Liệt sĩ Lê Trung Kiên lập công vẻ vang, hy sinh anh dũng

Đăng lúc: 07-09-2017 9:10 Sáng - Đã xem: 85 lượt xem In bài viết

 Lê Văn Đực, tên thường gọi là Lê Trung Kiên, sinh năm 1949, tại ấp Thanh Hưng, xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Anh sinh ra và lớn lên ở một miền quê giàu truyền thống cách mạng.

Mới lên 10 tuổi, cha mất, mẹ “đi bước nữa”, Lê Trung Kiên cùng người chị gái là Lê Thị Két sống với bà nội tại quê nhà. Ba bà cháu sớm tối bên nhau yêu thương chia sẻ ngọt bùi. Chưa được bao lâu, nỗi đau khủng khiếp lại ập đến: Đúng giữa năm 1965, bọn giặc tàn ác đã bắn chết người chị thân yêu của Kiên.

Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, tận mắt chứng kiến bọn Mỹ – Diệm thẳng tay bắn giết người thân và dân làng, gây bao đau thương, tang tóc. Nợ nước, thù nhà chồng chất cùng lòng hăng hái của tuổi trẻ đã thúc giục Lê Trung Kiên quyết nối chí cha anh lên đường đánh giặc.

Ngày 20 tháng 10 năm 1965, Lê Trung Kiên gia nhập vào đội ngũ TNXP khi anh mới tròn 16 tuổi.

Đơn vị TNXP tỉnh Bến Tre của Lê Trung Kiên được mang phiên hiệu 2012 (thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1965) và mang tên người anh hùng Nguyễn Văn Tư quê ở xã Tân Thành Bình – Mỏ Cày. Ngày 05 tháng 01 năm 1966, Lê Trung Kiên được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng trước khi cùng đơn vị hành quân về Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam ở miền Đông Nam Bộ nhận nhiệm vụ.

Đến miền Đông, từ năm 1966 đến tháng 6 năm 1969, Lê Trung Kiên cùng Đội 2012 – Nguyễn Văn Tư được Tổng đội phân công nằm trong đội hình của Liên đội 9, trực tiếp phục vụ chiến đấu cho Trung đoàn Bình Giã (Q761) của Sư đoàn 9 quân giải phóng, sát cánh cùng bộ đội ở hỏa tuyến cũng như trung tuyến, với 18 nhiệm vụ: tải đạn, khiêng cáng thương binh, mở đường, bắc cầu, đào hầm hào, đưa bộ đội qua sông v.v…

Địa bàn hoạt động của Liên đội 9 rộng lớn: từ Đông Nam bộ đến biên giới Nam Lào và chiến trường Campuchia.

Mười sáu tuổi, lần đầu tiên xa nhà, chưa quen khiêng thương, tải đạn lại hoạt động ở một chiến trường ác liệt và luôn phải đối mặt với khó khăn: đói cơm, lạt muối, những cơn sốt rét rừng, bom pháo và chất độc hóa học…, nhưng Lê Trung Kiên đã phấn đấu vượt lên chính mình, học tập chính trị, học tập chuyên môn: học từng động tác vào trận địa cõng chiến thương, những động tác cơ bản trong chiến đấu, khổ công luyện tập cho đôi chân vững, đôi vai thật bền.

Sau gần 4 năm, theo sát bước chân của các chiến sĩ Sư đoàn 9, Lê Trung Kiên cùng đồng đội phục vụ nhiều trận đánh lớn nhỏ, trong đó có các trận đánh lớn như: Bàu Bàng lần thứ 3 (tháng 3/1966), trận Attelboro (tháng 9/1966), Ce’darfall (tháng 01/1967), Dầu Tiếng, Căm Xe, Bông Trang – Nhà Đỏ, trận chống càn Junction City (tháng 02/1967)… rồi đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, đánh vào Sài Gòn, anh đã bị thương lần thứ nhất.

Với nhiệm vụ được giao, Lê Trung Kiên luôn có mặt trong các tổ mũi nhọn, các phân đội xung kích, đi đầu đảm nhận những công việc khó khăn, nguy hiểm, làm nòng cốt cho đơn vị vượt qua mọi thử thách, hoàn thành việc vận chuyển khối lượng lớn hàng chiến lược đưa đến mặt trận.

Với đồng đội, Lê Trung Kiên có tinh thần đoàn kết, thương yêu, khó khăn cùng lo, ngọt bùi cùng chia sẻ. Trong chiến trường ác liệt, anh luôn trong mũi nhọn xung kích đi đầu, đường xa khiêng vác nặng không kêu ca, thiếu cơm lạt muối không phiền hà, hết lòng bảo vệ chiến trường, gian khổ ác liệt mà vẫn tươi cười phục vụ. Anh đã được đồng đội yêu mến và cảm phục.

Qua 4 năm phục vụ chiến đấu, Lê Trung Kiên đã được bình bầu là Chiến sĩ thi đua cấp Tổng đội, được ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tặng thưởng: Huân chương Giải phóng hạng Hai. Anh được đề bạt làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội trinh sát của Liên đội 9 (tương đương cấp Tiểu đoàn).

Từ tháng 6 năm 1969 cho đến khi hy sinh (ngày 28 tháng 5 năm 1970), Lê Trung Kiên cùng Đội 2012 của Liên đội 9 được giao nhiệm vụ mới: Đảm trách tuyến đường hành lang trọng điểm từ biên giới Campuchia đến Dầu Tiếng. Đơn vị phải hoạt động độc lập vận chuyển hàng chiến lược, lương thực của Đoàn 70 (Cục Hậu cần) cung cấp cho quân giải phóng, chuyển thương binh về tuyến sau. Đơn vị vừa phục vụ, vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ tuyến đường, bảo vệ kho tàng và bảo vệ thương binh và được trang bị vũ khí như các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Tuyến đường từ biên giới Campuchia đến Dầu Tiếng dài 40km, đây là tuyến đường mà Mỹ – ngụy đánh phá ác liệt, kể cả máy bay B52 ném bom, rải chất độc hóa học, máy thu tiếng động và thường bị địch chốt chặn.

Là Tiểu đội trưởng trinh sát của Liên đội, Lê Trung Kiên cùng đồng đội có trách nhiệm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”; đồng thời vừa thồ tải hàng, chuyển thương vừa phải bảo vệ hàng và thương binh. Công việc vô cùng nặng nề, gian khổ, phải vượt qua đoạn đường dài nguy hiểm, bom đạn, gió mưa, đêm tối, dốc cao, suối sâu. Bất kỳ nhiệm vụ gì khó khăn, Lê Trung Kiên vẫn luôn đi đầu cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Có nhiều lần gặp địch phục kích, anh cùng đồng đội triển khai ngay trận địa chiến đấu, quyết tâm bảo vệ hàng và binh thương. Năm 1969, anh bị thương lần thứ hai. Vết thương nặng ở chân, sau khi bình phục cơ chân đã bị teo, đi “cà nhắc”, nhưng Trung Kiên vẫn bám đồng đội làm nhiệm vụ.

Ngày 08/02/1970, Lê Trung Kiên vinh dự được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay).

Tháng 5 năm 1970 Lê Trung Kiên và hai đội viên cùng đồng chí Liên đội trưởng được giao nhiệm vụ bảo vệ kho vũ khí chiến lược (đạn ĐKB, H12, B40, B41) và kho lương thực tại một địa điểm trong rừng Xa Mát – Tây Ninh.

Sáng ngày 28 tháng 5 năm 1970, một tiểu đoàn quân ngụy, có xe tăng, pháo binh yểm trợ đi hành quân và tiến gần về phía kho hàng.

Không để lộ và quyết tâm bảo vệ kho hàng, Lê Trung Kiên cùng đồng đội dựa vào công sự phòng ngự đã chuẩn bị trước kiên quyết chặn địch.

Trận chiến quyết liệt không cân sức, chỉ có bốn thanh niên xung phong đương đầu với hàng trăm tên địch có pháo và xe tăng yểm trợ. Từ 10 giờ đến 16 giờ cùng ngày, bốn thanh niên xung phong kiên cường chiến đấu và đã đánh bật nhiều đợt phản công của địch. Ngay trong đợt đầu, hai đồng chí trinh sát hy sinh, tiếp đến đồng chí Liên đội trưởng ngã xuống. Chỉ còn một mình Lê Trung Kiên, anh bình tĩnh gom hết thủ pháo và cơ số đạn của đồng đội để sẵn trên miệng các công sự, rồi di chuyển từ công sự này đến công sự khác để nghi binh. Khi 1 chiếc xe M113 tiến đến gần, anh lao lên dùng thủ pháo ném vào xích, chiếc xe nằm bẹp dí. Đến 16 giờ cùng ngày, địch không hiểu lực lượng của ta bao nhiêu lại bị thương vong khá nhiều nên chúng buộc lùi xa và kêu pháo bắn vào trận địa. Khi đồng đội đến chi viện thì Lê Trung Kiên đã hy sinh bên khẩu AK đã hết đạn. Anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và trên tay còn cầm thủ pháo. Kho hàng của ta còn nguyên vẹn. Đồng đội tạm chôn cất các đồng chí đã hy sinh. Vừa xong cũng là lúc máy bay địch đến ném bom hủy diệt trận địa, nấm mồ bị san bằng.

Gần 5 năm phục vụ chiến đấu và chiến đấu, Lê Trung Kiên cùng đơn vị 2012 trong đội hình Liên đội 9 lực lượng TNXP giải phóng miền Nam đã sát cánh cùng Sư đoàn 9 quân giải phóng trực tiếp phục vụ 156 trận đánh lớn nhỏ, thồ tải trên 10 tấn hàng phục vụ chiến trường, khiêng cõng bảo vệ hàng trăm thương binh, tử sĩ, tiêu diệt 1 xe M113 và hàng trăm tên địch. Với những thành tích xuất sắc ấy, Lê Trung Kiên đã được ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng, Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam tặng thưởng: 1 Huân chương Giải phóng hạng Hai; 1 Huân chương Chiến công hạng Hai (truy tặng); Chiến sĩ thi đua cấp Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam; Dũng sĩ quyết thắng; Dũng sĩ diệt cơ giới (truy tặng); và nhiều bằng khen, giấy khen của Tổng đội, Liên đội 9, Sư đoàn 9, Cục Hậu cần…

Gương hy sinh anh dũng của anh đã được toàn Tổng đội học tập. Tổng đội đã phát động phong trào thi đua noi gương Lê Trung Kiên: “Quên mình phục vụ – anh dũng hy sinh – lập công vẻ vang”.

Liệt sĩ Lê Trung Kiên – người chiến sĩ TNXP giải phóng miền Nam đã nêu tấm gương tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu; gương sáng của tinh thần yêu nước sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ngày 23-2-2010, Liệt sĩ Lê Trung Kiên đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phạm Hữu Thừa – Nguyễn Hương Mai

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015