Thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TNXP Việt Nam (15/7/1950-15/7/2020) và Đại hội đại biểu Hội Cựu TNXP Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV (2020-2025), từ tháng 6/ 2018, Hội Cựu TNXP Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai cuộc vận động thi viết “Ký ức về TNXP”, đến nay đã khép lại.
Ban tổ chức đã nhận được 60 bài dự thi cùa 40 tác giả, gồm 2 thể loại Văn xuôi và Thơ. Trong đó có 13 tác phẩm thơ, còn lại là các bài viết bút ký, truyện ngắn, tản mạn, bài viết ngắn,… Nội dung các bài viết đúng chủ đề và xoay quanh kỷ niệm quãng đời gia nhập TNXP, những tháng ngày đi xây dựng vùng KTM Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…xây dựng cuộc sống mới cho thanh niên chậm tiến, cai nghiện ma túy; khai hoang mở đất ở Kiên Giang, rừng U Minh, xây dựng vùng Nam Tây Nguyên Dak Nông, Đak Min; Tham gia phục vụ chiến đấu trên biên giới Tây Nam …
Đặc biệt có những bài viết của các cựu TNXP thời chống Pháp, chống Mỹ từ những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước được tái hiện một cách sinh động trong từng dòng chữ hừng hực khí thế ra quân, song cũng đầy gian khổ hiểm nguy. Đó là: Trên suốt tuyến đường 20, đoạn qua ngầm Aki và cua chữ A cùng với ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích là những trọng điểm địch đanh phá ác liệt ngày đêm. Suốt 3 năm trên tuyến đường 20, hầu như chưa bao giờ các chiến sĩ TNXP ngủ tròn giấc, rừng Trường sơn âm u, rậm rạp, chưa bao giờ được thấy rừng có đêm, cứ 5 giờ chiều là máy bay bắt đầu thả pháo sáng, cứ thế kéo dài suốt đêm trong “Ký ức TNXP thời khói lửa” của Nguyễn Công Danh. Những ngày ấy “Ý niệm về thời gian của chúng tôi chỉ còn là sáng trưa chiều tối, chẳng có đồng hồ và chẳng ai còn nhớ cho đúng thứ ngày tháng mà cũng chẳng quan tâm đến nó làm gì!”.
Khá nhiều bài của tác giả là anh chị em TNXP nhớ về những ngày đầu ra quân của LL.TNXP Tp.HCM 28/3/1976 (“Ngày ấy–bây giờ” của Mai Khánh; “TNXP một thời để nhớ” của Nguyễn Đức Thọ)… sôi nổi khí thế của tuổi trẻ TNXP Tp.HCM. Khi đọc bài của Trung Võ, Trần Việt Sơn, Huỳnh Mạnh Lệ, Phùng Gia Anh, Lê Kim Viên, Ngọc Mai, Nguyệt Tiệp, Phan Minh Tuấn, Lê Ngọc Lâm…và của nhiều tác giả khác lại hiện lên hình ảnh những năm tháng ở Tây Nguyên, những ngày nắng cháy Đắk Nông, những đêm buốt lạnh Đắk Mil, những ngày vất vả ở U Minh Thượng, Kiên Giang, Long An rồi Bình Dương, Bình Phước, Đồng Xoài, Vĩnh An, Tân Phú Đồng Nai, ngoại thành Thành phố …để làm kinh tế và quản lý giáo dực thanh niên chậm tiến, xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt, trong chiến dịch biên giới Tây Nam, nhiều đội viên TNXP đã anh dũng hy sinh, trong đó có các nữ đội viên Trung đội 3, Liên đội 303 đã bị tàn sát man rợ[i], để lại tiếc thương vô hạn cho đồng đội và mọi người.
