Lá thư không rõ địa chỉ

Đăng lúc: 04-08-2017 7:32 Sáng - Đã xem: 200 lượt xem In bài viết

Đầu năm 1968 đơn vị cơ động C4 thuộc Công an vũ trang của tỉnh, được lệnh phối hợp với Tiểu đoàn 428 của tỉnh Sơn La vây ép và tiêu diệt 2 đồn Ca Bun và Ca Đưa án ngữ và bảo vệ phía tây Pha Th[i]í.

Là tiểu đoàn thiếu nên tỉnh điều động thêm 2 Trung đội TNXP CT8 chúng tôi đang làm nhiệm vụ tại vùng giáp ranh biên giới Việt Lào. Trung đội 1 do đồng chí Nguyễn Hồng Quảng làm Trung đội trưởng đuổi bám theo Tiểu đoàn 428 ngay đêm đó. Trung đội 2 do đồng chí Nguyễn Văn Hồng làm Trung đội trưởng sát nhập vào C4. Nhiệm vụ của chúng tôi là hậu cần và thương binh liệt sỹ và nếu cần vẫn trực tiếp chiến đấu. Vì chúng tôi cũng được trang bị đầy đủ cơ số như một đơn vị chiến đấu. Tuy là đơn vị TNXP song từ những năm 66, 67 đơn vị chúng tôi đã từng sát cánh cùng bộ đội biên phòng ở 2 đồn Sốp Cộp và Sam Kha truy quét phỉ Vàng Bao xâm nhập biên giới, nên có kinh nghiệm trận mạc.

Đóng trên độ cao hơn 1.000 m, 2 đồn được trang bị pháo hạng nặng và có sân bay dã chiến, chúng có điều kiện cản trở và ngăn chặn bất kỳ cánh quân nào đánh vào Pha Thí qua hướng tây này.

Hai quả núi có dáng thắt quả bồng lại chỉ có một đường độc đạo lên xuống, ở vào vị trí xung yếu lại cách xa dân bản nên mọi hoạt động của địch, từ việc cung cấp thực phẩm, nước sinh hoạt đều bằng con đường hàng không. Ta không có cơ sở để tiếp cận nắm bắt tình hình bố phòng của địch, chỉ qua nguồn tin cấp trên cho biết, là ở đây chúng có một tiểu đoàn cơ động và 2 đại đội phỉ Vàng Bao do tên thiếu tá đồn trưởng Chống Lềnh chỉ huy.

Với nhiệm vụ của chúng tôi là phải tiêu diệt nhanh gọn làm đòn phủ đầu mở màn cho chiến dịch giải phóng Pha Thí, góp phần phối hợp với tổng tiến công Mậu Thân năm 1968.

Một tổ trinh sát gồm 4 đồng chí là Khuất Trọng Trước (chuẩn úy) là tổ trưởng cùng Lục Đình Sài quê ở Trấn Yên (Yên Bái), Trần Trọng Thông (thượng sỹ) quê ở Ứng Hòa (Hà Tây) và đồng chí Lò Văn Hải người dân tộc Thái ở Thanh Hóa khỏe mạnh nhanh nhẹn thông thạo đường rừng núi bậc nhất trong anh em chúng tôi, được giao nhiệm vụ đi trinh sát Ca Bun, Ca Đưa, còn lại toàn đơn vị ở lại chuẩn bị khí tài, tư trang và quán triệt tinh thần một lần nữa. Đây là chiến dịch mở màn một đòn giáng mạnh vào Pha Thí “Bất khả xâm phạm” huênh hoang của tên tướng phỉ Vàng Pao. Anh em chiến sĩ chúng tôi ai nấy đều quyết tâm náo nức chờ ngày lập công.

Một tuần lễ trôi qua nặng nề, sự náo nức chờ đợi càng bị dồn nén, thì bỗng dưng được tin 4 đồng chí trinh sát đã hy sinh anh dũng trước sự tàn bạo của kẻ thù. Chúng tôi đau xót không ai cầm được nước mắt. Mới vài ngày trước đây còn hẹn gặp nhau ở trung tâm sào huyệt bọn phỉ Chống Lềnh thế mà các đồng chí đã ra đi, để lại cho đồng đội bao niềm thương tiếc.

Patuxay, khải hoàn môn ở thủ đô Viêng Chăn – biểu tượng chiến thắng của dân tộc Lào anh em

