Ký ức C1 áo xanh

Đăng lúc: 01-09-2018 10:26 Chiều - Đã xem: 28 lượt xem In bài viết

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Thành phố Hồ chí Minh, Thành đoàn đã tổ chức tập hợp thanh niên tại số 4 A Duy Tân. Chúng tôi được chia ra thành nhiều đội đặt tên Đồng Xoài, Ấp Bắc, U Minh, Lòng Tảo… được hướng dẫn sinh hoạt ca hát tập thể, ngoài ra còn có nhiệm vụ là góp phần giữ gìn trật tự giao thông, an ninh đường phố. Sau đó, với tình hình mới, Thành đoàn đã chủ động thành lập Lực lượng TNXP, được chọn những người tự nguyện thoát ly ra từ các đội nói trên và tham gia không có thời hạn nhất định, đi khai hoang và xây dựng các vùng kinh tế mới.

Tác giả bài viết

 Ngày 20/7/1975, 4 Đại đội đầu tiên ra đời (C1, C2, C3, C4), đa số đều ở tuổi 18-20 thậm chí có bạn mới 15-17. Tôi được biên chế vào A2, B2, C1, Đại đội trưởng là anh Bảy Dũng, Đại đội phó là anh Mười Thanh, B trưởng B2 là anh Lê Đình Lộc, A trưởng là anh Ngô Trung Trí. Đồng phục của chúng tôi lúc đó là kaki VNam Định màu xanh YAMAHA (xanh da trời đậm). vì thế nên sau này mọi người thường gọi chúng tôi là TNXP áo xanh (để phân biệt với đồng phục của 4 C áo nâu và màu cỏ úa của TNXP tham gia 28/3/1976). Ký ức về những ngày đó thì nhiều lắm, nhưng tôi không phải là người viết lịch sử, mà đơn thuần kể lại những mảnh ghép vui của bản thân trong thời gian ấy, khoảng thời gian mà mọi người ở thành phố chưa biết và chưa hiểu chúng tôi là ai!

THẰNG ĐÓ LÀ VIỆT CỘNG!

Hồi mới tham gia, khi được về phép, khoác bộ đồng phục TNXP trên người, hàng xóm chung quanh cứ bàn ra tán vào, nào là nó tham gia cái gì vậy, nào là bày đặt xoay chiều lẹ thiệt, nào là bon chen làm tào lao chứ được cái gì có lợi đâu, nào là…Nhưng ấn tượng nhất là của bà cụ nhà kế bên “thằng đó là Việt cộng mà, tao cá, chắc như bắp”, tôi và ba má chỉ cười ừ à cho qua. Khi vô nhà, má thì hỏi “con có súng không, cất vào tủ đi con”, tôi cười “làm gì có”. Ba thì hỏi “con đang làm gì thế?”. Tôi phải giải thích theo lời các anh chị lãnh đạo là như thế, như thế. Ba tôi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi hỏi tiếp “bộ hồi đó con là Việt cộng chìm hả, sao ba không biết, cái thằng kín tiếng dữ bây”, tôi phải trình bày “đâu có, con mới tham gia thôi, con là TNXP, trước đây con đi học mà, có làm Việt cộng gì đâu”. Nhưng chính quyền địa phương khi biết, lại xuống nhà thăm hỏi và còn biểu dương gia đình đã đông viên tôi tham gia lực lượng TNXP góp phần dựng xây đất nước sau chiến tranh. Cái sự thăm hỏi đó càng làm cho chung quanh hàng xóm khẳng định thêm “thằng đó là Việt cộng “, dù tôi vẫn chối “con là TNXP mà, không phải Việt cộng đâu!”

BỠ NGỞ Ở MÔI TRƯỜNG MỚI

Khi mới vào, tôi cứ nghĩ là sẽ được lên rừng ngay, nhưng không chúng tôi được đưa lên một nơi gọi là Trường huấn luyện. Nơi này trước đây là Ty Chiêu hồi của chế độ cũ ở quận Thủ Đức (nay là phường Linh Trung, Quận Thủ Đức), chung quanh còn nhiều cỏ dại, cơ sở vật chất thì bẩn thỉu. Khi lên tới nơi, chúng tôi phải bắt tay vào dọn dẹp làm vệ sinh, sau đó bắt đầu học đội ngũ, chính trị, -cách xử dụng và tháo ráp các món vũ khí như AK[i], M16[ii]

