Chị Trần Thị Tân quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, năm 1972, khi mới 17 tuổi chị Tân đã tình nguyện gia TNXP thuộc Tổng đội 40 (N40), P18 Ty Giao thông Vận tải Hà Tĩnh, bảo vệ cầu Thọ Tường và đê La Giang, san lấp hố bom để đảm bảo các tuyến đường giao thông khi bị bom Mỹ tàn phá.
Cuối năm 1973, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chị được cử đi học lớp Trung cấp Kỹ thuật Muối ở Thanh Hóa. Tháng 08/1977 chị được cử về nhận công tác tại Xí nghiệp Muối Phương Cựu thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho đến năm 2003. Thời gian này ở Xí nghiệp Muối cán bộ công nhân thật sự đời sống rất khó khăn, làm không đủ ăn, không thể cam chịu mãi cảnh đói nghèo, năm 2003 chị quyết định xin thôi việc về địa phương, với khát vọng trong tay mình có được đất tạo thành đồng ruộng sản xuất muối, để áp dụng theo quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm với tinh thần “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.
Chị đi khắp khu vực ven biển nhưng không tìm ra được đất phù hợp để sản xuất muối, chỉ có đồi cát trắng ven biển và rẫy bạc màu ven chân núi là nhiều. Chị đề ra phương án chinh phục 02 loại đất này bằng biện pháp “trải bùn trên cát“. Sau thời gian thử nghiệm, chị đã thành công trên cả 02 loại đất bỏ hoang: cát biển và đồi trọc. Không có vốn chị vận động thành lập tổ hợp để cùng nhau thực hiện dự án. Tính đến nay tố họp có 08 thành viên, từ chỗ hộ có thu nhập trung bình nay trở thành hộ khá hộ giàu.
Có ruộng sản xuất chị lại nghĩ đến chất lượng muối để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chị là người đầu tiên thực hiện mô hình “kết tinh muối trên nền bạt nhựa” để sản xuất ra muối sạch chất lượng cao. Mô hình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Tính đến nay, riêng gia đình chị đã có 05 hecta ruộng sản xuất muối thực phẩm đạt chất lượng cao với kinh phí đầu tư trên 02 tỷ đồng. Hàng năm doanh thu đạt từ 01 tỷ đồng trở lên. Lợi nhuận thu được bình quân 20%. Giải quyết công ăn việc làm cho 15 đến 20 lao động có thu nhập ổn định tại địa phương.
Nghề làm muối ở huyện Ninh Hải đã có từ lâu, hầu hết dân diêm ở đây sản xuất muối rất manh mún, mỗi gia đình chỉ có vài ba sào. Với 02 mô hình “kê bùn trên cát” và “đưa nước mặn lên chân núi sản xuất muối” thành công đã được nhân dân địa phương nhân rộng khắp nơi biến những đồi cát trải dài và rẫy bạc màu hoang hóa thành cánh đồng muối thực phẩm đạt sản lượng và chất lượng cao góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và xây dụng nông thôn mới tại địa phương.
Song song với sản xuất, kinh doanh, mặc dù rất bận chị vẫn luôn tranh thủ tham gia công tác hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Nông tác nữ của Tỉnh hội.
Chị rất tích cực đóng góp xây dựng quỹ hoạt động nghĩa tình đồng đội, hàng năm hỗ trợ giúp vốn cho các hội viên nghèo để sản xuất từ 15 triệu đến 20 triệu đồng, 9 tháng đầu năm 2019 chị đã hỗ trợ 10 triệu dồng để hoạt động ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam, thăm hỏi tặng quà cho gia đình chính sách và giúp đỡ cho hội viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra chị còn tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương, đóng góp tích cực quỹ vì người nghèo và các loại quỹ của địa phương. Đóng góp xây dựng đường bê tông nông thôn, xây dựng cổng thôn, xây dựng quỹ hội,… ở mức cao. Năm nào chị cũng được trao tặng danh hiệu “tấm lòng vàng”.
Với thành tích là một cựu TNXP làm kinh tế giỏi, hoạt động nghĩa tình đồng đội tích cực, chị đã được tặng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, danh hiệu “ Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018”. Năm 2019 chị được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam trao tặng.
Chị xứng đáng là “Gương sáng Cựu TNXP làm theo lời Bác”./.
Lê Hạng
Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Ninh Thuận