Một gia đình cựu thanh niên xung phong hiếu học

Đăng lúc: 15-05-2018 9:29 Sáng - Đã xem: 136 lượt xem In bài viết

“Út cưng” của đơn vị và những năm tháng không quên

  Chưa đến 16 tuổi, Nguyễn Thị Hoàng Oanh, quê huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây[i] đã tình nguyện vào đoàn TNXP đi xây dựng kinh tế mới ở phía Nam. Đó là lực lượng TNXP đặc biệt khắc phục hậu quả chiến tranh, chịu mưa nắng khắc nghiệt của vùng đất “Sáu tháng mùa mưa thác lũ/ Sáu tháng mùa khô tre nổ rừng già…”. Các cô gái, chàng trai tuổi 18, 19 sinh ra lớn lên trên vùng đồng bằng, thành thị lần đầu sống chung cùng vắt, muỗi và những cơn sốt rét rừng ác nghiệt của thượng nguồn Sông Bé. “Anh ạ, đơn vị chỉ mình em là nhỏ tuổi nhất, nên các anh chị trong đơn vị rất cưng chiều. Lãnh đạo cho em ở lại lán phục vụ hậu cần lo cơm nước cho đơn vị. Nhỏ được ưu tiên nhưng em rất muốn ra hiện trường tham gia công việc lớn hơn. Rồi em cũng được đi phát rẫy, khai hoang, làm lán trại, làm nhà dân, trường học, trạm xá kịp đón dân vào vùng kinh tế mới”, Oanh mỉm cười bộc bạch với tôi như vậy.

Chị Oanh của những ngày đầu đi TNXP

 Ba xã: Bù Nho, Long Bình và Long Hà, thuộc huyện Phú Riềng ngày nay mà thời đó còn là hợp tác xã kinh tế mới hợp nhất. Đó là điểm đến đầu tiên của những đoàn viên thanh niên mang hoài bão cống hiến dựng xây đất nước. Tư tưởng, việc làm hành động của các anh chị thật cao cả, thiết thực và cũng rất bình dị. Từ những vùng rừng hoang hóa, âm u đã trở thành vùng kinh tế mới đầy sức sống, với nhiều khu dân cư, trang trại vườn cây công nghiệp, cây ăn trái, cây hoa màu, lương thực. Có được thành quả ấy, người dân thường nhắc đến những TNXP sau ngày đất nước hòa bình. Đó là đội ngũ thanh niên xung kích chịu đói rét, gian nan thiếu thốn mọi bề; nhiều bữa phải ăn độn thêm hoa chuối, măng tre rừng… Có người nằm lại trên mảnh đất “khai sinh” vùng kinh tế mới vì bom đạn địch còn sót lại.

Sau 3 năm tham gia lực lượng TNXP tiền trạm (1976 – 1979), Nguyễn Thị Hoàng Oanh đi học Trường trung cấp Tài chính – Kế toán. Ra trường, chị về công tác ở Ban Tài chính – Giá cả huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé[ii]. Năm 1989, chị Oanh chuyển qua Phòng Giáo dục huyện Phước Long và được đi học tiếp Trường đại học Sư phạm Huế. Học xong khóa 4 năm sư phạm chuyên ngành sử, chị trở về đơn vị cũ công tác và làm cán bộ tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng tỉnh Sông Bé cũ. Năm 2005, chị Oanh chuyển công tác ra trường cấp 3 Phước Bình và vẫn làm công tác tuyển sinh. Chị đã có một bằng đại học và 1 bằng trung cấp tài chính kế toán.

Chồng và 3 con chị Oanh cũng đã qua chương trình đại học, trong đó 2 cháu gái lớn là thạc sỹ loại ưu hiện công tác tại tỉnh Bình Phước. Cháu trai út tốt nghiệp Trường đại học Luật và hiện công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là niềm hạnh phúc nhất của cựu TNXP Nguyễn Thị Hoàng Oanh và chồng là Hoàng Đình Hồi, cựu chiến binh từng tham gia chống Mĩ, cứu nước. Họ trưởng thành trong chiến đấu và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, tiếp bước truyền thống cách mạng và hiếu học của anh chị là những đứa con yêu quý.