Con dao dùng chẻ mây năm 75 còn giữ đến bây giờ

Đầu tiên là món ngủ, tất cả đều từng là học sinh, sinh viên nên thường khoái ngủ nướng, cứ 5 giờ nghe tiếng kẻng gõ là phải dậy tập thể dục ngay. Lúc đầu, có ai dậy sớm được đâu, thậm chí có người còn ráng nướng đến khét luôn, thế là bị nhắc nhở rồi bị phạt hít đất, riết rồi quen, cứ đúng 5 giờ là tự nhiên bật dậy. Chưa hết, các anh lãnh đạo còn bắt dậy là phải xếp mền mùng chiếu gối lại ngay ngắn theo qui định, có đứa quăng tùm lum, đứa thì cũng xếp nhưng mỗi thứ 1 nơi, bị các anh gom dấu hết đêm sau phải lên làm kiểm điểm mới được nhận về để ngủ. Còn nữa cái bệnh thức khuya, cả đám ngồi nằm nói chuyện đến nỗi các anh phải la rầy, người nào nói hoài không được các anh bắt giữa đêm ra chạy 3 vòng sân cờ, xong vô mệt quá ngủ khì một giấc tới sáng.

Đứa nào ở nhà cũng thích ăn từ từ chừng nào xong cũng được, nhưng vào tập thể ăn có giờ nên ăn chậm là đói ngay. Cứ 5 người 1 mâm, đua nhau mà lùa, từ đó mới có thành ngữ “ăn chậm qua phà”. Đồ ăn cũng đâu có dư giả như ở nhà nên cứ chan canh mà húp để ăn được nhiều cơm. Bữa nào không học chính trị, chúng tôi được hướng dẫn lao động như phát cỏ, dọn dẹp phòng ốc, có bữa phải ra cuốc đất trồng rau khoai. tay chân bắt đầu phồng rộp, mặt mày thì đen thui, mình mẩy thì ê ẩm. Từ đó, mệt quá làm sao thức khuya nỗi, làm sao dám ăn cơm ít, riết rồi quen, bữa nào không đi lao động là tay chân ngứa ngáy.

Nhưng tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Không đi lao động là phải học chính trị, một môn học khó nuốt và khô khan, buồn ngủ muốn chết! Nào là duy vật, duy tâm, nào là phạm trù …Biết chúng tôi chưa quen, nên các anh chị giảng viên của Thành đoàn cũng cố gắng tìm cách pha trò hoặc chơi trò đố vui cho những buổi học bớt nhạt nhẽo. Nhờ vậy từ từ chúng tôi hiểu và thấm những điều chính trị cơ bản. Nhưng nói thật (bây giờ mới dám nói ra), tôi có máu cắc cớ, luôn nghĩ ra những câu hỏi kỳ cục tính làm khó và chọc giảng viên. Bữa dạy về duy vật, khi giảng viên hỏi anh em có gì thắc mắc không, tôi liền đưa tay “xin thày cho biết sinh vật đầu tiên có trên trái đất là do đâu sinh ra, do đâu mà có?”. Cả đám ngồi dưới cười rần “hồi nảy giờ nó ngủ gục đó thày”. Giảng viên không giận mà còn từ tốn giải thích cặn kẽ. Tôi vẫn không chịu thua hỏi tiếp “thày nói qua quá trình lao động vượn hóa thành người, vậy tụi em bây giờ lao động mai mốt hóa thành gì?’. Chợt có tiếng tằng hắng phía sau, thì ra anh Bảy Dũng “hóa thành TNXP, chịu chưa?”. Phải nói là lần đầu tiên học chính trị mà lại vui như thế, hiểu bài hết nhưng giả bộ hỏi cho vui thôi, sau đó tôi bị la quá trời vì tội giỡn quá trớn.

Anh Hiếu Đức -bí danh Bảy Dũng – biệt danh Ông nội 

Cứ tối cuối tuần, các anh lại cho đốt lửa trại, quây quần ca hát múa tập thể, sau đó là ăn chè. Vì yêu thích ca hát từ nhỏ, nên tôi lân la đi theo các anh Năm Thiện (chính trị viên Trường huấn luyện), anh Võ Ba (Hiệu trưởng Trường huấn luyện), anh Sáu Trương (Hiệu phó) học vài bài ca cách mạng đề lận lưng. Nhưng phải nói các bạn trong C1 lúc nào cũng yêu cầu tôi hát 2 bài Vàm Cỏ Đông và Anh lính quân bưu vui tính. Có bữa mệt và khan cổ tôi vẫn bị yêu cầu, từ chối không được vì anh em thích và thương mới làm thế, mà công nhận lúc đó sao tôi ca hay thiệt!

