Hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không

Đăng lúc: 16-12-2022 9:00 Sáng - Đã xem: 76 lượt xem In bài viết

Ngày 09/12/2022, tại hội trường Bộ Quốc phòng, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia chiến thắng “Hà Nội- Điện biên phủ trên không 1972”, sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại. Đại tướng Lương Cường, Uy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã dự và chỉ đạo Hội thảo. 600 đại biểu, bao gồm các vị tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, các nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội đã tới dự. Đồng chí Ngô Văn Tuyến, Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam đã tham dự hội thảo.

Ảnh internet  

Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; quân và dân ta đã lập nên chiến công vang dội trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành miền Bắc, đập tan cuộc tập kích chiến lược của Đế quốc Mỹ, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52. Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” là một mốc son lịch sử có ý nghĩa quyết định đến cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đánh dấu sự thất bại của bước leo thang quân sự cuối cùng của Đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, mở ra thời cơ để quân và dân ta tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 130 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, thành phố Hà Nộ, các cơ quan Trung ương và địa phương, các quân khu, binh chủng, quân chủng, công an một số tỉnh, thành; các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sỹ quan quân đội, công an, các nhà khoa học… Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại của chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”. Các báo cáo đề dẫn và báo cáo trực tiếp tại hội thảo cũng thể hiện rõ điều đó. Nội dung chính thể hiện qua những điểm chủ yếu sau đây:

Một là, phân tích làm rõ bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, âm mưu thủ đoạn của Đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá hủy diệt miền Bắc, tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng.

Năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược ra toàn miền Nam trên cả 3 vùng Bình – Trị – Thiên, Đông Nam Bộ và Bắc Tây Nguyên, giáng cho địch những đòn chí mạng. Bị bất ngờ lớn về chiến lược, Mỹ đã bị động, một mặt chúng tăng cường viện trợ, cứu nguy cho chế độ Sài Gòn, mặt khác tăng cường đánh phá miền Bắc một cách khốc liệt, ngăn chặn sự giúp đỡ của các nước XHCN với Việt Nam[1]. Trên bàn đàm phán ở Paris, phái đoàn Mỹ đã lật lọng nội dung dự thảo Hiệp định “về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” do phái đoàn Việt Nam soạn thảo và thỏa thuận ký vào ngày 31/10/1972. Nhưng đầu tháng 11/1972, R.Nixơn trúng cử Tổng thống, nhằm giành thế mạnh về quân sự và ngoại giao, buộc ta phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ. Ngày 14/12/1972 R.Nixơn đã phê duyệt mở cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội – Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc. Quân và dân ta đã phải bước vào cuộc chiến đấu khốc liệt chưa từng có với không quân chiến lược Mỹ.

Hai là, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân chủng Phòng không – Không quân.

Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội, Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch đã có định hướng, chỉ đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chuẩn bị từ rất sớm. Năm 1962, khi máy bay B52 chưa tham chiến ở Việt Nam, với nhãn quan chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo đế quốc Mỹ sẽ sử dụng loại máy bay này ở Việt Nam. Bác căn dặn: “…phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52 này”. Tháng 4/1966 ngay khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B52 đánh ra Quảng Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho quân chủng Phòng không – Không quân: “B52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không – Không quân”. Đến cuối năm 1967 một lần nữa Bác chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 đánh ra Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua, phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị”.

Thực hiện chỉ thị của Bác và Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã giao cho Quân chủng Phòng không – Không quân điều động nhiều cán bộ có kinh nghiệm tác chiến và một số đơn vị tên lửa, không quân rađa vào chiến trường Bình Trị Thiên và Quân khu 4 để nghiên cứu cách đánh B52; xây dựng phương án bảo vệ Hà Nội – Hải Phòng. Tháng 11/1972 tài liệu “Cách đánh B52 của Bộ đội Tên lửa” được hoàn thiện và phổ biến cho các đơn vị vào trận chiến. Hội thảo khẳng định: Với tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh, Quân ủy Trung ương, sự chỉ huy điều hành xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân chủng Phòng không – Không quân, quân và dân Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung đã vào trận quyết chiến chiến lược với lực lượng không quân chiến lược hùng mạnh của đế quốc Mỹ trong tâm thế chủ động và tự tin, đó là nhân tố quan trọng góp phần quyết định thành công vang dội của chiến dịch.

Ba là, tái hiện và làm rõ vai trò chiến đấu, phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả đánh phá của địch, bảo đảm an ninh trật tự… của các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và nhân dân; những thành công của công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến dịch.

Quân chủng Phòng không- Không quân đã bố trí các trung đoàn tên lửa vòng trong, vòng ngoài đánh máy bay địch, tập trung hỏa lực tiêu diệt B52; các Trung đoàn, Tiểu đoàn pháo phòng không tập trung đánh máy bay cường kích, Không quân dùng lực lượng nhỏ bí mật, bất ngời đánh từ phía sau. Các đơn vị rađa sử dụng hỗn hợp các loại máy, kết hợp tuyến ngoài và tuyến trong phát hiệt mục tiêu từ sớm, từ xa thông báo nhanh, chuẩn xác đảm bảo dẫn đường cho không quân cất cánh đánh B52. Các đơn vị dân quân tự vệ tập trung đánh máy bay thấp, theo dõi phi công nhảy dù, bắt sống. Đó là thế trận phòng không nhân dân ba thứ quân, tạo thành lưới lửa nhiều tầng, nhiều lớp, trên nhiều hướng khác nhau tiêu diệt kẻ thù.

