“Hát cùng Hà Nội” – một tập thơ đầy tâm huyết, hào hùng và xúc động

Đăng lúc: 07-05-2022 9:32 Sáng - Đã xem: 51 lượt xem In bài viết

 “HÁT CÙNG HÀ NỘI” – MỘT TẬP THƠ  ĐẦY TÂM HUYẾT, HÀO HÙNG VÀ XÚC ĐỘNG

  Nhà thơ Hồ Bá Thâm (HBT) vừa mắt tập thơ thứ 10 của mình, một tập thơ chuyên về đất và người Hà Nội, đầy tâm huyết – hào hùng và xúc động. Tập thơ Hát cùng Hà Nội (2014) gồm 60 bài và một phụ lục với 201 trang. Bài viết lâu nhất là năm 1969 và bài mới nhất là năm 2014. nghĩa 45 năm. Tập thơ có 5 phần/ chùm thơ:1- Khúc ca Bác giữa muôn người; 2- Hát với người Hà Nội;3- Một khúc tình ca; 4- Bài ca theo năm tháng; 5- Nghìn năm một khúc tráng ca.

Qua trang bìa 4 và phần in sau cùng của tập thơ (phụ lục)- bài viết của bạn Hoa Nguyên gần 10 trang- Bài thơ “lạ” có một không hai của vị triến sĩ triết học, cho biết được phần nào chân dung tác giả và quá trình lao động khoa học cũng như sáng tác thơ, từ người yêu thơ thành nhà thơ. Anh HBT hiện có 12 tập thơ đã xuất bản, được trao 6 giải thưởng văn học từ cấp tỉnh/ thành và cấp trung ương. Tác giả cũng đã được trao danh hiệu Kỷ lục gia VN năm 2012 (Người sáng tác bài thơ có nhiều từ “nghiêng” nhất). Tác giả sinh 1947, quê Nghệ An, hiện đang sống, làm việc ở TPHCM, nghề nghiệp chính là nghiên cứu và giảng dạy triết học.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô, và cũng là kỷ niệm 45 năm ngày công bố Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa (nay là Ban Tuyên giáo) Thành ủy Hà Nội, đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Hồ Bá Thâm, người dành nhiều tâm tình với Thủ đô, nơi ông đã sống, học tập, công tác từ năm 1969 đến năm 1982 và không ít lần trở về nơi nhiều thương nhớ này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

***

Bác vẫn ở giữa trái tim đất nước”

– PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ (NCM): Tôi biết TS HBT từ hồi còn ở Trường Đàng Cao cấp NAQ (nay là Học viện CTQG-HC Hồ Chí Minh), có biết anh làm thơ nhưng nay đọc tập thơ của anh mới biết anh đã làm thơ về nhiều chủ đề, vùng quê. Nay lại thấy anh có tập thơ Hát cùng Hà Nội, thật là vui. Xin chúc nừng nhà thơ HBT. Đọc hết tập thơ Hát cùng Hà Nội, tôi thấy “Hà Nội trong anh”(“nồng nàn hương lửa”, “ngạt ngào hương hoa sữa”), như tên một bài thơ đã lắng đọng nhiều kỷ niệm lưu luyến và với người đa cảm như thi sỹ, không thể không viết nên thơ. Nhưng xin nhà thơ cho biết thêm, từ đâu mà tác giả không chỉ sâu nặng với Hà Nội mà còn viết nên những vần thơ đầy tâm huyết, rất hào hủng và xúc động như vậy.

