Ngày trở về

Đăng lúc: 21-06-2022 3:07 Chiều - Đã xem: 58 lượt xem In bài viết

Tiếng gọi ngoài cổng vọng vào nhà làm tôi giật mình tỉnh giấc, mới bảnh mắt không biết ai tìm mình sớm thế. Tôi vội vàng ra mở cổng và sững sờ nhìn vị khách không mời mà đến. Một người đàn ông to cao, mắt sáng, vai đeo ba lô con cóc, mặc bộ quần áo quân phục đã bạc mầu, đầu đội mũ tai bèo, mắt trân trân nhìn tôi tủm tỉm cười:

– Bác tìm ai?

– Xin hỏi đây có phải nhà bà “Sơn ca” không ạ!

Tôi giật mình nhìn vị khách từ đầu đến chân, tự nhủ sao ông ta lại biết tên biệt danh mà đồng đội đã đặt cho mình ở Trường Sơn năm xưa. Tôi hồi hộp giọng run run hỏi vị khách.

– Bác từ đâu đến! tìm tôi có việc gì ạ!

– Bà mở cổng cho tôi vào nhà, rồi hãy kiểm tra lục vấn, chân tôi đứng lâu mỏi rã rời rồi đây này!

Tay tôi run mãi mới tra chìa vào ổ khóa, nhưng vẫn cảnh giác mắt không rời vị khách lạ. Bỗng tôi phát hiện bàn tay trái của vị khách mất ba ngón, bất ngờ với cả chính mình, tự nhiên miệng tôi phát ra một âm thanh gẫy vụn, tròn mắt nhìn vị khách.

– Trời ơi! Hoàng – Pải Sài!

Vị khách đẩy cổng bước vào, tháo ba lô trên vai quăng xuống đất, dang đôi tay rắn chắc ôm chặt lấy tôi. Toàn thân tôi nóng bừng, hơi ấm từ cơ thể khỏe mạnh của Hoàng lan tỏa sang tôi, cảm giác như mình đang bay bổng lên chín tầng mây. Trong phút chốc những kỷ niệm ở Trường Sơn năm xưa lại ùa về, thật vô tư, trong sáng và nồng nàn.

– Quả đất xoay tròn phải không Sơn ca! Hoàng nghẹn ngào thì thầm bên tai tôi.

– Nghẹn thở quá! Tôi khẽ đẩy Hoàng ra, Hoàng càng ghì chặt tôi hơn trong vòng tay ấm áp. Những giọt nước mắt của Hoàng lăn xuống bờ môi tôi mặn nồng. Mãi sau cả hai người mới bình tâm trở lại, chúng tôi dìu nhau ngồi xuống ghế. Tôi vội lau đi những giọt nước mắt sung sướng còn vương trên má. Pha trà nóng đẩy về phía Hoàng một ly, nhìn không chớp mắt hỏi Hoàng dồn dập.

– Đã được gọi tên cúng cơm chưa? Hay vẫn tên Pải Sài hả ông?

– Gọi cả hai đều được!

– Nhìn ông khác quá làm tôi không nhận ra, nếu không có bàn tay thiếu ngón dẫn đường chỉ lối!

Hoàng uống cạn ly nước trà nóng, nhìn tôi tủm tỉm cười hỏi nhỏ:

– Liệu có lấy được gái Tuyên không?

– Có ma nó lấy! Thôi ông kể tôi nghe về sự thay đổi hình hài, xóa đi những vết sẹo nhằng nhịt trên khuôn mặt vốn đẹp trai của ông xem nào?

– Sao bà vội thế! Lần lượt tôi sẽ báo cáo lại sự thay đổi kể từ khi chúng mình chia tay nhau bên dòng sông Nho Quế được chưa?

Sông Nho Quế. Ảnh internet  

Hoàng nói xong đưa mắt tìm xung quanh miệng hỏi:

– Chết thật tôi quên không chào hỏi ông xã nhà bà, ông ấy đâu? Sao chỉ có mình bà?

