Một cán bộ Hội làm kinh tế thành công với mô hình “ao – chuồng”

Đăng lúc: 06-11-2019 10:25 Chiều - Đã xem: 101 lượt xem In bài viết

Năm 1972, cô gái Đô Lương (Nghệ An) Trần Thị Tý mới 15 tuổi, đã tình nguyện lên đường tham gia TNXP, đơn vị E961- BTL 559.  

Chị Trần Thị Tý bên ao cá của gia đình

 Trong chiến tranh ác liệt giữa sự sống và chết rất mong manh, nhưng chị không chùn bước, cùng đồng đội san lấp hố bom đảm bảo giao thông thông suốt để bộ đội kịp vận chuyển vũ khí, lương thực vào miền Nam. Chị cũng có mặt ở trọng điểm Truông Bồn…, Nghệ An. Đến 1974 chị chuyển về Hưng Nguyên, phục vụ tù binh từ Côn Đảo trở về. Sau năm 1975 trở về quê hương Nghệ An chị học lớp quản lý giáo dục rồi ra làm quản lý thư viện tại quê nhà.

Lấy chồng, những hạnh phúc yên ấm, ngập tràn; nào ngờ thời gian trong chiến tranh đã cướp đi hạnh phúc làm mẹ. Sau 10 năm chung sống anh chị buộc lòng phải chia tay, chị vào Nam lập nghiệp, bắt đầu một cuộc sống mới. Bến đậu của chị là xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Chị đi bước nữa với người chồng đã có 5 con nhưng vợ chết. Không có con chung nhưng chị hết mực thương yêu con chồng và chúng cũng coi chị như mẹ ruột.

Năm 2013 sau khi nghỉ hưu, bắt đầu bằng số vốn trên 100 triệu, gia đình sẵn có đất nông nghiệp, chị mạnh dạn đào ao rộng 1.000m2 để nuôi cá ba sa thương phẩm, đầu tư chuồng trại 100.000m2 nuôi lợn thịt. Lúc đầu cũng trải qua muôn vàn khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi và thời tiết, dịch bệnh nên hiệu quả không được như mong muốn. Từ năm 2015 đến nay nhờ tham gia các lớp khuyến nông, chị áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến, nên hiệu quả mang lại rất khả quan, doanh thu hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng hơn 200 triệu đồng.

Từ ngôi nhà 30m2 sập xệ nay anh chị đã xây được biệt thự trên 100m2 trị giá trên 2 tỷ đồng.

Chủ tịch Thành hội Cần Thơ Trần Quốc Phẩm thăm và làm việc với chị Trần Thị Tý tại nhà chị

Từ khi gia đình làm ăn có lãi, bản thân đã từng công tác trong ngành giáo dục nên chị đã thường ủng hộ cho trường học tại địa phương như: Khi tặng 10 bộ bàn ghế, khi thì 15 ghế đá, trên 200 cuốn tập; hoặc làm đường trong ấp ủng hộ chục bao xi măng … mà không nhớ hết với tổng trị giá trên 10 triệu đồng.  Đối với công tác Hội của huyện, tổ chức sinh hoạt đúng kỳ hạn, thăm hỏi giúp đỡ hội viên khi gặp khó khăn. Hàng năm tổng kết chị đều lo chi phí toàn bộ, nên luôn được địa phương và hội viên quý mến. Chị đã tham mưu cho Thành hội hỗ trợ cho 2 hội viên nhận sổ tiết kiệm, mỗi sổ 4 triệu đồng; xây một căn nhà tình nghĩa 60 triệu đồng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài nhiệm vụ Trưởng liên lạc TNXP huyện chị còn tham gia Hội Phụ nữ huyện, Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Trong chiến tranh chị nhận được giấy khen của E961, tư khi tham gia công tác Hội năm nào chị cũng được Thành hội khen thưởng.

Chị tâm sự với chúng tôi: Các con tôi thường nói mẹ vất vả lo cho chúng con nhiều rồi, giờ mẹ tham gia công tác Hội cho vui và có cơ hội và có cơ hội giúp đỡ đồng đội, giao lưu với xã hội./.

Trần Thị Hiến

Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Cần Thơ