Ngoài ra là sức mạnh chính trị, tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến chiến lược, quyết thắng kẻ thù. Sự chỉ huy tài giỏi, sự kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng mà nòng cốt là lực lượng Phòng không – Không quân đã làm nên chiến thắng. Đó là sức mạnh chính trị, tinh thần dân tộc và thời đại. Sự kết tinh truyền thống tốt đẹp của Dân tộc với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bốn là, nêu bật những nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chiến dịch phòng không, thể hiện bản lĩnh, tầm cao trí tuệ của sức mạnh Việt Nam.

Hội thảo đã làm rõ: Kế thừa nghệ thuật quân sự truyền thống và kinh nghiệm tác chiến với không quân Mỹ. Hà Nội, Hải Phòng đã tổ chức thành công chiến dịch phòng không quy mô lớn, đánh bại cuộc tập kích bằng đường không chiến lược của địch, giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định chiến lược; khẳng định vị trí quan trọng của phòng không và nghệ thuật chiến dịch phòng không. Đó là một nền nghệ thuật hoàn chỉnh về cơ cấu, phong phú về nội dung, thể hiện đầy đủ các nét đặc sắc, độc đáo, một đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến phòng không Việt Nam hiện đại. Sử dụng hợp lý lực lượng phòng không 3 thứ quân, xác định đúng khu vực tác chiến Hà Nội, Hải Phòng, đối tượng tác chiến là máy bay B52; tổ chức tốt hiệp đồng binh chủng, đánh với hiệu suất cao nhất, oanh liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội – Hải Phòng.

Hội thảo đều khẳng định: Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không năm 1972” là mốc son chói lọi, là biểu tượng của ý chí, bản lĩnh kiên cường của trí thông minh, sáng tạo, dám đánh và quyết thắng tạo nên sức mạnh Việt Nam trên mặt trận đối không. Điều đó được thể hiện trong chủ trương, sách lược lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tổ chức toàn dân chống chiến tranh phá hoạt mà lực lượng nòng cốt là lực lượng Phòng không – Không quân, chuyển hóa thế trận trong chiến dịch, phát huy hiệu quả vũ khí, khí tài hiện đại tìm ra cách đánh, biết đánh và chắc thắng dù cho đối phương có sức mạnh vượt trội. Đó là những nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chiến dịch phòng không, thể hiện bản lĩnh, tầm cao trí tuệ và sức mạnh Việt Nam.

Năm là, phân tích làm rõ tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử, đặc biệt là những vấn đề mới đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, là chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay B52, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, đánh bại âm mưu giành thế mạnh trên bàn đàm phán, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris và chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo bước ngoặt quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên mảnh đất Thăng long- Đông đô- Hà Nội. Chiến thắng “Hà Nội- Điện biên phủ trên không” đi vào lịch sử như một trong những chiến thắng chói lọi nhất trong thời đại Hồ Chí Minh, viết tiếp truyền thống anh hùng, tô đẹp thêm hào khí của Thăng long – Đông đô, tỏa sáng những giá trị văn minh, văn hiến của cả dân tộc; là niềm kiêu hãnh của nhân dân cả nước, trở thành lương tri, phẩm giá trong lòng bạn bè quốc tế và là nỗi ám ảnh của những đối tượng hiếu chiến xâm lược. Nó thể hiện tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” với sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Đó cũng là thắng lợi chính nghĩa của nhân dân ta được cả thế giới ủng hộ trong đó có nhân dân Mỹ. Với bạn bè quốc tế Việt Nam là lương tri của thời đại, chiến thắng như là một biểu tượng của văn hóa quân sự, văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Đó còn là chiến thắng của loài người tiến bộ mang tầm vóc thời đại, có tác động cỗ vũ phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do và dân chủ trên toàn thế giới. Cùng với khẳng định tầm vóc ý nghĩa chiến lược quan trọng của chiến thắng, Hội thảo còn đi sâu phân tích nguyên nhân thắng lợi, rút ra những kinh nghiệm và bài học lịch sử sâu sắc, không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc, cần tiếp tục được nghiên cứu vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhìn một cách tổng thể, Hội thảo lần này khẳng định, làm sâu sắc thêm các vấn đề về sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh và những nét đặc sắc của chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, nghệ thuật phòng không nói riêng; tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, hiệp đồng tác chiến của các lực lượng tham gia chiến dịch. Hội thảo cũng tiếp tục tôn vinh, tri ân công lao đóng góp của những người con ưu tú của dân tộc, tưởng nhớ những đồng bào, đồng chí đã hy sinh, khơi dậy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào dân tộc cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhằm thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới. Đó cũng là nội dung cốt lõi của Hội thảo khoa học cấp quốc gia lần này.

          NGÔ TUYẾN


[1]Ngày 6/4/1972, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 được Tổng thống Mỹ Ních – xơn chính thức phát động. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá một số tỉnh thành như Nghệ An, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình,…, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng, tiến hành cuộc tập kích đường không với tên gọi “Chiến dịch Linebacker 2” vào miền Bắc từ ngày 17/12/1972 đến 29/12/1972.