Một nữ thanh niên xung phong ngày ấy, bây giờ

Đăng lúc: 13-06-2019 10:58 Sáng - Đã xem: 184 lượt xem In bài viết

Một thời “xẻ dọc Trường Sơn”, nhiều lần vào sinh ra tử, đối với cựu TNXP Trần Thị Liên ở Ấp Phụng Thạnh, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ thì những ký ức hào hùng đó vẫn còn đọng mãi. Trở về cuộc sống đời thường với bao nỗi lo toan bởi hậu quả của chiến tranh nhưng cô Liên vẫn tích cực hoạt động Hội và là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó.

Một thời hoa lửa

Cô Trần Thị Liên, sinh năm 1947 ở xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Năm 1966, cô tham gia TNXP và được phân công làm Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn TNXP N111, P21 làm nhiệm ở đường Trường Sơn. Trên những đoạn đường bị địch bắn phá, cô cùng đồng đội san đường, lấp hố bom, đảm bảo thông tuyến cho các chuyến xe phục vụ chiến đấu. Gian khổ, ác liệt, nguy hiểm luôn rình rập đối với những nữ TNXP ở tuổi đôi mươi như cô. Dù tầm vóc nhỏ bé nhưng cô vẫn xông pha khuân vác, bưng bê những vật nặng để thông tuyến đường. Cô Liên kể: “Trong một lần làm nhiệm vụ, lúc ấy giặc Mỹ đánh phá ác liệt, chẳng mai cô bị thương nặng và được đưa vào chữa trị ở một cái hang thuộc Binh trạm 14, Đoàn 559. Nơi đây tập trung nhiều bộ đội, TNXP bị thương, 2 tháng chữa trị cô đã chứng kiến nhiều đồng đội bị thương, đưa về đây. Dù không thể tiếp tục cùng đồng đội mở đường nhưng nơi đây cô vẫn cùng anh em vượt qua nỗi đau để chờ ngày tiếp tục chiến đấu”.

Nhắc về ngày ấy, cô Liên nhớ đến anh chàng bộ đội mắt một mí, nhỏ con, dù trên thân thể có nhiều vết thương do mảnh bom nhưng sự chịu đựng những cơn đau làm cô thật sự nể phục. Cô nhớ rất rõ lời anh bộ đội nói: “Anh không đau đâu em, bộ đội mà”. Điều đó thể hiện tinh thần lạc quan của những người lính Trường Sơn.

Những năm tháng đó, trên đường Trường Sơn, mỗi khi xe đến là máy bay địch đánh bom xối xả. Xe vừa qua, TNXP có mặt để san lấp, có khi công việc chưa xong thì máy bay địch lại kéo đến ném bom. Nhiều người hi sinh, bị vùi lấp mất tích nhưng họ vẫn dũng cảm ngày đêm chốt giữ bảo vệ trận địa, san lấp mặt đường cho người và xe bộ đội ta ra Bắc vào Nam.

Gia đình nhỏ với bao nỗi lo toan

Năm 1976, cô Liên lập gia đình và vào miền Nam lập nghiệp. Gia đình nhỏ càng ấm áp khi 5 người con lần lượt ra đời. Những tưởng hạnh phúc trong gia đình nhỏ đầy ắp tiếng cười nhưng trớ trêu thay, người con thứ 5 lại bị thiểu năng trí tuệ. Gánh nặng thêm đè nặng lên gia đình cô. Tình thương của một người mẹ dành cho con làm cô có thêm nghị lực nuôi các con cô khôn lớn. Thế là cả gia đình làm lụng nhiều thứ để lo thuốc thang cho người con thứ 5.

Không có đất canh tác, cuộc sống của gia đình chủ yếu là làm thuê. Bao năm vất vả dành dụm chỉ đủ mua một mảnh đất nhỏ và nhờ sự giúp đỡ của Hội Cựu TNXP Thành phố cô mới có ngôi nhà cấp 4 ở cho đến nay. Năm 2014, trong chuyến đi cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa, khi đến Huế, cô bị đột quỵ phải nằm viện một tháng, tổng chi phí gần 60 triệu. Gia đình cô phải vay mượn khắp nơi để có tiền chữa trị.

Năm 2016, người con thứ 3 lại bị khối u trong não và không qua khỏi. Đầu năm 2017, một lần nữa tai họa lại ập đến, trong khi nhà nhà ai cũng quây quần bên nhau đón Tết thì chồng cô đột ngột qua đời. Một năm trải qua 2 nỗi đau mất người thân, thật sự là nỗi đau xé lòng. Hiện giờ nhà chỉ còn lại cô và người con út. Ở cái tuổi 70, hàng ngày cô vẫn phải đi làm bong bóng cá cho xí nghiệp, mỗi ngày chỉ được hơn 100.000 đồng. Tuổi già, sức yếu, lom com cả ngày từ sáng sớm đến chiều tối.

Kể đến đây, cô Liên không kìm nén được những giọt nước mắt. Trong chiến tranh cô xông pha cùng đồng đội ngày nào, khi hòa bình cô lại phải một mình chăm sóc gia đình bé nhỏ của mình bằng một nghị lực phi thường. Chiến tranh đã qua đi, nhưng hiện tại cô đang phải đối đầu với hoàn cảnh đau buồn mà không một người mẹ nào muốn. Một đứa con bị thiểu năng trí tuệ, không tự chăm sóc bản thân mình được. Cô Liên lo lắng: “Bây giờ cô còn lo cho con cô được nhưng không biết đến bao giờ nữa. Khi cô mất đi, nó sẽ ra sao? Ở cái tuổi 24 của mình, nó khờ như đứa trẻ. Rồi đây sẽ ra sao!”.

Nhìn cảnh nhà đơn chiếc, càng thấy thương cho hoàn cảnh của cô. Dường như những nỗi đau, bất hạnh trong cuộc sống đời thường được nén lại, thay vào đó là ý chí và nghị lực của một nữ TNXP ngày ấy. Và hôm nay, cô gồng mình làm trụ cột gia đình, làm chỗ dựa vững vàng cho các con. Hình ảnh người mẹ già và đứa con khờ trong ngôi nhà hiu quạnh, mấy ai hiểu được tình thương của người mẹ dành cho con vô bờ bến. Khó khăn, vất vả nhưng cô Liên vẫn tích cực tham gia hoạt động của Hội và địa phương. Cô Liên chia sẻ: “Mình khó khăn nhưng có đồng đội khác còn khó khăn hơn. Mỗi khi được gặp đồng đội, dù vài câu hỏi thăm nhau thì đó cũng là niềm vui rất lớn của những người đã từng cùng chung chiến tuyến. Vì vậy, tôi còn sức thì còn cống hiến cho hoạt động hội”.

Biết hoàn cảnh cô Liên nên vào các dịp lễ tết, chính quyền, đoàn thể các cấp đến động viên, thăm hỏi, giúp đỡ gia đình cô. Điều đó đã phần nào an ủi, động viên để giúp cô vượt qua khó khăn.

Dành tuổi thanh xuân cho cách mạng, cho sự nghiệp dựng xây quê hương, đất nước, dẫu cuộc sống còn nhiều gian khó, cô Liên vẫn luôn tự hào về truyền thống của lực lượng TNXP, tự hào về những năm tháng vẻ vang./.

H&T