Đáp lời kêu gọi của tiền tuyến, ngày 28/6/1965, cô gái trẻ Nguyễn Thị Vân Liệu, người con của mảnh đất Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam đã xung phong lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ tại Binh trạm 14, Đoàn 559. Đại đội 5 TNXP (C5) của chị với phần đông là nữ được giao nhiệm vụ chốt giữ trọng điểm Cua chữ A, Ngầm Ta Lê, Phu La Nhích ở trên Đường 20 – Quyết Thắng. Đây là những nơi hiểm trở, một bên núi cao, một bên vực sâu, nhiều đoạn vòng cua gấp khúc rất nguy hiểm, đồng thời cũng là những “túi bom”, phải hứng chịu sự bắn phá ác liệt nhất của máy bay Mỹ. Nơi đây, kẻ thù sử dụng tất cả các phương tiện, vũ khí tối tân nhất quyết ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến. Chiến đấu ở nơi mà sự sống và cái chết chỉ mong manh trong gang tấc ấy, nhiều đội viên của C5 đã ngã xuống, quân số của đại đội bị giảm nhanh chóng. Nhưng những trận mưa bom mà kẻ thù trút xuống đã không thể khuất phục ý chí của Nguyễn Thị Vân Liệu cùng đồng đội của chị. Các chị luôn xông pha trên mặt đường với tinh thần quả cảm và một ý chí sắt đá “Lấy mặt đường làm trận địa, lấy việc thông đường làm vũ khí tiến công“, “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc“, kiên quyết “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến“. Để đối phó với những trận mưa bom quân địch thả xuống ngày càng nhiều, đảm bảo nhanh chóng thông đường cho các đoàn xe ra trận, không chỉ cần có lòng quả cảm, quên mình mà cần phải có những sáng kiến và kỹ thuật phá bom mìn mới, đem lại hiệu quả cao. Phải làm sao để phá bom nổ chậm mà ít ảnh hưởng đến con đường và giảm thiểu đến mức thấp nhất sự thương vong của đồng đội? Những câu hỏi này luôn thường trực trong suy nghĩ của Tiểu đội phó Nguyễn Thị Vân Liệu và theo chị cả vào trong những giấc ngủ chập chờn.
Sáng sớm ngày 23/01/1967, khi sương mù vẫn còn giăng kín núi rừng, nhiều tốp máy bay Mỹ đã mò đến, bắn phá liên tục trọng điểm ATP. Bom địch đã làm đất đá sụt lở và khoét một hố bom sâu tới 8 mét tại Km 80-81. Trên taluy đường ở Km 80, một quả bom nổ chậm nằm chình ình. Nguyễn Thị Vân Liệu cùng ba đồng đội vần quả bom nổ chậm đó xuống vực. Nhưng bốn người cố hết sức mà quả bom vẫn không nhúc nhích. Trước tình hình ấy, Nguyễn Thị Vân Liệu nảy ra sáng kiến dùng mìn để phá bom nổ chậm. Sau khi thuyết phục được trung đội trưởng, chị phân công hai đồng chí gác hai đầu đường, ngăn xe lại, đồng thời khẩn trương lấy mìn, kíp nổ và dây cháy chậm rồi một mình đến bên quả bom. Sau khi đo ước lượng chiều dài và đường kính quả bom, chị lấy 2,8kg thuốc nổ buộc vào 2 đầu dây nổ để đề phòng kíp câm, cẩn thận tra hai kíp vào hai đầu dây cháy chậm rồi đặt ngay lên thân quả bom. Công việc chuẩn bị hoàn thành, Liệu bắn pháo hiệu cho mọi người ẩn nấp vào chỗ an toàn rồi châm ngòi và chạy thật nhanh vào hầm trú ẩn. Vừa vào đến nơi thì nghe 2 tiếng nổ, trước nhỏ, sau to. Quả bom nổ chậm đã được phá thành công. Phút thanh thản qua đi, Liệu chợt đăm chiêu suy nghĩ: Quả bom vừa rồi nằm trên mái taluy, khi nổ cho kết quả như vậy, nhưng nếu nó nằm giữa đường thì sao? Hai tiếng nổ vừa rồi, tiếng nổ trước là của bộc phá, gây tác động để quả bom nổ theo. Như vậy, ta có thể đặt lượng thuốc mìn và kíp định hướng ở gần quả bom, dùng lực đẩy của bộc phá đẩy tung quả bom lên thì bom sẽ không phá hỏng mặt đường. Sáng kiến này chị trình bày ngay với trung đội trưởng và xin được xung phong thực hiện. Và cơ hội đó đã đến.
