Gương sáng nữ chiến sỹ Trường Sơn vươn lên xóa đói giảm nghèo

Đăng lúc: 09-04-2019 11:04 Sáng - Đã xem: 41 lượt xem In bài viết

 

Đứng ở sườn đồi độ cao so với mặt đất 10m cạnh 4 bể nước mưa, tôi thả đôi bàn tay vào bể nước, té những giọt nước mát vào những vồng ngô đang độ vào hạt, ngắm nhìn về ba phía trải rộng một màu xanh cảu cây na dai. Giữa mùa hè oi bức tôi thấy đôi bàn tay mình mát rượi. Cái cảm giác mát mẻ nhanh chóng lan tỏa khắp cơ thể tôi. Bỗng tiếng gọi của nữ cựu TNXP Vũ Thị Nơi[i] cắt ngang ý nghĩ của tôi.

Chị Nơi là người thứ 2 từ trái sang

– Chị Hoán ơi! Chị đang làm gì thế?

À! tôi nghĩ nhiều lắm: Nghĩ đến đồng đội những người không bao giờ trở về. Nghĩ đến những người đã trải qua bom đạn, qua cái chết, vượt qua khó khổ để vươn lên khẳng định bản chất thanh niên xung phong, bản chất của người chiến sĩ Trường Sơn một lần nữa đang tỏa sáng trong cuộc sống đời thường, đối mặt với nghèo khó, vượt lên xóa đói nghèo.

Nghe tôi nói vậy chị Nơi tâm sự:

Là một đội viên TNXP, nữ chiến sỹ Trường Sơn, anh Du chồng em cũng là một anh bộ đội công binh, chúng em đều có một suy nghĩ duy nhất: Đã được Đảng, Đoàn, quân đội giáo dục và được tôi luyện trưởng thành trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu về với cuộc sống đời thường, phải sống thế nào cho có ích cho gia đình, cho xã hội, cho thế hệ mai sau không phụ lòng đồng đội mình ở nơi chín suối…

Với một gia đình nho nhỏ cũng bộn bề những mưu sinh cho cuộc sống hàng ngày, lắm lúc em cũng định cam chịu số phận đưa đẩy song may quá chị ạ, khoán 10 xuất hiện em mạnh dạn nhận 13 sào ruộng khoán với ham vọng những tháng ngày sau này sẽ không còn bị cắt bữa, con cái lớn lên sẽ được ăn học tử tế. Từ năm 1980 đến năm 1989 có thời điểm em đã nhận tới 23 sào ruộng khoán.

Với tinh thần không cam chịu đói, nghèo lại có được bản lĩnh đã tôi luyện trên con đường Trường Sơn huyền thoại, 9 năm làm ruộng khoán, bình quân hàng năm chúng em cũng có thu nhập từ 1.700kg thóc đến 2.500 kg sau có lương thực, có chút vốn liếng em kiến thiết cơ bản rồi phát triển chăn nuôi.

Bao nhiêu cố gắng ấy cũng chỉ tạm đủ ăn không thể thoát nghèo bền vững chúng em đã mạnh dạn nghĩ đến chuyện làm kinh tế vườn đồi song song với đồng ruộng. Năm 1989 đến năm 1994 chia đôi lực lượng, chồng vào đồi, vợ ở đồng.

Sau 5 năm em đã vỡ hoang khai hóa được 2 ha đất đồi bình quân hàng năm cũng cho thu hoạch: Sắn tươi từ 25 – 30 tấn, ngô từ 1,5 – 2 tấn, lạc từ 5 – 6 tạ ngoài ra còn khoai lang, đỗ các loại.

Ý tưởng của chúng em đã cho thấy là đúng hướng tuy vốn rất hạn hẹp. Song với phương châm lấy đồng nuôi đồi, đồi đầu tư quay lại đồi, lấy cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày, rồi cây nuôi con bằng chính vốn của mình.

Dẫu khó khăn không ít, thất bại cũng từng gặp xong bản lĩnh của người lính đã khích lệ em vươn lên.

Năm 1994 nhìn quay lại trở về năm 1980 với 14 năm bằng vốn tự tạo ra chúng em cũng đã xây dựng công trình cơ bản cũng không nhỏ. Vùng đồng cũng có tới trên 160m2 nhà ở chuồng trại, bể nước, giếng khoan. Vùng đồi cũng đã có hơn 220m2 nhà ở chuồng trại và quan trọng hơn cả là đã có 4 bể chứa nước với tổng dung tích là 87m3. Nước là mục tiêu phấn đấu đầu tiên của chúng em. Nơi đây ở rất xa nguồn nước nếu không có nước con người cũng chết khát mà nước là điều kiện quan trọng để tưới cho cây.

