Làm giàu từ khoai deo

Đăng lúc: 15-11-2018 2:00 Chiều - Đã xem: 132 lượt xem In bài viết

 Anh Phạm Bình năm nay đã 61 tuổi và vợ là chị Phạm Thị Tuyệt 58 tuổi, đều là hội viên Hội Cựu TNXP xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (ảnh dưới).

Năm 1975, miền Nam được giải phóng, Quảng Trị về  với ngôi nhà chung Bình Trị Thiên, lúc đó làng mạc hoang tàn, xơ xác do bom cày đạn xới, đồng ruộng khô cằn. Đầu năm 1978, công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn chính thức khởi công.  Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, anh Phạm Bình và chị Phạm Thị Tuyệt cùng với hàng vạn thanh niên đã lên đường đến xây dựng công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn để làm hồi sinh vùng đất chết.

 Anh chị được biên chế vào đơn vị C8 thuộc Sư đoàn Thủy lợi Lệ Ninh. Những năm tháng trên công trường là những năm tháng đầy gian khổ, vất vả. Cuộc sống trên công trường tạm bợ, ăn uống kham khổ. Công cụ lao động thô sơ, chỉ cuốc xẻng, xe cải tiến. Vất vả là thế, nhưng đêm về trên công trường vang lên những tiếng hò khoan trong trẻo của những người con huyện  Lệ Ninh (nay chia thành Lệ Thủy và Quảng Ninh) xa nhà đã động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ tiếng hò khoan đối đáp đã đưa anh chị đến với nhau để trở thành “đôi uyên ương” của đơn vị.

 Năm 1980, công trình “vĩ đại” này đã hoàn thành, anh chị trở về với quê hương xây dựng cuộc sống gia đình. Từ khi sinh con cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là khi sinh đến đứa con thứ 5 thì cuộc sống gia đình càng bế tắc. Quê anh chị thuộc miền biển. Thời gian từ những năm thập niên 80 – 90, cuộc sống nghề biển bấp bênh. Muốn đi biển phải có sức khỏe, có tàu thuyền.  Nhưng anh chị con đông, không có vốn để đóng  tàu, thuyền ra khơi như mọi người nên phải đi đánh cá thuê. Cuộc sống khổ cực cứ bám mãi anh chị, con cái thiếu thốn cái ăn, cái mặc và học tập. Anh chị chuyển hướng, không đi biển mà làm nghề khoai deo truyền thống của gia đình. Với vùng đất cát cằn cỗi nên ít có cây gì mọc nổi, hoặc có mọc cũng không phục vụ được nhiều cho nhu cầu nông nghiệp, ngoài khoai lang. Khoai lang trồng trên đất cát ở đây có mùi vị rất đặc trưng, bùi và ngon ngọt hơn hẳn các vùng khác. Vận dụng lợi thế đó anh chị nhận đất và khai hoang khoảng trên 1 ha để trồng khoai làm khoai deo. Những năm đầu do chưa có kinh nghiệm, chưa có thương hiệu, đầu ra chưa đảm bảo nên thu nhập cũng không khá lên là bao. Từ năm 2006, thương hiệu khoai deo Hải Ninh được ra đời, chất lượng đảm bảo nên khoai deo Hải Ninh được đưa ra thị trường trong nước, có mặt khắp các tỉnh miền Trung, rồi miền Bắc, miền Nam đều biết tiếng. Không những thế, khoai deo còn đi xa ra các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan. Khoai deo ngày càng được ưa chuộng và có giá trị kinh tế. Gia đình anh chị tập trung vào việc trồng trọt, thu mua khoai ở chợ để có nguồn nguyên liệu cho việc làm khoai deo. Các con anh chị cũng đỡ đần công việc vì việc làm khoai deo nhẹ nhàng không cần sức lực mấy. 

 Chị Tuyệt cho hay. Làm khoai deo dễ nhưng đòi hỏi cẩn thận và kiên trì. Để có những lát khoai deo dẻo mềm, dịu ngọt, khi đưa khoai về phải phơi khoai tươi ba ngày, mỗi ngày chỉ phơi độ một tiếng đồng hồ tùy theo con nắng, giữa hai lần phơi đều lấy chăn ủ lại. Sau công đoạn này, khoai được đưa vào cất đến mười ngày cho hết bột thì đem ra nấu. Khi nấu cần đổ nước đầy nồi, đun bằng củi trong ba giờ đồng hồ thì vớt ra, bóc vỏ, sát từng lát bằng tay. Tiếp tục phơi thêm mười nắng nữa là được khoai deo thành phẩm. Sau đó đóng gói và đưa ra thị trường tiêu thụ. Hằng năm, gia đình anh chị sản xuất hơn 1,2 – 1,5 tấn khoai thành phẩm, thu về từ 100 – 150 triệu đồng.

Anh Bình chia sẻ: “Cây khoai lang dễ trồng, dễ chăm sóc lại cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế. Cũng nhờ làm khoai deo mà đời sống gia đình thêm khấm khá, con cái được học hành, có việc làm ổn định, gia đình mua sắm được các vật dụng có giá trị. Ăn khoai deo lại có cảm giác, hương vị khác biệt; nó như thử sự kiên nhẫn của con người, phải chịu khó nhai, cái miệng lúc nào cũng nhóp nhép lại vui, nhất là trong lúc đông giá rét buốt. Càng nhai, vị ngọt, bùi của tinh bột càng ngấm vào lưỡi”..

Ngoài làm khoai deo, anh chị tận dụng sản phẩm phụ nuôi bò, lợn. Hiện tại gia đình anh chị có đến 4 con bò tơ, trị giá khoảng 60 triệu đồng, hai con lợn nái sinh sản hằng năm cũng thu về 40 triệu đồng.

BCH Hội Cựu TNXP xã cùng đến chia sẻ

Từ khi làm ăn phát triển anh Bình còn tham gia hoạt động xã hội tích cực; tham gia Chi ủy viên chi bộ, làm công an viên thôn Tân Định hơn 18 năm. Với cương vị nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ nên được tặng nhiều giấy khen. Ngoài làm ăn kinh tế giỏi, gia đình anh chị chấp hành tốt đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, chăm lo công tác Hội. Với lối xóm luôn thân ái chân tình nên được mọi người yêu mến.

Tấm gương làm ăn kinh tế giỏi của gia đình anh Bình và chị Tuyệt thật đáng để nhiều người học  tập làm theo, phát huy được bản chất của người TNXP làm giàu chính đáng bằng mồ hôi và sức lực của mình. 

 

Nguyễn Đại Duẫn

CTV Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn

Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình