Một Chủ tịch Hội tận tâm với công việc và làm kinh tế giỏi

Đăng lúc: 12-12-2017 10:47 Chiều - Đã xem: 155 lượt xem In bài viết

 

   Ngoài công việc của Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Long Hà, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, ông Hoàng Văn Qúy còn là một nông dân làm vườn và chăn nuôi giỏi. Với ông, tích cực làm kinh tế khá lên để còn giúp đỡ nhiều cho những hội viên nghèo…

Ông Qúy tại vườn điều

    Mới đây, tôi được ông Đỗ Văn Các, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Phú Riềng cho biết ông Hoàng Văn Qúy là một trong những cựu TNXP làm kinh tế giỏi và thường giúp đỡ đồng đội. Lần đầu gặp ông Qúy, nhìn người ông gầy, tôi khó hình dung hết những khối lượng công việc mà bản thân ông đang gánh vác. Ngoài công việc của Hội, ông Qúy còn chăm sóc rẫy điều tuổi thọ 15 năm và chăn nuôi thêm gà vịt…

    Để tận mắt nhìn thấy cái cơ ngơi “tiền tỷ” của người cựu TNXP này, tôi theo ông Qúy vào rẫy, quãng đường xa khoảng 5 km. Quan sát rẫy điều 3 héc ta trên một vùng đồi tương đối bằng phẳng. Ông Qúy xây thêm căn nhà tại vườn để tiện việc ăn nghỉ chăm sóc, thu hoạch và chăn nuôi gia súc.“Đang mùa mưa nên điều chưa rụng lá. Gần Tết anh lên vườn điều xem lá rụng hàng loạt, nhú chồi non mởn trong rất thích mắt. Cảm giác xuân đến rất rõ anh ạ. Khác với ở ngoài Bắc, trong này mùa xuân điểm rõ ở cao su và điều thay lá cùng hoa mai nhú nụ nở hoa vàng rực…”. Cựu TNXP Hoàng Văn Qúy tươi cười nói. Tôi hỏi ông “Thế thu nhập mỗi năm từ vườn điều và chăn nuôi gia súc khoảng bao nhiêu?”. “Trên 200 triệu đồng anh ạ, đã trừ ra các khoản chi phí…”, ông Qúy cho biết. Nói rồi, ông vào nhà bê thau bắp hạt bốc tung đều ra sân, hàng chục con gà, vịt, ngan, ngỗng chạy lại ăn. “Còn lại gà vịt rất nhiều không vào, chúng đang ăn mối, các loại côn trùng ở ngoài vườn…”, ông Qúy nói.

Ông Qúy đang cho gà vịt ăn

   Tìm kiếm đồng đội…

   Xã Long Hà có 14 thôn, địa bàn rộng, một số dân làm nhà ở ngay tại rẫy cao su hoặc điều. Những ngày đầu đi tìm kiếm, vận động số cựu TNXP vào sinh hoạt tổ chức Hội; ông Qúy được lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Long Hà giao trách nhiệm đó. Vòng qua 14 thôn cũng mất hết cả ngày trời, chưa kể phải ngồi chờ người mình cần tìm đi làm gì hay đang bận công việc khác. Mặc dầu vậy, ông Qúy vẫn không nản chí, nhẫn chịu chờ đợi, hễ tìm được một người là TNXP thực thụ là ông mừng khôn xiết. Qua tìm hiểu chuyện trò, quá khứ như tái hiện lại một thời đồng đội bên nhau dưới làn bom đạn địch. Dù người đó tham gia ở đâu, thuộc địa bàn nào, nam hay nữ đều đã trở về qua mấy lần cái chết kề bên. Sinh Bắc tử Nam, đồng đội ông nhiều người nằm lại dọc đường 9 Nam Lào, Hướng Hóa Khe Sanh, A lưới, Quảng Nam, đại ngàn Trường Sơn… Thì cái quý, cái vinh và sự ngậm ngùi thiêng liêng còn lại là thắt chặt nhau, gắn bó giúp đỡ nhau quãng đời còn lại, âu cũng là một việc làm tri ân cho những người đã ngã xuống hôm qua.