 Đêm, chúng tôi được phân công thay phiên gác và tuần tra khuôn viên Trường, mỗi ca 2 người có vũ khí hẵn hoi nhưng không cho bắn dù là chỉ thiên! Trời tối, sương đêm, tiếng chó sủa, ếch kêu, sợ lắm nhưng phải làm thôi, chỉ có 2 tiếng sao mà nó dài thế, chỉ mong mau đến giờ đổi ca. Gác ca đầu còn đỡ, hết ca vào ngủ một lèo đến sáng, còn các ca sau bực không chịu nổỗi, thử hỏi đang ngủ ngon tự nhiên bị đánh thức, rồi sau 2 tiếng lại vào ngủ tiếp làm sao ngủ được. Có lần, tôi được phân ca 1 giờ đến 3 giờ sáng với Bùi Đình Hùng. Khi Phạm Bá vào gọi thì tôi ráng nướng, nướng cho đến lúc anh Mười Thanh vào gọi tôi mới giật mình. Thế là ngày hôm sau tôi bị cảnh cáo trước đơn vị và phạt dọn nhà vệ sinh 3 ngày, buồn nhưng đành chịu, tại mình sai mà!

 ĐI XUYÊN MỘC

Ở Trường huấn luyện khoảng vài tuần, thì chúng tôi được lệnh chính thức lên đường đi Xuyên Mộc[iii]. Theo sự phân công, B2 C1 sẽ lên trước tiền trạm với sự chỉ huy của anh Mười Thanh. Chung tôi lên xe mà trong lòng lúc đó cứ rộn rã nôn nao, hành trang đem theo ngoài quần áo cá nhân, còn có cả võng dù, cuốc xẻng, dao rựa, thuốc chống sốt rét…chuẩn bị bước vào 1 trận địa mới mà những thanh niên thành phố như chúng tôi có lẽ chưa bao giờ tưởng tượng ra. Dọc đường đi, anh Mười Thanh luôn động viên và bắt nhịp những bài ca tập thể như Sài Gòn quật khởi, Giải phóng quân, Bão nổi lên rồi…cho chúng tôi quên nỗi lo lắng và mệt nhọc. Thế mà có mấy thằng cũng khóc vì đây là lần đầu xa gia đình, trong đó có tôi!

 Đến nơi, ôi trời ơi, một vùng cỏ tranh trắng xóa cao ngút đầu, xa xa là cánh rừng bạt ngàn gió thổi lồng lộng. “Giờ làm gì và đi đâu đây anh Mười”, chúng tôi hỏi lúc vừa xuống xe. Anh Mười cười không nói gì, anh dẫn chúng tôi đi bộ xuyên đám cỏ tranh vào một khu đất trống trải kề bên một dòng suối khô queo. Sau khi phân công cho từng tiểu đội, anh còn dặn dò “cấm đi tầm bậy, rừng còn cọp nhiều lắm đó nghe!’. Nghe xong, tất cả răm rắp nghe theo, tự nhiên có một đứa ngồi xuống không chịu đi, thì ra do sợ cọp nên đã tiểu trong quần, cả đám cười rần vang cả khu rừng.

Trong một tuần mọi việc cũng xong. Làm lán trại cho B1 và B nữ sẽ lên sau, đào 1 giếng nước dưới trũng sâu, cắt tranh làm thành con đường vào lán trại. Nhưng rồi không như hẹn trước, chả thấy ai lên, xà bông giặt đồ hết, đồ mặc thì hôi hám vì những cơn mưa kéo dài đồ không khô kịp. thế là cả đám ra đi lao động mà ở trần quần xà lỏn, cỏ tranh cứa vào ngứa và rát vô cùng. Một ngày rồi hai ngày, có đứa ỷ y sexy 100% ra hiện trường. Đến bữa nọ, đang làm thì có tiếng xe ngừng, anh Mười đứng lên xem rồi la thất thanh “chết cha, quân lên, chạy vô mặc quần mấy đứa ơi!”.

 Khi B nữ xuống xe, người đầu tiên chạy vào đó là Vy Ù, thì ra cô ấy mắc tiểu quá, khi cô ấy đi xuống giếng rửa tay thì anh Mười nói vói theo “xăn ống quần lên coi chừng vắt đó”, cô ấy cười và nói “nhằm nhò gì mấy cái con đó, em đè lên người còn tắt thở huống chi là mấy cái con nhăng nhít!”. Một lúc sau cô ấy lên và còn nhoẻn miệng cười “nước giếng mát quá “. Chợt cô ấy tái xanh mặt mày rồi nhảy tưng tưng “chết em, chết em”, chúng tôi bu lại “sao vậy, mắc kinh phong hả?”. May sao, có chị Ba Diệu y tá vừa đi tới vừa cười khúc khích “chị hiểu rồi, Vy vào đây với chị, mấy thằng nam tránh ra, thằng nào tò mò chị nói anh Mười cho hít đất “. Thì ra, khi xuống giếng, cô ấy đã bị 1 con vắt chui vào tới chỗ đó. Hèn chi!

