KHẮC SÂU LỜI BÁC HỒ DẶN QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG XIII

Đăng lúc: 23-02-2021 9:38 Sáng - Đã xem: 82 lượt xem In bài viết

 

Ảnh internet  

          Trước lúc đi xa, Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã để lại Bản Di chúc thiêng liêng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư… phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Lời căn dặn của Bác cho đến ngày hôm nay vẫn mới tinh khôi, vẫn là yếu tố then chốt hàng đầu bảo đảm sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, của Tổ quốc vượt qua mọi nguy cơ, thách thức để vươn lên ngang tầm thời đại. Cùng với lời căn dặn trên đây, Bác Hồ còn có rất nhiều bài viết, câu nói như những áng hùng văn và danh ngôn bất hủ. Do vậy, các bậc người cao tuổi trong đó có lớp cựu TNXP chúng ta nhận rõ trách nhiệm, thấm nhuần sâu sắc để mãi mãi lưu truyền cho muôn đời con cháu, đặc biệt là trong lúc toàn Đảng, toàn Quân, toàn Dân ta dồn tâm huyết thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngay từ tháng đầu, quý đầu năm 2021 đạt kết quả cao nhất, như lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong ngày đầu năm mới.

Để thấm nhuần được sâu sắc lời căn dặn của Người, chúng ta cũng nên sưu tầm thêm trong mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc ta, thời nào cũng có, cũng xuất hiện biết bao anh hùng hào kiệt với những áng văn và danh ngôn được lưu giữ muôn đời nay :

Hai Bà Trưng[i] năm 40 phất cờ khởi nghĩa, với tuyên ngôn: Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin lập lại nghiệp xưa họ Hùng.

Bà Triệu[ii] năm 248 tỏ rõ chí khí: Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người! a.

Vua Lý Thái Tổ[iii] , với Chiếu dời đô, có tầm nhìn xa trông rộng: Đại La (tức Thăng Long sau này) “được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi”, “thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sử mãi muôn đời”.

Lý Thường Kiệt[iv] (năm 1077) với bài thơ thần “Nam quốc sơn hà“, khẳng định chủ quyền của đất nước: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!”

Trần Hưng Đạo[v], với Hịch tướng sĩ, bày tỏ tâm can: “Ta từng tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt…”.

Lê Thái Tổ[vi] và Nguyễn Trãi[vii], với Bình Ngô Đại Cáo, đã tuyên: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.“Xã tắc do đó vững bền/Non sông từ đây đổi mới”.

Vua Quang Trung[viii] Nguyễn Huệ trước khi tiến vào Thăng long đại phá quân Thanh năm 1789, đã tuyên bố đanh thép: “Đánh để cho dài tóc/ Đánh cho để răng đen/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Buổi đầu chống Pháp vua Hàm Nghi[ix] xuống Chiếu Cần Vương: “Thế nước loạn ly, ta khoanh tay mà nhìn sao được”. Thủ lĩnh kháng Pháp ở Nam Kỳ Nguyễn Trung Trực rất khí phách: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Thủ lĩnh Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học[x], sau thất bại của Khởi nghĩa Yên Bái (năm 1930) bị đưa lên máy chém vẫn hô ta: “Việt Nam vạn tuế” với lời nói trước đó: “Không thành công thì cũng thành nhân”.

Năm 1930, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta: Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, cũng là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh tụ tối cao của dân tộc, Bác Hồ là hiện thân của cuộc chiến đấu và chiến thắng của nhân dân ta. Qua những quyết sách chiến lược, những lời tuyên bố hay lời kêu gọi vào những thời điểm lịch sử, kể cả những bài báo hay lời nói dung dị thường dùng của Người, ta đều thấy toát lên thần thái của những danh ngôn bất hủ. Xin đơn cử vài thí dụ:

Tháng 2/1930, qua Báo cáo Quốc tế Cộng sản, Người viết: “Hội An Nam Thanh niên cách mạng do chúng tôi tổ chức từ năm 1925. Có thể nói rằng, nó là quả trứng mà từ đó, nở ra con Chim Cộng sản” (Đảng Cộng sản).

Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương 8 do Bác Hồ chủ trì, xác định: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”…

Thời kỳ tiền khởi nghĩa Bác nói: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Ngày 2/9/1945, Bác đọc Tuyên ngôn độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân Việt nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Trong lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), Bác nói: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.

Trong lời kêu gọi đánh thắng giặc Mỹ xâm lược (17/7/1966) Bác nói: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, Xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Về tình hình đất nước bị chia cắt bởi quân xâm lược, Bác tuyên bố: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi“.

Về Đảng, Bác nói: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh“. “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy” (Đường kách mệnh). “Đảng phải lấy dân làm gốc, Đảng cầm quyền nhưng dân làm chủ. Ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc, Đảng không có quyền lợi riêng của mình. Đảng không ở trên dân mà cũng không ở ngoài dân”.

Về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Bác căn dặn: “Cán bộ, đảng viên phải thực hành tự phê bình và phê bình như người phải rửa mặt hàng ngày, không rửa thì mặt sẽ bẩn“. Với kiểm tra thì phải như “Tấm gương để người ta soi mặt, nếu gương mờ thì không soi được“. Bác còn nhấn mạnh: “Hôm qua anh là anh hùng, không nhất định hôm nay vẫn được mọi người yêu mến, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa“. Và “Đạo đức cách mạng không từ trên trời sa xuống, mà phải thường xuyên tu dưỡng mới thành“.

Về Nhà nước, Bác nói: “Dân như nước, mình như cá“. Nhà nước là vì dân. Do đó, “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh“.

Về chăm lo đời sống cho nhân dân, Bác căn dặn: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập, khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Về đạo đức cách mạng, Bác có mấy câu thơ đi vào lòng người:

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người.

Bác nói: Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc. Và “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất“.

Đối với Bộ đội, Bác dạy:

Trung với Đảng, hiếu với Dân

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Khó khăn nào cũng vượt qua

Kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Đối với Thanh niên, Bác động viên:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Thiêng liêng thay – Lời Bác Hồ – Lời của Đảng, của Nước, của Dân.

Nguyễn Anh Liên nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam

 

 

 


[i] Hai Bà Trưng (13 tháng 9 năm 14 – 5 tháng 3 năm 43) là tên gọi chung của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai người phụ nữ được đánh giá là anh hùng dân tộc của người Việt. Trong sử sách, hai Bà được biết đến như là những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và Trưng Trắc tự phong là Nữ vương. Thời kì của hai Bà xen giữa thời kỳ Bắc thuộc lần 1 và Bắc thuộc lần 2 trong lịch sử Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử, với tên gọi Trưng Nữ vương

[ii] Bà Triệu, còn được gọi là Triệu ẩu, “bà Triệu”), Triệu Trinh Nương.  Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Trinh (8 tháng 11 năm 226 – 4 tháng 4 năm 248), là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam

[iii] Lý Thái Tổ (8 tháng 3 năm 974 – 31 tháng 3 năm 1028) tên thật là Lý Công Uẩn là vị hoàng đế sáng lập nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028. Xuất thân là một võ quan cao cấp dưới triều Nhà Tiền Lê, năm 1009, nhân khi vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê là Lê Long Đĩnh qua đời, con trai còn nhỏ, Lý Công Uẩn được lực lượng của Đào Cam Mộc và thiền sư Vạn Hạnh tôn làm hoàng đế. Trong thời kỳ trị vì của mình, ông dành nhiều thời gian để đánh dẹp các nơi phản loạn, vì cơ bản nước Đại Cồ Việt vẫn chưa thu phục được lòng tin của các tộc người vùng biên cương. Triều đình trung ương dần được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La vào tháng 7 năm 1010 và thành này được đổi tên thành Thăng Long, mở đầu cho sự phát triển lâu dài của nhà Lý tồn tại 216 năm.