Nhà thơ Hồ Bá Thâm (HBT): Như PGS đã biết, tôi sống và học tập, làm việc ở Hà Nội những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến CMCN, cũng là thời bao cấp, và nhất là trong môi trường trường Đảng, đã cho tôi không chỉ “phần đạo” mà cả “phần đời”. Tôi từng học tập và làm việc nhiều năm ở Trường Tuyên giáo TW Hà Nội (nay là Học viện BC-TT) và Trường Đảng cao cấp NAQ, đầy tình nghĩa, và đã tham gia nhiều phong trào hoạt động lúc ấy, lúc tuổi trẻ đầy sung sức, dạt dào cảm xúc. Nhưng lúc ở Hà Nội, tôi lại viết nhiều thơ về Trường Sơn (“Trường Sơn cho tình người”). Còn sau này xa Hà Nội, ký ức nhớ thương trỗi dậy, nhất là dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thì lại viết nhiều về Hà Nội mến thương. Rồi cứ mỗi lần trở lại Hà Nội gặp thầy cô, bạn bè xưa như trở lại quê hương trăm nhớ nghìn thương thì lại“Rưng rưng nhớ lại” và viết nên thơ.

– NCM: Ấn tượng đầu tiên và sâu sắc nhất khi đến Hà Nội của nhà thơ về Thủ đô là gì qua tập thơ với 5 phần nói trên?

HBT: Đâu tiên là Ga Hàng Cỏ – đúng là “Ga nhớ ga thương”! “Ga – nối – trăm – miền về với trái tim yêu” (tr.106). nơi “thương nhau đưa tiễn nước mắt nhòa”, nhất là những ngày tiễn người thân tra trận. Rồi là Hồ Gươm, nhà Bác Hồ, Công viên Thống Nhất, Hồ Tây, sông Hồng… Và với tôi khu vực Trường Đảng phía Tây TP nơi miền sáng trong tôi. Nhưng ấn tượng lớn nhất, thiêng liêng và lay động nhất là khi tôi có mặt sáng 9/9/1969 ở Quảng trường Ba Đình vĩnh biệt Bác Hồ kinh yêu đầy nước mắt. Sau đó tôi có viết bài thơ “Ơi Bác Hồ ơi”: ”Bao trái tim run lên đau buốt/ Lắng nghe từng lời Di chúc/ Nghẹn từng câu từng ý từng lời/ Bác ra đi vọng lại tiếng cuộc đời” (tr.17). Như sáng ấy không thể nào quên/Rưng rưng nhớ lại sáng niềm tin/Ba Đình hửng nắng, cây còn ướt/Người vẫn mãi còn với cháu con!(Rưng rưng nhớ lại, tr.27)

– NCM: Có lẽ vậy mà nhà thơ có nhiều thơ viết về Bác. Riêng tập này có 12 bài hơn 50 trang viết về Bác Hồ. Vậy nhà thơ nói rõ hơn bài thơ tâm đắc khi viết về Bác.

HBT: Tôi viết về Bác suốt 45 năm nay, nhất là trong cuộc vận động sáng tác về chủ đề Học tập và làm theo tâm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có thể in riêng một tập đầy đặn (gồm tất cả các bài in rải rác trong 5 tập thơ riêng khác). Trong tập Hát cùng Hà Nội, có bài mới viết Bác vẫn ở giữa trái tim đất nước: Bác vẫn ở giữa Trái tim đất nước/Tư tưởng nhân văn như dòng máu đỏ chan hòa/Và thắp tiếp ngọn lửa hồng từ tay Bác/Lại bừng soi khắp nẻo sơn hà!(tr.9).

