Hồi ức của ‘cha đẻ’ Năm Thanh niên

Đăng lúc: 16-08-2022 9:27 Sáng - Đã xem: 88 lượt xem In bài viết

 

Ông Vũ Trọng Kim (thứ 2, từ phải sang) cùng đoàn văn công Tiếng hát át tiếng bom,
hát đồng ca tại Quảng Bình năm 2000

TP – 32 năm gắn bó với Đoàn, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, hiện là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam. Ông chính là “cha đẻ” của Năm Thanh niên, khai sinh ra hàng loạt chương trình, dự án của Đoàn: Làng Thanh niên; thanh niên xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới…

Dấu ấn tuổi 16 với Ðoàn

Hồi ức về Đoàn, ông Vũ Trọng Kim bồi hồi xúc động khi nhắc tới bài Đội ca: Cùng nhau ta đi lên theo bước đoàn thanh niên đi lên, cố gắng xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ/Lời thề ta ghi sâu mãi mãi trong tim không phai xứng danh, thiếu niên anh dũng nước nhà…

Ông kể, năm 1964, quê ông xã Bình Giang, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) được giải phóng, nhưng giặc Mỹ dòm ngó, càn quét đạn bom ác liệt. “Bất chấp đạn bom ác liệt, giữa sự sống và cái chết mong manh, tụi tôi sinh hoạt Đội dưới lũy tre làng đầy hồn nhiên. Vì chiến tranh, nên Đội chúng tôi chủ yếu sinh hoạt vào buổi tối, dưới trăng sao. Bài Đội ca cứ theo từng bước chân lũ trẻ. Đội thiếu nhi lúc đó, ngày bám địch, đêm ra bãi cát trắng sinh hoạt dưới trăng sao”, ông Kim nhớ lại. Mỗi lần địch càn quét hành quân tới, cậu bé Kim lúc đó được giao nhiệm vụ bám địch, lấy đạn dược, báo tin về cho du kích và được giao mỗi tháng vót 50 que chông nộp Liên đội.

Năm 16 tuổi, cậu bé Kim trở thành Liên đội trưởng của xã Bình Giang và được kết nạp Đoàn, trở thành Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh. Thử thách lớn đầu tiên đến với Đoàn viên Vũ Trọng Kim, đó là phụ trách dẫn hơn 500 thiếu niên xã tham gia lực lượng quần chúng khởi nghĩa Tết Mậu Thân tại đô thị Hội An, Thăng Bình năm 1968. “Hơn 500 thiếu nhi đi bộ vượt qua những con sông, bãi cát, đầm lầy, với khí thế hừng hực, sục sôi vào đến Hội An đúng lúc giao thừa Tết Mậu Thân. Chúng tôi vừa tới nơi, súng nổ vang trời. Thiếu nhi và nhân dân xông lên yểm trợ bộ đội bằng biểu tình, thị uy”, ông Kim nhớ lại.

Từ dấu ấn Tết Mậu Thân, chàng trai trẻ Vũ Trọng Kim dần trưởng thành, tham gia du kích và thanh niên xung phong. Từ năm 1970 ông rời quê nhà tham gia kháng chiến cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Xây dựng Làng Thanh niên tại Tây Nguyên

Năm 1975, ông Vũ Trọng Kim được điều động về T.Ư Đoàn và cử đi học Trường Đoàn cao cấp Hà Nội (nay là Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam), sau đó đi học tại CHDC Đức. Năm 1979, ông tình nguyện về công tác tỉnh Gia Lai – Kon Tum, rồi trở thành Bí thư Tỉnh Đoàn.

Về vùng đất Tây Nguyên hoàn toàn mới mẻ về địa hình, khí hậu cho đến văn hóa, phong tục, tập quán, đặc biệt là gia tăng các hoạt động chống phá cách mạng của bọn phản động Fulro nhưng chàng trai 26 tuổi Vũ Trọng Kim đã nhanh chóng làm chủ công việc. Ông đã viết Đề án Xây dựng Làng Thanh niên. Đây là một công trình được ông ấp ủ, “thai nghén” trên cơ sở nghiên cứu tư tưởng, văn hóa, sức mạnh cố kết cộng đồng bền chặt của làng bản Tây Nguyên. Từ đó, ông xây dựng phương thức đoàn kết trong lứa tuổi thanh niên ngay tại làng bản.

Ông Kim đưa ra 3 cặp tiêu chí về xây dựng Làng Thanh niên, gồm: Biết, Có, Không. Đó là: Biết đánh chiêng, múa hát truyền thống dân tộc, biết nhiệm vụ cách mạng hiện nay; Có tham gia sản xuất giỏi, có tham gia tự vệ du kích bảo vệ xóm làng; Không nghe theo lời dụ dỗ của Fulro, không sinh con thứ 3. Và ông mời già làng phụ trách thanh niên.

“Tôi viết bức thư dài, đủ các tiếng dân tộc khác nhau gửi cho già làng và dán nơi công cộng; sáng tác ca khúc, tranh cổ động, viết 3 bài học cho thanh niên Tây Nguyên. Hồi đó, thù lao cho già làng chỉ có thuốc lá và kẹo. Mỗi cuộc họp, già làng lại phân phát cho thanh niên. Làng Thanh niên đã thổi bùng lên một sức sống mới cho thanh niên Tây Nguyên, tạo nên một khí thế thi đua, sôi nổi, đoàn kết cùng phát triển”, ông Kim chia sẻ.

