Không để thương binh chảy máu hai lần

Đăng lúc: 07-09-2017 8:24 Sáng - Đã xem: 54 lượt xem In bài viết

Chị Võ Thị Rậm, sinh năm 1947 và lớn lên trong một gia đình công nhân cao su Trà Võ, ở xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Chị tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương lúc 16 tuổi, trong tổ chức Đoàn Thanh niên, tham gia đi dân công tải đạn, khiêng thương, đấp mô, phá lộ tại địa phương… trong vùng địch kiểm soát.

Tháng 10/1965, hưởng ứng phong trào “5 xung phong” của Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng, chị Rậm hăng hái tình nguyện thoát ly gia đình nhập ngũ vào đội TNXP Hoàng Lê Kha – phục vụ và chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Chị tham gia kháng chiến trong tình thế hết sức khó khăn vì gia đình bị địch gom vào “ấp chiến lược”. Chúng quản lý rất gắt gao, nếu bọn tề ấp phát hiện thì gia đình của chị sẽ bị đàn áp.

Chị Võ Thị Rậm cùng đơn vị trực tiếp phục vụ cho Trung đoàn 3 (Đoàn Lộc Ninh), Sư đoàn 9 quân giải phóng miền Nam. Trực tiếp phục vụ các trận đánh lớn: Dầu Tiếng, Nhà Đỏ-Bông Trang (tập kích cụm quân Mỹ đóng dã ngoại ở suối Bông Trang), là những trận đầu tiên chưa quen với nhiệm vụ trực tiếp phục vụ chiến đấu (tiếp đạn, khiêng thương tại trận địa). Tuy dáng người ốm yếu, tuổi đời mới mười tám, nhưng tinh thần lạc quan tin tưởng cách mạng sẽ thắng lợi, chị luôn sẵn sàng nhận phần khó, nguy hiểm về mình, nhường phần thuận lợi cho đồng đội. Trong trận Nhà Đỏ – Bông Trang, chị cõng một thương binh bị gãy chân có trọng lượng gấp đôi trọng lượng của chị. Chị Rậm quên thân mình đưa được anh thương binh ra khỏi trận địa dưới tầm đạn của quân địch. Chị Rậm đã truyền thêm sức mạnh và niềm tin cho đồng đội, được anh chị em trong đơn vị và bộ đội quý mến.

Dù cách nay 45 năm, tôi còn nhớ như in trong đầu về sự dũng cảm hi sinh của chị Võ Thị Rậm. Ngày 07/6/1966, đơn vị phục vụ cho Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3 đánh giằng co với một tiểu đoàn quân Mỹ suốt cả ngày ở rừng cao su Lộc Ninh, là trận đánh chống địch càn quét vào vùng giải phóng của ta. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, bộ đội ta bị thương vong nhiều còn nằm ở trận địa giữa hai làn đạn của ta và địch. Bất chấp hiểm nguy, Võ Thị Rậm đã dũng cảm bò ra trận địa cõng được 4 thương binh, lần thứ 5 chị đang cõng thương binh chưa ra khỏi trận địa thì bị thương nặng, anh thương binh vẫn còn trên vai, chị biết mình không thể sống được, lúc sắp hi sinh chị Rậm còn nói lại với đồng đội và anh thương binh: “Em không thể sống được nữa, các anh – chị ở lại chiến đấu trả thù cho đồng bào mình, cho đồng đội, cho em” và còn dặn lại tôi: “Anh nói với các chị băng lại vết thương cho anh thương binh máu ra nhiều lắm“… Sự hi sinh của chị Võ Thị Rậm ở tuổi 19 để lại niềm tiếc thương vô hạn nơi đồng đội, là tấm gương tiêu biểu của người con gái công nhân cao su Trà Võ với tinh thần cách mạng kiên cường, dũng cảm xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, là sự hi sinh cao cả của một nữ TNXP giải phóng miền Nam: “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang“.

Tấm gương Võ Thị Rậm được học tập và noi gương trong toàn lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, được Bộ Chỉ huy Quân sự miền Nam truy tặng Huân chương Chiến công hạng Hai, được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân./.

Anh Tòng
Cựu TNXP Đội 2311 Hoàng Lê Kha

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015