Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Đẹp chiến đấu dũng cảm, nghị lực phi thường

Đăng lúc: 07-09-2017 1:32 Chiều - Đã xem: 135 lượt xem In bài viết

 

Trong những năm tháng chiến tranh, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cùng biết bao làng xóm, quê hương bị kẻ thù tàn phá khốc liệt. Hàng ngày chứng kiến cảnh những người thân và bà con làng xóm bị bọn giặc bắn giết, quê hương thân yêu bị cày xới bởi bom đạn của kẻ thù xâm lược, lòng căm thù giặc của Nguyễn Ngọc Đẹp cuộn dâng. Chị nung nấu ý chí: phải làm một việc gì đó cho quê hương, đất nước.

Nguyễn Ngọc Đẹp đã sớm giác ngộ cách mạng và đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Vào đầu năm 1967, Tỉnh Đoàn Thanh niên Cà Mau phát động phong trào 5 xung phong, trong đó có xung phong thoát ly không thời hạn. Vừa tròn 16 tuổi, Nguyễn Ngọc Đẹp xin vào đội ngũ thanh niên xung phong vận chuyển vũ khí. Chị được biên chế vào Đại đội Nguyễn Việt Khái II, Liên đội I, TNXP Tây Nam Bộ (tuyến đường 1C).

Vào đơn vị, chị được hiểu rõ hơn về Lịch sử hình thành TNXP miền Tây Nam Bộ. Đó là từ Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam – ngày 26/3/1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phát động “Thanh niên 5 xung phong”. Đảng giao nhiệm vụ cho Đoàn phải giáo dục Thanh niên toàn miền Nam đem hết trí tuệ, máu xương cống hiến cho Tổ quốc bằng khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, Thanh niên với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Vào tháng 9 năm 1966, Khu ủy ra Quyết định số 53/66T3/TVBA giao cho Khu Đoàn Thanh niên Tây Nam Bộ tổ chức lực lượng Thanh niên xung phong vận chuyển vũ khí ở tuyến đường 1C, mỗi tỉnh một Đại đội – riêng Cà Mau 2 Đại đội, do Khu Đoàn phối hợp với Hậu cần Quân khu IX, tổ chức chỉ đạo theo yêu cầu của chiến trường biên giới Vĩnh Tế.

Các Tỉnh Đoàn Thanh niên thuộc Tây Nam Bộ gấp rút tập hợp thanh niên, trong thời gian hơn một tháng, đã có 06 đại đội: Đợt đầu giao C112 (Trung ương Cục) Đại đội (Nguyễn Việt Khái I). ở tuyến 1C gồm Đại đội (Nguyễn Việt Khái I, II, III), Đại đội Mai Thanh Thế (Sóc Trăng), Đại đội Tây Đô (Cần Thơ), Đại đội Hòn Đất (Kiên Giang); hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh đưa số lượng thanh niên tương đương 2 đại đội (chưa kịp thành lập trung đội, đại đội) với thời gian khẩn trương tập hợp điểm “X” ở Nam Thái Sơn – Hòn Đất giữa năm 1967.

Liên đội I có được 800 người. Hai phần ba trong số đó là nữ và tất cả đều ở lứa tuổi 18 – 20. Có một số em thiếu niên khai tăng tuổi tòng quân, một số trốn gia đình theo đơn vị. Các đại đội sẵn sàng tiếp cận địa bàn 1C (từ lộ Cái Sắn đến kinh xáng Vĩnh Tế và vùng Bảy Núi – Ba Hòn). Kinh Vĩnh Tế nằm giữa biên giới Việt Nam – Campuchia. Lúc con đường vận chuyển mang tên Bác trên biển đã bị địch phát hiện và ngăn chặn, nên miền Tây Nam Bộ chỉ còn con đường 1C xuyên qua biên giới Vĩnh Tế để tiếp nhận nguồn chi viện vũ khí, tài vật, quân số… của Trung ương chuyển về nuôi sống chiến trường.

Bộ Chỉ huy Liên quân Việt – Mỹ, mà trực tiếp là Vùng IV chiến thuật biết rõ con đường huyết mạch của ta, nên chúng dốc toàn lực đối phó, với sự tập trung quy mô có lúc 3 Sư đoàn (Sư 21, Sư 9, Sư 7) với các binh chủng phối thuộc. Bằng những phương tiện, vũ khí hiện đại, kẻ thù quyết diệt quân ta trên chiến trường 1C trong thời gian sớm nhất. Và tại đây, cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch diễn ra ngày càng ác liệt, nhiều chiến sĩ ta anh dũng hy sinh, (tổn thất phía địch cũng không kém). Lúc này, lực lượng Thanh niên xung phong quyết tâm bám trụ cùng với Đoàn 195 và 195A, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đưa rước cán bộ, bộ đội… Thanh niên xung phong tuyến 1C muốn hoàn thành nhiệm vụ phải anh dũng cầm súng chiến đấu để bảo vệ bộ đội, cán bộ, vũ khí, kho bãi, bảo vệ hành lang và khu căn cứ… bất kể lực lượng kẻ thù mạnh hơn ta gấp bội, ta đã đẩy lùi được nhiều đợt tấn công, càn quét quy mô của địch. Giữa các trận chiến ác liệt này, đã nổi lên nhiều điển hình Thanh niên xung phong kiên cường, trong đó có Nguyễn Ngọc Đẹp – gương sáng của đơn vị.

Trong gian khổ hy sinh tưởng chừng sức người không thể vượt qua, thiếu lương thực, thuốc men, nước sạch để uống cũng không có và hiểm nguy cùng cái chết luôn gần kề. Nhìn đồng đội lần lượt hy sinh, vừa đau đớn vừa căm thù, Nguyễn Ngọc Đẹp đã biến đau thương thành hành động cụ thể, nhiệm vụ dù khó khăn nguy hiểm đến đâu, bất cứ lúc nào, Ngọc Đẹp cũng không bao giờ từ chối, luôn chấp hành sự phân công của cấp trên, sẵn sàng xung phong ở mọi tình huống với nghị lực phi thường, hoàn thành nhiệm vụ được phân công trước hạn định.

Nhiều ngày đêm liên tục, với chiếc xuồng mõ và cây sào nạng không rời tay, Nguyễn Ngọc Đẹp hết đưa rước bộ đội, cán bộ, đến vận chuyển vũ khí, Ngọc Đẹp cùng đồng đội vượt qua hiểm nguy khó nhọc, dù gian khổ, đói lạnh… nhưng trên môi luôn tươi nở nụ cười.

Những mùa mưa dầm, nước lũ vùng biên giới dâng cao không thể đào công sự, mỗi khi bị giặc oanh kích từ máy bay hoặc pháo hạm, các chiến sĩ ta chỉ núp vào rừng cây để chống đỡ; có khi nhiều ngày liên tục phải ngâm mình trong nước – đây là điều vô cùng khó khăn vất vả cho các chiến sĩ, nhất là nữ.

Nơi đóng quân của đơn vị Nguyễn Ngọc Đẹp có địa hình vô cùng bất lợi. Phát huy binh lực mạnh, địch đã chiếm được ưu thế các trục giao thông chính như kinh Vĩnh Tế, lộ Kiên Lương, Hà Tiên, Bảy Núi. Chúng chốt một hệ thống đồn bốt như Giang Thành, Đầm Trích, Vĩnh Diều. Trung tâm căn cứ Vĩnh Gia có sân bay Lạc Quới, có trực thăng yểm trợ với nhiều cụm pháo. Thêm vào đó là bộ phận tâm lý chiến cùng với mạng lưới do thám dày đặc. Từ vàm kinh Vĩnh Tế, đến kinh Giang Thành, một lực lượng hùng hậu của địch gồm nhiều tàu chiến, phum, ca nô cao tốc vây kín các trục đường cả ngày lẫn đêm.

Chức năng nhiệm vụ của Thanh niên xung phong là vừa vận chuyển vừa chiến đấu bảo vệ an toàn cho các phương tiện, khí tài lúc đang vận chuyển cũng như ở kho, nhưng phải chiến đấu mới hoàn thành nhiệm vụ chính là vận chuyển.

Vào mùa nước thì vận chuyển bằng chiếc xuồng mõ và cây sào nạng, hoạt động trên rừng tràm, đồng nước. Vào mùa khô thì vận chuyển bằng xe thồ, trâu cộ, máy cày. Khi cuộc chiến diễn ra ngày càng ác liệt, các phương tiện trên không sử dụng được thì phải dùng đến sức người, bình quân mỗi Thanh niên xung phong phải mang, vác mỗi lần 30kg (những kiện tướng của đơn vị mang vác nhiều hơn) và phải đi nhanh liên tục không để gián đoạn. Đối với Nguyễn Ngọc Đẹp thì bất cứ mùa nào, mùa khô cũng như mùa mưa, các chỉ tiêu trên giao đều hoàn thành xuất sắc, Đẹp còn luôn động viên đồng đội mình hăng say phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong hơn 10 ngàn tấn hàng quân sự và 3 vạn lượt cán bộ, bộ đội được đưa rước qua tuyến 1C là thành tích – chiến công chung của đơn vị, trong đó có sức đóng góp xuất sắc của Nguyễn Ngọc Đẹp. Hàng năm, đơn vị Đẹp đều đạt đơn vị xuất sắc và nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Liên đội.

