Liệt sỹ Ngô Văn Hà, Đội TNXP N297 Đề Thám Bắc Giang, Đoàn 559 sống mãi trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ

Đăng lúc: 06-09-2017 2:52 Chiều - Đã xem: 159 lượt xem In bài viết
  1. Hoàn cảnh ra đời và động cơ đi TNXP

Anh hùng liệt sỹ Ngô Văn Hả sinh ngày 15/5/1952 trong một gia đình cố nông ở thôn Thuận Lý, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, song kinh tế còn nghèo, ruộng ít, đất xấu một năm hai vụ cấy trồng không đủ ăn.

Nhà anh có 7 anh chị em ruột thịt thì có 7 người tham gia lực lượng vũ trang trong 2 cuộc kháng chiến, chị cả và anh là trai thứ sáu tình nguyện vào Đội TNXP chống Pháp năm 1950 và Đội TNXP N297 Đề Thám Bắc Giang thuộc binh đoàn 559 chống Mỹ 1972 – 1975;

Cuộc đời TNXP của anh hùng liệt sỹ Ngô Văn Hả ngắn ngủi chưa hết nhiệm kỳ III chống Mỹ, song chói ngời chiến công của một thế hệ TNXP tuổi 20 anh hùng trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ giữa thế kỷ 20.

Phẩm chất anh hùng của liệt sỹ Ngô Văn Hả được hun đúc từ thuở thiếu niên 14 tuổi, đã mang nặng mối thù nhà nợ nước giữa năm 1966 ngày máy bay Mỹ ập đến ném bom phá hoại xóm làng quê anh làm gần hai chục nóc nhà bị phá hủy và hơn chục người dân bị chết, trong đó có người mẹ đẻ và đứa cháu ruột của anh. Hoàn cảnh cuộc sống gia đình trở nên khó khăn túng bấn, anh phải xin nghỉ học giữa lớp 6 để cùng em gái chăm sóc bố già yếu và mấy em gái còn bé dại.

Năm 1970 được kết nạp vào Đoàn anh trở trở thành người cán bộ Đoàn của thôn, được người cha mẫu mực và truyền thống cách mạng gia đình đã tiếp lửa cho anh có bản lĩnh chính trị vững vàng, được lãnh đạo và nhân dân địa phương tin yêu, giữa năm 1972 anh xây dựng gia đình với chị Hoàng Thị Đài, một mối tình đẹp được nảy sinh, từ cái duyên số “3 cùng” cùng tuổi Thìn (1952) cùng làng và cùng hợp tác xã nông nghiệp.

Cuộc sống hạnh phúc của anh chị ở vùng quê nghèo mới được 4 tháng, thì tháng 10/1972 có chủ trương tuyển quân TNXP nhiệm kỳ III chống Mỹ (vào mặt trận Quảng Bình), anh xin phép tạm biệt bố đẻ, người vợ trẻ và các em xung phong vào Đội TNXP N297 Đề Thám Hà Bắc, biên chế theo binh đoàn 559 Bộ Quốc phòng tại mặt trận Trị – Thiên – Huế (1972 – 1975)

Anh được giao chức vụ A trưởng A1, Trung đội 2, Đại đội 3 Đội TNXP N297 Đề Thám Bắc Giang thuộc tiểu đoàn 193, trung đoàn 173, sư đoàn 473, binh đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn.

Cuộc hành quân vào mặt trận của đơn vị phải kéo dài 55 ngày đêm do máy bay Mỹ đánh phá dọc đường là cuộc thử lửa đối với cán bộ chiến sỹ, đặc biệt có trận máy bay Mỹ ném bom trúng đội hình khi đến Đức Thọ, Hà Tĩnh, quân số không thiệt hại song có một ô tô quân trang của đơn vị trúng bom giặc Mỹ bị bốc cháy. Ban chỉ huy phải chỉ đạo khắc phục và chỉnh đốn tư tưởng, tiểu đội Ngô Văn Hả đã được biểu dương về kỷ luật hành quân và xử trí tốt khi thiếu quân trang quân dụng.

