Làm kinh tế để có nhiều nụ cười

Đăng lúc: 29-07-2019 8:22 Sáng - Đã xem: 139 lượt xem In bài viết

Đây là quan niệm của cựu TNXP Cát Văn Ninh, quê Ngô Cương, Nhân Thắng, Gia Bình, Bắc Ninh. Người ta làm kinh tế để làm giàu, còn anh Ninh làm kinh tế để mỗi ngày có ít nhất ba bài hát cất lên sảng khoái, mười nụ cười nở tươi trên môi.

Tham quan mô hình kinh tế VACR của cựu TNXP Cát Văn Ninh ở Ngô Cương, Nhân Thắng, Gia Bình

Anh Cát Văn Ninh sinh năm 1950, mồ côi bố từ nhỏ, mẹ đi bước nữa, phải ở với bác. Cuộc đời thật là vất vả. Nhưng anh vẫn lớn lên và trưởng thành dưới chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp. Mặc dù đất nước đang chiến tranh, nhưng ở quê Hợp tác xã vẫn điều hòa lương thực cưu mang người già, trẻ mồ côi. Tháng 6/1972 anh Cát Văn Ninh làm đơn tham gia Thanh niên xung phong. Anh được biên chế vào Tiểu đoàn 263 Bộ Giao thông Vận tải, cơ động làm nhiệm vụ ở nhiều nới như bốc vác hàng lên xà lan ở Bắc Giang (Hà Bắc), làm đường chiến lược ở Hữu Lũng (Lạng Sơn), chuyển than ở bến Phà Đen (Hà Nội), chuyển đạn lên tàu Quảng Bình), bảo đảm giao thông ở bến làng Ảm (Yên Dũng – Hà Bắc) …Khi làm nhiệm vụ ở Bắc Giang anh đã hứng chịu quả bom nổ gần, bị sức ép làm hỏng tai phải, xếp hạng thương tật 4/4 nhưng anh vẫn không rời đội ngũ. Mãi năm 1975 khi đất nước giải phóng hoàn toàn anh Ninh mới xin chuyển ngành về Xí nghiệp 204 Cục vận tải đường thủy, đóng chân ở Hà Nội. Năm 1987 anh Ninh nghỉ chế độ mất sức về làng Ngô Cương quê hương.

Năm 2006 xã Nhân Thắng vận động thành lập Hội Cựu TNXP, anh Ninh ghi tên tham gia. Lúc ấy có người còn dọa kiện anh ra tòa vì không biết anh từng có 3 năm tham gia TNXP, cứ tưởng anh là công nhân giao thông. Hiện anh là ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu TNXP của xã.

Vợ chồng cựu TNXP Cát Văn Ninh điển hình làm kinh tế giỏi huyện Gia Bình, Bắc Ninh

Làng Ngô Cương khá xa đường quốc lộ, bao đời nay dân làng chỉ bám ruộng bám đồng sinh sống. Thời mở cửa mới có người “bung ra” vào Nam làm nghề may gia công và làm nhiều nghề khác nhau. Kinh tế dần khởi sắc. Nhưng anh Ninh vẫn kiên trì bám trụ với đồng đất quê hương. Từ năm 2004 anh mạnh dạn làm kinh tế theo mô hình VACR. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nay đã ổn định cơ cấu: 6 sào ao nuôi cá giống, mỗi năm thu chừng 100 triệu đồng; 1 sào vườn trồng cây ăn quả và nuôi gà thả vườn, mỗi năm thu 3 lứa gà thịt chừng 120 triệu đồng, còn cây quả để nhà dùng tươi bốn mùa. Trừ chi phí, mỗi năm anh Ninh có lãi chừng 120 triệu đồng. Số tiền tích lũy anh Ninh dành 350 triệu đồng cho đồng đội vay làm kinh tế không lãi suất. Anh còn nhiệt tình hướng dẫn cách thức làm ăn cho đồng đội để cùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững như mình. Đồng đội ăn nên làm ra chính là niềm vui của anh. Và quả thực, ngày nào anh Ninh cũng có nhiều niềm vui, nhiều nụ cười tươi sáng cả làng quê Ngô Cương.

Anh Ninh còn nhiều niềm vui hơn nữa khi con cái đều đã phương trưởng. Người con trai Cát Văn Hoan làm nghề lái xe và có cửa hàng tạp hóa lớn ở Thị xã Móng Cái (Quảng Ninh). Con gái Cát Thị Hoàn lấy chồng ở huyện Quế Võ cũng đang làm ăn thành đạt ở Móng Cái. Con gái Cát Thị Huyền lấy chổng ở Bình Dương và đang làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Con gái út Cát Thị Ngát lấy chồng ở quê và làm nghề kinh doanh bất động sản.

Dù chỉ làm kinh tế để lấy nhiều niềm vui, nhưng hữu xạ tự nhiên hương, anh Cát Văn Ninh đã được bàu là điển hình làm kinh tế của Hội Cựu TNXP huyện Gia Bình.

Phạm Thuận Thành

Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh