Liệt sĩ, nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ – Bông Huệ trắng của Trường Sơn bất tử

Đăng lúc: 18-03-2022 1:17 Chiều - Đã xem: 929 lượt xem In bài viết

 Thi đậu đại học nhưng tình nguyện vào Thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Sau ngày thông tuyến đường chiến lược 20 Quyết Thắng, thay vì được ra Bắc, Huệ xin ở lại tiếp tục chiến đấu và viết báo Trường Sơn. Ngọc Huệ vẫn được đồng đội ví như “bông Huệ trắng của Trường Sơn bất tử, bông hoa “thép” đẹp nhất núi rừng Trường Sơn…”

Liệt sĩ, nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ trước lúc tham gia lực lượng Thanh niên xung phong

Giấc mơ trở thành nhà báo

Ông Phạm Văn Hồng anh trai liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ kể: “Ngọc Huệ sinh năm 1946, là em thứ 5 trong gia đình, thông minh, học giỏi, hát hay và tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, yêu thích viết văn, từng đỗ Đại học Tổng hợp văn nhưng Huệ đã bỏ giảng đường đại học, tình nguyện đến chiến trường, đơn vị chiến đấu đầu tiên là binh trạm 36, Đại đội Thanh niên xung phong Ninh Bình, làm nhiệm vụ thông tuyến đường chiến lược 20 Quyết Thắng  .

Khi làm nhiệm vụ ở núi rừng Trường Sơn, nhớ mẹ, nhớ các anh chị ở quê hương Ninh Bình, Huệ vẫn thường hát câu: “Lúc xa nhà tuổi còn đang niên thiếu/ con ra đi theo tiếng gọi lên đường/ tình mẹ bao la như là biển lớn/ tiếng của mẹ già gọi hoài vang nơi xa/ đồn giặc còn đây chúng con chưa về/…/lúc con về là ngày vui chiến thắng/ nếu con không về con đã trả nợ non sông.”

Sau khi đã thông tuyến đường chiến lược 20 Quyết Thắng, nhiều đồng đội đã trở về quê hương để xây dựng tổ ấm riêng cho mình. Nhưng vì “đồn giặc còn đây chúng con chưa về” nên Ngọc Huệ đã xin ở lại để tiếp tục chiến đấu, và từ đó Ngọc Huệ được chuyển sang Ban Tuyên huấn Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn.

Liệt sĩ, nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ ở chiến trường

Ở Đoàn 559, Phạm Thị Ngọc Huệ làm phóng viên cho báo “Trường Sơn”, cơ quan tuyên truyền của Bộ tư lệnh binh đoàn Trường Sơn. Những tháng đầu về làm báo “Trường Sơn”, Huệ được giao đi nhà in sửa lỗi từng bài viết, từng trang báo trước khi in. Ngọc Huệ xem đây là cách học viết báo hiệu quả và trưởng thành nhanh nhất. Báo in xong Huệ gói gém cẩn thận, gánh bộ ra tận trạm đón xe vận tải nhờ lái xe chuyển vào tuyến trong, chuyển ra tuyến ngoài tới hầu hết các binh trạm, đơn vị độc lập. Sau này được phân công viết tin, bài, Huệ không chỉ đến binh trạm lấy tài liệu mà còn xông xáo ra tận trọng điểm, gặp gỡ những gương mặt anh hùng như chiến sỹ lái xe Lê Bá Kiệm, lái máy Vũ Tiến Đề, tiểu đoàn công binh 25. Cô còn tới tận trận địa Trung đoàn phòng không 224 ở Tha Mê, La Trọng, Khe Tang tường thuật sinh động những trận đánh tiêu diệt máy bay Mỹ.

Theo ông Nguyễn Công Đáng đồng đội cùng công tác tại báo Trường Sơn: “Ngọc Huệ không chỉ hát rất hay, mà khả năng chơi cờ cũng vào bậc cao thủ. Trong những ván cờ, cô đã từng đánh bại cả chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và những chuyên gia Trung Quốc”

Những năm chiến đấu ở Trường Sơn có lần Ngọc Huệ viết thư về cho anh trai Phạm Văn Hồng, khoe rằng: ” vì biết tiếng Trung nên em thường được chỉ huy đơn vị cho làm việc cùng với chuyên gia Trung Quốc….em sẽ phấn đấu để trở thành nhà báo,… “

Bông Huệ trắng của núi rừng Trường Sơn.

