Một cựu TNXP sâu nặng nghĩa tình đồng đội

Đăng lúc: 18-06-2024 9:30 Sáng - Đã xem: 776 lượt xem In bài viết

Có một cựu TNXP luôn tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm chăm lo công tác nghĩa tình đồng đội suốt gần 30 năm qua. Đó là anh Hoàng Mạnh Hùng (ảnh dưới) ngụ tại 385, Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa.

Chiếc xe đưa chúng tôi về thăm chiến trường xưa của của Đội TNXP N237, Ban xây dựng 67 chạy bon bon trên cao tốc Bắc Nam từ thành phố Thanh Hóa qua Nghi Sơn rồi rẽ sang đường 1A theo lộ trình. Những địa danh quen thuộc cứ lần lượt lùi lại phía sau. Thành phố Vinh, qua Bến Thủy sông Lam vào đất Hà Tĩnh. Qua hầm đèo Ngang điểm dừng chân đầu tiên vào viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên giáp tại Vũng Chùa – Đảo Yến. Vào dịp này, chuẩn bị kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nên du khách về đây nối dài từng đoàn. Đứng trước ngôi mộ được phủ kín những vòng hoa, mỗi người thắp nén hương, bồi hồi tưởng nhớ vị tướng đã có công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. 

Tiếp tục hành trình từ sông Gianh vào đường 16, Đông Trường Sơn, anh Hoàng Mạnh Hùng kể lại tôi nghe những ký ức của một thời tuổi trẻ đã đi qua: Tháng 4 năm 1969 đang học lớp 10 trường cấp III Lam Sơn, anh và một số bạn bè được xét đặc cách tốt nghiệp để vào TNXP và được bổ sung vào C2371- N237 thuộc Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 đảm bảo giao thông trên tuyến đường 16A. Tuyến đường đơn vị phụ trách dài gần 90 km từ ngã ba Thạch Bàn (huyện Lệ Thủy) qua làng Ho, dốc Khỉ, ngã ba Dân Chủ, Chà Lỳ, Sê Păng Hiêng (Hướng Hóa Quảng Trị). Thời kỳ này trên đất Quảng Bình máy bay Mỹ đã ngừng đánh phá, song trên đất Quảng Trị vẫn thuộc vùng chiến sự. Tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ quay lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai, trên tuyến đường này bom đạn vô cùng ác liệt. Là tiểu đội trưởng, phó bí thư chi đoàn, ngoài nhiệm vụ bám mặt đường đảm bảo giao thông, anh còn trong Ban chuyên trách dạy bổ túc văn hóa cho đơn vị. Các lớp học thường vào ngày nghỉ, hoặc mùa mưa số lượng xe ra vào ít, mức độ đánh phá của địch cũng bớt dữ dội hơn.

Đoàn vào thắp hương viếng 34 liệt sỹ TNXP N237 tại nhà bia ngả ba Dân Chủ (ảnh trên),  anh Hùng xúc động kể lại câu chuyện xây dựng nhà bia. Năm 2011 anh được giao phụ trách xây dựng nhà bia bằng 100.000.000đ hỗ trợ của UBND tỉnh Thanh Hóa và vận động ủng hộ của các cựu TNXP, địa phương nơi xây dựng bia. Anh lo liệu từ khảo sát địa điểm, bản vẽ thiết kế, vận chuyển vật liệu, tổ chức thi công… Thời điểm thi công nắng nóng như thiêu đốt, thiếu nước trộn hồ, phải gùi vật liệu lên dốc cao v.v… Song với quyết tâm cao, vì nghĩa tình đồng đội và sự giúp đỡ của địa phương nên mọi người đều cố gắng “vượt nắng, thắng mưa” hoàn thành công trình. Hôm nay trở lại, nhìn những khóm hoa, cây xanh được mang từ Thanh Hóa vào trồng và được các chiến sỹ đồn biên phòng chăm sóc xanh tốt, tạo nên không gian đẹp làm yên lòng mọi người. 

Tôi hỏi thêm anh Hùng: 34 liệt sỹ có tên khắc trên bia hiện nay mai táng ở đâu? 

Sau năm 1973, hài cốt các TNXP hi sinh đã được quy tập tại Nghĩa trang liệt sỹ TNXP xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Anh Hùng trả lời.

Anh kể: vào dịp kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh Liệt sỹ năm 2011, anh cùng đồng đội N237 tổ chức đưa hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Trọng Đại từ Nghĩa trang liệt sỹ Vạn Ninh về mai táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng quê nhà. Hôm tiếp nhận hài cốt đại diện cấp ủy, chính quyền, MTTQ và bà con khu phố Tân Hà, phường Nam Ngạn, thân nhân liệt sỹ cùng Ban liên lạc cựu TNXP N237 Thanh Hóa tổ chức trọng thể. Nhiều đồng đội đã ứa lệ.

Anh Hùng (thứ 3 từ trái sang) cùng đồng đội chúp ảnh lưu niệm với đồng chí Lê Ngọc Hoàn (người đeo cà vạt), nguyên Bộ trường Giao thông vận tải, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Xây dựng 67.

