Làm giàu là việc khó, thế nhưng một người phụ nữ đơn thân ở xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đã làm được điều đó chỉ từ đôi bàn tay trắng thông qua nghị lực phi thường của mình. Tấm gương đó chính là cô Lê Thị Lân, một trong những người nữ cựu TNXP tiêu biểu trong tỉnh.
Cô Lê Thị Lân sinh năm 1948 ở Thái Bình, gia nhập lực lượng TNXP từ khi còn rất trẻ, khi mới bước sang tuổi 16, phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn, Đường 9 – Nam Lào. Trong hoàn cảnh nào cô Lân luôn cố gắng thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được chức giao. Năm 1969 ra quân, cô trở về quê làm nhân viên cửa hàng bách hóa.
Năm 1975 cô được tăng cường vào Nam, phụ trách cửa hàng bách hóa ở tỉnh Minh Hải (nay là Bạc LIêu) cho đến năm 1985 thì chyển về Cần Thơ. Chồng mất, năm 1997, cô Lân thôi phục vụ công tác và chuyển về ở tại ấp Lung Chim, xã Định Thành cùng 6 người con còn nhỏ. Một mình cô phải bươn trãi để lo miếng cơm, manh áo cho gia đình. Thấy hoàn cảnh nghèo khó nên địa phương tạo điều kiện cho Cô vay vốn Ngân hàng để tìm kế sinh nhai. Có được đồng vốn, cô Lân mua lại chiếc tàu cũ để chuyên chở vật liệu xây dựng từ nơi khác về bán cho người dân địa phương kiếm lời. Tàu cũ nên thường bị nông nước, Cô và các con phải thay phiên nhau tát nước liên tục để tàu không bị chìm, nhiều lúc cô phải thức trắng đêm để tát nước, bảo vệ hàng hóa trên tàu. Mặc dù cuộc sống vô cùng cơ cực nhưng cô Lân vẫn luôn quyết tâm vươn lên, chịu khó tích lũy đồng vốn để thực hiện ước mơ.
Bằng nghị lực của người cựu TNXP, sau 04 năm cần kiệm, cô Lân đã lập được bãi tập kết vật liệu xây dựng, cung ứng cho bà con địa phương và các vùng lân cận, điều kiện kinh tế gia đình từ đó được nâng lên. Có được đồng vốn trong tay, cùng với việc bán vật liệu xây dựng, cô Lân thuê 02 kỹ sư và 21 nhân công giỏi từ các tỉnh về làm việc cho mình để nhận thi công các công trình giao thông nông thôn tại địa phương. Kừ đó cuộc sống gia đình trở nên giàu có, mua sắm nhà ở nhiều nơi, lo lắng đầy đủ cơ sở làm ăn cho các con. Cách đây vài năm, do tuổi cao nên cô không còn nhận thầu xây dựng mà chuyển sang bán xe hơi và kinh doanh bất động sản. Cùng với công việc kinh doanh, cô Lân cũng thường xuyên đi làm từ thiện để thực hiện tâm nguyện của mình, về vấn đề này Cô cho biết: Những năm khó khăn và gian khổ đã quan rồi. Nhưng nhờ những năm khó khăn đó Tôi đã quyết tâm vượt khó thoát nghèo. Tôi cũng dạy con và cháu “khi làm mình đã có ăn thì mình nên giúp những người nghèo, người khó khăn”. Qua những lời dạy đó thì con, cháu nó cũng thực hiện và giúp đỡ những người nghèo.
Năm nào gia đình cô Lân cũng trích một phần kinh phí ra để hỗ trợ, giúp đỡ cho người nghèo nhân các dịp lễ, tết; thường xuyên tặng gạo, tiền cho các gia đình cựu TNXP nghèo khó và lo cho con cái họ ăn học; nhiều lần đóng góp hàng chục triệu đồng xây dựng giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Nhận xét về cô Lê Thị Lân, bà Võ Ngọc Tư – Phó Chủ tịch UBND xã Định Thành cho biết: Tuy cô là người phụ nữ đơn thân, nhưng cô đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Cô thường xuyên giúp đỡ hàng xóm, láng giềng, cũng như góp phần cho địa phương trong công tác an sinh xã hội, giúp đỡ gia đình chính sách nghèo khó khi gặp hoạn nạn, khó khăn…
Chị Nguyễn Thị Chúc Ly – Phó Bí thư Xã đoàn Định Thành khẳng định: Cô Lân trưởng thành từ TNXP, những hoạt động, cũng như đóng góp của cô trong thời gian qua rất đáng trân trọng. Tôi cũng mong muốn sau những kết quả mà cô mang lại cho địa phương sẽ là giá trị để giáo dục thanh niên trong địa bàn hiểu hơn nữa TNXP, phấn đấu cho quê hương, đất nước ngày thêm giàu, đẹp.
Hiện nay, khi đến các xã phía Tây của huyện Đông Hải, không ai mà không biết đến cô Lân, người được dân đặt cho cái tên là “bà hai cát đá”, nó như là một điều nhắm nhủ cho thế hệ sau cố gắng phấn đấu vươn lên làm giàu từ chính nghị lực của bản thân mình.
Với những thành tích trong quá trình tham gia cách mạng, cô Lân được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì và nhiều huy chương vinh dự khác./.
Quốc Quý