Khu vườn trên tầng thượng chung cư

Đăng lúc: 31-05-2019 10:08 Sáng - Đã xem: 140 lượt xem In bài viết

Bà Nguyễn Thị Chanh sinh năm 1951, ngày 15/9/1968 bà gia nhập lực lượng TNXP ở tuổi 17. Đơn vị bà được bổ xung vào đơn vị TNXP C442, N44, Binh trạm 16, Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường và đảm bảo giao thông tuyến đường 20/7 tức Đường 10 thuộc hệ thống Đường Hồ Chí Minh hiện nay.

Bà Chanh cùng vợ chồng con trai

Bà được phân công quản lý túi thuốc chăm lo đời sống sức khỏe cho Trung đội. Trải qua gần 5 năm sốngchiến đấu nơi núi rừng Trường Sơn đầy bom rơi đạn nổ, thiếu cơm lạt muối, sốt rét… thời tiết khắc nghiệt (6 tháng mưa quần áo treo hong trong nhà cả tuần không khô, 6 tháng nắng gió Lào thổi rát da, bụi cuốn bám đỏ cây rừng). Bất cứ nhiệm vụ gì tổ chức giao phó, bà đều hoàn thành. Năm 1971 trong lúc làm nhiệm vụ trên tuyến thì gặp Thượng sĩ Phan Minh Châu thuộc Tổ thông tin lên cơn sốt ác tính khi đang trên đường đi nối dây điện thoại bị đứt do bom địch, bà Chanh đã dùng thuốc trong túi thuốc của đơn vị cấp cứu kịp thời. Từ đó hai người quen thân nhau. Trạm thông tin của Châu có 3 người, thường xuyên phải đi nối dây trên tuyến, Trạm Quân y lại ở xa, nên đề nghị chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí bộ đội Trạm thông tin được chấp nhận.

Năm 1972 các tuyến đường Trường Sơn Mĩ bị đánh bom B52 liên tục, nhiều TNXP bị thương được ra Bắc điều dưỡng, Nguyễn Thị Chanh được chuyển về Trại điều dưỡng T30 ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Đầu năm 1973 Phan Minh Châu cũng phục viên với chế độ mất sức. Một hôm đang cùng bạn bè ra bãi sông Hồng tắm giặt Chanh bất ngờ gặp Châu đang làm đồng ở đó. Thì ra Xuân Đỉnh là quê của Châu. Cũng thời gian ấy Chanh xuất ngũ và xây dựng gia đình với Phan Minh Châu. Những năm bao cấp việc nhập hộ khẩu vào Hà Nội rất khó, nên vợ chồng Châu – Chanh phải làm đủ nghề đề kiếm sống. Được sống êm ấm trong 12 năm, hai vợ chồng có được 3 người con 2 gái một trai, nhưng chỉ có được 1 cháu ăn theo tiêu chuẩn của bố còn 2 cháu ăn theo mẹ. Rồi tai họa bỗng đâu ập đến, Châu bị cảm cấm khẩu tử vong, để lại cho Chanh 3 cháu nhỏ, đứa đầu 10 tuổi, đứa út 4 tuổi. Bốn mẹ con sống chung với ông bà nội mà chỉ có một cháu có quyền lợi ở Thủ đô, Chanh không kham nổi đành để một cháu ở Hà Nội còn 3 mẹ con về quê ngoại Thái Bình sinh sống.

Những năm sau đó nhà nước xóa bỏ bao cấp, rồi Chỉ thị 100[i] ra đời, cả nhà Chanh được giao cấy hơn mẫu ruộng khoán sản. Năm 1988 Khoán 10[ii] ra đởi nhà Chanh được chia 8 sào ruộng cấy, chịu thương chịu khó tần tảo canh tác năm ba vụ ngoài trả sản cho hợp tác xã cũng dư chút đỉnh. Những tháng nông nhàn Chanh mang nông sản lên quê chồng tiêu thụ, nhận thêm việc móc sợi hàng thủ công xuất khẩu nên đến năm 2000 chanh đã làm được căn nhà mái bằng 60 m2 khép kín.

Các cháu cũng lớn, 2 cháu gái đi lấy chồng, 1 ở quê ngoại Hưng Hà (Thái Bình), 1 ở quê nội Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội). Còn cháu trai cháu học xong ra làm nghề kinh doanh trang trại lợn gà rừng giống, nghề này cũng phất lên một thời. Năm cháu 35 tuổi (2014) mới lấy vợ và mua nhà 30 m2 cao năm tầng ở ngõ 28 làng Nhân Mỹ – Mỹ Đình – Hà Nội. Bà Chanh phải rời quê lên trông cháu. Nhưng bà có bệnh khớp đau đầu gối nhà ở Mỹ Đình chật chội lại phải leo cầu thang bộ nên bà cứ đánh tháo về quê. Năm 2017 cháu lại mua căn hộ trả góp tại tầng 25 Nhà T2 chung cư An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội). Tuy trên chóp chung cư nhưng việc đi lại có thang máy cũng thuận tiện. Căn hộ ngay đầu khu chung cư rộng 160 m2 lại thêm tầng áp mái cùng diện tích. Họ dành 2 mặt tầng áp mái một khoảng hành lang rộng 3m chạy 2 mặt chung cư dài 27 mét, cải tạo sát dậu rộng khoảng một mét, cao 50 cm đổ đất làm một mảnh vườn trên lưng chừng trời; trồng đủ loại cây ăn quả và rau quả sạch.

Đầu tháng 5/2019 tôi có dịp ghé thăm khu vườn giữa lưng chừng trời, với nhiều loại cây trái như: Xoài, mít, ổi, chanh, cam, bưởi diễn, đu đủ, khế, ớt… Giáp dậu trồng các loại thân leo như bầu, bí, mướp, dưa chuột, thiên lý, su su, khổ qua… Các cây rau quả gồm: Cà chua, cà pháo, măng tây, cà tím, khoai mùng, khoai lang, rau muống, rau đay, rau dền, mồng tơi… Các rau gia vị hành, tỏi, cần tỏi tây, húng mùi thì là tía tô lá lốt.. vv thứ gì nhà quê có là bà đều trồng cả. Ngoài ra còn cây kiểng, chim kiểng, gà kiểng, chó kiểng, thêm vài dò lan lủng lẳng làm không gian chóp nhà chung cư đầy nắng và gió trở lên mát mẻ rợp bóng cây xanh. Không còn nhớ quê và có việc làm, sáng sáng tưới tắm, chăm sóc cây cảnh bà càng thêm khỏe trẻ thêm. Sáng ngủ dậy giữa lưng trơi nghe chim hót, gà gáy, chó sủa mà tôi nghĩ mình đang ở quê nhà.

Tôi cảm phục và chúc mừng mẹ con người đồng đội, người lính Trường Sơn, chồng mất sớm từ năm 34 tuổi, vậy mà gắng gượng nuôi dạy các con lên người, bản thân lại không có chế độ gì mà nay nuôi dậy con cái nên người, đã tạo dựng được cơ ngơi đủ đầy, những người như chúng tôi ở quê chắc chỉ dám mơ./.


[i] Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV, tháng 1-1981 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp đã tạo ra không khí hồ hởi trong nông thôn và bước phát triển mới về nông nghiệp

[ii] Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI về nông nghiệp ban hành ngày 5-4-1988