Những chiến sĩ Tiểu đoàn 232 (hay vẫn thường được nhân dân đất Quảng và Khu V gọi là “Tiểu đoàn bà Thao”) – đơn vị vận tải nữ duy nhất của Khu V trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi khi “ôn cố tri tân” vẫn thường nhắc đến chị Nguyễn Thị Huấn, Chính trị viên phó Đại đội 2, kiện tướng gùi hàng “chân đồng vai sắt”…
Trong 4 năm làm nhiệm vụ ở “Tiểu đoàn bà Thao“, trung bình mỗi năm, Chính trị viên, Đại đội phó Đại đội (C2) Nguyễn Thị Huấn gùi khoảng 20 tấn hàng, bằng gần 3 lần khối lượng vận tải trung bình của các đồng đội của chị. Chị được đồng đội phong tặng danh hiệu kiện tướng gùi hàng “chân đồng, vai sắt” khi chỉ mới 17 – 18 tuổi. Chị cũng là một trong số ít cô gái ở tiểu đoàn thường xuyên được ăn “nắm cơm kiện tướng“, dùng để thưởng cho những nữ TNXP gùi hàng với số lượng lớn.
Trong rất nhiều lần gùi hàng cho bộ đội đánh giặc, Nguyễn Thị Huấn nhớ nhất là chuyến gùi khẩu pháo nặng gần 100kg. Khi đó, tiểu đoàn có 4 đại đội, nhưng không có đại đội nào nhận bởi nó quá cồng kềnh và quá nặng so với sức vóc của các cô gái trẻ. Được lãnh đạo tiểu đoàn, rồi lãnh đạo đại đội động viên, Huấn xung phong nhận trọng trách ấy. Sau một đêm mất ngủ, trằn trọc suy nghĩ, cô gái 19 tuổi ấy đã nghĩ ra cách để gùi khẩu pháo có 3 chân: dùng tấm ván làm mặt phẳng để cột khẩu pháo vào rồi nhờ đồng đội khiêng lên vai. Đại đội trưởng C2 phải cử thêm 2 đồng đội đi theo Huấn để vừa làm nhiệm vụ phát quang đường rừng, vừa giúp đỡ Huấn khi leo dốc núi, dừng chân nghỉ. Ròng rã mấy ngày liền, ăn và nghỉ trong tư thế đứng, cuối cùng Huấn cùng đồng đội đã giao được hàng đến đội vận tải nam tiếp tục vận chuyển ra chiến trường.
Thế nhưng, lần gùi hàng kỷ lục nhất của kiện tướng Nguyễn Thị Huấn là khi vận chuyển vũ khí phục vụ cho chiến dịch tại Chu Lai năm 1970. Lần ấy, Huấn được giao nhiệm vụ cõng 2 thân DKB, 1 đầu đạn DKB và 2 ngòi nổ với trọng lượng trên 100kg. Đi ròng rã nửa tháng trời, những lúc Huấn bị sốt, số hàng của chị phải san cho 2 – 3 người gùi. Sau chiến công ấy, Nguyễn Thị Huấn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Trước đó, Huấn đã được tặng 3 Huân chương Chiến công: 2 hạng Nhất và 1 hạng Nhì.
Vượt qua những gian khổ, thiếu thốn nơi chiến trường, Nguyễn Thị Huấn đã cùng đồng đội của mình gùi hàng vạn tấn hàng ra chiến trường. Những chiến công của kiện tướng “chân đồng vai sắt” Nguyễn Thị Huấn và các đồng đội của chị đã góp phần làm rạng danh Tiểu đoàn vận tải 232 anh hùng, hay vẫn được quân và dân Khu V gọi thân thương, trìu mến là Tiểu đoàn “Kiện tướng hành lang” hay “Tiểu đoàn bà Thao”./.
Hà An
Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015