Hiến máu nhân đạo và tham gia hoạt động từ thiện.

 Trời phú cho cựu TNXP Nguyễn Thị Hoàng Oanh một vóc người cân đối và có sức khỏe ổn định. Nên chị thường tham gia hiến máu nhân đạo, cứu người. Hiện chị Oanh là tình nguyện viên hiến máu đột xuất của đơn vị Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM). Chị cũng không nhớ mình đã hiến máu bao nhiều đợt; chúng tôi thấy chị lấy ra một xấp phiếu đã đăng ký qua mỗi lần hiến máu. “Không phải máu ai cũng hiến được, các y bác sỹ cũng phải kiểm tra xét nghiệm trước. Đối với nhóm máu của Oanh đặc biệt tốt…”. Chồng chị Oanh ngồi bên chỉ tay vào một tấm phiếu có kích thước nhỏ hơn ghi các ký hiệu ở trên đó, giải thích.

Cựu TNXP Nguyễn Thị Hoàng Oanh

 Ngoài hiến máu nhân đạo hàng năm, chị Oanh còn tham gia vào bếp cơm từ thiện giúp bệnh nhân nghèo, khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Phước Long. Hàng năm, vào dịp tết cổ truyền hay các ngày lễ lớn, chị Oanh cùng Ban chấp hành Hội cựu TNXP thị xã Phước Long và Hội cựu TNXP phường Long Thủy nơi chị cư ngụ và sinh hoạt, tổ chức gói bánh chưng, kết hợp tặng quà cho bà con nghèo, khó khăn trên địa bàn phường và thị xã nói chung.

Những cống hiến của chị đã được ngành giáo dục tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Công đoàn. Nguyễn Thị Hoàng Oanh là một hội viên cựu TNXP tiêu biểu trong sự nghiệp trồng người – làm theo lời Bác và hoạt động Công đoàn. Chị đã cống hiến hết mình trong những năm tham gia TNXP xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chớm tuổi 16, khác với nhiều người bạn cùng trang lứa, Oanh chọn con đường theo tiếng gọi của Đảng – TNXP tiền trạm – lực lượng nòng cốt để xây dựng cơ sở, vật chất, “hạ tầng” cho dân đi kinh tế mới. Ngày nay, tuổi đã gần lục tuần, chị Oanh vẫn tiếp tục “đóng góp” máu mình cho việc cứu người là trên hết.

Vợ chồng chị Oanh – anh Hồi

 Chồng chị, Hoàng Đình Hồi cán bộ hưu trí 45 năm tuổi Đảng. Anh là bộ đội hậu cần tham gia kháng chiến chống Mĩ và đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng nhất; Huy chương Kháng chiến hạng nhất; Huân chương Lao động, Huân chương Vì sự nghiệp miền núi; Huy chương Vì sự nghiệp tài chính Việt Nam và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

 DUY HIẾN

[i] Hà Tây là một tỉnh cũ, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, đã từng tồn tại trong hai giai đoạn: 1965-1975 và 1991-2008. Tỉnh nằm bên bờ phải (bờ Nam) sông Hồng và bờ trái (bờ Đông) sông Đà. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hà Đông nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội cũ 10 km về phía tây nam, cách sân bay quốc tế Nội Bài 35 km. Trước tháng 8 năm 2008, Hà Tây có địa giới phía đông giáp thủ đô Hà Nội cũ, phía đông-nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía nam giáp tỉnh Hà Nam, phía tây giáp tỉnh Hòa Bình, phía bắc giáp hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, toàn bộ địa giới của Hà Tây được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, và không còn tồn tại nữa.[1

[ii] Sông Bé đã từng là một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ có địa giới bao gồm hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay; được thành lập năm 1976 sau khi Việt Nam thống nhất trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long tồn tại trước đó, trong trào lưu hợp nhất tỉnh diễn ra khắp cả nước. Ngày 1 tháng 1 năm 1997, tỉnh này tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay; trong đó Bình Dương có địa giới giống tỉnh Bình Dương cũ, còn Bình Phước có địa giới bao gồm Bình Long và Phước Long cũ