– Ông xã tôi cùng các con về quê khánh thành nhà thờ họ mai mới lên. Tôi sinh được ba thằng đều có vợ con cả và ở riêng. Nhà này chỉ có hai vợ chồng già tự chăm sóc nhau, nên rất thoải mái về mọi mặt. Thôi lòng vòng mãi, ông kể chuyện mình xem nào, sốt ruột quá:

Hoàng nhìn tôi tự tin dốc bầu tâm sự: Bà biết không, từ ngày chúng mình chia tay nhau ở dốc Mã Pì Lèng – Đồng Văn. Khi về nhà tôi như người mất hồn, đứng ngồi không yên, suy nghĩ lung tung về lời nói của bà “phải về quê thay đổi tên mình” cứ văng vẳng bên tai. Đêm nằm suy nghĩ tôi càng nhớ gia đình nơi chôn rau cắt rốn của mình, mong muốn được về thắp cho cha mẹ nén hương, khi các cụ quy tiên tôi không có mặt, tôi thật là thằng con trai bất hiếu. Sau khi suy nghĩ kỹ tôi liền tìm gặp anh Sào Dín tâm sự, mạnh dạn nói rõ nguyện vọng của mình, anh Sào Dín nhất trí ủng hộ ngay…

Chỉ sau một tuần anh Sào Dín đưa cho tôi cục tiền và bảo:

– Pải Sài ơi! Trước khi về quê, em hãy xuống Hà Nội để sửa sang lại khuôn mặt khỏi các vết sẹo cho dễ coi. Còn việc gia đình em ở trên này đã có anh chị lo em cứ yên tâm nhé.

Tôi cảm động trước sự quan tâm của anh chị Sào Dín đã cưu mang tôi suốt mấy chục năm nay. Tôi căn dặn vợ con xong liền khoác ba lô về Hà Nội sửa sang sắc đẹp theo đúng hình hài như xưa.

– Bà nhìn tôi xem đã duyệt được chưa?

Tôi không ngờ những vết sẹo trên mặt mình đã biến mất thật hoàn hảo, hôm gỡ băng soi gương tôi thấy sung sướng và hài lòng. Thế là gần một tháng ở Hà Nội, tôi lại khoác ba lôvề quê Khoái Châu – Hưng Yên nơi chôn rau cắt rốn của mình. Đồng thời báo tin cho gia đình và anh chị Sào Dín biết mình đang trên đường về quê xong việc sẽ lên.

Về đến cổng làng, tim tôi đập thình thịch liền sà vào quán nước ven đường, uống liên tiếp năm chén trà nóng để lấy bình tĩnh, bà quán nước dán mắt nhìn tôi hỏi:

– Bác về đâu ta? Sao giống cậu Đạt nhà ông Nhất đầu xóm quá, cứ như hai giọt nước, hay là…?

Tôi giật mình vội đứng dậy chào bà quán nước, bước thật nhanh trên con đường làng quen thuộc nay đã được rải bê tông sạch đẹp. Tôi mạnh dạn bước chân vào sân nhà có chiếc cầu ao còn nguyên vẹn thủa nào, chỉ khác xung quanh bờ ao được kè đá, nước vẫn đầy, cá nổi nhấp nhô trên mặt nước trông thật tuyệt.

Cả nhà thằng Đạt em tôi đang ăn cơm trưa, đều buông bát đũa trân trân nhìn khi tôi xuất hiện. Không kìm nổi lòng mình tôi tháo ba lô trên vai quăng xuống đất kêu lạc cả tiếng.

– Đạt ơi! Anh đây, Hoàng anh trai của các em đã trở về!

Cả nhà áo đến ôm tôi sờ nắn, nước mắt giàn dụa.

– Trời ơi! Anh Hoàng! Có thật anh Hoàng không?

– Làng nước ơi! Anh trai tôi đã trở về.