CHỊ SÁU LÒ XO

 Chị Lý Thị Thành – bí danh Sáu Thành – biệt danh Sáu lò xo 

Trong B nữ, có một chị tên là Lý Thị Thành, anh em đã quen gọi là chị Sáu Thành. Chị này có những điểm đặc biệt mà không có đội viên nữ nào có, đẹp nè, điệu nè, giọng nói thì dể thương nè…Có ai như chị ấy không, đi TNXP mà cứ như đi dã ngoại hay đi du lịch, hết giờ lao động là tắm sạch sẽ bằng những loại xà bông xịn, thay đồ ngủ như ở nhà, guốc dép thì đủ loại, đi lao động thì phải mang dép râu theo qui định nhưng đôi khi lén mang dép thường, chưa tính tối ngủ lại mang dép khác. Trước khi đi lao động, chị bỏ ra hơn 15 phút để thoa kem, trét tí son phấn, xức dầu thơm! Điều đặc biệt mà C1 chúng tôi không thể nào quên là mái tóc, chị đem theo mấy cuộn tóc bằng nhựa, tối khi đi ngủ là cuộn tóc lên, sáng lại xỏa ra, có khi gấp quá chị mang cả cuốn tóc ra hiện trường. Vì thế tóc chị lúc nào cũng xoăn tít như những cái lò xo, từ đó biệt hiệu Sáu lò xo ra đời. Chị không giận mà lại vui, biệt danh ấy theo chị đến tận bây giờ, dù đã hơn 60, chị vẫn như thế, đẹp điệu và mái tóc lò xo!

TIỂU GIA ĐÌNH

Từ trái qua là Út Lan, Tư Sơn -tác giả,Hai Thế, Ba Tịnh, Bảy Khá

 Theo sự lãnh đạo của anh Bảy Dũng và anh Mười Thanh, tất cả C1 đều là anh em là 1 gia đình. Tuy vậy, vẫn có những đc do hợp ý nhau nên thích tâm sự riêng trong những ngày cuối tuần (chủ nhật được nghỉ lao động nên thường có từng nhóm đi ra khu kinh tế mới Thạnh Sơn để uống café hoặc ăn một cái gì đó, sẵn đó tâm sự nói chuyện riêng). Trong tiểu đội nữ, có 3 chị em ruột cùng đi TNXP là: Trần Thị Kim Hạnh, Trần Thị Kim Phước, Trần Thị Kim Lan, cứ sáng chủ nhật là thích đi vào rừng chơi, và kiếm nơi nào mát là ngồi ca hát vui đùa. Đã hát là phải có đàn, có bữa họ gọi Phùng Hữu Thế đi chung (vì trong C1 anh là người đàn hay nhất), và có một chị hát rất hay đòi đi theo là Nguyễn Thị Tịnh (chị này về sau là văn công Lực lượng TNXP). Tôi lại có sở thích là vào rừng tìm hoa lan, nên có lần tình cờ gặp nên cũng vào tham gia. Đặc biệt là Trần Văn Khá, vì thích Kim Lan nên cũng đòi đi theo, nhưng ngại tỏ tình nên nhờ một người có mái tóc dài đẹp nhất C1 là Kim Giang đi cùng nói giúp. Thế là chúng tôi 8 người hàng tuần kéo nhau vào rừng tìm hoa lan, hái trái rừng, và ca hát vui đùa. Một bữa nọ, chị Kim Hanh bổng gợi ý “mấy đứa mình kết nghĩa đi, gian khổ có nhau sướng vui cùng hưởng, chịu không nào?”. Ccả nhóm đồng ý ngay, theo ngày tháng năm sinh mà phân ngôi thứ. Kim Hạnh là chị cả, kế đến là Hai Thế, Ba Tịnh, thứ Tư là tôi, rồi Năm Phước, Sáu Giang, Bảy Khá, cuối cùng là Út Lan. Biết chuyện, anh Bảy Dũng kêu cả đám lên la vì coi đó là biểu hiên tiểu tư sản, bè phái, cục bộ, nhưng vẫn không lay chuyển vì chúng tôi vẫn động viên nhau lao động tốt và chấp hành nghiêm chỉnh mọi nội qui, riết rồi các anh cũng bỏ qua không bàn tới nữa. Bây giờ, tiểu gia đình chúng tôi chỉ còn Hai Thế, Ba Tịnh, tôi Tư sơn, Sáu Giang và vợ chồng Bảy Khá – Út Lan, chị Cả Hạnh đã mất vì bạo bệnh, còn Năm Phước đã định cư ở Mỹ. Dù thời gian hoàn cảnh có thay đổi, nhưng chúng tôi vẫn thường liên lạc chia xẻ buồn vui và giúp đỡ với nhau như thời còn trong C1 TNXP.

ỦI ĐỒ BẰNG ĐẦU!