 Nhưng có lẽ bài “Người là ai” là bài thơ chính luận dài và tâm đắc (tr. 31- 58). “Hồ Chí Minh là không có lời giải sẵn giữa đời/ Là Vầng trăng mà biến hóa mãi không thôi”. Hà Nội, ôi “Hà Nội nơi Bác Hồ đang ở” (Trần Đăng Khoa), nên tôi có thơ về “Thăm nhà Bác” và nơi Bác yên nghỉ ngàn thu!- “Bác vẫn ở giữa trái tim đất nước” (tr. 6-9). Chúng con biết, Người luôn giản dị/ Muốn noi theo Trần Nhân Tông trấn ải Trúc Lâm tuyền/Muốn bên dân, gần núi non sông suối/Chẳng mong tượng đài lăng tẩm làm chi!/- Kính thưa Bác, xin Bác một điều này/ Cháu con muốn giữ cả thân hình của Bác/Muốn Bác gần Trung ương nhắc nhở bao điều/ Gần Quốc hội cho “thần linh pháp quyền” linh ứng!Gần Chính phủ – chính phủ là… hành động/Trọng dân, kính dân, hiểu dân, quyết sách vì dân/Bám bàn giấy là quan liêu, hư hỏng/ Quay lưng với dân ắt thất bại (luật quả – nhân!)/Chúng con vẫn muốn mỗi lần Xuân đến/ Mỗi Thu về, và họp hành luận thảo đại sự quốc gia/Lại được gần và vào thăm viếng Bác/Theo gương vì Dân của Người thắp sáng lửa gần xa!…

  Tên Người/ là /Hồ Chí Minh!/Tên Người sáng giữa Ba Đình từ lâu…(tr.11). Chúng con về thăm nhà Bác sáng xuân nay/ Đàn cá ngỡ Bác về tung tăng bọt sóng/ Bông hoa ngỡ Bác về nở xòe trong nắng/ Con chim ngỡ Bác về nó hót mê say!/Ôi một con người/Mang mặt trời trong ngực/Mà dịu dàng mặt nước/Mà mát lành cỏ cây! (Thăm nhà Bác, tr.25).Vâng, “Bác vẫn ở giữa trái tim đất nước”!

Hát với người Hà Nội hôm nay

– NCM: Tập thơ Hát cùng Hà Nội có 4 phần viết về đất, người, tâm tinh cùng Hà Nội mến yêu!Từ Hát với người Hà Nội; Một khúc tình ca; Bài ca theo năm tháng; Nghìn năm một khúc tráng ca. Ta thấy tác giả sâu năng với Thu đô nơi ta ở đã thành đất ở, nơi ta đi đất đã hóa tâm hồn (Chế Lan Viên) đúng vậy! Tác giả có thể nói rõ hơn đôi điều cùng bạn đọc.

HBT: Sau phần viết về Bác, là chùm thơ Hát với người Hà Nội, mà trong đó khắc họa vài nét biểu tưng về người Hà Nội từ vị lãnh đạo đến nhà văn hóa và người dân mà tôi gặp, tôi sống, tôi biết. Đó là nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc này đã về cùng tổ tiên: Một người Hà Nội là anh/Say từng mảng gió rêu xanh Tháp Rùa/Say từ giọt nắng cổng chùa/ Say từng nẻo phố lối xưa gót mòn (Một người Hà Nội, tr. 67). Rồi đó là chị Dương Kim Thoa (tức GS. Lê Thi), người con gài kéo cờ ngày Quốc khánh 2/9/1945 đầy vinh dự – tự hào: Người con gái kéo cờ ngày Độc lập đây ư?/Lâng lâng Thu ấy vẫn như mơ/ Sáu lăm thu qua ngồi nhớ lại/Rạo rực lòng ta vẫn sắc cờ!… Giờ chị ngồi đây tóc đã phơ/ Sắc vàng trời ấy vẫn không mờ/Mang cả trái tim hồng dâng hiến/ Thu lại về nắng vẫn vàng mơ! (Lâng lâng Thu ấy, 2010, tr.67-68). Rồi với Bí thư Thành ủy (Phạm Quang nghị): Tôi nhớ anh, nhớ về Hà Nội/ Nhớ những trận mưa ngập phố đường/ Ngày đêm anh bao trăn trở/ Xắn quần đi đến tận nơi dân!/ Anh đến với dân xin lỗi dân/ Một lời xin lỗi thấm tim dân/Dân tình đã hiểu anh rồi đó/ Lòng anh đã thu phục nhân tâm!…Ngổn ngang phải trái bao bề bộn/ Vẫn trải lòng mình ra khắp Thủ đô/ Thời mở cửa khen chê là thế/ Vẫn bình tâm xây dựng cơ đồ! (Nhớ anh nhớ Hà Nội… tr.62).

Bạn bè cũ bao nguời còn mất/Thầy trò xưa tóc bạc lưng còng/Hội trường cũ còn kia lấp ló…/Lòng nao nao bao buổi học chật đông!/Quên sao những ngày hè, tết/Leng keng tàu điện đón ta về/Cầu Giấy đó, bây giờ lạ thật/Em có về nhỡ lạc, gọi anh nghe!(Tham mái trường xưa, tr.74).

Rồi, Có một thời gái trai Hà Nội/ như anh như em như mỗi chúng mình/Lên Tây Bắc, tiếng gọi thanh niên, đi tới/ Bỡ ngỡ rừng xa suối sâu! Họ, những TNXP đả đi tiên phong xây dựngvùng kinh tế mới, vượt qua bao thách thức và nên duyên vợ chồng. Nhung oái ăm thay, chiến tranh biên giới phía Bác,1979, quân thù đã bắn giết người chồng- chiến sĩ, thân yêu của người con gái đồng đội ấy khi đang chiến đấu trên điểm chốt. Than ôi! Tưởng như đất trời sụp đổ. Người vợ liệt sĩ dù vất vả lắm mới đứng dậy được, nhưng đã vượt lên để xứng đáng với người thương yêu nhất, đã đổ máu vì biên cương Tổ quốc. Cô gái đã đứng lên và tiếp tục sống, nuôi con và cống hiến sức mình. Về Hà Nội với bao vật lộn cuộc sống thời bao cấp và đơn côi, người vợ liệt sĩ lại làm nên tấm gương sáng cho đời mà nhiều người biết – Nguyễn Thị Bằng – hiện công tác ở Câu lạc bộ Thơ VN. Em không muốn mình hóa đá/ Em vẫn là bông hoa tự nhiên nở bên đường/ Thao thức thơm, khao khát đợi chờ, dù bão tan tác lá/ Em thương nhớ anh cháy lòng cháy ruột/ nhưng chẳng muốn làm Vọng phu…/ Ôi chiến tranh cắt chia đôi ngả/ Cắt chia đời ta đằng đẳng âm dương/Em vẫn không muốn mình hóa đá/Em là ngọn lửa cháy hết cõi trần gian!/Em đốt trái tim, một nửa của anh, thành ngọn lửa/Em không muốn mình hóa đá/Em là ai, em lại hỏi chính mình!Em là ngọn lửa/ Cháy hết mình sẽ về cùng anh!(Em là ngọn lửa, tr. 82-89).

Với tác già, thì Một khúc tình ca, như khúc hát tình yêu một thời đầy kỷ niệm. Rồi với bao gương sáng nữa thời nay: Ôi diệu kỳ sen Hồ Tây/Sen Việt Nam nghìn đời vẫn vậy/Mà sao mới lạ giữa lòng ta/Gần bùn mà ngan ngát hương hoa!(Sen hồ Tây, tr. 90-93).