Cơ chế thoáng từ tỉnh, huyện như luồng gió mới thổi vào lòng người. Nên vào năm 1994 em đăng ký nhận ngay 4,5 ha đất quy hoạch của nông trường để chuyển đổi phương thức canh tác. Với 4,5 ha trồng toàn bộ cây ăn quả gồm nhãn, na, hồng với mục tiêu chuyển trọng tâm làm kinh tế vào vùng đồi em lập một quy hoạch cho cả một giai đoạn chuyển đổi từ 1994 – 2000 và xa hơn. Mục tiêu vẫn là lấy ngắn nuôi dài, lấy cây nuôi con và ngược lại.

Năm 1995 em trồng 3 ha sắn, 1,5 ha lạc, ngô xen vào cây ăn quả mới trồng. Kết qủa sau 1 năm đã thu hoạch sắn 45 tấn tươi, ngô 1,5 tấn khô, lạc 1,2 tấn khô. 7 tạ lợn.

Từ thành quả năm đầu đã cho thu khả quan nên vào năm 1996 em đầu tư cao hơn để thâm canh cây trồng. Mùa bội thu đang đầy hứa hẹn vậy mà cơn bão số 6 năm 1996 đã cướp đi hết thẩy. Cây trồng mới vào năm thứ 2 đã bị bẻ gẫy vùi dập hết… Vốn liếng không còn quả là một bi kịch.

Không chịu khuất phục, không nhụt trí em bàn với chồng nhẫn lại xoay sở tự ươm cây giống để tiếp tục trồng, hợp đồng với các đại lý mua phân chịu lãi suất để đầu tư cho cây sắn, ngô, lạc. Trời không phụ lòng người rồi năm 1997 mùa bội thu cũng đã tới. Sắn tươi em thu 52 tấn, ngô 1,7 tấn khô, lạc 1,8 tấn. Vườn cây cũng được phục hồi đầy hứa hẹn.

Vào năm 2000 em thấy quá trình vận động của gia đình mình là cả một quá độ vươn lên không biết mệt mỏi. Vườn cây ăn trái đã được thu hoạch năm đầu với 15 tấm quả, cây màu không còn trồng xen được nữa em chuyển trọng tâm vào chăn nuôi, nuôi gà và nuôi lợn ở quy mô nhỏ và vừa. Thu hoạch trái cây năm sau cao hơn năm trước đàn lợn cùng đàn gà năm sau cũng tăng dần cả về số lượng so với năm trước.

Năm 2000 mức thu bình quân sắn 45 tấn tươi, trái quả 17 tấn, gà từ mức thu 270kg/năm tăng dần đến 420kg/năm. Lợn từ 1.200kg/năm tăng dần lên 2,3 tấn trên năm.

Từ năm 2000 đến năm 2017 em chỉ còn duy trì trên 2 ha vườn cây ăn trái na dai là chính, sen có bưởi diễn và tranh đào.

Trái quả đều đặn mỗi năm cho thu hái từ 17 tấn đến 18 tấn. Để có vụ na dai phụ em đã cho con sang Hưng Yên học cách thụ phấn trực tiếp bằng ống mút sữa, việc này rất tốn công. Xong vụ na dai thu hoạch phụ thường là được giá hơn vụ chính. Do vậy 1 năm em có 2 vụ na.

Giờ thì ngoài việc kiến thiết mua sắm ổn định chúng em cũng dành dụm tích lũy để ra mỗi năm cũng có từ 150 đến 170 triệu đồng. Là một hội viên tích cực, một hội viên làm kinh tế giỏi của huyện hàng năm cũng góp một phần nhỏ để xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội ở cơ sở và ủng hộ các hội nghị của huyện, tỉnh từ 3.000.000- 5.000.000đ/ năm- quá ít ỏi chị nhỉ?

Nói xong chị cười với tôi. Tôi hiểu những việc làm và kết quả hàng năm chị đã rất nhớ, nhớ rất kỹ và ở chị một thương binh – một nữ chiến sỹ Trường Sơn – đã có cách suy nghĩ, có nghị lực vươn lên để xóa đói nghèo, chị hiển nhiên là tấm chị là tấm gương để chúng tôi học tập./.

Tháng 4 năm 2019

   Tạ Thị Hoán

 

 

 


[i] Một nữ chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi, một đại biểu đi tham luận tại Đại hội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam lần thứ nhất