 Tôi nhớ hoài đến bây giờ lời anh Bảy Dũng “các đồng chí ở trong lán trại thì quần áo sao cũng được, miễn là đàng hoàng kín đáo, nhưng cuối tuần đi ra dân chơi thì phải mặc đồng phục nghiêm chỉnh, ngay ngắn thẳng thớm “. Trời ạ, nghiêm chỉnh thì dễ, nhưng ngay ngắn thẳng thớm thì làm sao được đây, bàn ủi không điện cũng không, bàn ủi than chỉ có một cái của chị Sáu lò xo không lẽ dùng chung cho cả đại đội chắc, một tuần là hư ngay. Thế là anh em mạnh ai nấy làm mỗi người 1 kiểu, người thì đồ phơi khô rồi thì đem vào trải lên giường ngồi vuốt cho thẳng, người thì lúc giặt thì giũ cho ngay ngắn…Rồi đến một ngày nọ, anh Trung Trí chợt thấy sau khi xếp ngay quần áo khô để dưới gối nằm, sáng hôm sau tự nhiên thẳng thớm thậm chí có li hẳn hoi. Sau m thời gian nghiên cứu kỹỷ lưởng, thử tới thử lui, anh mạnh dạn phổ biến kinh nghiệm này với anh em, rõ ràng hiệu quả. Thế là cụm từ ỦI ĐỒ BẰNG ĐẦU ra đời!

ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI

 Thường trong gia đình, đa số chúng ta đều thích ông ngoại hơn ông nội, chỉ vì ông nội thường khó tánh hơn ông ngoại. Trong C1 chúng tôi lúc đó, anh Bảy Dũng khó chịu cực kỳ, hở chút là la là kiểm điểm. Có lần tôi đã bị nhắc nhở trước đơn vị vì cái tội kêu bạn bè bằng mày tao. Anh chỉ cho phép chúng tôi gọi nhau là đồng chí. Cái khó của anh biểu hiện rõ nhất là lúc trước khi đi lao động, anh kiểm từng cái búa cái rựa, cái nào sút cán cái nào lục không bén, đứa nào lười mài dụng cụ hoặc cán bị lung lay là bị ngay máu nóng của anh hành hạ. Khi tập dượt đội ngũ, anh đi đến từng đứa sửa động tác từ nghiêm nghỉ đến dậm chân 1, 2 – 1, 2. Có lần, tôi bị sửa tới sửa lui đổ mồ hôi hột vì trong tư thế nghiêm mà tôi liên tục cọ quậy. Nhưng có lẽ nhờ anh khó mà về sau, dịp lễ 2/9 năm 1975, C1 được chọn đại diện TNXP để về thành phố diểu hành mừng ngày Quốc Khánh đầu tiên sau ngày giải phóng. Cũng có người bị anh la hoài nên bực bội rồi nói lén “bộ là ông nội tui sao cứ nhè tui mà sửa mà la hoài”, biệt hiệu Ông Nội đặt cho anh Bảy Dũng có lẽ xuất hiện từ đó!

 Anh Mười Thanh thì lại vui tánh. Anh là người hướng dẫn anh em nhiều bài hát cách mạng thật hay, riêng anh (mãi đến bây giờ) bài độc quyền là Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Ra lao động anh luôn là người đi trước, dạy chúng tôi tận tình từng kỷ năng đốn cây, đốn tre, cột lạt mây, dựng nhà…Riêng tôi, vì thấy tôi bị bệnh suyễn nên anh chính người dạy tôi chẻ mây làm lạt cột tranh lợp nhà. Anh có tính quan sát kỹ lưỡng, đặt từng người vào vị trí thích hợp để có được thành quả tốt nhất, đứa nào khỏe thì đốn cây, khéo léo thì đốn tre, tỉ mỉ thì cột lạt, yếu thì ngồi đan tranh … Riêng các bạn nữ thì thích anh lắm dù lúc đầu hơi mắc cỡ với đề nghị của anh, mỗi tháng cứ đến ngày ấy của phụ nữ là anh cấm không cho lao động nặng, chỉ ở lại lán trại trồng rau dọn dẹp. Sự quan tâm chân thành ấy làm anh em thương và có người đã buột miệng nói “nhìn anh Mười giống Ông Ngoại tui ở dưới quê”, thế là từ dạo ấy anh Mười Thanh được anh em gọi 1 biệt danh trìu mến: Ông Ngoại!

 Nhưng dù gọi là Ông Nội Ông Ngoại hay anh Bảy anh Mười, chúng tôi vẫn mến yêu và nể phục. Ngày đầu bước vào môi trường TNXP, nếu không có các anh cầm tay chỉ việc, có lẽ những thanh niên thành phố như chúng tôi đã gặp rất nhiều bở ngỡ và xa lạ.