Và Hà Nội hôm nay:… Là điểm hẹn bình yên, điểm hẹn tương lai/Thành phố hòa bình, nghìn năm văn hiến/Thành phố anh hùng, đất trời hiển hiện/Thành phố tình yêu, trái tim nhân từ…/Thành phố giao thừa cũ – mới/Thành phố bình minh sáng – tối/Ở đâu thật / giả những công trình/Ta biết đâu thật là Hà Nội?/Đâu mất đâu còn cơn lốc thị dân/Đâu dòng sông xanh đâu dòng sông đen/Đâu nhà máy reo vui đâu lòng dân bất ổn/ Đâu đón em về đâu lạ đâu quen?/Hà Nội hôm nay lên những chiều cao/Móng vững chải nền nhà nghìn năm lịch sử/Hà Nội cao sâu thăm thẳm đất trời/Hà Nội mênh mang tình người nghĩa lớn/ (Hát cùng hà Nội nghìn năm, tr.179-183)…Thời kinh tế thị trường/Tình yêu có còn suối nguồn dạt dào cuộc sống/Hà Nội trong anh gió bấc về se lạnh/Hà Nội trong em ngọn lửa bập bùng/Hà Nội ngàn năm đào nở thắm hồng/ Rưng rưng đón giao thừa thế kỷ…(Hát về nơi em, Hà Nội, tr.108)… Mắt em nhìn hay gió thổi hồn xiêu/Cho anh đắm say cốc rượu tình trời nghiêng ngửa/Tự nghìn năm chưng cất để bây giờ/Uống sương chiều men chi rứa ngẩn ngơ…/Ta trao nhau ly tình ly nghĩa/Trao nhau trái tim giữa hồ Tây rực lửa/Để nghìn năm gửi nhớ gửi thương…/Nghe rạo rực tình ta từ ấy khắp muôn phương.(Du thuyền hồ Tây, tr.110).Hà Nội thu này, em ơi, đầy nắng/Dệt tơ vàng, tình ta/Một mùa thu bao la, bao la/Vẫn nghe khúc thu ấy vọng xa, nghìn năm cũ!/Xin hẹn em, vào thu tới anh về/Đẹp nhất vẫn là thu Hà Nội/Em say đắm khi anh vừa chớm hỏi/Bao giờ thu, câu hát sóng đôi? (Một khúc thu âm vang. tr.111-112).

Nhưng Hà Nội hôm nay cũng nhiều trăn trở:Gió nào nghiêng hơi độc/Nắng nào nghiêng mắt cay/Đất nào nghiêng sầu đầy/Không khí nghiêng ngột ngạt…/Giấc mơ nghiêng thảng thốt/Cái xấu nào nghiêng tốt/Cái đau nào nghiêng vui/Cái đau nào nghiêng lời/Đau nghiêng cây xưa đổ/Gốc trơ nghiêng trong gió/Kẻ nào cưa nghiêng lòng/Nhựa chảy nghiêng như máu/Đau nghiêng nét xưa tàn/Đường mở nghiêng di tích/Trơ nghiêng bao xương thịt/Đổ nghiêng về hôm nay…/Đau nghiêng bao hồ lấp/Nhói nhói nghiêng vào tim/Rác rưởi nào nghiêng dòng/Hồ chết nghiêng chết đứng./Xác nào chết nghiêng bờ/Chết nghiêng và chết ngửa/Ai đâm thẳng đâm nghiêng/Trái tim nghiêng máu ứa!/Bé bị đánh nghiêng mặt/Đạo lý nghiêng ngả rồi!/Bao tiền tài nghiêng đức/ Thiện ác nào ngả nghiêng…(tr. 156-157).

Đó là suy thoái, thách thức mà Thủ đô phả vượt qua.

Hà nội Tháng Mười và Hà Nội nghìn năm

– NCM: Chùm thơ Bài ca theo năm tháng, ta thấy tác giả viết về kỷ niệm thời chiến tranh, những ngày đêm đi sơ tán như nỗi nhớ khôn ngi. Nhưng những dòng thơ viết về Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không – 12 ngày đêm đánh thắng trận tập kích bằng B52 của giặc Mỹ thành khúc hát thật hào hùng:Hà Nội tháng Mười hai năm Bảy hai/Phố Khâm Thiên đau thương ngút trời/Cả bầu trời đêm đỏ rực/Máy bay Mỹ bốc cháy rơi rơi…/Phố Ngọc Hà phơi xác quân thù rã cánh/Tan tác quanh hồ Tây/ Hoa đào Nhật Tân nở tươi hơn bao giờ hết/Nụ cười cô gái Tràng An nghìn năm xao xuyến mắt người/Ta bên em vào ca mới…/Hà Nội tháng Mười hai năm Bảy hai/Thành bài cá thức tỉnh loài người/Bài ca Việt Nam thắng Mỹ/Trên bàn Hội nghị Paris, Kit-sin-gơ cúi đầu bút ký…(tr.137-139). Ta còn thấy những tâm sự đời thường da diết tình người cùng cảnh vật (Một khúc Thu âm vang, du thuyền hồ Tây, tr.110-111).