Xuân Đinh Mùi đến với Trường Sơn trong tiếng mưa bom, bão đạn không ngớt. Ngày mùng 3 Tết Âm lịch (tức ngày 11/2/1967), Liệu xung phong ra mặt đường làm nhiệm vụ. Hôm đó, máy bay địch ném nhiều loạt bom, trong đó có một quả bom nổ chậm nằm ngay giữa mặt đường. Liệu quyết định áp dụng sáng kiến phá bom mà mình đã nghĩ ra để phá quả bom nổ chậm này. Sau khi phân công hai đồng chí gác hai đầu đường, một mình chị tiến đến bên quả bom. Với dụng cụ chỉ là xẻng cá nhân, Liệu nhanh nhẹn nhưng cũng hết sức cẩn thận gạt hết đám đất bên trên quả bom. Đào xuống gầm quả bom, chị phải cúi rạp xuống, một tay ôm bom, tay kia moi đất như lúc ở nhà đi bắt cua. Khi đất moi đã rộng, Liệu khéo léo luồn người xuống dưới quả bom. Chị tiếp tục đào rộng xung quanh quả bom rồi dùng một miếng các tông pháo sáng, cuộn lại thành hình phễu, chụp dưới gầm quả bom. Chị đặt kíp mìn định hướng lên trên trốc phễu sau đó áp 1kg thuốc nổ lên trên rồi lèn đất thật chặt. Xong xuôi, Liệu bắn liền 2 phát pháo hiệu. Theo dõi không còn ai trên mặt đường, chị bình tĩnh đốt dây cháy chậm rồi chạy nhanh vào hầm. Vài giây sau, hai tiếng nổ lần lượt vang lên. Liệu và mọi người ùa lại thì quả bom đã biến mất, trên mặt đường chỉ để lại một lỗ nhỏ bằng chiếc chảo con. Liệu mừng quá vội bắn pháo hiệu thông đường, cả đoàn xe lại ùn ùn nối đuôi nhau tiến ra mặt trận.
So với kỹ thuật phá bom thông thường, sáng kiến dùng bộc phá phá bom nổ chậm của Nguyễn Thị Vân Liệu mang lại hiệu quả cao. Quả bom do lực đẩy của quả bộc phá nên bị đẩy khỏi mặt đường mới phát nổ. Nhờ vậy, mặt đường ít bị biến dạng, việc san lấp hố bom được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng phát lệnh thông xe, vừa đảm bảo yêu cầu cấp bách của chiến trường, vừa tránh cho đoàn xe bị dồn tắc lại quá lâu sẽ trở thành mục tiêu bắn phá của máy bay địch.
Sáng kiến và hành động dũng cảm dùng bộc phá phá bom nổ chậm của Nguyễn Thị Vân Liệu được phổ biến cho toàn Binh trạm 14. Phong trào “Học tập và noi gương Nguyễn Thị Vân Liệu phá bom nổ chậm” được Bộ Tư lệnh Tổng cục tiền phương phát động trên toàn tuyến, tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các đơn vị, giữa các binh trạm, góp phần vào việc giữ vững và bảo đảm thông suốt của tuyến chi viện huyết mạch trên dãy Trường Sơn. Chị đã được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu của Người. Tháng 6-1967, chị được bình bầu là Chiến sĩ thi đua và được vinh dự đi báo cáo thành tích tại Đại hội tổng kết thi đua của Tổng cục Tiền phương.
Sau khi hết nhiệm kỳ TNXP, Nguyễn Thị Vân Liệu tiếp tục tình nguyện ở lại chiến trường và chị được chuyển về Đoàn 559. Ngày 27/5/1968, Nguyễn Thị Vân Liệu hi sinh khi đang làm nhiệm vụ tại đoàn bộ. Người con gái ấy, trong những năm tháng phục vụ chiến đấu trên chiến trường đã dành trọn sự cảm phục và tin yêu của đồng đội, không chỉ vì có giọng hát hay, tính tình cởi mở, mà còn bởi tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, luôn nhường thuận lợi cho bạn, nhận khó khăn về mình, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ. Đặc biệt, chị luôn nỗ lực tìm tòi, cải tiến công tác từ việc lớn đến việc nhỏ sao cho đạt hiệu suất cao nhất. Sống, chiến đấu và hi sinh anh dũng, Nguyễn Thị Vân Liệu luôn giữ trọn lời hứa “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Mặc dù chị đã đi xa nhưng chiến công của chị vẫn luôn được các lớp TNXP noi gương và học tập. Ngày 10/4/2001, Nguyễn Thị Vân Liệu vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. /.
Nguyễn Văn Đương – Việt Phương
Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015