 Anh Nguyễn Khoa Thanh – bí danh Mười Thanh – biệt danh Ông ngoại 

NHỮNG BIỆT HIỆU VUI

 Trong C1, ngoài biệt danh Ông nội Ông ngoại của anh Bảy Dũng và anh Mười Thanh, trong anh em còn vô số biệt hiệu, cá tính có, chọc nhau có, nhưng chủ yếu là đặt cho những bạn có những tố chất đặc biệt, đến nỗi bây giờ sau hơn 40 năm khi họp mặt vẫn còn nhớ mãi như 1kỷ niệm vui. Tôi và tiểu gia đình đã có biệt hiệu riêng, ngoài ra xin đơn cử vài biệt hiệu sau đây:

  • Phạm Bá, vì bơi giỏi nên được đặt là Hà Bá
  • Nguyễn Văn Dũng, có tướng cao to nên biệt danh là Dũng King Kong.
  • Dương Thái Thạch, đá banh rất hay, lừa banh đảo qua đảo lại như người đang say rượu nên biệt danh là A Xỉn
  • Ngô Trung Trí, anh có biết chút võ Hầu quyền nên mổi lần tập thể dục, anh hay ngứa tay chân đi vài bài quyền, từ đó anh em đặt biệt danh là Tề Thiên.
  • Lương Thị Cúc, vì ở B nữ vó 2 người tên Cúc nên anh em đặt là Cúc Gà để phân biệt với Dư hồng Cúc biệt danh là Cúc Dư.
  • Lê Mai Liên, được đặt là Miên Lai, vì đó là nói lái lại chữ Mai Liên, và còn 1 lý do khác vì bạn da đen giòn rất dễ thương.
  • Hoàng Thị Vy, xứng với tên Vy Ù, vì tướng tá rất mập mạp khỏe khoắn.
  • Mai Thị Thanh Mai, vì có đôi mắt khi nhắm lại tựa như 1 lằn gạch ngang nên được đặt là Mai Hí.

Còn nhiều lắm nhưng vì không nhớ gốc tích biệt danh nên không nêu ra, như Lộc Lì – Lộc Lùn –Tâm Bi – Đức Ngụy – Huỳnh Nhí – Phước ròm – Hải Banh tà lép – Tài vịt –Sún ba lẹ – Sơn đàn ta lư – Long Huế…

MẮM RUỐC QUỐC DOANH

 Thời kỳ đầu sau giải phóng, thành phố còn rất nhiều khó khăn, nhất là lương thực, nhưng được một cái chúng tôi rất được ưu ái. Chúng tôi được lo lắng rất đầy đủ trong các bữa ăn để có đủ sức mà lao động. Tuy nhiên, ăn tập thể làm sao có được món mình ưa thích như lúc ở nhà, lúc đó mới thấy tấm lòng của mẹ tôi thật không có gì tuyệt vời hơn. Biết hồi ở nhà tôi rất thích mắm ruốc xào thịt, nên mỗi lần về phép, bà thường làm mắm ruốc xào nhưng làm thật khô để ăn được lâu. Mỗi lần trở lên đơn vị, trong ba lô không thể nào thiếu 1 lon guigoz[iv] mắm ruốc. Riết rồi quen, cứ để ba lô xuống là tụi nó ùa lại “có mắm ruốc xào nè tụi bây ơi!”. Trong tập thể, không lẽ tôi lại ăn một mình, và thế là lon mắm ruốc mẹ tôi làm dự kiến ăn trong cả tháng, chỉ trong chốc lát là hết vèo. Lúc đầu tôi còn bực mình, riết rồi quen, vả lại khi tụi nó đem món gì lên, tôi cũng được ăn ké, có qua có lại thế mà vui, rõ đúng là mắm ruốc quốc doanh!

NHỮNG MÓN ĂN LẠ LÙNG

1/ SỮA LUỘC: Trong thời gian đó, mọi ưu tiên về lương thực đều dành cho chúng tôi (có lẽ vậy!), đặc biệt mỗi tháng 1 người được phát 2 hộp sữa. Cà phê thì không có, nấu nước uống hoài cũng ngán, anh em nảy ra sáng kiến bỏ thử vào nồi nước sôi. Để 1 lát cho nguội rồi khui ra, ôi tuyệt vời thay, sữa quện lại chuyển thành màu chocolat, ăn vào nó béo làm sao, chưa tính lấy lá chuối gói vào để giữa sân cờ 1 đêm, sáng lấy vào thì lạnh như được bỏ vào tủ lạnh. Cũng từ dạo đó có vụ mất hộp sữa để ngoài sân, lâu lâu lại có vụ cải nhau “sữa tao đâu”– “mày đàn ông làm gì có sữa” – “tao bị mất sữa rồi” – “ủa mày sanh mổ nên bị mất sữa hả”.