Tuy nhiên, ở đây tác giả có đến 2 bài thơ về Tháng Mười, viết về ký ức ngày giải phóng Thủ đô nhiều thập niên trước, lúc tác giả không có mặt ở Hà Nội, vậy cảm xúc nào đưa tác giả đến 2 bài thơ trên?

HBT: Như PGS biết đó, tôi cũng đã xem nhiều phim về Hà Nội, nghe hát về Hà Nội, lại từng sống ở đó. Với vốn sống gián tiếp và óc tượng tượng cùng cảm xúc là đủ để có thơ, còn hay dở là chuyện khác. Trong chùm thơ Bài ca theo năm tháng, có đến 2 bài thơ về Tháng Mười với nhiều cung bậc cảm xúc, hình ành sinh động: Hà Nội tháng Mười hương cốm bay/ Đoàn quân về, Giải phóng về đây!/Trời ngoại thành gió bay bát ngát/Phố cổ nắng se rêu phù khuất bóng cây!/Nườm nượp quân về hai bên phố/ Đỏ cờ, cánh mỏng áo ai bay/Bàn tay vẩy bàn tay sao mà thương quá/ “Chín năm…” rồi ta lại có hôm nay!/Thủ đô vào mùa xây dựng mới/ Phố leng keng tàu điện gọi mời/Lá bàng đỏ chiều thu nghiêng mắt nắng/Soi hồ Gươm, Ngọc Sơn hay ngọc lòng người!/Hà Nội trái tim ta trái tim đất nước/Lại lên đường, như Nam tiến ngày xưa/Ga Hàng Cỏ bàn tay bịn rịn/ Phía xa kia đỏ mãi bóng cờ…/ (Hà Nội tháng Mười, tr. 130-131).Tháng Mười trắng muốt hoa cau/ Thoảng thơm lòng mẹ dẫn dâu về nhà/Tháng Mười hương cốm thơm xa/Thơm về phố thị thơm qua cánh đồng/…Tháng Mười mở một hướng đi/ Con về với mẹ, con dì cũng ta/Muôn hoa hương sắc đua khoe/Dẫu chưa toàn vẹn, khen chê lẽ thường!/…Khác rồi, ai biết dại khôn/Tư duy đổi mới mở đường ra khơi/Tháo lồng bay, ta khác rổi/Ta là ta, ta cũng là người muôn phương…(Cảm xúc tháng Mười, tr.145- 148).