  1. Lập chiến công xuất sắc trên mặt trận

Nhiệm vụ đơn vị được Ban chỉ huy mặt trận giao là tham gia mở đường 14 Đông Trường Sơn, bằng mọi giá đảm bảo thông đường, thông cầu và thông ngầm 24/24 giờ trong ngày cho xe vận chuyển vũ khí, đạn dược vào tiền tuyến phục vụ chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiểu đội 1 do Ngô Văn Hả phụ trách thuộc trung đội 2, đại đội 3 là đơn vị chủ công sản xuất vật liệu, nổ mìn phá đá cung cấp cho đại đội và tiểu đoàn san lấp hố bom, lát đường, bắc cầu lấp ngầm phóng tuyến với 13 chiến sỹ trong tiểu đội, tuổi đời từ 18 đến 20. Anh là tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm, sáng tạo và trách nhiệm được mọi người suy tôn là anh cả, dám nghĩ nhiều cách đánh mìn phá đá với các lỗ choòng sâu, khoét rộng chân như hình bầu rượu, nên được nhiều thuốc nổ có sức công phá lớn đã tăng năng suất phá đá lên 200, 250 và 350%. Liên tục trong gần 100 ngày đêm giành giật với thời gian đánh phá của địch để mở cánh cửa thép hạ độ dốc đèo Pêke cao trên 28 độ xuống 9,5 độ và các quả đèo A Pông, Ni Tôn, A Sáp, Sân bay A Sầu, A Lưới với bao sình lầy tưởng không nào vượt nổi, sau 13 ngày đêm tiểu đội Ngô Văn Hả đã góp phần xuất sắc cùng đơn vị hoàn thành một khối lượng 15.786m3 đất và 39.780m3 đá lát ngầm, vượt thời gian thông đường cho hàng ngàn đoàn xe chở vũ khí vào chiến trường trước thời hạn quy định mở màn cho những trận đánh thắng đầu năm 1974.

Đặc biệt vào ngày 27/5/1974, sau những trận Mỹ đánh bom, liên tục những trận mưa lớn, đoạn đường ngầm Pêke đường 14 Đông Trường Sơn địa hình rất hiểm trở, đất ta tuy lớn bị sạt lở, hàng trăm mét khối đất và tảng đá lớn sạt xuống đường ngầm, gây ách tắc nghiêm trọng giao thông, trên 500 xe hành quân phải nằm chờ nhiều tiếng đồng hồ. Trong khi tiền tuyến đang cần tiếp viện từng phút, từng giờ.

Trước tình hình khẩn cấp trên, Ban chỉ huy trung đoàn lệnh cho Đại đội 3 TNXP Đội N297 bằng mọi cách phải thông đường trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo thông xe trước 5 giờ sáng. Ban chỉ huy Đại đội đang băn khoăn trước các phương án lúc này Ngô Văn Hả cùng tiểu đội vừa đi trực ngầm đêm về mặc dù đang còn rất mệt mỏi nhưng trước việc hàng trăm xe chở hàng đang phải nằm chờ do tắc đường.

Sau vài phút đấu tranh suy nghĩ mình phải làm gì, làm thế nào để cùng đơn vị thông đường sớm. Ngô Văn Hả quyết định xung phong nhận nhiệm vụ, cùng số đồng chí trong tiểu đội nổ mìn phá đá ở địa hình hiểm trở và thời tiết không thuận lợi, với một mũi khoan bằng ý chí tiến công cách mạng của tiểu đội Ngô Văn Hả có dung tích và hàm lượng thuốc nổ rộng và tăng gấp 80% so với trước từ 18 lên 28kg thuốc nổ, không ngờ lại là mũi khoan và phát mìn định mệnh đối với liệt sĩ Ngô Văn Hả.

Khi những khối đá lớn được nổ tung thì không may anh cũng bị một lượng lớn đất đá vùi lấp, tiểu đội trưởng Ngô Văn Hả đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Đơn vị đã kịp thời phát động đợt thi đua trả thù cho đồng chí Ngô Văn Hả tại mặt trận.

Sau ít giờ đồng chí hy sinh, đường đã được thông, hàng đoàn xe tiếp tục vận chuyển hàng hóa vũ khí vào mặt trận.

Sự hy sinh của tiểu đội trưởng Ngô Văn Hả đã góp phần quan trọng cho đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận Trường Sơn Đông, là một tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một đảng viên vừa được kết nạp tại mặt trận tháng 9/1973, một cán bộ đoàn gương mẫu, một cán bộ TNXP, một dũng sĩ diệt Mỹ dũng cảm sáng tạo trong lao động, chiến đấu và học tập rèn luyện, hơn 1 năm tuổi quân anh đã tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp II tại đơn vị, và hy sinh cống hiến trọn ước mơ cao đẹp của tuổi 22 vì truyền thống gia đình và quê hương đất nước.

