Một mô hình VAC thành công của cựu thanh niên xung phong Thủ đô

Đăng lúc: 08-03-2019 10:46 Sáng - Đã xem: 142 lượt xem In bài viết

 

Hưởng ứng quy chế thử nghiệm “Xây dựng cụm gia đình cựu TNXP làm kinh tế giỏi” của Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP huyện Thanh Trì, ông Bùi Xuân Ứng (ảnh dưới, áo đen) một cựu TNXP ở xã Thamh Liệt đã suy ngẫm nhiều năm liền, tìm cách làm kinh tế trong cơ chế thị trường, khi mà đang còn khả năng lao động, và tận dụng sức lao động và trí tuệ của các con. Sau khi trao đổi với gia đình, BCH Huyện hội , ông đã thuê 18.000 m2 đất ở xã Đại Áng, huyện Thanh Trì với giá 60 triệu đồng/năm; lập trang trại sản xuất theo mô hình VAC[i], VietGap[ii]. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo huyện, đặc biệt là Bí thư huyện ủy huyện Thanh Trì Trần Văn Khương, việc cấp giấy CNQSDĐ, xác định thời hạn cho thuê đất và trả phí thuê hàng năm cho 40 hộ dân có đất…hoàn toàn suôn sẻ.

Ban đầu, ông đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, xưởng sản xuất thức ăn, cải tạo ao nuôi cá, mua giống lợn, cây trồng và các cơ sở vật chất kỷ thuật khác, tạo ra một bộ mặt hoàn toàn mới nơi vùng đất mà trước đó còn gần như hoang vu.

Sau hơn 3 năm xây dựng và khai thác, theo con rể ông Ứng là Phạm Trung Hiếu cho biết thì năm đầu gần như bị lỗ. Nhưng là cử nhân kinh tế nông nghiệp, có gần 20 năm làm chăn nuôi, gắn với kỹ thuật sản xuất thức ăn gia súc, được tiếp sức, động viên của bố vợ nên Hiếu không nao núng, vẫn quyết tâm bám đuổi đến cùng. Sau đó không lâu thì đã có lãi. Hy vọng những năm tiếp theo sẽ có thu hoạch lớn hơn, duy trì và phát triển sản xuất với quy mô lớn hơn. Công suất của xưởng chế biến thức ăn hoạt động tối đa, để đủ nuôi 1.500 con lợn một năm, 3 ha mặt ao nuôi cá và xuất bán cho các cơ sở chăn nuôi khác trong huyện. Nguyên liệu để sản xuất thức ăn là loại nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn nên sản phẩm thịt rất được thị trường ưa chuộng.

Hôm Huyện hội Thanh trì tổ chức hội nghị đầu bờ (ảnh trên) có lãnh đạo Thành hội và một số lãnh đạo các cụm kinh tế khác về dự, tôi thật sự ngỡ ngàng về một trang trại VAC với kỷ thuật VietGap có quy mô lớn. Đứng bên này bờ ao nhìn sang phía bên kia bờ là một rặng cây cao xanh mướt, dưới tán là những gốc bưởi giống Đoan Hùng trĩu quả. Mặt nước ao gợn sóng, những đàn cá to, nhỏ nhả tăm lững lờ.

Vào đến chuồng nuôi lợn là những con lợn nặng xấp xỉ 100kg/con, sắp xuất chuồng ((ảnh trên). Bên cạnh đã ghé sẵn những ô chuồng nuôi lợn giống. Ai cũng trầm trồ và hy vọng một mùa bội thu cho bố con ông Ứng. Chỉ riêng lợn sạch hàng năm nơi đây đã xuất ra thị trường Hà Nội trên 24 tấn; cá các loại 20 tấn… góp phần không nhỏ cho an toàn thực phẩm của nhân dân Thủ đô. Kết quả này tô thắm thêm lá cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố Hà Nội tặng Hội Cựu TNXP huyện Thanh Trì năm 2018.

Xuân Đường

BTV Hội Cựu TNXP huyện Thanh Trì


[i] VAC là hệ thống sản xuất nông nghiệp tổng hợp bao gồm Vườn (sản xuất trồng trọt), Ao (nuôi trồng thủy sản) và Chuồng (chăn nuôi gia súc gia cầm); là kiểu sản xuất phổ biến của nhiều cộng đồng nông thôn Việt Nam, là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp; là mô hình kinh tế sinh thái nông nghiệp bền vững, có chức năng chính là cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu cho nhu cầu thực phẩm của con người và tạo một nguồn thu nhập nhất định.

[ii] VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam; bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.