Trong một lần vận chuyển vũ khí vào khoảng tháng 8 năm 1969, đoàn vận chuyển của Nguyễn Ngọc Đẹp về đến đầu kinh Tà Êm – Vĩnh Tế thì lọt vào ổ phục kích của địch. Địch bất ngờ nổ súng và cho 2 trực thăng từ Lạc Quới bay sang quần đảo để tiêu diệt quân ta. Trước tình huống hoàn toàn bất lợi này, Nguyễn Ngọc Đẹp đã bình tĩnh và bằng trí thông minh, sự quyết đoán chị đã giao xuồng chở đầy vũ khí cho đồng đội rồi một mình với khẩu AK, chị băng đồng nổ súng chống địch – đây là một hành động vô cùng dũng cảm, thu hút hỏa lực về phía mình nhằm đánh lạc hướng quân thù, để bảo vệ an toàn cho đồng đội và vũ khí. Chị khéo léo vừa bắn trả vừa kéo địch về hướng khác, cách xa đồng đội. Đạn kẻ thù vãi như mưa, khói lửa mù mịt.

Và thật kỳ diệu, trận này ta thắng to, mặc dù bọn địch có được yếu tố bất ngờ và lực lượng đông hơn ta nhiều lần, đầy đủ phương tiện và vũ khí hiện đại – nhưng phần thắng vẫn thuộc về Nguyễn Ngọc Đẹp, một chiến sĩ Thanh niên xung phong vừa mưu trí, vừa gan dạ, dũng cảm. Bên ta đoàn vận chuyển vũ khí an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Ngọc Đẹp cùng một đồng đội chỉ bị thương nhẹ.

Một lần nữa vào ngày 12/6/1969, sau chuyến vận chuyển, trong lúc về cứ thì bị máy bay L19 của địch phát hiện và khi mọi người đang triển khai đội hình chiến đấu thì L19 của địch bắn một quả khói màu vào ngay vị trí nhà kho để chỉ điểm cho máy bay chiến đấu oanh kích. Với sự thông minh và lòng dũng cảm, Nguyễn Ngọc Đẹp (cùng một đồng đội) nhanh chóng cởi áo phủ lên trái khói, đồng thời nhận chìm trái khói xuống sình để kịp thời xóa dấu hiệu chỉ điểm. Không có tín hiệu khói màu, phi đội phản lực không phát hiện được mục tiêu nên đành bỏ đi. Một lần nữa, với sự thông minh và can đảm, Nguyễn Ngọc Đẹp lại ghi thêm một chiến tích. Sau khi “diệt” trái khói màu, Nguyễn Ngọc Đẹp phải vào Viện Quân y hơn 3 tháng để điều trị mắt – do sức nóng của trái khói màu làm mờ. Đây là một hành động mưu trí, dũng cảm, không quản ngại hy sinh thân mình để bảo vệ đồng đội, bảo vệ kho tàng, vũ khí, khí tài cho đơn vị.

Năm 1970 – 1972, Nguyễn Ngọc Đẹp được tăng cường về đơn vị 195 phụ trách bộ phận vận chuyển vũ khí, đồng thời chăm sóc thương binh (vì Đẹp còn là một nữ y tá). Vào mùa khô năm 1972, khi nhận nhiệm vụ đưa quân về miền Tây, trên đường đi công tác, Đẹp bị lọt vào ổ phục kích của địch, đồng thời bị máy bay địch săn đuổi. Sau nhiều giờ chiến đấu ngoan cường với quân địch đông gấp bội, Nguyễn Ngọc Đẹp đã anh dũng hy sinh. Ngày hôm sau, đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị đưa về truy điệu, an táng với lòng thương tiếc vô hạn.

Với thành tích cống hiến và tấm gương hy sinh anh dũng, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Đẹp đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân./.

Nguyễn Duy Quờn – Nguyễn Hương Mai

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015