Trong chốc lát gia đình em trai tôi đã tụ tập đông đủ người già, trẻ nhỏ trong xóm, ai cũng vui mừng, sung sướng tột cùng, mừng cho gia đình thằng Đạt có người anh sống lại, sau bao nhiêu năm đất nước hết chiến tranh, mọi người vây quanh tôi hỏi đủ điều. Thằng Đạt nhìn tôi lo lắng xin phép mọi người cho tôi nghỉ ăn cơm rồi mai thưa chuyện sau.

– Thời gian còn dài, xin cô bác để anh cháu nghỉ ăn cơm được không ạ!

Bà con lối xóm tế nhị ra về, còn lại gia đình anh em tôi tự do tâm sự. Đêm đó thằng Đạt nhóm bếp củi anh em ngồi uống nước trà thâu đêm để bày tỏ nỗi lòng nhung nhớ. Thằng Đạt tựa bờ vai tôi thút thít như trẻ nhỏ.

– Ước gì cha mẹ còn sống anh ơi!

– Anh là thằng con trai bất hiếu phải không em?

– Hoàn cảnh đưa đẩy, có ai muốn như vậy đâu anh!

Anh trở về là lộc trời ban cho gia đình và làng xóm rồi, làng ta còn nhiều người hy sinh trong chiến tranh chỉ còn xương cốt đưa về thôi…ngày mai em sẽ làm mâm cơm trình tổ tiên và bố mẹ, báo cáo anh đã trở về bằng xương, bằng thịt hẳn hoi rồi xin bỏ bát hương của anh trên bàn thờ xuống. Đồng thời làm thủ tục cần thiết báo cáo với chính quyền địa phương xóa bỏ danh hiệu gia đình liệt sỹ phải không anh?…

 *

*  *

Ấy thế mà gần một tháng hai anh em mới làm xong thủ tục xóa tên liệt sỹ, làm lại chứng minh nhân dân mang tên Hoàng, bí danh Pải Sài. Hoàng vừa nói vừa đưa tay vào túi áo lôi ra chứng minh nhân dân đưa tôi xem.

– Thật tuyệt vời phải không Sơn ca?

– Chúc mừng ông đã trở về thành công, nhưng khi làm thủ tục sống lại có vướng mắc gì không?

– Có đấy! anh em tôi phải đi xét nghiệm huyết thống, còn anh Sào Dín phải lấy giấy chứng nhận của địa phương, do tôi mất trí nhớ, anh đã gặp ở bến xe khách đưa tôi về nhà chăm nuôi, đến nay mới bình phục trở lại. Mọi thủ tục liên quan về pháp lý của chính quyền địa phương, anh em tôi đều thực hiện đầy đủ. Đến nay cuộc đời tôi mới thật sự được thanh thản sống tiếp bạn ạ. Cứ một năm đôi kỳ đến ngày giỗ bố mẹ, vợ chồng tôi lại bố trí về quê nơi chôn rau cắt rốn, bản thân không còn mặc cảm với quá khứ nữa.

Tôi xin cảm ơn lời khuyên hãy trở về quê của bà nhé!

– Ông ở chơi với vợ chồng tôi có lâu không?

– Tôi đã hẹn xe đến đón rồi, để lần sau tôi đưa vợ con về chơi với ông bà lâu hơn, xin bà xác nhận mấy chữ vào hồ sơ để làm chế độ những năm tháng tôi tham gia TNXP ở Trường Sơn, còn thời gian chuyển sang quân đội tôi đang lần mò tìm kiếm người cùng đơn vị để xác nhận kê khai.

Hoàng đưa cho tôi xem một số giấy tờ có liên quan đến việc kê khai để hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước, đối với cựu TNXP tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương. Tôi hướng dẫn tỉ mỉ cho Hoàng về việc lập hồ sơ để hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định 40/CP của Thủ tướng chính phủ ban hành, Quyết định 290/CP hưởng bảo hiểm y tế…

Chúng tôi nghẹn ngào chia tay nhau, hẹn ngày gần nhất gặp lại, xe tắc xi đến đón, Hoàng vội vã bắt tay tôi thật chặt, cười hết cỡ để lộ chiếc răng vàng làm duyên./.

Phạm Thúy Mơ