Mùa xuân trên đất Lào không có mưa bay, những cành đào khẳng khiu héo hắt trong tiết trời nắng nóng. Những đợt gió lào kéo dài làm cho cây cối trơ trụi, con người mỏi mệt. Vây ép dưới chân núi Ca Đưa, nhìn bọn phỉ nhởn nhơ thách đố, chúng tôi muốn xông lên nổ súng ngay. Song nhiệm vụ phải bí mật đến cùng. Qua theo dõi nắm bắt được quy luật hoạt động của địch, chúng tôi được lệnh xuất phát vào buổi trưa, giữa lúc trời quang mây tạnh, bọn phỉ chủ quan không tuần tiễu bố phòng, cho rằng bộ đội ta chỉ đánh vào ban đêm hoặc lúc rạng sáng khi mà mù chưa tan, còn từ 8 giờ đến 16 giờ thì không có một ai dám liều lính xông lên theo con đường độc đạo. Do vậy bọn giặc tha hồ nghỉ ngơi tắm giặt, sát phạt lẫn nhau hay lăn ra ngủ. Lợi dụng thời cơ ấy, chúng tôi chia làm 4 cánh quân tiếp cận ám sát bắt gọn được bọn gác. Qua khai thác nắm bắt được cách bố phòng của địch từ sở chỉ huy, hầm vũ khí, nơi đặt điện đài đến kho quân lương của địch. Lênh tiến công bắt đầu bằng 4 phát đạn B40 bắn vào mục tiêu đã định, tên thiếu tá đồn trưởng Chống Lềnh chết ngay tại giường ngủ. Địch như rắn không đầu, kêu thét trong sự hỗn độn kinh hoàng. Với cách nắm thắt lưng mà đánh, ta tiếp cận tới các ổ đề kháng, ngóc ngách chiến hào, tràn lên sân bay. Kẻ địch không kịp trở tay, những tên còn sống sót vội ra đầu hàng. Trong vòng 30 phút chúng tôi làm chủ hoàn toàn, Ca Bun và Ca Đưa chìm trong bể lửa. Đơn vị chúng tôi lại hy sinh 7 đồng chí, trong đó có trung đội trưởng TNXP Nguyễn Hồng Quảng.

Chúng tôi không cầm được nước mắt khi tìm thấy thi hài 4 đồng đội hy sinh khi đi trinh sát. Được biết 4 đồng chí leo lên gần đỉnh đồi thì bị địch phục kích bắt đưa về tra tấn và hành hạ. Không khai thác được gì chúng bắt 4 người tự đào hố chôn sống mình. Thi hài của 4 đồng chí đã được đưa về cùng đồng đội.

Xem lại tư trang của các anh chỉ có một chiếc ba lô, một bộ quần áo, một quyển sổ, cái lược làm từ sắt máy bay, một cái khăn có thêu đôi chim với 2 chữ hạnh phúc. Riêng Thông có 2 lá thư gói kỹ trong mảnh vải đặt dưới đáy ba lô. Một là của người con gái nào đó, là người yêu hay là vợ vì dòng chữ đã quá ố vàng, phai mờ theo năm tháng. Một thư là Thông viết cho người con gái ấy với chữ “Em thân yêu !” tô đậm nét. Thông ơi bỏ qua cho bọn mình nhé, xem trộm thư của bạn là tật xấu, song bọn mình không còn cách nào khác. Đồng đội mà! Biết đâu qua dòng thư mà tìm được địa chỉ người con gái mà Thông đã thề non hẹn biển trọn đời bên nhau. Để lá thư đang viết dở ấy sẽ tới tay được người con gái yêu thương.

Tìm được hài cốt của các liệt sĩ, Huyện ủy, UBND huyện Sông Mã đã tổ chức Lễ truy điệu và an táng trọng thể cho những người con đã hy sinh vì Tổ quốc.

48 năm qua đi lá thư viết dở của Thông còn đó, tên và địa chỉ người con gái không ai dò ra được. Chúng tôi vẫn gói kỹ coi đó là kỷ vật thiêng liêng của người đồng đội đã mất.

Mỗi lần đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sông Mã viếng thăm đồng đội, bọn tôi lại mở 2 lá thư kính cẩn đặt trên mộ Thông, xin Thông tha thứ vì không làm tròn nghĩa vụ đối với đồng đội.

Qua bài viết này xin nhắn tới người bạn gái (nếu còn sống) của anh Trần Trọng Thông (Khuất Tự Trung, Ứng Hòa, Hà Nội) liên hệ theo địa chỉ: Hoàng Đông Tắc, thị trấn Sông Mã, tỉnh Sơn La để nhận lại kỷ vật của người đã mất./.

                                       Chu Khắc Tuyên

 

[i] Đỉnh núi Pa thí có độ cao 1186m so với mực nước biển. nằm cách thị xã Sầm Nưa khoảng 50km, trên đỉnh núi Mỹ đã xây dựng 1 trạm radar hiện đại có tên gọi Tacana, đây là radar cảnh giới tầm xa sử dụng bước sóng m cộng với độ cao của ngọn núi Pa thí nên trạm cảnh giới này có khả năng bao quát toàn bộ hoạt động lên xuống tại các sân bay ở Miên Bắc Việt Nam, điểm đặc biệt của ngọn núi Pa thí là dưới chân núi không có đương lên đỉnh. Mọi sự tiếp tế cho căn cứ này địch đều sử dụng trực thăng, ngoài ra Mỹ còn sử dụng lực lượng phỉ Vàng Pao gồm 2.500 lính để bảo vệ dưới chân núi. Việc tiến công căn cứ này của các lực lượng liên quân Việt – Lào từ dưới chân núi là gần như không thể, các tướng lính chịu trách nhiệm xây dựng căn cứ này của Mỹ nghĩ vậy. Nhưng thực tế lại diễn ra hoàn toàn khác, cuối cùng thì số phận của căn cứ này được định đoạt vào ngày 10 – 3 – 1968 bởi Không quân Nhân dân Việt Nam và các lực lượng mặt đất của liên quân Việt – Lào.