Giữa ý Đảng và lòng Dân, Mặt trận luôn là cầu nối vững chắc

Đăng lúc: 22-04-2020 1:41 Chiều - Đã xem: 46 lượt xem In bài viết

Hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam đã trả lời phỏng vấn truyền hình nhân dân. Ban biên tập trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn này. Tiêu đề và chú thích một số sự kiện nêu trong bài do Ban biên tập thực hiện

PV : Đồng chí đánh giá như thế nào về nhận định: Việc thành lập Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một sáng tạo của Đảng trong đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam?

   Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 sớm tan vỡ khi đế quốc Mỹ vào thay chân thực dân Pháp chiếm đóng miền Nam Việt Nam; chính quyền Sài Gòn dùng bạo lực, lê máy chém khắp mọi nơi thẳng tay đàn áp người kháng chiến và phong trào yêu nước của quần chúng nhân dân.

   Lúc bấy giờ,“Đề cương cách mạng miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn khởi thảo[i], có sự phân tích sâu sắc tình hình, đưa ra 3 khẩu hiệu hợp lòng dân: 1/ Hòa bình, thống nhất đất nước; 2/ Thi hành tự do, dân chủ; 3/ Cải thiện đời sống của người lao động; Ban chấp hành Trung ương Đảng đã kịp thời ban hành Nghị quyết 15 nhằm chỉ đạo sự ra đời của Mặt trận.

   Đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đồng bào ta, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 20/12/1960, tại vùng căn cứ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh; do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Mặt trận có quốc kỳ, quốc ca; như một chính quyền nhân dân, công khai hoạt động đã nhanh chóng tập hợp lực lượng của nhân dân đấu tranh trên 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; tấn công và nổi dậy trên cả 3 vùng chiến lược miền núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Đó là đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta. Vị thế của Mặt trận ngày một nâng cao trong nước và trên trường quốc tế.

   Mặt trận đã trịnh trọng tuyên bố Chương trình 10 điểm[ii], mang sứ mệnh lớn lao nhằm mục tiêu hòa bình, thống nhất đất nước, đem lại tự do, dân chủ và cải thiện đời sống nhân dân. Phong trào đồng khởi liên tiếp diễn ra, tỉnh Bến Tre là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần quật khởi, với một nguyện ước lớn lao là “Thực hiện hòa hợp dân tộc, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

   Quá trình hoạt động của Mặt trận được nhân dân khắp miền Nam hưởng ứng, đồng bào miền Bắc chi viện sức người, sức của; được nhân dân Mỹ và loài người tiến bộ trên thế giới ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta.

   Mùa Xuân năm 1968 chúng ta mở cuộc tổng tấn công và nổi dậy trên khắp các vùng chiến lược, nông thôn hầu hết được giải phóng, đô thị bị quân giải phóng tấn công, nhân dân đứng lên làm chủ nhiều ngày trên nhiều thành phố. Tình thế đó đã đẩy quân Mỹ và chư hầu vào thế bất lợi, chiến lược chiến tranh đặc biệt, tiếp nối là chiến lược chiến tranh cục bộ đều bị phá sản trên chiến trường miền Nam, cũng như thua đau trong mưu đồ leo thang chiến tranh, tấn công bằng không quân ra miền Bắc.

   Đặc biệt, đường lối chiến tranh nhân dân là một sự sáng tạo hiếm thấy; đường lối vừa đánh vừa đàm tại Pa-ri, thủ đô nước Pháp, khiến cho đế quốc Mỹ luôn rơi vào thế bị động đối phó. Trong lúc chính quyền Sài Gòn trở nên bất lực, hoang mang tột độ thì Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam[iii] liên hiệp cùng với Mặt trận dân tộc giải phóng tuyên bố ra đời Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào ngày 6 tháng 6 năm 1968. Như một cú đấm sấm sét lên đầu quân xâm lược; Mỹ phải chịu ngồi vào đàm phán bốn bên, như vậy một thế trận mới được hình thành. Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh ra đời nhằm thay màu da trên xác chết[iv]. Tưởng chừng cú leo thang phá hoại miền Bắc bằng máy bay chiến lược B52 sẽ khuất phục quân và dân ta, nhưng không, “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 là một đòn chí mạng; một lần nữa quân và dân miền Bắc đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

    Vận hội đã đến. Đảng ta nắm chắc thời cơ, quân và dân ta mở màng chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy bằng cuộc tấn công như vũ bão vào mặt trận Tây Nguyên tháng 3 năm 1975, đã mở đường cho quân và dân toàn miền Nam đứng lên, giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4-30/4/1975). Đó là những yếu tố chứng minh đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện trên khắp các mặt trận bằng 2 chân 3 mũi giáp công[v] thật tài tình và sáng tạo, nói lên đường lối cách mạng sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

PV : Đâu là bài học kinh nghiệm mà chúng ta có thể vận dụng cho công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, thưa đồng chí!

