Lời Bác dạy trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội

Đăng lúc: 19-05-2020 11:19 Sáng - Đã xem: 114 lượt xem In bài viết

Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ[i] năm 1954 về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình Đông Dương được ký kết, miềm Bắc được hoàn toàn giải phóng. Các cơ quan trung ương trong đó có Đội 36 Đoàn “XP” đơn vị phục vụ tại ATK Định Hóa  được chuyển về đóng tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Vào buổi chiều mùa thu tiết trời mát mẻ, sau trận mưa to nước tràn bờ đơn vị ông được lệnh tập trung trên một khu ruộng cao tại cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vào lúc 19 giờ 15 phút để nghe cấp trên đến nói chuyện. Nơi đơn vị tập trung có căng một chiếc dù trắng (chiến lợi phẩm) và một ngọn đèn điện 45w chạy bằng ắc quy, ở giữa có kê một chiếc bàn gỗ.

Đúng 19h15’ đại diện các cơ quan Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành của Trung ương, quân đội, công an, Cục Cảnh vệ, TNXP Đội 36 đã xếp hàng ngồi chờ và  đoán già, đoán non: Không biết cấp trên về nói chuyện là ông nào? Chưa ai nghĩ có Bác Hồ đến. Đúng 9h30’ hôm đó Bác Hồ đến, đi theo Bác có một số cán bộ Văn phòng Chính phủ và Cục Cảnh vệ.

Ảnh tư liệu

Nhìn thấy Bác khỏe mạnh, nhanh nhẹn, quần xắn quá gối, chân đi đôi dép cao su, mặc bộ quần áo bà ba, tay thụng màu gụ, chiếc khăn vắt vai bằng vải dân tộc, đầu đội chiếc nón lá, tay cẩm chiếc gậy đi đến  lập tức mọ người đứng dậy, hô vang 3 lần “Bác Hồ muôn năm”. Bác ra hiệu cho mọi người ngồi xuống, rồi để chiếc nón lá và chiếc gậy nằm ngang trên mặt bàn. Không đứng chỗ kê bàn mà Bác đứng cách chỗ chúng tôi ngồi độ 1 mét. Bác bảo hôm nay Bác cho triệu tập các cô, các chú để ta trao đổi một số công việc vô cùng hệ trọng trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Các cô, các chú có phấn khởi không? Thưa Bác có ạ! Tiếng vỗ tay rộ lên hồi lâu.

TNXP mừng hòa bình Đông Dương được lập lại (1954)

Bác nói: Trải qua bao năm ở trong rừng, Bác cháu ta cùng toàn dân quân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, chống thực dân Pháp xâm lược vô cùng gian khổ. Nay ta mới giành được một nửa đất nước. Ít ngày nữa ta về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Đây là một thắng lợi to lớn của quân và dân ta. Trong đó có Bác cháu ta đóng góp. Về tiếp quản Thủ đô có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn. Trước đây ta chỉ có đêm, chưa có ngày; chỉ có nông thôn chưa có thành thị. Giặc Pháp tuy đã rút đi nhưng chúng vẫn còn cài lại mạng lưới gián điệp, biệt kích để tiếp tục chống phá ta. Thắng lợi này giáng vào chủ nghĩa thực dân một đòn thất bại rất nặng nề và là một sự cổ vũ rất lớn cho phong trào giải phóng các dân tộc và cách mạng thế giới.

TNXP tập kết tại xã Vạn Phúc, Hà Đông năm 1954

Bác nói: Chúng ta đang ở trong rừng nay về thành phố có nhiều cái lạ, hàng hóa nhiều, lối sống và sinh hoạt xa hoa, tệ nạn xã hội đầy dẫy. Chắc các cô, các chú ai cũng có thắc mắc là về Thủ đô ta sẽ ăn mặc thế nào? Sinh hoạt đời sống ra sao? Bác chỉ và hỏi luôn một đồng chí nữ ngồi gần Bác: Cô có mấy bộ quần áo? Bao nhiêu lành, bao nhiêu rách. Đồng chí đứng dậy báo cáo với Bác. Thưa Bác cháu có 3 bộ: 2 bộ xuân hè, 1 bộ mùa đông. Trong đó có một bộ hơi sờn cổ.

Bác bảo: Nếu ở trong rừng thì cũng tạm đủ nhưng về Thủ đô thì cũng thiếu. Và phải ăn mặc cho tươm tất. Vậy Bác bổ sung cho mỗi người một bộ quần áo kaki mới  màu vàng của Trung Quốc, các cô, các chú có phấn khởi không? Đồng thanh có ạ! Về ăn uống sinh hoạt đắt đỏ Bác sẽ tăng thêm cho các cô, các chú.

Bác nói tiếp: Về Thủ đô thì phẩm chất của người cán bộ cách mạng phải như thế nào? Về Thủ đô thì nhất cử, nhất động đều có ảnh hưởng đến quần chúng. Quần chúng sẽ quan sát chúng ta tỷ mỉ. Vì họ sống trong vùng địch bao năm bị bọn địch tuyên truyền xuyên tạc về Việt Minh, Cộng sản để gây hoang mang.

Ông Đặng Hữu Bao (1928 – 2019), vào Đảng ngày 15/8/1948

Bác nhấn mạnh: Về thành phố, Thủ đô bọn tư sản sẽ dùng tiền, vàng bạc, dùng gái để mua chuộc cán bộ ta. Nên các cô, các chú phải giữ nghiêm kỷ luật về vùng giải phóng.

Bác kể câu chuyện cách mạng ở Trung Quốc, có nhiều người chiến đấu rất dũng cảm, đã trở thành tướng lĩnh. Sau chiến tranh thoái hóa, biến chất. Vì bọn tư sản nó mua chuộc, đó là viên đạn bọc đường. Bác ví một người trèo lên núi gần tới đỉnh, bấu vào cái cây rễ bám không vững đã tuột tay rơi xuống vực thẳm…

Cuối cùng Bác căn dặn: Về Thủ đô rồi vẫn phải tiếp tục giữ bí mật cho thật tốt và cũng năng viết thư thăm hỏi động viên bà con ở ATK để giữ mối chung thủy trước sau. Đây cũng là tất cả những ý kiến của Bác. Mong các cô, các chú cố gắng thực hiện cho thật tốt. Thế là Bác cháu ta vui rồi. Các cô, các chú có làm được không?

Tiếng vỗ tay vang dậy và hứa với Bác quyết tâm làm theo lời Bác dạy./.

(Theo lời kể lúc sinh thời của ông Đặng Hữu Bao, cán bộ Đội 36 anh hùng

Minh Ngọc – VP Tỉnh hội Vĩnh Phúc

 


[i] Hiệp định Giơnevơ (Thụy Sỹ) được ký ngày 20-7-1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.