Thiếu tướng Tô Đa Mạn, sư đoàn trưởng 473 năm 1974 – 1976 ngày 23/6/2009 đã có nhận xét: “Liệt sỹ Ngô Văn Hả sinh năm 1952 quê quán Thuận Lý, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc. Nhập ngũ tháng 11/1972 chức vụ A trưởng TNXP C3, D193, E217, F473 đoàn 559, hy sinh ngày 27/5/1974 đã có hành động rất dũng cảm phá đá để cho đoàn xe thông qua, mặc dù biết trường hợp này đòi hỏi tự quên mình. Đồng chí đã sẵn sàng.

Người xác nhận

Thiếu tướng: Tô Đa Mn“.

Ngày 23/2/2010, Chủ tịch nước có quyết định số 212/QĐ-CTN về việc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho liệt sỹ Ngô Văn Hả nguyên tiểu đội trưởng TNXP N297, tiểu đoàn 193, trung đoàn 473, đoàn 579.

  1. Tìm về hậu phương anh hùng liệt sỹ Ngô Văn Hả

Vẫn trên mảnh đất bố mẹ đẻ để lại, anh hùng liệt sỹ Ngô Văn Hả có một người con gái tên là Ngô Thị Hoa, sinh tháng 5/1973, khi anh nhập ngũ TNXP tháng 11/1972 thì chị Hoàng Thị Đài người vợ mới cưới được 4 tháng của anh đã mang thai cô con gái đầu lòng với anh.

Một cảnh không vui, hai cha con anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Hả chưa có một lần để được gặp nhau. Tại buổi lễ nhận Bằng truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho anh ngày 15/7/2010 và lễ đón nhận hài cốt của anh từ nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà xã Tiến Dũng tháng 10/2010, không có một bức di ảnh của liệt sỹ, đây cũng sẽ là một việc còn lại của đồng đội và gia đình.

Nhân dịp Tết ất Mùi 2015, thay mặt thường trực Tỉnh hội Bắc Giang tôi và các đồng chí Hoàng Tiến Huyên và Lê Quang Minh, Thường trực Huyện hội Yên Dũng là người đồng đội liệt sỹ Ngô Văn Hả đã đến thăm và tặng quà tết cho gia đình liệt sỹ.

Vợ chồng chị Ngô Thị Hoa và anh Nguyễn Văn Xuân – người con gái và con rể liệt sỹ Ngô Văn Hả tiếp đón chúng tôi trong căn nhà xây 2 tầng khang trang hiện đại, đang trong không khí chuẩn bị đón xuân mới.

Trước bàn thờ liệt sỹ Ngô Văn Hả, có tấm bằng Tổ quốc ghi công, Bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và các Bằng vinh danh khen thưởng của Ban chỉ huy các cấp thuộc đoàn 559 Bộ Quốc phòng tại Mặt trận Trường Sơn Đông năm 1973 – 1976.

Tuần hương tâm linh đón xuân mới vừa kết thúc, vợ chồng anh chị Hoa, thông báo những tín hiệu vui về sự phát triển và tiến bộ của thế hệ con, cháu liệt sỹ trong một quê hương đang trên đà đổi mới toàn diện, anh chị Hoa đã có 2 con trai, là cháu ngoại của liệt sỹ Ngô Văn Hả, cháu đầu Nguyễn Văn Hùng đang là sinh viên năm cuối của trường Đại học Hà Nội, cháu thứ hai Nguyễn Văn Vỹ đang là học sinh lớp 9 trường xã, kinh tế gia đình khấm khá, có bát ăn bát để, đã mua được một mảnh vườn trên 400m2 dành cơ ngơi cho cậu con trai thứ hai sau này. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương cùng đơn vị TNXP quan tâm đầy đủ chế độ chính sách gia đình liệt sỹ, người có công và nghĩa tình đồng đội theo nhà nước quy định.

Tạm biệt gia đình liệt sĩ Ngô Văn Hả, lòng chúng tôi vô cùng vui mừng về một vùng quê có nhiều danh hiệu anh hùng, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đang từng ngày đổi mới và phát triển trong các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Đồng chí Lê Quang Minh nguyên Trung đội trưởng Đại đội 3 đội 297 năm xưa nay là cán bộ cùng thôn liệt sĩ Ngô Văn Hả chia sẻ.

Trần Mạnh Tường

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015