   Tôi nhận thấy có nhiều bài học. Trước hết là Đảng ta luôn luôn sâu sát, lắng nghe, hiểu được nguyện vọng và ý chí của nhân dân để đưa ra chủ trương, chính sách đúng đắn. Điều này nói lên sự phù hợp giữa ý Đảng và lòng Dân, mà Mặt trận luôn là cầu nối vững chắc, không ngừng củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Thực tiễn đã chứng minh qua gần 35 năm đổi mới đất nước, chúng ta đã dành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

   Bác Hồ dạy: Dân là gốc. Do đó bài học về dân chủ và phát huy dân chủ là rất quan trọng. Đảng dựa vào sức mạnh của nhân dân, đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức dân như sức nước, trước đây đồng bào 2 miền Nam Bắc đồng lòng chung sức, tấn công và nổi dậy làm nên chiến thắng lịch sử. Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kế thừa và phát huy tinh thần đó một cách sáng tạo trong nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, trong các phong trào và các cuộc vận động nhân dân.

   Bài học về đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt là thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tươi sáng. Mặt trận luôn tăng cường khối đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đều có điểm tương đồng là cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Đó là mục tiêu, là nguồn động lực mạnh mẽ cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước phồn vinh./.


[i] Trước chính sách “tố cộng, diệt cộng” của chính quyền Mỹ – Diệm, đồng chí Lê Duẩn vừa chỉ đạo hoạt động của toàn Đảng bộ, vừa trực tiếp nghiên cứu tình hình miền Nam và dự thảo bản “Đề cương cách mạng miền Nam”. Sau đó, các ý tưởng của đồng chí Lê Duẩn được đồng chí Thư ký riêng Châu Quốc Tuấn chắp bút và đồng chí Trần Văn Hoành (tức Năm Hoành) ghi lại thành văn bản. Bản đề cương được hoàn thành vào mùa thu năm 1956 và được gửi ra thủ đô Hà Nội trong tháng 12 năm đó. Cấu trúc bản đề cương gồm 5 phần chính: Ba nhiệm vụ chính của cả nước hiện nay; Mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam; Yêu cầu và khẩu hiệu của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam; Hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam; Bài học lịch sử và những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam

[ii] 1. Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ.

  1. Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ.
  1. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện cải thiện dân sinh.
  1. Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, giúp người cày có ruộng.
  1. Xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc, dân chủ.
  1. Xây dựng một quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
  1. Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo hộ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào.
  1. Thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập.
  1. Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
  1. Chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới.

[iii] Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (tiếng Anh: Alliance of National Democratic and Peaceful Forces of Vietnam, ANDPFVN) do do Luật sư Trịnh Đình Thảo lãnh đạo, là một tổ chức được thành lập sau sự kiện Tết Mậu Thân vào ngày 20 tháng 4 năm 1968. Tổ chức này tập hợp “đại diện các nhân sĩ, bác sĩ, nhà giáo, nhà văn, nhà báo, người tu hành, sinh viên, tư sản dân tộc, sĩ quan và công chức trong quân đội và chính quyền miền Nam”

[iv] Việt Nam hóa chiến tranh (tiếng Anh: Vietnamization) hay Đông Dương hóa chiến tranh là chiến lược của Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Richard Nixon trong Chiến tranh Việt Nam, được bắt đầu từ năm 1968, áp dụng toàn diện trên toàn Đông Dương từ ngày 8 tháng 6 năm1969 nhằm từng bước chuyển trách nhiệm tiến hành chiến tranh cho chính quyền và quân lực Việt Nam Cộng hòa để Mỹ có thể rút dần quân về nước nhưng vẫn giữ được miền Nam Việt Nam, và cả bán đảo Đông Dương trong tầm ảnh hưởng của Mỹ.

[v] 2 phương châm (chính trị, quân sự), tấn công địch bằng 3 mũi giáp công (chính trị, vũ trang, binh vận), còn gọi là “đường lối đấu tranh 2 chân 3 mũi” .