Nhìn chung, nội dung các bài viết đều phản ánh được tâm tư tình cảm tốt đẹp về những ngày tham gia TNXP tuy gian khổ vất vả, hiểm nguy nhưng tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác vì lý tưởng xây dựng quê hương, muốn cống hiến sức trẻ cho đất nước. Qua đó, họ đã nhận được những bài học quý giá từ môi trường rèn luyện này. “Chúng tôi trưởng thành từ môi trường TNXP, giúp chúng tôi chững chạc, cứng rắn, hiểu biết hơn và cảm thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn khi tự hào vì mình đã được sống một thời TNXP mà hôm nay vẫn còn được khoác lên mình màu áo TNXP để gặp gỡ anh, em đồng đội” – “Những lá thư không gởi” của Huỳnh Ngọc Rỡ; “Năm tháng rồi sẽ đi qua, các thế hệ TNXP cũng sẽ tiếp nối truyền thống lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh, mỗi cựu TNXP chúng ta rồi cũng sẽ già đi theo thời gian, nhưng những ký ức về TNXP, một thời tuổi trẻ, những kỷ niệm, dấu ấn trong quá trình công tác trong TNXP sẽ tồn tại mãi trong suy nghĩ cuộc đời của mỗi cựu TNXP chúng ta” – “Nhớ lại ngày ấy” của Nguyễn Công Danh; “Năm tháng qua đi, đồng đội mỗi người một cuộc sống, người còn người mất, nhưng những kỷ niệm và ký ức của năm tháng TNXP thời chống Mỹ cứu nước vẫn còn mãi trong trái tim chúng tôi” – “Ký ức tháng ba” của Ngọc Mai. “Và cứ thế, mỗi tháng 3 về, mỗi mùa cao su đâm chồi nở ra những mầm xanh mới cũng là vào dịp sinh nhật của Lực lượng TNXP Thành phố, lòng tôi lại thổn thức nhớ về những ngày đầu ấy, với hy vọng những mầm xanh sự sống, sự tự vươn lên của các em học viên cũng như những chồi non xanh biếc kia vô vàn nhựa sống, tràn đầy năng lượng” – “Tháng ba-mầm xanh” của Đặng Thị Sáng; “Bản thân tôi được trưởng thành trong lực lượng TNXP và khi trở về địa phương với cuộc sống đời thường, nhưng những ký ức về tuổi trẻ TNXP tôi không thể nào quên, tôi luôn tâm niệm phải giữ gìn bản chất là cựu TNXP, phát huy truyền thống TNXP với khẩu hiệu “Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu”, tôi đã tham gia vào Hội Cựu TNXP Quận 8 từ năm 2007 đến nay” – “Ký ức về TNXP” của Châu Văn Cầu; “Từ những năm tháng công tác trong môi trường TNXP đã cho tôi thêm niềm tin rằng chúng tôi – thế hệ trẻ TNXP sẽ viết tiếp bài ca hào hùng của lớp đàn anh đi trước, vì chúng tôi đã được truyền lửa, ngọn lửa TNXP vẫn cháy bao đời nay” – “Kỷ niệm một chuyến đi” của Lê Ngọc Lâm; “Làm sao tôi quên được khoảnh khắc TNXP. Vẫn xanh mãi với thời gian. Và vẫn ghi sâu mãi trong lòng anh em đồng đội chúng tôi”- “Khoảnh khắc ấy còn mãi” của Phan Minh Tuấn); “40 năm cùng bao đêm mẹ thức. Vá cho em manh áo cũ năm nào, Áo rách quá biết vá sao hả mẹ? 40 năm chưa khép vết thương lòng!” – “Còn mãi những vết thương”- Vũ Thị Cúc… Bài viết chân thực, sinh động, hấp dẫn, biết chọn lọc những nhân vật và các tình tiết thú vị, với lối kể chuyện có duyên, của Trần Việt Sơn. Các bài văn xuôi, được thể hiện nhẹ nhàng nhưng sâu lắng với lối viết giản dị, trong sáng gần gũi.
Đối với các tác phẩm thơ, có những bài viết theo thể thơ lục bát khá hay về nội dung lẫn gieo vần như các bài “Em hãy chờ anh về em nhé”, “Lục bát TNXP”, còn lại hầu hết theo thể thơ tự do, phản ánh chân thật tâm tư tình cảm của các đội viên TNXP, như trong phần mở đầu của “Trượt qua miền ký ức” của Võ Trung Tâm – “Nếu các bạn đọc hết mà cảm nhận được có bóng dáng mình thoáng qua đâu đó, là người viết cảm thấy vui rồi.”
Ban tổ chức ghi nhận sự đóng góp nhiệt tình của các cây bút cựu TNXP qua các thời kỳ và của cán bộ, đội viên TNXP còn đang tại ngũ đã gởi bài về dự thi, góp phần làm phong phú cuộc thi. Đặc biệt, các tác giả Võ Trung Tâm, Trần Việt Sơn, … đã gởi rất nhiều bài ghi lại một cách chân thật những tháng ngày ở Tây Nguyên và Đồng Nai.
Nhìn chung cuộc vận động thi viết “Ký ức về TNXP” đã thành công tốt đẹp. Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn các Quận, Huyện hội và hội viên cựu TNXP; cán bộ, đội viên thuộc Lực lượng TNXP, nhất là các tác giả đã gửi bài tham dự cuộc thi viết “Ký ức về TNXP” đã làm cho cuộc vận động thi viết do Hội Cựu TNXP Thành phố phát động đạt kết quả tốt đẹp. Các bải dự thi được Ban tổ chức biên tập lại cho súc tích, chỉn chu để in thành cuốn sách “Ký ức về TNXP” nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống TNXP Việt Nam và chào mừng Đại hội đại biểu Hội Cựu TNXP Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngô Long Xuân
[i] 24/26 cán bộ, đội viên của Trung đội 3 đã hy sinh khi đụng độ với quân Pôn pốt ngày 22-7-1978 ở xã Ko-ki Som (Campuchia)