Văn nghệ và đá bóng là 2 môn thanh niên dân tộc thích nhất. Làng Thanh niên tổ chức thành các chi hội Thanh niên trồng rẫy sắn làm quỹ Đoàn, quỹ Hội. Từ nguồn quỹ Đoàn tạo được, thanh niên mua các loại nhạc cụ như: dàn trống, đàn ghi-ta; mua bóng để các làng thanh niên thi đấu với nhau, nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa, văn nghệ.

Từ thành công của Làng Thanh niên, T.Ư Đoàn ghi nhận, đánh giá cao và nhân rộng mô hình. Sau này xuất hiện các mô hình Làng Thanh niên lập nghiệp, Đảo Thanh niên… cũng xuất phát từ thành công của Làng Thanh niên.

Năm Thanh niên xóa cầu khỉ

Sau 14 năm công tác tại Tây Nguyên ghi nhiều dấu ấn, đầu năm 1993, ông được bầu làm Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, sau đó là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, nhiệm kỳ 1996 – 2001.

Năm 2000, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Trọng Kim đã đưa ra một ý tưởng đi vào lịch sử của Đoàn, đó là sự ra đời của Năm Thanh niên. “2000 là năm giao thừa thế kỷ, thiên niên kỷ, lòng người, nhất là thanh niên luôn mong chờ, chào đón một cái gì đó đặc biệt, thể hiện khát khao, hoài bão cho quê hương, đất nước. Đón bắt tâm lý đó, tôi lên kế hoạch gọi tên là Chào thế kỷ mới, đồng thời đặt tên năm 2000 là Năm Thanh niên”, ông Kim chia sẻ.

Tên gọi đó đã được Bộ Chính trị đồng ý cho tuyên bố. Năm Thanh niên ra đời với phong trào nổi bật là Thanh niên tình nguyện, tiếp thêm động lực cho 2 phong trào lớn lúc đó là Thanh niên lập nghiệp và Tuổi trẻ giữ nước. Cũng trong năm 2000, ông Kim cho ra đời nhiều ý tưởng khác, trong đó dự án thanh niên xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới là một sản phẩm thành công ngoài mong đợi của Năm Thanh niên 2000.

Ông Kim cho biết, cầu khỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long là nỗi ám ảnh của người dân, đặc biệt là trẻ con đi học, vận chuyển đi lại. Chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại, nếu không có con đường, cây cầu giao thông thông suốt đó sẽ là nỗi nghèo khổ tận cùng của người dân. Từ thực tế đó, dự án thanh niên xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới ra đời. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là nguồn kinh phí.

Sau nhiều cân nhắc, tính toán, ông Kim quyết định chọn phương án: Nhà nước đầu tư một phần, còn lại là vốn của thanh niên. Theo đó, Nhà nước đầu tư 60%; 30% là vốn đối ứng của tỉnh – nơi triển khai xây cầu và 10% còn lại là công của thanh niên. Phương án đó trình ra được Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý. Từ đó, Ban dự án thanh niên xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới của Trung ương và các tỉnh, thành Đoàn nhanh chóng được lập ra. Phong trào xóa cầu khỉ, làm cầu nông thôn mới được triển khai đồng loạt tại 6 tỉnh: Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang.

Cây cầu nông thôn mới đầu tiên được khánh thành đúng vào ngày thành lập Đoàn 26/3/2000, tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ngày khánh thành cầu, người dân, thiếu nhi đến rất đông, hò reo trong niềm vui mừng khôn tả trên con cầu mơ ước bấy lâu. Chỉ tính riêng trong năm 2000, đã có 475 chiếc cầu nông thôn mới được xây dựng.

Sau khi nghe tin thanh niên xóa được cầu khỉ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó là Cố vấn Ban chấp hành T.Ư Đảng đã cùng với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp đến xem. “Cố Thủ tướng xúc động, mừng rơi nước mắt, vì đó là công trình mà ông đau đáu hàng mấy chục năm nay chưa làm được, bây giờ có thanh niên làm thay”, ông Kim nhớ lại.

Từ thành công trong năm 2000, dự án thanh niên xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới được triển khai rộng rãi trong cả nước. Hàng ngàn cây cầu ra đời, mang lại sự đổi thay lớn cho người dân.

Bài dự thi cuộc thi viết “Tuổi trẻ của bạn và Đoàn” có thể gửi về báo Tiền Phong theo địa chỉ email: gioitretienphong@gmail.com đến hết ngày 3/3/2021. Ngoài ra, tác giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội) và đề ngoài phong bì: Bài dự thi viết về “Tuổi trẻ của bạn và Đoàn”.

 

“Đoàn và thanh niên trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Tuổi tôi dù không còn trẻ nữa nhưng vẫn luôn mang khát vọng cống hiến của thanh niên. Tôi luôn đặt trọn niềm tin yêu vào người trẻ. Họ mãi mãi là lực lượng hậu bị đáng tin cậy của Đảng, là lực lượng xã hội hùng hậu có thể dời non lấp biển”. 

  Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam

 

 

 

 LƯU TRINH (ghi)