[iv] Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) là một nhà quân sự, nhà chính trị cũng như hoạn quan rất nổi tiếng vào thời nhà Lý nước Đại Việt. Ông làm quan qua 3 triều Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và đạt được nhiều thành tựu to lớn, khiến ông trở thành một trong hai danh tướng vĩ đại nhất nhà Lý, bên cạnh Lê Phụng Hiểu. Trong lịch sử Việt Nam, ông nổi bật với việc chinh phạt Chiêm Thành (1069), đánh phá 3 châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống (1075–1076), rồi đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy. Đặc biệt, trận chiến ở ba châu Khâm, Ung, Liêm đã khiến tên tuổi của ông vang dội ra khỏi Đại Việt và được biết đến ở đất Tống. Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liệt ông vào một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.

[v] Trần Hưng Đạo (1231 (?) – 1300), còn được gọi là Hưng Đạo Đại Vương) là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam với việc chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288. Ông nguyên có tên khai sinh là Trần Quốc Tuấn. Phần lớn tài liệu nghiên cứu lịch sử và cả dân gian thời sau thường dùng tên gọi vắn tắt là “Trần Hưng Đạo” thay cho cách gọi đầy đủ là “Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn”, vốn bao gồm tước hiệu được sắc phong cho ông. Cần lưu ý rằng “Hưng Đạo đại vương” là tước phong chính thức cao nhất do vua nhà Trần ban tặng cho Trần Quốc Tuấn lúc sinh thời do công lao kháng chiến bảo vệ đất nước, Tước “đại vương” có cấp bậc cao hơn tước “vương” dù cùng thuộc hàng vương tước được ban cho những người thành viên hoàng tộc nhà Trần đương thời. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam

[vi] Lê Thái Tổ (10 tháng 9, 1385[2] – 5 tháng 10, 1433) tên khai sinh: Lê Lợi là một nhà chính trị, nhà lãnh đạo quân sự, người đã thành lập một đội quân người Việt và lãnh đạo đội quân này chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của quân đội nhà Minh từ năm 1418 đến lúc đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi Đại Việt vào năm 1428 sau đó xây dựng và tái thiết lại đất nước. Ông cũng thành công với các chiến dịch quân sự đánh dẹp các tù trưởng ở biên giới phía Bắc Đại Việt và quân đội Ai Lao. Ông được coi là vị vua huyền thoại của Đại Việt với tài năng quân sự, khả năng cai trị và lòng nhân ái đối với nhân dân.

[vii] Nguyễn Trãi (1380 – 19 tháng 9 năm 1442), hiệu là Ức Trai, là một nhà chính trị, nhà văn, người đã tham gia tích cực Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh (Trung Quốc) với Đại Việt. Khi cuộc khởi nghĩa thành công vào năm 1428, Nguyễn Trãi trở thành khai quốc công thần của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong Lịch sử Việt Nam. Ông được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới” và là 1 trong 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam

[viii] Quang Trung Hoàng đế (1753 – 1792), miếu hiệu Tây Sơn Thái Tổ được dùng để phân biệt với Nguyễn Thái Tổ nhà Nguyễn), danh xưng khác là Bắc Bình Vương, tên khai sinh là Hồ Thơm, sau đổi tên thành Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Bình, là nhà chính trị, nhà quân sự và là vị hoàng đế thứ hai của Nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông. Quang Trung không những là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc bách chiến bách thắng, mà còn là nhà cai trị tài giỏi. Ông đã đưa ra nhiều chính sách cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

[ix] Hàm Nghi (3 tháng 8 năm 1871 – 14 tháng 1 năm 1944), thụy hiệu Xuất Đế, tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Là em trai của vua Kiến Phúc, năm 1884 Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie) và qua đời tại đây năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày. Do áp lực của Pháp nên nhà Nguyễn không lập miếu hiệu cho ông. Ngày nay, lịch sử Việt Nam xem ông cùng với các vua chống Pháp gồm Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc.

[x] Nguyễn Thái Học (1902 – 1930) là nhà cách mạng Việt Nam chủ trương dùng vũ lực lật đổ chính quyền thực dân Pháp, giành độc lập cho Việt Nam. Ông là một trong số những người sáng lập Việt Nam Quốc dân đảng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị thực dân Pháp bắt và chém đầu ngày 17 tháng 6 năm 1930 tại Yên Bái.