Máu và hoa: Quyết định lịch sử

Đăng lúc: 08-09-2020 3:10 Chiều - Đã xem: 34 lượt xem In bài viết

Trải qua 70 năm lịch sử, hàng vạn Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam sẵn sàng tình nguyện lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cống hiến tuổi xuân, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để phục vụ kháng chiến, kiến quốc.

Chủ tịch T.W Hội Cựu TNXP Vũ Trọng Kim (thứ 4 trái sang) cùng đồng đội về tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình có công
nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Hồ Chí Minh

TNXP có phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ”

Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, cách đây 70 năm, ngày 15/7/1950, Bác Hồ đã chỉ đạo Đảng đoàn Ban Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ T.Ư Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức đội thanh niên tập trung dài ngày để phục vụ kháng chiến và kiến quốc khi kháng chiến thành công, lấy tên là: “Đội TNXP công tác”.

Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội TNXP công tác T.Ư đầu tiên tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 3 Liên phân đội với 225 cán bộ, đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên BCH T.Ư Đoàn làm đội trưởng. Đầu tháng 8/1950, đội TNXP công tác T.Ư xuất quân phục vụ chiến dịch Biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen.

Ôn lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của TNXP Việt Nam, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch T.Ư Hội Cựu TNXP Việt Nam cho biết, từ kinh nghiệm hoạt động của Đội TNXP công tác T.Ư, T.Ư Đoàn đã thống nhất với Tổng Cục cung cấp tăng cường phát triển các đội TNXP ở các địa phương để phục vụ kháng chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn, ở các địa phương đã tổ chức các Đội TNXP công tác ở khu, tỉnh, thành, huyện, xã.

Theo ông Kim, ngay từ đầu nhiệm vụ của TNXP đã là một sự thử thách to lớn nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rằng: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ”.

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước (Kháng chiến chống Pháp (1950 -1954); tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng XHCN miền Bắc (1955 – 1964); kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 -1975); chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (1975-1988); phát triển kinh tế xã hội (từ năm 1976 đến nay), hàng vạn TNXP luôn sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để phục vụ kháng chiến, kiến quốc.

Vượt qua mưa bom, bão đạn

Ở tuổi 93 nhưng cụ Nguyễn Tiến Năng, nguyên đội trưởng Đội TNXP 34, đơn vị trực tiếp phục vụ Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn rất minh mẫn. Ký ức hào hùng về những ngày thanh niên sôi nổi trên các công trường, chiến hào đầy mưa bom, bão đạn vẫn in dấu đậm nét trong mỗi câu chuyện kể của cụ.

Cụ Nguyễn Tiến Năng, nguyên đội trưởng Đội TNXP 34. Ảnh: Lưu Trinh

Cụ Năng kể, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn TNXP T.Ư được giao nhiệm vụ tập trung toàn lực lượng phục vụ Chiến dịch: Đội 36 (2.500 cán bộ, hội viên) phục vụ, bảo vệ các cơ quan T.Ư ở An toàn khu Việt Bắc; đội 38, 42 làm nhiệm vụ cơ động phục vụ Chiến dịch trên địa bàn Chiến khu Việt Bắc và các Chiến dịch khi có yêu cầu; đội 34, 40, với trên 16 vạn cán bộ, đội viên làm nhiệm vụ tải lương thực, vũ khí, đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến đường 6, 41, trên các tọa độ lửa như: Đèo Pha Đin, Ngã ba Cò Nòi, Cầu Tà Vài…

Cụ Năng lúc đó là chàng trai mới 26 tuổi đảm trách nhiệm vụ đội phó rồi đội trưởng Đội 34. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc chiến rất gian lao, ác liệt. Vì thế, đội TNXP cũng có sự thay đổi về lực lượng. Nếu như ở các chiến dịch trước có cả nữ thì đến Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ có nam TNXP.

Phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng TNXP thực hiện hàng trăm phần việc, trong đó, việc chủ yếu là đảm bảo giao thông thông suốt, bất kể tình huống như thế nào, nắng hay mưa, đêm hay ngày nhằm đảm bảo đường thông suốt để vận chuyển ra mặt trận vũ khí, lương thực, thực phẩm…

Thực dân Pháp biết chuyện đó nên quyết tập trung đánh phá, ngăn chặn đường giao thông của chúng ta. Đường lên Điện Biên Phủ độc đạo, tức là từ khu IV lên, Việt Bắc sang đều phải qua Cò Nòi, rồi lên đèo Pha Đin.

