Một gia đình cựu TNXP Bình Phước làm kinh tế giỏi

Đăng lúc: 31-05-2018 2:35 Chiều - Đã xem: 118 lượt xem In bài viết

Cựu TNXP Hoàng Thị Dậu (ảnh dưới), sinh năm 1948 tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, hiện cư ngụ thôn Phú Nguyên, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.

Bà Dậu đi TNXP năm 1965, khi mới 17 tuổi, thuộc đơn vị C475 N47 P37, đến năm 1969 bà về quê. Bà Dậu cho biết, thời gian đầu vào làm ở xưởng đóng tàu thuyền chuyên chở hàng hóa phục vụ trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Nằm trên địa bàn gần bộ đội pháo cao xạ trực chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng, nên đơn vị bà Dậu vẫn phải đảm trách thêm việc san lấp hố bom, sửa đường, tiếp đạn, tải thương bộ đội khi máy bay Mỹ đến ném bom. Sau đó, bà Dậu và một số TNXP được điều vào tỉnh Quảng Bình phục vụ trên Đường 20 Quyết Thắng.

Tuổi xuân của bà đã cống hiến cho công cuộc kháng chiến vì hòa bình thống nhất đất nước. Những năm tháng ác liệt tại cầu Hàm Rồng, Đường 20 Quyết Thắng, phà Xuân Sơn, đèo Đá Đẽo… Máu, mồ hôi, nước mắt của TNXP, bộ đội đổ xuống hòa trong ngút ngàn lửa khói, hơi bom, róc ket, tên lửa của địch. Nhiều đồng đội ngã xuống vĩnh viễn vì bom pháo địch. Khi hỏi về sự hy sinh của đồng đội mình, bà Dậu chỉ ngồi lặng, trong ánh của bà ẩn chứa bao nỗi buồn sâu thẳm. Một phần bà bị sức ép bom Mỹ ném xuống khi đang cùng đồng đội sửa cấp tốc một khúc đường vừa bị bom dội xuống băm nát. Có TNXP nào trong những năm chiến tranh chống Mỹ khốc liệt mà không qua nỗi đau, mất mát. Và giữ được vẹn nguyên thân thể mình khi trở về với quê hương xóm mạc? Người may mắn lắm cũng bị sức ép lồng ngực, ù tai, long đầu vì bom địch nổ gần. Chưa nói đến những cơn sốt rét rừng, sốt ác tính, rồi những bữa ăn thiếu cơm, thiếu muối… Nữ TNXP Hoàng Thị Dậu là một trong hàng ngàn nữ TNXP cả nước mang sức trẻ phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Truyền thống gia đình và ý chí làm giàu trên miền quê mới

Vào Bình Phước, bà Dậu và các con tập trung làm kinh tế. Sau những năm vượt khó lao động canh tác vườn, bà Dậu đã chuyển đổi qua trồng cây cao su. Hiện nay, gia đình bà đã có 6 ha cao su cho thu nhập nhiều năm nay. Không chỉ thế, bà còn mở 2 xưởng gỗ và giao cho 2 người con trái đứng tên. Trong đó cậu con trai út là Nguyễn Huy Biên chịu trách nhiệm quản lý xưởng lớn hơn, lấy tên “Công ty TNHH MTV Hải Biên” đóng tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú (Bình Phước). Công ty chuyên thu mua cây cao su thanh lý, gốc cây cao su, cưa xẻ thành phẩm nhập về TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đóng bàn ghế học sinh, nhà trường, văn phòng… Với chi phí đầu tư cho mỗi xưởng con trai bà làm là 17 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Hải Biên (tổng số vốn đầu tư đều của gia đình bà Dậu) đã tạo việc làm có thu nhập ổn định thường xuyên cho 60 lao động.

Bà Dậu thăm một trong hai xưởng gỗ

Theo anh Biên và vợ anh là Võ Thị Hạnh, lương công nhân thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng, nếu 2 vợ chồng cùng làm tiền lương sẽ nhân đôi. Đó là những công nhân phụ, còn số công nhân được cho là “thợ chính” như chuyên vào ở vị trí dây chuyền quan trọng của xưởng, thì có số tiền lương cao hơn gần gấp hai, có 2 vợ chồng đạt gần 30 triệu đồng mỗi tháng. Tất cả đều nhịp nhàng ăn ý trong dây chuyền sản xuất. Tuy vậy, thời gian lao động của công nhân vẫn trong phạm vi quy định 8 tiếng. Điều đáng nói, chiều cuối tuần, chị Hạnh không tổ chức cho công nhân nhậu mà tổ chức cho uống nước ngọt, ăn bánh kẹo, tránh ăn  nhậu quá, sinh ra quá khích, xung đột. Số tiền để dành này anh chị để dành tặng công nhân vào các ngày nghỉ lễ hoặc Tết Nguyên đán.

   Được giáo dục và truyền thụ từ người mẹ trong việc coi trọng sức khỏe và sản phẩm lao động của công nhân, nên chỗ ăn ở của họ được xây dựng chu đáo, sạch sẽ. Gần phòng làm việc của công ty là một dãy phòng ở dành cho công nhân. Mỗi phòng đều có nơi vệ sinh, tắm rửa sinh hoạt riêng. Dãy phòng cho công nhân ở lại, được xây dựng trên phần đất cao ráo thoáng mát, được lát gạch men từ trong ra ngoài hành lang.

   Bước vào tuổi 70, dù đã giao quyền cho 2 con trai quản lý, kinh doanh 2 xưởng gỗ, nhưng bà Dậu vẫn là “chỉ huy” cao nhất. Bà thường xuyên xuống kiểm tra xem tình hình các con làm ăn, cách đối xử với công nhân; tìm hiểu những tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của họ để “chỉ đạo” con giúp đỡ. Các con bà đều hiền lành có uy tín với công nhân lao động và luôn đóng góp đầy đủ cho địa phương nơi đứng chân của công ty.

   Bà Hoàng Thị Dậu đã được tặng kỷ niệm chương và bằng khen của Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam.

                                                      DUY HIẾN