Hiệu quả từ những chuyến đi tham quan mô hình của cựu thanh niên xung phong Bạc Liêu

Đăng lúc: 11-11-2019 2:38 Chiều - Đã xem: 139 lượt xem In bài viết

Tháng 6 năm 2019, Hội Cựu TNXP tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức sơ kết phong trào “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế thoát nghèo bền vững”. Qua 3 năm thực hiện đã có hơn 100 hộ cựu TNXP thoát nghèo, có một phần ba vươn lên làm giàu chính đáng. Hội Cựu TNXP tỉnh đã “trao cần câu chứ không trao con cá” để hội viên tự vươn lên thoát nghèo. Đó là những chuyến đi tham quan các mô hình làm kinh tế của cựu TNXP các tỉnh bạn như Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp…

Những mô hình sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ đều mang lại hiệu quả cho mỗi hộ gia đình. Ấn tượng nhất là mô hình chăn nuôi theo quy trình khép kín, khoa học, an toàn mà hiệu quả của cựu TNXP Lê Minh Đức, ngụ ấp 21, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình. Anh vừa được Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của Tỉnh hội xét đề nghị Trung ương Hội tặng bằng khen năm 2019. Vậy anh đã vượt qua khó khăn, nghèo khó để vươn lên thoát nghèo và khá giàu từ nghị lực của một cựu TNXP cơ sở như thế nào?

Anh Lê Minh Đức, sinh năm 1956 tại xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, hiện ngụ tại Ấp 21, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1969 cha anh Đức hy sinh khi anh mới 13 tuổi. Năm 1972, mới tròn 16 tuổi anh Đức đã tình nguyện gia nhập Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, được điều về Tiểu đoàn Phú Lợi II. Hòa bình lập lại anh Đức được điều động về Công ty Thương nghiệp Hậu Giang rồi chuyển về Công an huyện Vĩnh Lợi. Do gia đình khó khăn nên xin chuyển về công tác ấp.

Bể nuôi trùn quế

Gần 30 năm về công tác địa phương, công việc gia đình với 8 công ruộng chủ yếu do vợ anh gánh vác, lương thực chỉ đủ ăn, nuôi 04 đứa con ăn học, nhà ở lụp sụp; có lúc giáp hạt “ngoài đồng thì vàng mơ, trong nhà thì mờ con mắt” hỏi mượn lúa để ăn cũng vô cùng khó khăn, chị Thu Ba vợ anh – cũng là cựu TNXP – phải đi đào vuông mướn để mua gạo cho con ăn qua ngày. Chị ngậm ngùi kể trong nước mắt. Từ năm 2010 trở lại đây các con anh đã khôn lớn, biết làm lụng, kiếm sống, gia đình bớt khó khăn, lúa trúng mùa, có định suất cha anh là liệt sỹ nên anh đã có căn nhà cấp 4 cũng tươm tất. Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 112 quy định về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 – 1975, anh đã được hội cấp huyện phân công làm công tác Hội. Năm 2018 với cương vị Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Minh Diệu, anh Đức mới có dịp đi các nơi để tham quan học tập kinh nghiệm làm giàu. Khi Nhà nước có chủ trương cho hộ nông dân vay tiền với lãi suất thấp, anh Đức đã được cho vay tiền mua 5 con bò (4 cái 1 đực) với số tiền trên 50.000.000 đồng. Sau 1 năm anh bán con bò đực được 25.000.000 đồng, hiện tại anh còn 4 con bò cái đã phối giống đang phát triển tốt. Để có thức ăn nuôi bò anh tự trồng cỏ với diện tích gần 100 m2.

                  Anh Đức cho lươn ăn

 Không dừng lại ở nuôi bò, anh lấy phân bò làm trại nuôi trùn quế[i], từ trùng quế anh xây hồ nuôi lươn không bùn, anh thả 2 đợt trên 6.500 con đang phát triển tốt nhờ ăn trùn quế.

Điều đáng nói là khi dịch tả lợn Châu Phi tái phát thì việc sửa chuồng lợn thành chuồng nuôi lươn là một cuộc chuyển đổi khôn ngoan và kịp thời của anh với thị trường thực phẩm. Quy trình khép kín từ nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế, lấy trùn quế nuôi lươn đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình anh. Anh Đức còn có một ao hơn 1.000 m2, nuôi cá, ếch để cung cấp cho chợ xã. Đặc biệt là anh nuôi cá thác lát trong lồng thep mô hình An Giang, nuôi ếch trong túi lưới (ảnh trên).

 Để có thức ăn cho cá anh xây chuồng nuôi vài chục con heo ngay trên bờ. Hiện tại anh còn 4 con heo nái hơn chục con heo lấy thịt.(ảnh trên)

 Anh tự mua máy ấp trứng tự ấp gà, vịt để chăn nuôi gia trại với tổng đàn hàng trăm con (ảnh dưới).

8 công ruộng của anh mỗi năm 2 vụ, thu hoạch cũng gần 400 giạ lúa. Dự kiến vào khoảng tháng 6/2020 thu hoạch 2 tấn lươn thương phẩm với giá giao động từ 150.000 – 180.000 đồng/1kg cũng được 300-360 triệu đồng; đàn heo khoảng 2 – 3 tấn thu nhập 180 – 200 triệu đồng; đàn bê nếu cũng được khoảng 80 triệu…đã hơn 500 triệu đồng, lãi ròng ước 300 triệu. Đấy là chưa tính thu nhập ngắn hạn.

Bể nuôi lươn không bùn

Có thể nói mô hình chăn nuôi khép kín, thông minh, hiệu quả của cựu TNXP Lê Minh Đức và vợ là cựu TNXP Nguyễn Thị Thu Ba thật đáng nể. Lận đận trên 30 năm sống trong hoàn cảnh khó khăn, khi được tổ chức hội cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của cựu TNXP các tỉnh bạn mà cựu TNXP tỉnh Bạc Liêu nói chung và gia đình cựu TNXP Lê Minh Đức nói riêng đã thật sự vươn lên làm giàu một cách bền vững.

 Mô hình “Lấy phân bò nuôi trùn quế, lấy trùn quế nuôi lươn; lấy phân heo nuôi cá” của anh là Lê Minh Đức là điểm sáng cho cựu TNXP trong xã, huyện, tỉnh học tập và làm theo./.

Bài: Lê Nhỏ; ảnh Minh Diễn

 

 


[i] Trùn (giun) quế là một trong những giống trùn đã được thuần hoá, nhập nội và đưa vào nuôi công nghiệp với các quy mô vừa và nhỏ. Đây là loài trùn mắn đẻ, xuất hiện rải rác ở vùng nhiệt đới, dễ bắt bằng tay, vì vậy rất dễ thu hoạch. Chúng được sử dụng rộng rãi trong việc chuyển hóa chất thải.