Trước ngày hy sinh, Huệ đã viết thư về cho gia đình báo tin cho mẹ là vài ngày nữa chị sẽ ra quân và được cử đi học ở Liên Xô. Nhưng ngày đó đã mãi mãi không đến với Huệ, chị đã trở thành “bông Huệ trắng” của núi rừng Trường Sơn bất tử …

Liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ khi là phóng viên của báo “Trường Sơn”

Khoảng 6 giờ sáng ngày 20.12.1968 Huệ đã anh dũng hy sinh khi cùng đơn vị vượt trọng điểm Ka Tốc, dưới đỉnh Pu Khao, cách cửa khẩu Lùm Bùm không xa. Phạm Thị Ngọc Huệ hy sinh bởi trái mìn vướng do máy bay Mỹ thả đêm trước. Di vật còn lại của Huệ là cuốn sổ ghi chép các khoản tiếp nhận quân nhu, trang phục đoàn công tác và tập bản thảo viết về điển hình trạm sửa chữa xe máy Trường Sơn. Tất cả đều nhuốm máu, nhiều trang không đọc được. Chiếc máy ảnh hiệu Canon mà Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên tặng báo “Trường Sơn”, Huệ mang bên mình cũng bay đâu mất. Các anh Mai Ngọc Liên ở Phòng Tuyên huấn, Nguyễn Trọng Khoát ở báo “Trường Sơn” cùng đội điều trị của Đoàn bộ đau xót đặt Huệ yên nghỉ tại khu vực địa đạo Ăng Khăm, bên cạnh mộ hai liệt sĩ văn công Trường Sơn hy sinh trước đó là Tuấn Ngọc và Đức Đa..

Bài thơ của nhà thơ Trọng Khoát đồng đội của liệt sĩ viết tặng và đã đọc lúc tiễn đưa liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ

Ngọc Huệ hy sinh trên cáng cứu thương, khi đồng đội đưa chị về đội phẫu thuật Tiền phương ở km 20. Vĩnh biệt đồng đội, nhà thơ Trọng Khoát đã đọc bài thơ đầy nước mắt: “Nằm yên em nhé ngủ ngon/ Để cho đầu cáng anh còn trở vai/ Đường xa dốc đứng suối dài/ Vai anh: Đòn nghiến, phồng… chai… lại phồng/ Đường vào trạm xá loanh quanh/ Em ơi đừng vĩnh biệt anh giữa đường…/ Lời thương đồng đội lời thương/ Những ai nằm lại chiến trường hôm nay…” bài thơ này cũng được an táng cùng liệt sĩ

Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều đồng đội cũ của Ngọc Huệ đã sang tận Khăm Muộn đến thung lũng Ka Tốc nơi Huệ ngã xuống để viết bài “Trẻ mãi với Trường Sơn bất tử” khắc họa chân dung của Huệ.

45 năm ở lại với núi rừng Trường Sơn

Theo ông Phạm Văn Hồng, anh trai của liệt sĩ, nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ cho biết: ngày Huệ hy sinh, đồng đội đã tổ chức an táng và có chụp ảnh lại. Sau mấy ngày Huệ hy sinh,  B52 Mỹ đã rải thảm bom khu vực đó, đồng đội có quay lại để kiểm tra thấy khu vực đã bị bom Mỹ cày xới, bài thơ của nhà thơ Trọng Khoát được chôn trong lọ penicillin cùng mảnh giấy ghi địa chỉ, ngày sinh, ngày mất và mộ chí của liệt sĩ Ngọc Huệ được đồng đội an táng cùng liệt sĩ, sau này một chiến sĩ công binh nhặt được ở một khe suối.

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, mặc dù đồng đội, gia đình đã nhiều lần đi tìm kiếm phần mộ của liệt sĩ, nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ, nhưng đến nay vẫn chưa  tìm thấy.…

Liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp báo chí cách mạng, máu thịt chị đã hòa vào núi rừng Trường Sơn. Sự hy sinh oanh liệt của chị là tấm gương, là nguồn động lực thúc đẩy cho thế hệ trẻ và những người làm báo hôm nay, tiếp tục đóng góp công lao, trí tuệ của mình cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Chúng tôi, những người làm báo hôm nay tự hào bước tiếp sự nghiệp của các liệt sĩ, nhà báo, tiếp tục xung kích trên mặt trận tư tưởng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước nước ngày càng giàu mạnh….

Thảo Nguyên

Theo trian.vn