2/ MẮM THÁI PHƠI SƯƠNG: Có 1 đứa quê gốc miền Tây, mỗi lần về phép khi trở lên đều đem theo nhiều mắm và cá khô, đặc biệt là mắm thái. Nhưng nó lại có tính ích kỷ, gần như không chia xẻ với ai. Từ đó, không đứa nào ưa, trong đó có tôi. Một bữa nọ, khi vừa lên tới đơn vị, tôi liền nói “mày đi đường dơ quá, đi tắm đi”, vừa thấy nó đi xuống giếng, tôi lấy ngay gói mắm thái còn gói 2 lớp lá chuối ra để ở chân cột cờ. Khi tắm xong, nó kiểm lại ba lô rồi la toáng “gói mắm thái đâu rồi thằng nào chôm của tao”, tôi vọt miệng “mắm thái là gì, có bao giờ mày cho anh em ăn chung đâu mà biết, chắc lần này má mày quên rồi”. Rồi tự nhiên quên bẵng. Sáng hôm sau khi ăn sáng, tôi giả bộ phát hiện “có gói gì để ở ngoài kia, để đem vào xem thử “, cả đám gỡ ra coi, ố là la, sao mà thơm quá, ăn với cơm sao mà ngọt lịm, một lát lại thấy như say rượu. Thế là chủ nhân của gói mắm cũng nếm thử và cười “tụi bây chơi tao, nhưng tao thấy vô tình như vậy mà hay, lần sau làm nữa nha, tao biết lỗi rồi “.

3/ RÍT NƯỚNG: Đi rừng ai ai cũng sợ những côn trùng tuy nhỏ nhưng có độ nguy hiểm cao, đơn cử như bò cạp – rít – muỗi vằn … Riêng rít, không ai mà không bị nó cắn, nó cắn ở bàn tay ngay lập tức nách sưng lên nhức nhối khủng khiếp. Rồi có người bày đập chính nó rồi đắp vào vết cắn sẽ hết ngay, nhưng cắn xong là nó đã chạy đâu mất làm sao thấy đâu mà đập. Con rít rừng to lắm, ngang bằng ngón tay cái dài cũng khoảng 10 cm trở lên, những đêm cuối năm ngồi trong sam hơ lửa, rít cũng vào, có bữa thấy do sợ nên tôi đá luôn vào đống lửa. 1 lát sau, nghe mùi thơm tựa như tôm nướng, gắp rít ra, nó đỏ ao, ngừa nọc đốc nên bứt 2 đầu bỏ tách vỏ ra ăn thử, ôi sao nó ngọt lịm như tôm vậy, đúng là phát hiện 1 món ăn mới vô cùng bổ dưỡng!

 NỘI QUI ĐẶC BIỆT

 Theo sự phân công, các bạn nữ thi đan cỏ tranh thành từng tấm để lợp nhà, nam thì dựng khung sườn. Các bạn biết không, đan tranh thì đầu phải cúi xuống, cúi lâu cũng phải mỏi, ai cũng phải ngửa mặt lên để đỡ mỏi. Thế mà trong một buổi họp, anh Bảy Dũng lại ra 1 điều nội qui không ở đâu có: Trong lúc đan tranh, các đồng chí nữ có mỏi cổ thì đi ra khỏi khu vực đó, không được ngữa mặt lên tại chổ ngồi để …tránh bụi, chấp hành ngay không ý kiến! Các bạn nữ ngớ người ra không hiểu vì sao có điều nội qui có một không hai như vậy, nhưng cứ chấp hành trước khiếu nại sau vậy. Sau một thời gian, chúng tôi mới hiểu ra. Nguyên là thời gian đó, làm gì có quần lót cho nam, nam nhi chúng tôi khi làm việc được yêu cầu mặc quần dài, nhưng lại rất vướng víu trong thao tác, với lại do leo trèo nên rất mau rách, nên một số anh nam ưa mặc quần cụt cho thoải mái, và thế là điều nội qui ấy đã ra đời. Có một số bạn nữ khi hiểu chuyện mới đỏ mặt chống chế “xí, mỏi thì lắc cái cổ qua lại cũng xong, ai thèm nhìn lên đâu mà cấm với đoán “. Nhưng cũng từ đó, nam nhi chúng tôi mới ý thức hơn, mỗi lần leo lên nóc nhà lợp mái thì tự giác ai cũng mặc quần dài!