Cũng vào dịp xây dựng Nhà bia tưởng niệm, anh Hoàng Mạnh Hùng đã hoàn thành một công việc “đặc biệt”: tìm hiểu, xác minh “Giọt máu Trường Sơn”của nữ TNXP tên là Mai (quê Thái Bình). Chị Mai đã gửi lại đứa con cho người dân Vân Kiều, xã Hướng Lập nuôi nấng. Chuyện này được đăng trên báo Tiền Phong. Qua nhiều lần hỏi thăm ở đồn biên phòng Cù Bai và lãnh đạo xã Hướng Lập, anh đã tìm ra cháu Hồ Trường Sơn, con chị Mai đang sống tại bản Sê Pu, cách đường Hồ Chí Minh nhánh Tây hơn 3 km đường rừng. Cùng với một chiến sỹ biên phòng trên chiếc xe máy, anh đến thăm vợ chồng Hồ Trường Sơn và Hồ Thị Hương đang sinh sống cùng 4 đứa con trong căn nhà sàn đơn sơ. Bằng sự chắp nối công phu, anh đã Ban liên lạc N237 Thanh Hóa bố trí đưa vợ chồng Sơn Hương ra Thái Bình gặp mẹ Mai. Nhưng phép màu không xảy ra. Trong buổi gặp mặt thân tình,  Chủ tịch Hội TNXP Hoàng Công Ánh và Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Thái Bình Vũ Hồng Thái cho biết Mai đã hy sinh năm 1972. Vậy là các cháu không được gặp mẹ, một nỗi buồn u uất đi theo các cháu khi trở lại Hướng Lập.

Đến thăm di tích nhà tù Lao Bảo, cứ điểm Làng Vây, anh Hùng kể lại những tháng ngày vượt qua mưa bom, bão đạn, vận tải hàng phục vụ chiến dịch đường 9 – Nam Lào vào mùa xuân năm 1971. Có những ngày phải vượt quãng đường hai chục cây số, qua sông Sê Băng Hiêng, đưa vũ khí, đạn được vào trận địa cho bộ đội, nhiều người nằm lại với Trường Sơn.

Trong những năm qua, cứ vào dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, anh đều tổ chức để các cựu TNXP, cựu chiến binh vào thăm lại chiến trường xưa. Mỗi chuyến đi đến những địa điểm mà một thời tuổi thanh xuân đã cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Quảng Bình, Quảng Trị, các anh đều tặng sách vở cho trường học, quần áo cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị. Nghe anh trao đổi kế hoạch vào thăm tặng sách vở cho đồn biên phòng Cù Bai vào dịp 27/7/2024, tôi hứa sẽ ủng hộ số sách văn học để phục vụ các sỹ biên phòng, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc.

*

Năm 1973, anh chuyển ngành về công tác tại Công ty Bách hóa Thanh Hóa. Tháng 4 năm 1976 thi vào Đại học Xây dựng Hà Nội; đang học dở thì xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, anh nhập ngũ vào Trung đoàn 816 thuộc đặc khu Quảng Ninh. Năm 1982 xuất ngũ anh về tiếp tục công tác tại cơ quan cũ và học tiếp Đại học Xây dựng (tại chức). Năm 1992 về nghỉ chế độ mới trên 40 tuổi nên được địa phương bố trí công tác, là đại biểu HĐND phường, tham gia Hội Cựu chiến binh, Trưởng ban đại diện Cựu TNXP phường Nam Ngạn, rồi tham gia Ban đại diện Cựu TNXP thành phố. Hơn 10 năm (2000 – 2011) anh công tác tại Công ty CP đầu tư phát triển việc làm Trường Sơn, Thanh Hóa, đơn vị đã liên kết đào tạo, giới thiệu việc làm cho hàng trăm người là con em của cựu TNXP. Ở lĩnh vực nào anh cũng tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm, hiệu quả cao và luôn được đồng đội tin yêu giúp đỡ. Tại Đại hội Hội Trường Sơn thành phố Thanh Hóa nhiệm kỳ 2024- 2029, anh tiếp tục được bầu làm Phó chủ tịch Hội.

Đã ở tuổi ngoài 70 nhưng anh vẫn phong độ, khỏe mạnh, chả mấy khi ngồi yên một chỗ. Những lần đi thăm chiến trường xưa anh vẫn nhiệt tình, hồ hởi, xông xáo chăm lo chu đáo cho chuyến đi…. anh thấy lòng mình nhẹ nhõm vì đã làm được những việc nghĩa tình với đồng đội. Nhân ngày truyền thống 55 năm Đội TNXP N237 (14/4/2024), anh mời tôi[1] dự lễ kỷ niệm tại hội trường 25B của tỉnh; trong niềm vui xúc động dâng trào của hàng trăm cựu TNXP từ khắp các vùng miền về tụ họp, ai cũng thấy như mình được trẻ lại, nhớ đến những năm tháng gian lao, ác liệt « xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ». Những lời ca, tiếng hát, điệu múa của chính những TNXP nay tóc đã bạc mà giọng vẫn cất cao, âm vang, hào sảng như ngày nào trên đường Trường Sơn. Ngồi phía dưới quan sát theo dõi suốt buổi, tôi thoáng nghĩ phải là người vừa có tâm, có tầm mới tổ chức thành công lễ kỷ niệm hoành tráng như vậy.

 Tháng 5/ 2024

 Lê Trung Khiên 

 Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

 


[1] Tôi và anh Hùng biết nhau từ ngày Đại hội thành lập Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn năm 2017. Sau Đại hội vừa hoạt động trong lĩnh vực VHNT, vừa là cộng tác viên của Báo điện tử và Bản tin của Trung ương Hội Trường Sơn gần 10 năm qua.