    Qua quá trình rong ruổi tìm kiếm được 30 cựu TNXP. Được Phòng nội vụ, lãnh đạo Hội Cựu TNXP huyện Phú Riềng, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Long Hà thuận chủ trương cho thành lập. Đến tháng 5 – 2017, Hội Cựu TNXP xã Long Hà được thành lập với 31 thành viên, ông Hoàng Văn Qúy được đại hội bầu làm chủ tịch. Từ đó, trách nhiệm công việc ông càng nặng nề hơn: Việc lo thứ nhất về chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với cựu TNXP, trong đó có bảo hiểm y tế; thứ hai về đời sống kinh tế của từng gia đình hội viên; rà soát số hộ nghèo, khó khăn trong Hội để tìm giải pháp hỗ trợ giúp đỡ; nhân rộng mô hình “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi”; mô hình “Chăm sóc vườn điều kinh tế”; mô hình “Chăn nuôi hiệu quả”. Mỗi mô hình được tập thể Hội hỗ trợ bước đầu 15 triệu đồng và hoàn lại sau thu hoạch vụ.

Ngoài ra, Hội còn phát động phong trào hỗ trợ giúp nhau tiền, cây, con giống. Phong trào tiết kiệm trong hội viên hướng tới việc làm nhân đạo, như hủ gạo tình thương, nuôi heo cho người nghèo; đóng góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai bão lũ. Đặc biệt tăng thêm tiền gây quỹ hàng năm để thăm hỏi hội viên ốm đau, tặng quà ngày lễ, tết, hỗ trợ giúp đỡ hội viên nghèo, cho vay lãi suất thấp hộ còn khó khăn để phát triển kinh tế.

Một hội viên nghèo thường được ông Qúy lui tới chăm sóc giúp đỡ

   Còn mãi những kỷ niệm khó quên…

   Từ thôn Cổ Hiền, xã Tiên Nghĩa, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, ông Qúy đi TNXP đầu năm 1972, thuộc đơn vị 303 hoạt động ở tỉnh Quãng Đà (cũ). Kỷ niệm ông nhớ nhất là vào đầu năm 1974, ông cùng đồng đội đang san lấp đường thì máy bay Mỹ bay đến bỏ bom. Ông cùng ba người chui vào một hầm, một quả bom nổ gần, hầm sập, đồng đội đến cứu, rất may không có người nào hy sinh, mà chỉ bị xây xát trên người. Ngược lại thời gian trước, vào năm 1973 ông bị một trận sốt rét đáng nhớ. Vậy mà ông vẫn chưa chịu đi viện và nằng nặc xin chỉ huy cho ra hiện trường làm cùng đơn vị. Mấy ngày sau thấy sức khỏe ông kém hơn, chỉ huy đơn vị buộc đưa ông đi bệnh viện. Vừa dứt sốt, ông lại xin được về đơn vị tiếp tục làm việc. Chiến tranh kết thúc, ông về quê và mãi đến năm 1999, ông cùng cả gia đình vào Bình Phước lập nghiệp, làm kinh tế. Mặc dầu mới được thành lập Hội cơ sở cách đây chưa được 8 tháng, nhưng cựu TNXP Hoàng Văn Qúy đã phấn đấu đưa tập thể Hội Cựu TNXP xã Long Hà sánh tầm cùng các Hội bạn trong huyện. Vừa qua, tại hội nghị sơ kết 5 năm “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế giỏi”, ông Qúy cũng đã được Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh tuyên dương.

Cái hạnh phúc, cao quý nhất của ông là Nghĩa tình đồng đội – với những việc làm giúp đỡ rất cần thiết cho hội viên mình.                                             

                                                       DUY HIẾN