Thực dân Pháp cho rằng, nếu tập trung đánh quyết liệt, đặc biệt là những tháng mưa có thể ngăn chặn sự vận chuyển của chúng ta, bộ đội sẽ không đủ sức, vũ khí, lương thực để chiến đấu. Biết mưu đồ của Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người trực tiếp chỉ huy mặt trận đã gửi thư cho TNXP, rằng: Địch sẽ đánh phá ác liệt nhất trong mùa mưa và TNXP phải đảm bảo bằng được sự lưu thông liên tục.

Đại tướng nói rằng: Tôi tin TNXP sẽ làm được và chắc chắn sẽ làm được và thực tế đúng là TNXP đã đáp ứng được yêu cầu đó, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là ngã ba Cò Nòi. Ngã ba Cò Nòi là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, kinh khủng nhất. Trung bình mỗi ngày, Pháp ném xuống nơi đây 70 tấn bom nhưng TNXP vẫn hiên ngang bám trụ. Cứ mỗi lần giặc ngưng đánh lại ùa lên, người cào, người cuốc san lấp hố bom, phá những quả bom nổ chậm… cho đường thông suốt.

Tại đây, đã xuất hiện những chiến sĩ TNXP phá bom nổ chậm nổi tiếng thông minh, gan dạ như: Cao Xuân Thọ, Trần Cam, Nguyễn Tiến Thụ. Có lần đồng chí Nguyễn Tiến Thụ đã xung phong tháo thử bom bươm bướm (một loại bom mới lúc đó) bằng cách nấp dưới hố cá nhân, giơ hai tay lên tháo bom với suy nghĩ, nếu bom nổ thì chỉ mất 2 tay, người còn sống, còn làm việc được.

Trưởng thành từ gian khó

Vượt qua nhiều hiểm nguy, TNXP đã mở hàng trăm km đường, vận chuyển hàng ngàn tấn quân trang, cứu được nhiều xe đạn pháo khi bị máy bay địch vây đánh, rà phá hàng ngàn quả bom mìn, cứu thương và vận chuyển hàng trăm thương binh, bộ đội hy sinh trên chiến trường… Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Bác Hồ tặng TNXP cờ thi đua mang dòng chữ: “Dũng cảm, lập công xuất sắc”. Đội TNXP 34 là 1 trong những đội vinh dự được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cụ Nguyễn Tiến Năng cho rằng, thành lập TNXP là mục đích có tính chiến lược lớn lao, sâu sắc của Bác Hồ. Bác khai sinh ra TNXP là để phục vụ chiến tranh nhưng mục tiêu cao hơn nữa là trong quá trình phục vụ chiến đấu và chiến đấu TNXP được học tập, rèn luyện nhiều mặt để trở thành lực lượng quan trọng tham gia vào công cuộc kiến thiết, dựng xây đất nước sau chiến tranh. Và thực tế, từ trường huấn luyện, đào tạo trên các mặt trận ác liệt, TNXP đã trưởng thành. Hàng nghìn người chuyển sang các ngành giao thông, xây dựng, bộ đội, công an…, nhiều người tham gia cấp lãnh đạo từ địa phương đến T.Ư.

Tiêu biểu, đồng chí Vũ Kỳ, đội trưởng Đội TNXP T.Ư sau này được Bác Hồ chọn làm thư ký suốt 25 năm. Bản thân cụ Nguyễn Tiến Năng cũng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng chọn làm thư ký gần 30 năm.

“TNXP chúng tôi đã vượt qua tất cả những khó khăn, gian lao, hiểm nguy nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy, lựa chọn của Bác Hồ. Phát huy truyền thống TNXP, dù tuổi đã cao nhưng tùy sức, sự hiểu biết, tôi vẫn tiếp tục cống hiến, đóng góp cho cuộc sống”, cụ Nguyễn Tiến Năng bộc bạch.

 

Ngày 30/5/1951, Bác Hồ đến thăm đơn vị Liên phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ tại Nà Cù (thôn Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn )và đọc 4 câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Bốn câu thơ của Bác là lời giáo huấn, là phương hướng tư tưởng và hành động cho lực lượng TNXP và thế hệ trẻ Việt Nam.

LƯU TRINH

Theo tienphong.vn