Kỷ niệm một chuyến đi

Đăng lúc: 11-01-2022 2:58 Chiều - Đã xem: 67 lượt xem In bài viết

 Vào một ngày đầu tháng 8/1974, chúng tôi nhận được thông báo của cấp trên: Các đơn vị tổ chức lực lượng lên tổng kho Đoàn 559 để nhận hàng. Tiểu đoàn 470 chúng tôi cũng như các đơn vị thuộc Huyện đội Ninh Hòa, Vạn Ninh và một số đại đội độc lập đang có mặt tại căn cứ phía bắc tỉnh Khánh Hòa hết sức phấn khởi. Khác với các lần trước đây, chủ yếu ưu tiên tiếp nhận vũ khí, đạn dược là chính, nay lại có thêm các mặt hàng thiết yếu lần lượt sẽ đến được tay người chiến sỹ.

Ảnh internet  

 Tình hình chiến trường Nam Tây Nguyên diễn biến khá nhanh. Ngày 30/5/1974, Trung đoàn 25 Bộ đội Tây Nguyên đã làm chủ Ea Súp, một huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk. Đoàn 559 đã nhanh chóng lập các kho, trạm tại địa bàn vừa được giải phóng này để kịp thời cung cấp những vật chất thiết yếu cho các đơn vị tại chỗ. Một số đơn vị bộ đội địa phương của hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa cũng bắt đầu có thêm nguồn hàng mới.

 Đoạn đường khá xa, chúng tôi đi và về mất cả chục ngày. Điều bất ngờ là không phải chúng tôi nhận được bao nhiêu hàng hóa, mà chính là việc tận mắt chứng kiến một đơn vị TNXP, Đoàn 559 khá đông, có cả nam và nữ xuất hiện phía đông Quốc lộ 14. Đường giao liên chỉ đủ một lối đi, khi lực lượng này có mặt, đường được mở rộng về cả hai phía. Dưới các cánh rừng, đã hình thành những con đường đủ rộng cho xe cơ giới di chuyển. Đây chỉ là một đoàn đường giao liên vừa được nâng cấp mà tôi biết, chắc chắn các ngọn đồi khác gần cạnh đó cũng sẽ được lực lượng làm đường điều tra, khảo sát. Cũng trong thời điểm đó, khi chúng tôi đang có mặt trong địa phận tỉnh Đắk Lắk, tôi nghe được bản tin trưa của Đài tiếng nói Việt Nam qua radio của một đồng chí trong đoàn: Tổng thống Mỹ Nixon từ chức vì vụ Watergate. Hôm đó là ngày 9/8/1974.

 Tháng 3/1975, khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, mà trọng điểm là thị xã Buôn Ma Thuột. Tôi liên tưởng ngay đến việc lực lượng TNXP đã có mặt khá sớm xung quanh thị xã cao nguyên này. Như các tài liệu đã công bố, khi chủ lực quân giải phóng Tây Nguyên chỉ trong hai ngày 10 và 11/3/1975 đã làm chủ thị xã. Để có được chiến thắng lịch sử đó, không thể không nói tới hàng trăm cây số đường rừng vòng ngoài căn cứ quân sự này đã được lực lượng TNXP chuẩn bị một cách bí mật, bảo đảm cho xe tăng, xe cơ giới hoạt động mà kẻ địch không thể ngờ tới*.

Lực lượng TNXP có mặt ở chiến trường với nhiệm vụ chính là mở đường; trong những trường hợp đột xuất còn tham gia vận chuyển vũ khí, khí tài và những vật chất cần thiết khác cho các đơn vị bộ đội chiến đấu. Tôi thực sự cảm phục về họ. Trong một lần, đơn vị chúng tôi đang trên đường hành quân vào chiến trường, phải đi qua một đoạn đường đèo khá hiểm trở. Một đơn vị TNXP nào đó đã mở con đường này như sau: Từ dưới chân núi lên đỉnh đèo, nền đường được lát bằng gỗ. Ở trong rừng, có một loại cây tên Chà rang thẳng và cứng. Loại cây rừng này, làm lán trại nhanh và đẹp, đã được đơn vị nọ sử dụng lát nền đường. Để bảo đảm an toàn cho người qua lại, họ còn tận dụng cả những cây song mây có sẵn làm tay vịn. Ai đã từng đi qua đoạn đường đèo này đều có một cảm giác khá hài hước: Người đi sau, đầu đụng ba lô người đi trước y như lên cầu thang cuốn nhà tầng ngày nay vậy. Nếu ai đó vô tình nhỡ tay là rơi xuống vực sâu.

Địa bàn này thường xuyên bị không quân Mỹ làm mưa nhân tạo nên đường đèo trở nên trơn trượt, lầy lội. Nếu không có kỹ thuật xử lý mặt đường nói trên, hàng trăm con người đơn vị chúng tôi chỉ có đứng nhìn. Đoạn đường đèo mà tôi vừa kể giống như một tác phẩm nghệ thuật giữa đại ngàn Trường Sơn do con người sáng tạo ra.

 Một đội quân trong tay chỉ có cuốc xẻng, xà beng, dao rựa … đã viết nên câu chuyện cổ tích thời hiện đại trong những năm đánh Mỹ, đặc biệt trong chiến dịch giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột mùa xuân 1975, mà trước đó tôi đã có may mắn gặp và biết được những công việc thầm lặng của họ.

Phan Trọng Hùng

Nha Trang