TÌNH MỘT THOÁNG

 Thuở ấy, chúng tôi chỉ yêu lao động, tình yêu cá nhân là một thứ xa xỉ không cần thiết. Chúng tôi mến nhau qua tình đồng chí thắm thiết vô tư. một phần cũng do nội qui khắt khe, ai mà có cảm tình với nhau hơi đặc biệt một chút đều bị đưa ra tập thể kiểm điểm. Nếu có ai cương quyết đến với nhau, thì phải báo lên lãnh đạo, nếu được duyệt thì phải ra trước tập thể tuyên bố. Chắc có lẽ vì những trở ngại đó mà duy chỉ một cặp đến với nhau thành vợ chồng là Trần Văn Khá và Trần Thị Kim Lan. Còn có ai yêu thầm nhớ trộm thì tôi không nắm rõ. Về phần tôi, cũng bon chen nhớ nhớ một người, nhưng cũng không biết ấy có để ý đến tôi không, khi cô ấy ra quân sớm về với gia đình, tôi mới nhận ra đó chỉ là tình một thoáng tuổi ô mai bồng bột. Không biết bây giờ cô ấy ở đâu, nhưng tôi nhớ mãi những kỷ niệm hằn sâu vào ký ức, như tình nguyện vá áo cho tôi (dù đường may xấu cực kỳ), khóc rưng rức mỗi khi tôi bị trầy xước rướm máu, cho mượn xà bông để tắm, gởi lời hỏi thăm ba má tôi mổi lần tôi chuẩn bị về phép…Nhưng cái gì qua nó đã qua, chắc mình đã hiểu lầm tình một thoáng!

CHIA TAY, GIẢI TÁN C1

 Cuối năm 1975, để chuẩn bị cho đợt ra quân rầm rộ của TNXP TP HCM, Thành đoàn đã quyết định điều một số anh em ở C1 về làm dàn cán bộ khung cho số quân mới đó. Tự nhiên phải chia tay, tôi lại là một trong số vài anh em phải ở lại sáp nhập qua C2 áo xanh để chuẩn bị nhận thêm quân mới. Biết tin, ai cũng buồn, người đi thì cứ tiếc nuối những ngày gian khổ cùng nhau ở vùng đất Xuyên Mộc, người ở lại thì ngậm ngùi vì phải chia xa những người bạn thân yêu. Nhưng biết làm sao, thế là tặng quà qua lại, viết lưu bút, thức đêm tâm sự, và có cả những giọt nước mắt. Rồi ngày chia tay cũng đến, ôm nhau bắt tay và có cả những ánh nhìn đặc biệt trìu mến hướng về nhau khó hiểu nổi. Tất bật nhất có lẽ không ai qua chị Sáu lò xo, nội khoản dép guốc nón khăn đã hơn 2 ba lô, chưa tính quần áo, khiêng bỏ lên xe dùm chị mà tôi đang buồn thúi ruột cũng phải bật cười. Thế là phiên hiệu C1 đã bị xóa sổ, nhưng dù chúng tôi có đi nơi đâu làm công việc gì, thì những ngày bên nhau trong đơn vị C1 áo xanh cũng không thể phai nhòa trong trí nhớ.

 Bây giờ, mỗi lần đến ngày 20/7 hàng năm, chúng tôi lại họp mặt. Nhìn quanh không còn đủ như ngày xưa, những thanh niên 18 -20 ngày nào nay đã tròm trèm U 60 – 70, kẻ còn thì tóc bạc trắng bước đi khập khiểng bệnh tật lung tung, người thì vĩnh viễn ra đi vì sự ác nghiệt của tuổi già sức yếu, có bạn tha hương ở xứ người, thậm chí có kẻ vướng vào vòng lao lý! Dù có bạn thì nghèo rớt mồng tơi, người thì thành đạt đi xe sang ở nhà biệt thự, tất cả đều không nề hà phân biệt ôm nhau thân mật, hỏi thăm chia xẻ những khó khăn trong cuộc sống, và chắc chắn những mẩu chuyện vui thuở ấy sẽ được nhớ và kể lại kèm những tiếng cười vô tư, ký ức mà, làm sao quên!

Trần Việt Sơn


[i] Súng trường tự động Kalashnikov (Автомат Калашникова), viết tắt là AK, là một trong những súng trường thông dụng của thế kỷ XX, được thiết kế bởi Mikhail Kalashnikov. Tên gọi thông dụng của súng là AK-47. Theo phân loại của khối Xã hội chủ nghĩa, AK-47 thuộc loại tiểu liên, họ súng máy (machine gun). Theo phân loại của NATO, AK-47 thuộc loại súng trường tấn công, cũng thuộc họ súng máy.

[ii] M16 là tên của một loạt súng trường do hãng Colt cải tiến từ súng ArmaLite AR-15. Đây là loại súng tác chiến bắn đạn 5,56×45mm NATO. M16 là súng thông dụng của quân đội Hoa Kỳ từ năm 1967, và của quân đội các nước thuộc khối NATO, và có số lượng sản xuất cao nhất trong các loại súng cùng cỡ

[iii] Xuyên Mộc là một huyện ở phía đông bắc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thuộc Nam Bộ Việt Nam.

[iv] Guigoz là lon sữa bột của nước Hòa Lan sản xuất. Hầu hết trước năm 1975, con cái của công chức, quân nhân và gia đình khá giả đều uống loại sữa này. Những cái lon không để đựng những đồ gia vị vừa nhẹ, vừa sạch và vừa kín. Khi đậy nắp lại không có con kiến nhỏ nào chui lọt.