” là cựu TNXP Hồ Bá Thâm. Ông đã có nhiều năm có mặt trên những trọng điểm ác liệt của Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

“Viết về Bác là cảm xúc, suy tư không chỉ về lãnh tụ thiên tài mà còn về một con người, một đời người… Viết về Bác là viết về nhân dân, về dân tộc, về cách mạng, về thời cuộc, không chỉ là quá khứ mà cả hiện tại và tương lai…”, nhà thơ Hồ Bá Thâm trải lòng.

Nhà thơ Hồ Bá Thâm và tập “Từ ấy mùa sen” – Ảnh: VGP/Anh Thơ

Chúng tôi đến thăm nhà thơ, tiến sĩ triết học Hồ Bá Thâm – (người “kể chuyện Bác Hồ bằng thơ” như một chương trình của đài VOH từng nói về ông) trong những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một nhà nghiên cứu khoa học có nhiều năm gắn bó với việc nghiên cứu và giảng dạy triết học, mỹ học, tâm lý, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh; có gần 50 đầu sách lý luận triết học, chính trị xã hội, văn hóa, tâm lý, nhân lực nhưng tiến sĩ triết học quê xứ Nghệ vẫn luôn giữ niềm đam mê bất tận với thi ca.

Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng về văn chương như giải C tại Giải thưởng Sáng tác văn học nghệ thuật về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM với tập thơ trường ca “Nỗi niềm”. Đặc biệt, ông cũng được trao tặng Bằng Kỷ lục gia Việt Nam, người sáng tác thơ có nhiều từ “nghiêng” nhất vào năm 2012 và được tôn vinh là trí thức Việt Nam năm 2015.

Trong 13 tập thơ của Hồ Bá Thâm thì đã có 9 tập với nhiều bài thơ về Bác (“Dưới ánh mặt trời”, “Đi từ mùa xuân ấy”, “Tập thơ Thơ và trường ca Nỗi niềm”, “Khi mùa xuân đến”, “Trường ca Đứng trước dòng sông”, “Vầng trăng quê”, “Từ ấy mùa sen”, “Hát cùng Hà Nội”, “Có một Trường Sơn như thế”). Trong tập “Dưới ánh mặt trời”, có chùm thơ Nguồn sáng vĩnh hằng với khoảng 70 trang viết về Bác, tập “Hát cùng Hà Nội” có 60 trang viết về Bác.

Sau hơn 50 năm làm thơ về Bác Hồ in rải rác trong 9 tập thơ nói trên, năm 2021, ông in riêng một tập thơ với 49 bài viết về Bác Hồ mang tên “Từ ấy mùa sen” (TAMS).

Từ ấy mùa sen

TAMS gắn với hình ảnh chủ đạo, gần gũi đồng quê Việt Nam là bông sen. Có một số bài nổi bật, ấn tượng như “Ngày ấy mùa sen”, “Sen mặt trời”, “Câu ca ví dặm mùa sen” hay “Hồ Chí Minh bát ngát những mùa sen”… Ngoài ra, bài thơ “Mỗi bước con đi có cha bên cạnh” được nhà thơ Hồ Bá Thâm viết sau khi xem xong vở kịch “Cha con và Tổ quốc”, ngày Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh chia tay cha đi về phương Nam để tìm đường cứu nước.

Ông cũng viết nhiều bài thơ về Bác ở miền Trung, khi Bác ở Sài Gòn và khi xa đất nước… Tập thơ còn nhắc nhớ về Đồng Tháp, nơi ở cụ thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay cả về sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ để thể hiện tình hữu nghị như Bác mong ước từ lâu…

Ông tâm sự, trước đây, các chùm thơ về Bác Hồ thường nói nhiều về sự nghiệp của Bác, tình cảm và sự hy sinh của Bác với dân, với đất nước, còn tập TAMS khắc sâu thêm hình ảnh Bác hy sinh tình cảm cá nhân, gia đình, lợi ích riêng vì nghĩa lớn của dân tộc. Tập TAMS viết nhiều về quan hệ Bác Hồ với người thân (với Mệ, Cha, anh em), gắn với tình yêu nước, yêu dân… Dù đã viết nhiều về Bác nhưng tập thơ TAMS vẫn có chỗ đứng riêng, giàu hình ảnh, âm nhạc điệu hơn, ít lặp lại trong các sáng tác trước đó.

“Tháng Năm này xin hứa cùng với Bác

Gian nan khởi nghiệp, lửa thử vàng

Bão giông sóng dữ, luôn vững lái

Nhớ Bác, chúng con đạp sóng bằng!

Tháng Năm này, chắc Bác nhớ mẹ cha

Xả thân sự nghiệp nặng sơn hà

Tất cả hòa vào hồn sông núi

Thiêng liêng phù hộ cháu con ta!

 Tháng Năm này, cháu về thăm nhà Bác

Tháp nén trầm thơm tỏ tấm lòng

Sen nở đưa hương hồn… trong gió

Sáng – vầng – nhật – nguyệt trái – tim -hồng!”

Nhà thơ Hồ Bá Thâm từng được trao tặng nhiều giải thưởng về văn chương – Ảnh: VGP/Anh Thơ

Cảm xúc, suy tư về lãnh tụ thiên tài – về một đời người…

Theo nhà thơ Hồ Bá Thâm, Bác Hồ là nhân vật rất điển hình, đặc biệt điển hình cho trữ tình thơ ca và nghệ thuật khai thác sáng tạo… Khi làm thơ về Bác, ông chú trọng đến nỗi niềm của Bác khi hoạt động cách mạng.

“Viết về Bác là cảm xúc, suy tư không chỉ về lãnh tụ thiên tài mà còn về một con người, một đời người… Viết về Bác là viết về nhân dân, về dân tộc, về cách mạng, về thời cuộc, không chỉ là quá khứ mà cả hiện tại và tương lai…”, Hồ Bá Thâm nói và cho biết thêm, khi viết về Bác, ngoài mục đích hay, đúng và lôi cuốn, phải làm sao để không thể hiện sự ca ngợi một chiều mà còn phải có ý nghĩa thức tỉnh, học, làm theo gương Bác một cách sáng tạo.

Cái khó nhất khi làm thơ về Người, theo nhà thơ Hồ Bá Thâm, đó là phải hiểu được nội tâm, cảm xúc trăn trở của Bác. Viết về Bác Hồ hay về quê hương đất nước cũng chính là thể hiện sự suy tư về nhân tình thế thái, về thời cuộc, về số phận con người, số phận dân tộc và cả nhân loại cần lao trong biến cố lịch sử và không chỉ đã qua mà còn là trong tương lai bởi vì Hồ Chí Minh còn sống mãi với nhân dân dân tộc ta. Viết về Bác là để học, để làm theo Bác trong hoàn cảnh của mình và truyền cảm hứng khát vọng cho người khác.

Từ những mùa sen Đồng Tháp

Từ những mùa sen quê Bác

Cháu con yêu kính bên Người

Theo ánh sáng mặt trời nhân văn của Bác…

Lớn lên

Lớn lên…”

Nhà thơ Hồ Bà Thâm sinh ngày 2/2/1947 tại Nghệ An; thường trú tại TPHCM.

Ông là Tiến sĩ triết học, hội viên Hội Nhà văn TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TPHCM.

Trong những năm công tác, ông đã viết và công bố hàng trăm bài báo khoa học về lĩnh vực triết học; nghiên cứu được 20 đề tài khoa học; đã xuất bản gần 50 đầu sách về triết học, khoa học chính trị – xã hội – văn hóa với tư cách tác giả và là chủ biên (không kể sách in chung với nhiều tác giả khác).