– NCM: Chùm thơ Nghìn năm một khúc tráng ca cho ta cảm xúc Hà Nội nghìn năm văn minh, văn hiến với truyền thống yêu nước, nhân văn, nhưng tác giả không chỉ viết về Hà Nội nghìn năm qua, Hà Nội bây giờ, mà còn viết về Hà Nội nghìn năm sau…Những cảm xúc thật lắng động và trong sáng khi đứng trước Hoàng Thành Thăng Long linh thiêng. Nhưng có lẽ nổi bật, ấn tượng nhất là bài thơ “Nghìn năm nghiêng kỷ niệm” “Hát cùng Hà Nội nghìn năm”. Được biết nhà thơ Hồ Bá Thâm là kỷ lục gia – người viết bài thơ có nhiều từ “nghiêng” nhất, rất nổi tiếng (xem http://www.nhantainhanluc.com/2014/05/binh-luan-ngan-ve-bai-tho-ngheng-cua.html). Bài thơ 11 phần, dài 288 câu, có tới 296 từ nghiêng, dòng thơ 5 cầu vầu nào cũng có 1-2 từ “nghiêng” (tập Thơ tình triết học, Nxb.Thanh Niên, 2009). Trong tập thơ Hát cùng Hà Nội lại có bài Nghìn năm nghiêng kỷ niệm cùng môtíp nói trên. Bài này 47 khổ 4 câu, chia thành 4 phần viết năm 2010, có 188 câu với 190 từ “nghiêng” (tr. 150 – 159). Từ “nghiêng” như điệp khúc lặp lại nhưng với nhiều sắc thái mà nhuần nhuyễn, tạo nên sự độc đáo của bài thơ. Chẳng hạn: Hoa Lư nghiêng núi đá/ Rồng nghiêng chật núi khe/ Vua lên nghiêng thời thế/ Sông Hồng đô nghiêng về!/Giữa bốn bề mênh mông/Rồng cuộn mình nghiêng sông/ Hổ ngồi nghiêng đồi núi/Gió lộng nghiêng vẫy vùng…/…Rồi Như Nguyệt nghiêng quân…/ Rồi Bạch Đằng nghiêng sóng/ Đống Đa nghiêng xác thù/ Ngã nghiêng hồn vía giặc!/Ba Đình nghiêng nắng mới/Bác nghiêng nghiêng tay chào/Độc lập không nghiêng ngửa/Nắng vàng nghiêng cánh sao!/Bão tố nào nghiêng ngửa/Niềm tin nghiêng được nào/Đổi mới nghiêng thời thế/ Bạn bè nghiêng bên nhau!/Rồng bay nghiêng trời đất/Nghiêng năm châu vào đâu/Ta nghiêng vào hội nhập/Nghiêng muôn cõi mạnh giàu!.. Quy hoạch cứ “treo” nghiêng/ Nghiêng lòng dân “treo” nốt/Ai nghiêng lòng vì nước/Ai nghiêng lợi vì mình?…Nghìn năm nghiêng vận hội/ Lựa cánh nghiêng bay tới/ Xưa – Nay nghiêng bên nào/Hồn nước nghiêng phấp phới…/ Nghìn năm nghiêng kỷ niệm/ Ta vươn vai nghiêng trời/ Đại bàng nghiêng nghiêng gió/Nước non nghiêng mắt trông/ Nghìn năm nghiêng kỷ niệm/Ta vươn vai nghiêng trời/Nghiêng đại dương giông tố/ Tàu nghiêng vuợt trùng khơi!…(tr. 150-159)/Vậy tác giả cho biết thêm sao lại có chủ ý với từ “nghiêng” như vậy?

HBT: Thật ra ý thơ, tứ thơ và cảm xúc đến tự nhiên ngay câu đầu bật lên trong tim, cũng là tên của bài thơ (Nghìn năm nghiêng kỷ niệm) và cứ thế viết theo dòng cảm xúc và dòng chảy lịch sử cho đến hết, thì dừng… Khi kỷ niệm, ta nghiêng mình trước anh linh tiên tổ, tiền nhân, non nước mà! Hơn nữa từ nghiêng nó động, thay đổi, có nhiều trạng thái, có ý nghĩa triết lý hơn.

Và tác giả còn muốn ước về “Hà Nội nghìn năm sau”:Em hát về Hà Nội nghìn năm trước/Vó ngựa, voi thần và thuyền chiến sông sâu/ Anh muốn hát về Hà Nội nghìn năm sau/Tàu vũ trụ đi về và đi chơi cùng người máy… (Hà nội nghìn năm sau, (tr.186).

 “Mang Hà Nội về với Sài Gòn”

– NCM: Chắc đã có bạn đọc đọc tập thơ này. Họ có phản hồi cảm nhận gì tâm sự gì với tác giả, khi gấp tập thơ lại? Bài nào họ thích nhất?Tôi thì thấy bài Em là ngọn lửa rất cảm động…

HBT: Có lẽ mỗi người sẽ có cảm nhận riêng, nhưng bạn đọc cũng đã phản hồi rằng, đây là từ điển bằng thơ về Hà Nội(bạn Hồ thế Duyên). Tôi nghĩ chắc bạn đọc quá khen thôi! Nhưng họ nói thích nhất ba bài: Người là ai? Nghìn năm nghiêng kỷ niệm, Hát cùng Hà Nội nghìn năm. Nhìn chung đều họ có nhận xét là tập thơ Hát cùng Hà Nội rất tâm huyết, hào hùng và cảm động. Nhưng các bài tâm tình khác cũng có thú vị riêng. Với tôi kỷ niệm một thời trường Đảng thật sâu sắc, đầy tình nghĩa:Từ Trường Sơn ta về mái trường này/Ánh sáng cuộc đời trang sách trên tay/Đêm bom B52 dội rung trời Hà Nội/Lửa căm hờn thiêu cháy giặc Mỹ lái máy bay/… Nhớ chiều trên đỉnh bốt Bồ, viết dòng nhật ký/ Ôi những ngày sơ tán bên sông Đáy – Hà Tây!/Bát nước chè xanh nghĩa tình quê mẹ/Sen hồng mặt hồ má ai đỏ hây hây…/Bài học trọng dân gần dân thêm ý nghĩa/Lời thầy ngọn lửa cháy sáng óc tim ta/Thầy thắp lửa trên từng trang lòng tri tuệ/Nghe cây lúa lên xanh trên những luống cày!/Thẳm sâu trong lòng là dòng triết học/Nghe âm – dương sinh thành thời vận những đâu/Lịch sử luôn luôn cụ thể/Sáng tạo một chữ Thời, thấu cả trước sau!/Dẫu đi xa tận tít Cà Mau, Hà Tiên/Vẫn không quên lời thầy- ngọn lửa/Và ấm lòng ta những đêm đông giá/Đêm Lạng Sơn trực chốt, chặn quân thù…/ (Lời thầy ngọn lửa, tr.97-102)

Tôi biết nhiều nhà thơ, nhạc sĩ viết rất hay về Hà Nội. Tôi không dám múa rìu qua mắt thợ! Tập thơ chỉ là cảm xúc, cảm nhận kỷ niệm của bản thân tôi và phần nào là người cùng thời, muốn chia sẻ cùng bè bạn, thế thôi!

Từ ngày “nằm vùng” trong lòng địch/Sài Gòn – Quảng Trị nhớ thương ai/Như cây Kơnia “uống nước nguồn miền Bắc”/Nơi Ba Đình thiêng liêng, có Bác Hồ!/Hà Nội trong anh hằn vết đạn xưa Cửa Bắc/Cô Loa mũi tên đồng nhọn sắc/Hồ Gươm lưỡi kiếm Lê Lợi nhắc cháu con/Tháp Bút viết trường ca cứu nước…/Anh mang Hà Nội về với Sài Gòn/…Thành phố mang tâm hồn của Bác/Anh lại bên em, nhẹ bước/Bồi hồi một thuở hành quân…/Hà Nội là nụ cười em tươi rói/Má ửng hồng cho xao xuyến mãi lòng anh!/Hà Nội trong anh náo nức nghìn năm/Nguồn năng lượng thương yêu dào dạt mãi…/…Phương trời Nam – Cà Mau lấn bãi/Anh như cây đước ngút ngàn xanh/Lao ra biển dưới mặt trời nắng cháy/Ngọn rì rào khúc hát với Thăng Long…/Hà Nội thành sự sống trong anh!/ Trong mỗi chúng mình/Một làn gió thu vàng Hà Nội/Một làn nước biếc long lanh! (Trong anh Hà Nội, tr.69-72).

Rất mong PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ và bạn đọc tiếp tục quan tâm, góp ý phê bình thêm…

– NCM: Xin cảm ơn nhà thơ Hồ Bá Thâm. Xin chúc nhà thơ sức khỏe và có nhiều thơ hay hơn về Hà Nội cũng như về những miền đất nước nơi mà ta đi đất đã hóa tâm hồn!

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, thực hiện năm 2015